HÔN NHÂN GIA ĐÌNH

“Mối liên hệ đặc biệt nơi cuộc sống hôn nhân của thành phần lãnh nhận phép rửa đối với mầu nhiệm Thiên Chúa”


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Huấn Từ của ĐTC Gioan Phaolô II ngày 30/1/2003 với Pháp Đình Roma dịp Mở Năm Tài Phán

Các năm trước Tôi đã nói đến vấn đề liên quan đến khía cạnh tự nhiên của đời sống hôn nhân, hôm nay Tôi muốn Qúi Chức chú ý tới mối liên hệ đặc biệt nơi cuộc sống hôn nhân của thành phần lãnh nhận phép rửa đối với mầu nhiệm Thiên Chúa, một mối liên hệ mà, qua giao ước mới và tối hậu nơi Chúa Kitô, đã mặc lấy phẩm vị của một bí tích.

Khía cạnh tự nhiên và mối liên hệ với Thiên Chúa đây không phải là hai khía cạnh sát cánh với nhau, trái lại, chúng liên hệ với nhau một cách sâu xa như là sự thật về con người và là sự thật về Thiên Chúa. Tôi rất tha thiết với đề tài này: Tôi trở lại với nó trong lúc này đây cũng là bởi quan điểm về mối hiệp thông của con người với Thiên Chúa rất hữu ích, thậm chí cần thiết, cho việc làm của các vị thẩm phán, các vị biện hộ cũng như cho tất cả những ai liên quan tới luật lệ của Giáo Hội.

3. Cái liên hệ giữa trào lưu tục hóa và cuộc khủng hoảng đời sống hôn nhân gia đình hẳn nhiên đã quá rõ ràng. Cuộc khủng hoảng liên quan đến ý nghĩa về Thiên Chúa cũng như ý nghĩa về thiện ác theo luân lý đã thành đạt trong việc làm suy giảm cái quen thuộc đối với những nền tảng của đời sống hôn nhân cũng như đời sống gia đình được bắt nguồn từ hôn nhân. Để có thể hiệu nghiệm phục hồi sự thật nơi lãnh vực này, cần phải tái nhận thức chiều kích siêu việt được gắn liền với tất cả sự thật về hôn nhân và gia đình, bằng việc thắng vượt hết mọi phân rẽ có khuynh hướng chia lìa các khía cạnh trần tục với khía cạnh đạo giáo như thể có hai cuộc hôn nhân, một cuộc hôn nhân trần tục và một cuộc hôn nhân linh thánh.

“Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài; theo hình ảnh của mình Thiên Chúa đã dựng nên con người; Ngài đã dựng nên họ có nam có nữ” (Gn 1:27). Hình ảnh được Thiên Chúa được thấy nơi tính chất lứa đôi của con người nam và nữ cũng như nơi mối hiệp thông liên cá thể của họ. Đó là lý do siêu việt tính đã sẵn có nơi cuộc hiện hữu của đời sống hôn nhân ngay từ ban đầu, vì nó thuộc về đặc thù tính tự nhiên giữa người nam và người nữ trong trật tự tạo thành. Qua trạng thái “là một thân thể” của mình (Gn 2:24), con người nam và con người nữ này, bằng việc tương trợ nhau và sinh sản, tham dự vào một cái gì đó linh thánh và đạo nghĩa, như được nhấn mạnh đến trong Thông Điệp Arcanum Divinae Sapientiae của Vị Tiền Nhiệm Lêô XIII của Tôi, một văn kiện đề cập đến việc hiểu biết về hôn nhân theo những nền văn minh cổ (10 Feb. 1880, Leonis XIII P.M. Acta, vol. II, p. 22). Đối với vấn đề này, Ngài nhận định rằng hôn nhân “ngay từ ban đầu đã là hình ảnh (adumbratio) của Việc Lời Chúa Nhập Thể” (ibid.). Trong tình trạng công chính nguyên thủy, Adong và Evà đã được hưởng tặng sủng siêu nhiên. Như thế, trước khi Việc Lời Nhập Thể xẩy ra trong giòng lịch sử thì sự thánh hảo của việc Lời Nhập Thể này đã được ban xuống cho nhân loại.

4. Rất tiếc, vì các hậu quả của nguyên tội, những gì là bản chất nơi mối liên hệ giữa con người nam và nữ đã đi đến chỗ sống theo đường lối không hợp với dự án và ý muốn của Thiên Chúa, và tình trạng tách mình lìa xa Thiên Chúa không thể tránh khỏi kéo theo cả một tình trạng giá trị nhân bản bị hạ giá một cách tương xứng nơi các mối liên hệ về gia đình. Thế nhưng, vào lúc “thời gian nên trọn”, chính Chúa Giêsu đã phục hồi dự án nguyên thủy của hôn nhân (x Mt 19:1-12), nhờ đó, trong tình trạng của bản tính được cứu chuộc, mối hiệp nhất giữa con người nam và nữ chẳng những lấy lại được sự thánh thiện ban đầu, mà còn được thực sự tham dự vào chính mầu nhiệm giao ước của Chúa Kitô với Giáo Hội.

Bức Thư Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Eâphêsô đã trực tiếp gắn nối đoạn Sách Sáng Thế Ký này với mầu nhiệm ấy: “Vì lý do này mà người nam lìa bỏ cha mẹ mình để gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ nên một xác thịt (Gn 2:24). Đây là một mầu nhiệm cao cả; tôi cố ý nói đến Chúa Kitô và Giáo Hội” (Eph 5:31-32). Mối liên hệ nội tại này nơi đời sống hôn nhân được thiết lập từ ban đầu của việc tạo thành, và mối hiệp nhất của Lời Nhập Thể với Giáo Hội được tỏ hiện nơi hiệu quả của mình bằng quan niệm về bí tích. Công Đồng Chung Vaticanô II đã diễn tả sự thật của đức tin chúng ta này từ quan điểm của chính những con người thành hôn: “Các đôi phối ngẫu Kitô hữu, bởi bí tích hôn phối, là tiêu biểu cho và được tham phần vào mầu nhiệm của mối hiệp nhất và yêu thương phong phú giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Người (x Eph 5:32). Bởi thế, các đôi phối ngẫu giúp nhau chiếm đạt sự thánh thiện nơi đời sống hôn nhân của mình cũng như bằng việc chấp nhận con cái và giáo dục con cái. Nhờ đó, với bậc sống và lối sống của mình, họ có một tặng ân riêng nơi Dân Chúa” (Dogmatic Constitution Lumen gentium, n. 11). Mối liên hệ chặt chẽ giữa lãnh vực tự nhiên và siêu nhiên này, ngay sau đó, đã được Công Đồng diễn tả cho thấy liên quan đến đời sống gia đình, một gia đình không tách khỏi hôn nhân và được thấy như là một thứ “giáo hội tại gia” (ibid.).

5. Đời sống và hình ảnh Kitô hữu tìm thấy nơi sự thật này một nguồn ánh sáng khôn cùng. Thật vậy, tính cách bí tích của đời sống hôn nhân là cách thức hiệu nghiệm cho việc tìm hiểu sâu xa hơn nữa mầu nhiệm của mối liên hệ giữa bản tính tự nhiên và ân sủng. Qua sự kiện hôn nhân của thời xưa đã trở thành dấu hiệu và là dụng cụ cho ân sủng của Chúa Kitô trong thời Tân Ước, người ta thấy được dấu chứng của siêu việt tính nội tại nơi tất cả những gì thuộc về hữu thể của con người, nhất là thuộc về mối liên hệ tự nhiên theo tính cách khác biệt song bổ khuyết cho nhau nơi con người nam nữ. Cái con người và thần linh được cấu kết với nhau một cách tuyệt vời.

Ý hệ nặng trần tục ngày nay có khuynh hướng xác nhận các giá trị nhân bản của cơ cấu gia đình nhưng lại tách những giá trị này khỏi những giá trị đạo nghĩa và cho rằng chúng hoàn toàn biệt lập với Thiên Chúa. Thực sự bị ảnh hưởng bởi những lối sống rất hay được thấy nơi các phương tiện truyền thông đại chúng, ý hệ ngày nay đã đặt vấn đề: “Tại sao người phối ngẫu này cứ phải luôn luôn trung thành với người phối ngẫu kia?”, và vấn nạn này, trong những lúc bị khủng hoảng, đã biến thành mối ngờ vực về cuộc sống. Những khó khăn trong đời sống hôn nhân có thể có những hình thức khác nhau, thế nhưng, tựu kỳ trung thì tất cả đều qui về vấn đề yêu thương. Đó là lý do, vấn nạn trước có thể được đặt lại thế này: tại sao bao giờ cũng cần phải yêu người phối ngẫu của mình, ngay cả khi có rất nhiều lý do bề ngoài có thể đi đến chỗ bỏ nhau?

Nhiều câu trả lời có thể được nêu lên; trong số đó, những câu trả lời rất mạnh đó là vì thiện ích của con cái cũng như thiện ích của toàn thể xã hội, thế nhưng, câu trả lời trọng yếu nhất phát xuất từ việc nhìn nhận tính cách khách quan của việc làm vợ chồng là việc được thấy như một món quà tặng trao cho nhau, một việc được chính Thiên Chúa làm cho khả dĩ và bảo toàn. Bởi thế, lý do tối hậu nơi phận sự trung thành yêu thương không còn là gì khác ngoài cái vốn là nền tảng cho giao ước của Thiên Chúa đối với con người, đó là việc Thiên Chúa thủy chung. Để lòng có thể trung thành với người phối ngẫu của mình, thậm chí ngay cả trong những trường hợp gay cấn nhất, con người cần phải chạy đến với Thiên Chúa, tin tưởng là mình sẽ được Ngài hỗ trợ. Ngoài ra, con đường dẫn tới chỗ trung thành với nhau này cần đến cánh cửa lòng mở ra trước đức ái của Chúa Kitô nữa, một đức ái “chấp nhận mọi sự, tin tưởng mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự” (1Cor 13:7). Mầu nhiệm cứu chuộc hiện thực nơi hết mọi cuộc sống hôn nhân, được thể hiện bằng việc thực sự tham phần vào Thánh Giá của Chúa Cứu Thế, bằng việc chấp nhận cái ngược đời của Kitô Giáo là cái liên kết hạnh phúc với việc chịu đựng khổ đau bằng tinh thần đức tin.

6. Từ những nguyên tắc này, người ta có thể rút ra nhiều thành quả cụ thể nơi bản chất của công việc mục vụ, luân lý và pháp lý. Tôi muốn đề cập đến một ít thành quả liên hệ đặc biệt với hoạt động pháp lý của quí chức.

Trước hết, quí chức không bao giờ được quên rằng mình nắm trong tay mầu nhiệm cao cả được Thánh Phaolô nói đến (x Eph 5:32), cả khi quí chức đối diện với một cuộc hôn nhân có tính cách bí tích theo đúng nghĩa của nó, lẫn trường hợp cuộc hôn nhân tự nó có tính chất linh thánh nguyên khởi, tức là được kêu gọi để trở thành một bí tích qua việc lãnh nhận phép rửa của đôi phối ngẫu. Việc chú trọng đến tính cách bí tích này làm nổi bật siêu việt tính nơi phận vụ của quí chức, mối giây thắt cột nó với công cuộc cứu độ. Đó là lý do khía cạnh đạo nghĩa phải thấm nhập vào tất cả mọi hoạt động của quí chức. Từ việc thực hiện những nghiên cứu khoa học về đời sống hôn nhân đến hoạt động hành sử công lý hằng ngày, sẽ không còn chỗ đứng trong Giáo Hội cho một nhãn quan về hôn nhân hoàn toàn nhất thời và tục hóa nữa, chỉ vì cái nhãn quan này không đúng về thần học cũng như về pháp lý.

7. Theo chiều hướng này, chẳng hạn, cần phải lấy cẩn trọng về trách nhiệm của vị thẩm phán theo khoản Giáo Luật 1676 trong việc nâng đỡ và tích cực tìm cách làm vững chắc và hòa giải hôn nhân bao nhiêu có thể. Về phương diện tự nhiên cũng thế, thái độ nâng đỡ cuộc sống hôn nhân và gia đình phải được ưu tiên trước khi tiến đến pháp đình. Việc mục vụ cần phải từ từ giúp soi sáng cho lương tâm con người về sự thật liên quan đến phận sự trổi vượt của lòng trung thành là những gì được trình bày một cách thu hút và thuận lợi. Trong việc hoạt động để tiến tới chỗ tích cực thắng vượt được những xung khắc về hôn nhân, cũng như trong việc trợ giúp tín hữu đang ở vào trường hợp hôn nhân bất bình thường, cần phải tạo nên một sự hợp tác bao gồm hết mọi người trong giáo hội: như cả các vị mục tử, chuyên viên luật pháp, chuyên gia về các khoa tâm lý và tâm thần, thành phần giáo dân, nhất là những ai đã lập gia đình và có kinh nghiệm sống. Tất cả cần phải nhớ rằng họ đang đối diện với một thực tại linh thánh cũng như với một vấn đề động chạm đến phần rỗi các linh hồn.

8. Tầm quan trọng của tính cách bí tích nơi hôn nhân, và nhu cầu cần phải có đức tin để nhận biết và sống trọn vẹn chiều kích này, có thể tạo nên một số hiểu lầm, hoặc liên quan tới việc cho phép cử hành hôn nhân hay liên quan tới những phán quyết về tính cách hiệu thành của hôn nhân. Giáo Hội không từ chối cho phép cử hành một cuộc hôn nhân đối với những ai có đủ điều kiện, cho dù họ chưa hoàn toàn về quan điểm siêu nhiên, miễn là con người này có ý hướng đúng đắn trong việc lập gia đình theo bản chất tự nhiên của hôn nhân. Thật vậy, song song với cuộc hôn nhân theo tự nhiên, người ta không thể nói đến một kiểu mẫu khác theo hôn nhân Kitô Giáo với những đòi hỏi siêu nhiên chuyên biệt.

Không được gạt bỏ sự thật này trong việc xác định những ranh giới về vần đề không bao gồm tính cách bí tích (x canon. 1101.2) cũng như về “việc xác định xem có gì lầm lỗi nơi tính cách hiệu thành bí tích” (x can. 1099) như những lý do có thể hủy hôn. Trong cả hai trường hợp ấy, cần phải nhớ rằng, thái độ của những ai lập gia đình không để ý tới chiều kích siêu nhiên của hôn nhân có thể cho hủy hôn và không thành, chỉ khi nào nó tác hại tới tính cách thành hiệu của nó ở lãnh vực tự nhiên là lãnh vực cho thấy dấu hiệu của bí tích hôn nhân. Giáo Hội Công Giáo bao giờ cũng công nhận những cuộc hôn nhân giữa thành phần không lãnh nhận phép rửa như là một bí tích Kitô Giáo qua việc rửa tội của đôi phối ngẫu, Giáo Hội cũng không đặt vấn đề về sự thành hiệu của cuộc hôn nhân giữa một người Công Giáo với một người chưa chiụ phép rửa tội, nếu nó được cử hành với phép chuẩn cần thiết.

(Dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 14/2/2003)