Một luật sư trẻ bị khủng hoảng tinh thần đến nỗi bạn bè và người thân
của anh không dám để anh cầm trong tay bất cứ dụng cụ nào có thể gây
thương tích cho anh. Anh ghi lại tâm trạng của mình như sau: “Tôi là
người bất hạnh. Tôi có khá hơn được không? Điều đó tôi không nói trước
được, nhưng tôi có một cảm tưởng khủng khiếp: không bao giờ sẽ khá
hơn!”.
Vài năm sau, công việc và trách nhiệm đã mang lại sức mạnh và sự cương
quyết giúp anh không những đã tự cứu được mình mà còn cứu được đất nước
khỏi một trong những cơn khủng hoảng trầm trọng nhất. Luật sư ấy chính
là Abraham Lincoln, một trong những vị Tổng thống tài ba và đức độ nhất
của nước Mỹ.
Mượn gương của Abraham Lincoln, chúng tôi muốn nhắn gửi những đôi vợ
chồng trẻ đang trải qua cuộc khủng hoảng đầu đời hôn nhân rằng, khủng
hoảng đó là điều cần thiết để giúp họ biết chấp nhận chính mình, cũng
như chấp nhận nhau; nhờ đó, họ trưởng thành trong nhân cách và trong
tình yêu lứa đôi.
1. André Angian, một giáo sư nổi tiếng về khoa tâm lý trị liệu đã tìm
thấy hai động cơ căn bản khiến con người khước từ sự phát triển nhân
cách của mình.
Trước hết là thái độ không muốn dấn thân. Người không muốn dấn thân là
người chịu đựng cuộc sống hơn là thể hiện cuộc sống của mình một cách
sung mãn. Họ đi học, đi làm; họ lập gia đình, nhưng không thiết tha và
nhiệt tình tham dự vào những sinh hoạt ấy. Nói chung, người không muốn
dấn thân là người không biết liên kết mình với những công việc mình đang
làm.
Tạp chí Times mới đây đã dành những trang chính để nói về đời sống hôn
nhân của những người con của nữ hoàng Anh quốc Elisabeth đệ nhị. Người
ta xầm xì thái tử Eduard là người đồng tính luyến ái. Anh chị của thái
tử Eduard là quận công Andrew và Công chúa Anne đã ly dị với người phối
ngẫu của họ. Còn lại cặp vợ chồng Charles và Diane, tuy không ly dị
nhau, nhưng chỉ còn sống với nhau trên danh nghĩa vợ chồng mà thôi. Vì
danh dự của hoàng gia, có lẽ cặp vợ chồng vương giả này chỉ xuất hiện
trước công chúng như vợ chồng, nhưng trong thực tế, họ chỉ là những
người xa lạ bên nhau. Một cuộc sống vợ chồng như thế chỉ là một màn kịch
không hơn không kém. Hai người không còn phải cam kết với nhau, phải
chăng đó không phải là một thái độ thiếu dấn thân.
Thái độ thứ hai, con người không muốn sống trưởng thành, đó là thái độ
mà bác sĩ André Angian gọi là đứng núi này trông núi nọ. Người có thái
độ này là người chối bỏ hoàn toàn bản thân mình để thay vào đó một con
người tưởng tượng. Người ta trốn chạy thực tại để trú ẩn trong những
giấc mộng viển vông.
Trong đời sống hôn nhân, khi gặp khủng hoảng đầu tiên, nhiều người đã
thốt ra những lời tiếc rẻ đại loại như sau: “Phải chi tôi không lập gia
đình. Phải chi tôi gặp được người khác”. Nói tóm lại, không dấn thân hết
mình vào đời sống vợ chồng, không chấp nhận thực tại của mình cũng như
của người phối ngẫu, đó là cơn cám dỗ mà các đôi vợ chồng trẻ hay gặp
phải trong cơn khủng hoảng đầu đời hôn nhân.
2. Dấn thân và tham dự một cách tích cực vào công việc mình đang làm là
một trong những nét chính trong dung mạo của một người trưởng thành. Hơn
bất cứ công việc nào khác, đời sống hôn nhân phải được hai vợ chồng xem
như công trình xây dựng mà bằng mọi giá họ phải hoàn thành. Không một lý
do nào, một trở ngại nào, hay một khó khăn nào cho phép họ lui bước hay
bỏ cuộc. Họ chỉ có một quyết tâm để đeo đuổi, đó là họ phải được hạnh
phúc bên nhau và suốt đời.
Khi bước vào đời sống hôn nhân, nhiều người trẻ tưởng rằng, họ đã thực
sự đạt mục đích. Họ nghĩ rằng, những thời gian hẹn hò, chinh phục đã
qua, và giờ đây họ tưởng đã nắm trọn hạnh phúc trong tay, họ chỉ còn có
mỗi việc phải làm là tận hưởng. Đó là một ý nghĩ sai lầm. Chỉ trong một
thời gian ngắn sống đời hôn nhân đôi vợ chồng trẻ sẽ sớm nhận thức được
điều đó.
Hôn nhân là một công trình xây dựng mà họ chỉ là những người mới bắt tay
vào việc dàn dựng và xây cất. Công cuộc xây dựng nào cũng thế, từ sơ đồ
lý tưởng cho đến việc hoàn thành, lắm lúc người ta phải điều chỉnh, sửa
sai và cắt xén cho hợp với thực tế. Trong đời sống hôn nhân cũng vậy,
hai người sẽ không ngừng điều chỉnh để đạt được sự hài hoà.
Người ta thường đưa ra sự bất tương hợp của hai cá tính để giải thích sự
đổ vỡ của hôn nhân. Người ta thường lý luận rằng: nếu cá tính không hợp
với nhau thì nên xa nhau, hơn là cứ sống bên nhau để làm khổ nhau. Đó là
cách giải quyết thiếu trách nhiệm. Giải quyết như thế chẳng khác nào bảo
rằng, khi gặp khó khăn trong công việc thì tốt nhất là bỏ cuộc.
Thực ra, trong đời sống vợ chồng không có vấn đề hai cá tính không hợp
nhau, mà chỉ có mỗi vấn đề là người ta có muốn hoà hợp với nhau hay
không. Đã thương nhau, đã chấp nhận chung sống với nhau thì không thể
nói đến chuyện khác nhau về cá tính. Vấn đề chính của mỗi người là có
sẵn sàng điều chỉnh, thích nghi và nhất là cảm thông không?
3. Nhiều người trẻ bước vào đời sống hôn nhân với khuynh hướng muốn làm
chủ mọi sự. Đó là lý do khiến họ có cái nhìn khắt khe và đòi hỏi đối với
người khác. Họ muốn người khác suy nghĩ và hành động như họ hay theo ý
muốn của họ. Họ không thể chịu đựng được khi thấy người kia làm ngược
lại ý muốn của mình. Họ cho rằng, cách hành động của họ là cách đúng đắn
và tốt nhất. “Hãy để tôi chỉ cho”, đó là công thức quen thuộc của họ. Có
thể họ là những con người có tinh thần phục vụ cao, nhưng họ chỉ muốn
giúp đỡ và chỉ dẫn.
Tuy nhiên, họ quên rằng, con người ai cũng muốn có sự độc lập, ai cũng
muốn hành động theo suy nghĩ và cách thế riêng của mình. Tâm lý này vẫn
tiếp tục trong đời sống vợ chồng. Người chồng có cung cách suy nghĩ và
hành động của riêng mình, người vợ cũng có cái nhìn và cách giải quyết
công việc theo ý muốn của họ. Nên một với nhau không có nghĩa là xoá bỏ
nhưng là biết thích nghi với sự khác biệt ấy. Thích nghi không có nghĩa
là bắt người khác phải làm theo ý muốn của mình, mà là biết uốn nắn
chính mình để chấp nhận sự khác biệt trên đây.
4. Nói cho cùng, bài học cơ bản nhất về sự trung thành mà đời sống hôn
nhân dạy cho con người trong cơn khủng hoảng ban đầu là bài học của cảm
thông. Nếu không có cảm thông, nghĩa là nếu không biết từ bỏ chính mình,
biết ra khỏi chính mình, để tự đặt mình vào hoàn cảnh và vị trí của
người khác thì đời sống hôn nhân sẽ không bền vững, công trình xây dựng
sẽ không có nền tảng vững chắc.
Nhưng dĩ nhiên, người ta không thể một sớm một chiều đạt được sự cảm
thông; thật ra, đó là cuộc chiến đấu và chinh phục từng ngày. Lớn lên
trong tình nghĩa vợ chồng, trưởng thành trong nhân cách chính là mỗi
ngày trở nên biết cảm thông hơn.
Trong đức tin, vợ chồng Kitô hữu càng phải suy niệm nhiều hơn về chính
sự cảm thông của Thiên Chúa được thể hiện qua mầu nhiệm Nhập thể. Thiên
Chúa đã trở thành con người để cảm thông với con người. Đó cũng là mầu
nhiệm của tình yêu. Thiên Chúa đã yêu thương đến nỗi đã mang lấy thân
phận con người, sống chết như con người.
Hôn phối đã được Thiên Chúa thiết lập thành một Bí tích, nghĩa là thành
dấu chứng tình yêu của Ngài đối với con người. Sứ mệnh cao cả của vợ
chồng Kitô hữu chính là trở thành dấu chứng của tình yêu ấy. Họ phải yêu
thương bằng chính mối tình thuỷ chung của Thiên Chúa. Họ phải sống với
nhau bằng chính sự cảm thông của Ngài. |