Nhiều người cho
rằng, tình tứ lãng mạn chỉ dành cho thời kỳ theo đuổi hẹn hò với nhau mà
thôi. Một khi đã thành vợ thành chồng, người ta sẽ phải sống với nhau
thực tế hơn. Thực tế hơn để hiểu nhau hơn, thực tế hơn để đương đầu với
những vấn đề của cuộc sống mà có lẽ trong thời kỳ quen biết nhau người
ta chưa để ý tới.
Đó là quan niệm thông thường của người chồng, bản tính thích khám phá và
chinh phục. Bao lâu chưa chiếm hữu, họ dùng mọi nỗ lực và tài trí để đạt
cho bằng được; nhưng khi đã nắm trong tay rồi, họ lại lơ là với đối
tượng và đi tìm những đối tượng khác.
Thật ra, tình yêu lứa đôi không phải là một cuộc chinh phục. Đó là một
công trình xây dựng suốt đời. Thời kỳ quen biết hẹn hò chỉ là khởi đầu
của công trình xây dựng ấy. Mãi mãi tình yêu lứa đôi cần phải được nuôi
dưỡng bồi bổ bằng chính sự lãng mạn mà hai người đã trao cho nhau ngay
từ ban đầu. Đó là bí quyết để xây dựng tình yêu lứa đôi mà chúng tôi xin
được gợi lên cho người chồng trẻ trong bài này.
1. Người ta thường nói, người đàn bà chỉ trở thành đàn bà dưới cái nhìn
của người đàn ông. Thực thế, đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Chính qua
ánh mắt mà con người biểu lộ nội tâm sâu kín của mình. Điều này càng
đúng hơn trong tình yêu vợ chồng. Qua ánh mắt tình tứ, hai người trao
đổi cho nhau những gì mà họ không thể trao đổi với người khác.
Riêng với người vợ, ánh mắt tình tứ của người chồng là một bảo đảm:
người vợ được yêu thương, được bao bọc, được chở che. Ánh mắt ấy như nói
với người vợ rằng: chồng luôn ở bên cạnh mình. Ánh mắt ấy như nói với
người vợ rằng, lúc nào chồng cũng tán thành những việc làm và luôn cảm
thông những lầm lỡ thiếu sót của mình. Ánh mắt ấy là một khuyến khích
người vợ trong những công việc đơn điệu và phiền toái mỗi ngày. Một
người chồng luôn biết giữ được ánh mắt tình tứ ấy là người biết nắm chắc
hạnh phúc lứa đôi.
2. “Gần chùa gọi bụt bằng anh”. Càng thân mật gần gũi với nhau người ta
càng dễ xem thường nhau. Điều này cũng xảy ra ngay trong đời sống vợ
chồng. Người ta quan niệm, phép lịch sự chỉ dành cho những người bên
ngoài gia đình. Kỳ thực lịch sự là hoa quả của bác ái. Mà không nơi nào
đòi hỏi bác ái cho bằng chính môi trường thân thuộc của mình. Càng thiết
thân với nhau, người ta lại càng cần lịch sự với nhau hơn.
Hãy lấy thí dụ về những câu chào hỏi hằng ngày. Thông thường người ta
nghĩ đó là công thức cần thiết cho việc xã giao. Người ta chào hỏi ông
giám đốc, những người đồng nghiệp trong sở làm. Người ta chào hỏi những
người quen biết ngoài đường. Nhưng liệu người ta có nghĩ đến việc chào
hỏi những người thân trong gia đình không? Người ta quên rằng, chính
những người thân trong gia đình mới là những người cần được chào hỏi hơn
ai hết. Lời chào hỏi ấy dĩ nhiên không phải là một công thức quen thuộc
mà phải là thể hiện của một sự ân cần chăm sóc đặc biệt mà người ta muốn
dành cho những người thân của mình.
Điều này càng có giá trị hơn trong mối quan hệ giữa vợ chồng. Một câu
chào hỏi ngay từ khi thức giấc mà người chồng dành cho vợ như muốn nói
với vợ rằng, chồng luôn ở bên cạnh vợ, chồng thuộc trọn về vợ.
Người ta không chỉ nói để bày tỏ tư tưởng, để bộc lộ nỗi lòng hay để
loan truyền sứ điệp cho người khác mà còn để thiết lập quan hệ với người
khác. điều này càng có giá trị hơn trong tương quan vợ chồng. Người
chồng chào hỏi và chuyện vãn với vợ, trước hết là để thắt chặt sự liên
kết của mình với vợ. Một người chồng suốt một tuần lễ không biết tìm dịp
để nói chuyện với vợ, nhất là để khen tặng nàng, người chồng đó chưa
biết nghệ thuật làm chồng.
3. Người đàn bà thích được khen tặng, không phải vì họ không biết giá
trị khách quan của con người họ, hoặc những gì họ có, mà chỉ vì họ muốn
được yêu thương, chiều chuộng. Người đàn bà đón nhận một lời khen tặng,
trước hết như một biểu lộ của sự chú ý, của quan tâm, của tình yêu mà
người khác dành cho họ.
Đối với một quà tặng cũng thế. Người đàn ông thường nhìn quà tặng dưới
góc cạnh nghệ thuật hay lợi ích. Họ ít khi gắn liền tình cảm của họ vào
quà tặng. Đối với người đàn bà thì ngược lại, giá trị của một món quà hệ
tại ở cường độ tình cảm mà nó gợi lên. Một sự vật vô nghĩa và cũ kỹ có
thể gợi lên cho trái tim người đàn bà cả một thế giới đầy ắp kỷ niệm hay
làm sống dậy muôn nghìn cảm xúc.
Do đó, tất cả mọi quà tặng dù nhỏ bé và vô nghĩa đến đâu cũng đều có giá
trị và được họ cất giữ ôm ấp một cách trân trọng. Người đàn bà sẽ đau
khổ rất nhiều khi phải sống bên một người đàn ông không biết trao tặng,
một người đàn ông không biết trao ban chính mình.
Qua những lời khen, những quà tặng của mình, người đàn ông chứng tỏ họ
có một tâm hồn quảng đại và qua đó họ cũng trao tặng chính tình yêu của
mình cho vợ. |