“Chồng chúa vợ tôi”
không hẳn là một quan niệm cổ lỗ của các cụ ngày xưa, mà không chừng vẫn
còn rơi rớt lại trong rất nhiều người chồng trẻ ngày nay. Nhiều người
chồng vẫn còn cho mình là kẻ có quyền sai khiến vợ, dạy bảo vợ và nhất
là đánh đập vợ. Đàng sau cung cách cư xử ấy là quan điểm cho rằng, người
vợ không bao giờ là người ngang hàng, đồng hành và bình đẳng với chồng.
Một quan niệm như thế khó có thể đem lại hạnh phúc cho vợ chồng. Bởi vì
hạnh phúc đó chỉ có thể được xây dựng trên bình đẳng, tôn trọng, đối
thoại và cảm thông mà thôi.
Với người chồng trẻ, một lần nữa chúng tôi xin được phép khuyên họ hãy
xem vợ thực sự như một người bình đẳng, một người bạn đường. Cái nhìn ấy
sẽ giúp họ khoan dung hơn đối với những thiếu sót của vợ, và biết nhận
ra những đức tính cao đẹp của vợ. Nhờ đó bản thân họ cũng được kiện toàn
hơn.
1. Có nhiều người đàn ông cư xử như thể là ông chủ trong gia đình. Họ
gánh vác tất cả trách nhiệm của gia đình. Còn người vợ, dù có đầu tắt
mặt tối với bao nhiêu việc nội trợ, cũng chỉ là một kẻ trợ giúp mà thôi.
Đi từ quan niệm tự tôn ấy, nhiều người chồng cho mình có quyền đòi hỏi
nơi vợ trăm nghìn thứ dịch vụ khác nhau. Họ đòi hỏi như thế bởi vì họ
nghĩ rằng, dưới mắt người đời hay ít ra trong cái nhìn quen thuộc của xã
hội, họ là người gánh vác cả gia đình, họ cung cấp tiền bạc cho gia
đình, họ lèo lái cả gia đình.
Cái cảnh quen thuộc hay xảy ra và nhiều người cho là bình thường, đó là
cái cảnh người chồng vừa đi làm về, ngồi chễm chệ trên ghế bành chờ đợi
vợ con đến hầu hạ.
Dĩ nhiên, người cha và người chồng được hưởng sự âu yếm, săn sóc của vợ
con. Đó cũng là hạnh phúc của vợ con khi được biểu lộ tình yêu đối với
chồng, với cha. Tuy nhiên, khi đón nhận sự săn sóc và phục vụ ấy, người
đàn ông đừng nghĩ rằng, đó là quyền của mình.
Nhất là họ đừng nghĩ rằng, công việc nội trợ trong nhà của vợ chỉ là
việc phụ. Từ chuyện con cái đến chuyện bếp núc, và nhất là sự đặc biệt
nhàm chán của công việc hàng ngày, xem ra công việc của một người vợ
trong gia đình còn nặng nề hơn những vất vả của người chồng ngoài đồng
áng hay nơi công sở.
Một người chồng có ý thức và công bình sẽ nhận ra rằng, công việc của
mình ngoài gia đình và công việc của vợ con trong gia đình đều có giá
trị ngang nhau. Cả hai đều cần thiết để xây dựng và bảo trì hạnh phúc
lứa đôi và gia đình.
Biết nhận ra sự phân chia trách nhiệm như thế tức là đã nhận ra sự bình
đẳng giữa vợ chồng.
2. Ý thức về sự bình đẳng giữa vợ chồng sẽ giúp cho người chồng biết tôn
trọng và quan tâm đến vợ mình hơn.
Nếu người chồng sau một ngày làm lụng vất vả biết chờ đợi sự chăm sóc,
phục vụ, âu yếm của vợ thì hẳn người vợ còn cảm thấy cái nhu cầu ấy gấp
bội. Sự bình đẳng đòi hỏi cả hai phải biết quan tâm phục vụ nhau.
Một tạp chí khuyên người chồng như sau:
“Nếu bạn muốn biến vợ bạn thành một người đàn bà suốt ngày cau có, làu
nhàu, thì phương pháp hữu hiệu nhất là bạn đừng lắng nghe bất cứ điều gì
vợ bạn nói.
Người vợ nào cũng cảm thấy như được đưa lên tầng trời thứ bảy khi được
chồng mình chăm chú lắng nghe trong hai mươi phút liền.
Thực ra, nếu người chồng biết chịu khó gỡ bông gòn ra khỏi hai lỗ tai
của mình để lắng nghe vợ, hẳn ông sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng, vợ mình
có thể nói được những điều thú vị không ngờ.
Để tránh cho việc trò chuyện giữa vợ chồng có lúc nhàm chán, thỉnh
thoảng họ nên quên đi những chuyện thường ngày trong gia đình để bàn
luận về những đề tài bao quát hơn, như tôn giáo, chính trị, xã hội, khoa
học… Hoặc cũng có thể đọc chung với nhau một trang báo hàng ngày. Người
chồng hãy tạo dịp cho vợ mình có dịp phát biểu trong những vấn đề như
thế.
Một trong những phương pháp hữu hiệu để chống lại sự nhàm chán, độc điệu
trong đời sống gia đình là hãy có chung với nhau một vài sở thích. Điều
đó cũng có nghĩa là người chồng cũng phải quan tâm đến những sở thích
của vợ mình.
Người vợ nào lại không cảm thấy hạnh phúc khi được người chồng góp ý
trong cách ăn mặc và trang điểm? Người vợ nào không cảm thấy sung sướng
khi được chồng khen ngợi vì nghệ thuật nấu nướng của mình?
Để giúp cho vợ khỏi trở thành người bạn đường nhàm chán, người chồng cần
phải tỏ ra quan tâm đến vợ mình. Và dĩ nhiên, một người chồng biết quan
tâm đến vợ cũng sẽ là một người bạn đường khéo léo và hấp dẫn nhất đối
với vợ”.
3. Những lời khuyên trên đây của tờ tạp chí cũng mời gọi người chồng
phải biết chú ý đến những cái thường ngày, những điều nhỏ nhặt trong đời
sống vợ chồng. Hạnh phúc lứa đôi và sự bình an trong gia đình tuỳ thuộc
phần lớn vào những điều nhỏ ấy.
Giúp vợ nấu nướng, giặt giũ, quét dọn, hay cùng làm với vợ bất cứ việc
nhỏ nào trong nhà, đó là muôn nghìn cách thế người chồng tỏ ra quan tâm
đến vợ, và nhất là tôn trọng vợ.
Qua những trợ giúp ấy người chồng cũng sẽ cảm thấy được lớn lên trong
nhân cách của mình.
Người ta nói: muốn biết được tư cách của người đàn ông, hãy nhìn cách
sống của họ trong gia đình.
Người ta trở về nhà không phải chỉ để ăn uống, để bồi dưỡng, để trốn
thoát những khó khăn trong xã hội, mà là để tìm lại chính mình.
4. Trong Tin Mừng, khi nói đến tinh thần phục vụ vô vị lợi, Chúa Giêsu
đã dùng hình ảnh của người đầy tớ sau khi đã vất vả suốt ngày trong công
việc đồng áng, trở về nhà lại phải tiếp tục hầu hạ chủ.
Và Chúa Giêsu kết luận: “Các con cũng thế, sau khi đã làm tất cả những
công việc phục vụ đó, hãy nói: đó là công việc các con phải làm, các con
chỉ là đầy tớ vô dụng mà thôi”.
Vị Giáo Hoàng trong Giáo Hội thường xưng mình là đầy tớ của mọi đầy tớ
Chúa. Đó cũng là lý tưởng cho mọi tín hữu, và nhất là cho mọi người
chồng.
Tình yêu đích thực như Chúa Giêsu đã thể hiện chính là hy sinh phục vụ.
Và như Ngài đã dạy: Chính lúc mất mạng sống mình, con người sẽ tìm gặp
lại chính mình. Đó phải là tâm niệm của người chồng trẻ vậy. |