Trang Độc Giả


Đức Giêsu là Chúa

Trầm Thiên Thu
(Chuyển ngữ từ igonier.org)

Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2:5–11).

Ở tuổi 86, ĐGM Polycarp của GP Smyrna, thế kỷ II, là môn đệ của Thánh Gioan Tông đồ, đã bị đưa ra trước chính quyền La Mã và buộc phải gọi hoàng đế Xê-da (Caesar) là chúa. Làm vậy sẽ được sống, nhưng ĐGM Polycarp đã từ chối và bị giết chết, gợi hứng cho những người khác giữ đức tin.

Ngoài chuyện của ĐGM Polycarp, không là điều khác thường để gọi hoàng đế Xê-da là kurios, tiếng Hy Lạp có nghĩa là “chúa”. Theo nguyên ngữ, kurios có thể có nghĩa là “ngài” theo cách nói lịch sự khi nói đến người khác. Cũng có thể có nghĩa là “chủ” của các nô lệ hoặc các tôi tớ. Tuy nhiên, không có nghĩa này khi La Mã dùng danh xưng kurios đối với hoàng đế. Thay vì thế, kurios biểu hiện tính thần thánh khi dùng để nói về hoàng đế Xê-da. Là Kitô hữu, ĐGM Polycarp không thể gọi hoàng đế Xê-da là chúa mà không vi phạm giáo lý cơ bản nhất của đức tin: “Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta”  (Xh 20:2-3).

Thi thoảng, Tân ước có thể mang ý nghĩa ít ca tụng trong danh từ kurios khi tôn xưng Đức Giêsu là Chúa, nhưng danh xưng này chắc chắn nói về Ngài với ý nghĩa cao nhất. Như chúng ta biết, bản Cựu ước bằng cổ ngữ Hy Lạp được gọi là Bản Bảy Mươi (Septuagint) dịch danh từ tiếng Do Thái Yahweh (Gia-vê) và adonai đều là kurios. Gia-vê được mặc khải là Thánh Danh Chúa trong tiếng Do Thái và Adonai là một trong các danh xưng của Ngài; như vậy, “Kurios” hoặc “Chúa” là danh xưng cao trọng nhất dành cho Thiên Chúa trong Bản Bảy Mươi, được trích dẫn trong suốt Tân ước.

Khi kurios được dùng theo nghĩa này, nó có nghĩa là “Đấng Tối Cao”. Đó là danh xưng uy nghi, chuyển tải sự cao cả và quyền năng của Thiên Chúa, là bằng chứng kiệt xuất về tính thánh của Chúa Giêsu khi được dùng để nói về Ngài. Trong chương 2, thư gởi giáo đoàn Philípphê, Thánh Phaolô bàn về sự khiêm nhường và sự tán dương Con Thiên Chúa, gọi Đức Giêsu là “Chúa” với ý nghĩa tối cao. “Chúa” là Tôn Danh vượt trên mọi danh hiệu đã được dùng cho Đấng Cứu Độ khi Chúa Cha tôn vinh Ngài (x. Pl 2:9-11).

Dĩ nhiên, Thánh Phaolô không nói Con Thiên Chúa không xứng với danh hiệu này trước khi Ngài hóa thành nhục thể vì chúng ta. Không, Thánh Phaolô đang đề cao đức tuân phục hoàn toàn của Chúa Con, theo sau là cái chết của Ngài vì tội lỗi chúng ta và sự phục sinh của Ngài, cho thấy rõ rằng Đức Giêsu thực sự xứng đáng là Chúa muôn loài.

Các Kitô hữu như ĐGM Polycarp chịu tử đạo vì họ không chịu gọi hoàng đế Xê-da là chúa. Họ biết rằng chỉ có Đức Giêsu là Chúa và không ai hơn Ngài. Các Kitô hữu này biết rằng Tân ước không chỉ lịch sự khi gọi Đức Giêsu là “Chúa”, mà còn dạy rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa toàn năng. Các thần tượng về tình dục, tiền bạc, quyền lực, uy thế,… có thể là các vua chúa nếu chúng ta không cẩn trọng. Vì thế, chúng ta hãy luôn tuyên xưng: “Chỉ có Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa”.

 

Trang Độc Giả

Trang Nhà