Trang Độc Giả


BÍ TÍCH THÁNH THỂ NHƯ LÀ MỘT HY TẾ

Têrêxa nhỏ

Bí tích Thánh Thể là Bí tích tình yêu và là quà tặng của Đức Giêsu Kitô tự hiến chính mình cho nhân loại, tình yêu thúc bách “trao hiến chính mạng sống mình cho bạn hữu” (x. Ga 15,13) được biểu hiện rõ nét trong bí tích thánh thể. Chúa Giêsu yêu thương chúng ta “cho đến cùng”, đến độ hiến ban mình và máu Người. Có thể nói rằng nơi bí tích Thánh Thể tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu đã minh chứng tất cả, chính vì thế Trong thông điệp Mysterum Fidei của Đức Giáo Hoàng Phao lô VI nhìn nhận khía cạnh hy tế là chính yếu tính của Thánh Thể. Thánh Thể là một hy tế vì Bí tích Thánh Thể tưởng niệm lễ vượt qua của Chúa Kitô. Đức Kitô là Thiên Chúa và Chúa chúng ta, đã tự hiến trên bàn thờ Thập Giá cho Chúa Cha một lần dứt khoát. Người đã chết như vị chuyển cầu cho chúng ta, để đem lại ơn cứu chuộc muôn đời cho nhân loại. Hy tế đẫm máu đã được thực hiện một lần duy nhất trên Thập giá ( 1Cr 11, 23), đem lại sức mạnh cứu độ tha thứ mọi tội lỗi chúng ta hằng phạm (1) . Trong hy tế Thập giá chính Chúa Giê su là con chiên tinh tuyền được sát tế dâng cho Thiên Chúa. Đây là một hy tế thực sự qua việc đổ máu của Con Chiên. Trong thông điệp Mysterum Fidei, Đức Giáo Hoàng nhắc lại đạo lý truyền thống của Hội Thánh về Thánh Thể, khơi nguồn từ đỉnh cao từ hy tế Thập giá trên Núi Sọ được thể hiện cách kỳ diệu để ta tưởng niệm và để hiệu quả cứu độ của hy tế Thập giá mang lại ơn cứu độ cho ta. Hay nói cách khác hy tế Thánh Thể bắt nguồn từ chính Đức Giêsu, khi Người thiết lập mầu nhiệm Thánh Thể làm Giao ước mới, mà Người vừa là trung gian ký kết, vừa là Con Chiên chịu tế sát để niêm ấn - khi Người truyền cho các tông đồ cử hành Hy tế này để nhớ đến Người, để cử chỉ của Người được vĩnh viễn tái diễn. Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê su chỉ xảy ra một lần trong lịch sử là chóp đỉnh của một đời vâng phục, là một hy tế toàn hảo và viên mãn để đền tội thế gian. Không thể lặp lại cũng như thêm bất cứ một cái gì và hy lễ của Chúa Giêsu đã một lần hoàn tất. Thế Nhưng Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội Thánh Thể như một phương thế nhờ đó công việc cứu chuộc của Chúa Kitô trên Thập Giá được công bố và sinh hoa kết trái trong đời sống Hội Thánh. Khái niêm về sự tưởng niệm lễ vượt qua thời Chúa Giêsu mở cho ta một cách hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa hy lễ vượt qua của Chúa Giêsu và Thánh Thể. Sự tưởng nhớ trong Bí tích Thánh Thể không chỉ gợi lên trong tâm trí chúng ta một biến cố của quá khứ và ý nghĩa của biến cố ấy mà thôi, mà nó còn làm phát sinh hiệu quả hành động toàn năng của Thiên Chúa. Vì là lễ tưởng niệm của Chúa Kitô cho nên Thánh Thể được xác nhận là một hy tế thực sự, tính chất hy tế của Thánh Thể được bày tỏ nơi chính những lời lập phép Thánh Thể của Chúa: “ Này là mình Thầy sắp bị nộp vì anh em” và “ đây là ly rượu của giao ước mới trong máu Thày sắp bị đổ ra cho anh” (Lc 22,19-20). Trong Thánh Thể Chúa Giê su ban cho ta chính thân mình Ngài đã chịu chết cho ta trên Thập Giá và Ngài cũng ban cho ta Máu của Ngài đã đổ ra để chuộc tội cho muôn người” ( Mt 26, 28). Bí tích Thánh Thể như là một hy tế vì nó diễn lại chính lễ hy sinh trên Thập Giá của Chúa Kitô. Vì thế nó không mang ý nghĩa là một hy tế mới, cũng chẳng phải hy tế bổ sung vào hy tế Chúa Giêsu đã dâng trên Thập Giá, nhưng là một hy tế được làm cho thành hiện tại. Trong chính ý nghĩa Hy tế Thập giá ấy mà nguồn mạch Thánh Thể được khai sinh như một dấu chứng tình yêu hiến tế của Chúa Giêsu giữa nhân loại, từ Hy tế Thập giá phát sinh Hy tế Thánh Thể, Nhờ Mầu Nhiệm Thánh Thể, Hy Tế Thập Giá hiến dâng trên đồi Canvê được tái diễn một cách diệu kỳ cùng được liên lỉ nhắc nhớ, và quyền lực cứu độ của hy tế này mang lại ơn tha thứ các tội lỗi chúng ta phạm hằng ngày (2) . Thánh Thể là một hy tế : hy tế của Ơn Cứu Chuộc và cũng là hy tế của Giao Ước Mới (3) , Hy tế hôm nay được dâng trong bí tích Thánh Thể như hy tế ngày Ngôi Lời nhập thể duy nhất đã dâng lên, chỉ vì Người là hy tế chính xác và duy nhất. Vì thế, khi tái hiện hy tế duy nhất của ơn cứu độ chúng ta, con người và thế giới được hoàn lại cho Thiên Chúa trong tính mới mẻ vượt qua của Ơn Cứu Chuộc. Sự hoàn lại này thật rõ ràng, đó là nền tảng của “Giao Ước Mới và Vĩnh Cửu” của Thiên Chúa với con người và con người với Thiên Chúa. Nếu xảy ra trường hợp thiếu sự hoàn lại đó, thì phải đặt lại vấn đề về sự tuyệt hảo của hy tế Cứu Chuộc, một hy tế trong thực tại hoàn hảo và có tính dứt khoát, cũng như về giá trị hy tế Thánh Thể. Vì là một hy tế đích thực, Bí tích Thánh Thể thực hiện sự hoàn lại đó. Như thế, chính nhờ ở việc làm hiện hữu hy tế cứu độ duy nhất Chúa Giêsu qua bí tích Thánh Thể, mà con người và thế giới được trả về cho Thiên Chúa trong tính cách mới mẻ của cuộc vượt qua nơi Ơn Cứu Chuộc. Tất cả những người lấy đức tin tham dự vào Thánh Thể đều biết rằng đó là một hy tế tức là một của lễ hiến dâng được thánh hiến. Vì bánh và rượu, được hiến dâng trên bàn thờ, cùng với lòng sùng kính và những hy sinh thiêng liêng của những người tham dự, cuối cùng được thánh hiến qua thừa tác vụ linh mục đã trở nên mình và máu Chúa Giêsu thực sự. Như thế, nhờ việc thánh hiến, bánh và rượu trở nên hy tế được tái hiện bằng một thể thức có tính cách bí tích, một thể thức không đổ máu, thể thức hy tế đền tội loang máu trên Thập giá mà Chúa Giê su đã hiến dâng lên Cha Người cho phần rỗi thế gian (4) . Thật vậy, chỉ có một mình Người, khi ban Mình như một Hiến Vật đền bù tội lỗi, bằng một hành động nộp mình và sát tế cao cả, đã hòa giải nhân loại với Chúa Cha, cắt đứt mối giây trói buộc chúng ta (Col.2:14), nhờ hy tế duy nhất của Người". Như thế chúng ta thấy sự tương đồng hiển hiện giữa hy tế của Đức Kitô trên Thập giá và hy tế Thánh Thể chỉ là một. Lễ vật duy nhất là Đức Kitô, xưa chính người dâng trên Thập Giá, nay được dâng lên nhờ tác vụ linh mục. Chỉ khác biệt ở cách dâng: “vì trong hy lễ thần linh được cử hành trong thánh lễ, chính Đức Kitô, Đấng đã một lần dâng mình bằng cách đổ máu trên bàn thờ Thập giá cũng hiện diện và được sát tế trên bàn thờ mà không đổ máu, nên hy tế này thực sự có giá trị đền tội” (5). Nói cách khác, thế giới mà Thiên Chúa đã hòa giải với Người trong con một là Đức Kitô hiện thực qua bánh và rượu dâng lên Thiên Chúa trên bàn thờ nơi các tín hữu tham dự Thánh Lễ, trong các lời cầu nguyện. Đức Kitô liên kết các tín hữu với người và chuyển cầu cho họ để họ được biến đổi như người và để lời cầu nguyện của họ được Chúa chấp nhận. Hy tế tạ ơn này chỉ có thể trong, với và qua Đức Kitô linh mục đại diện cộng đoàn dâng của lễ, của lễ đó là Đức Kitô - Đấng đã dâng mình trên thập Giá năm xưa. Nay vẫn còn hiện diện trong phép Thánh Thể. Chính công đồng Trentô đã khẳng định: Hy tế Thập giá được hiện tại hóa qua các thời đại cho đến ngày tận thế, Giáo hội tưởng nhớ cuộc vượt qua của Đức Kitô, cử hành hy tế của Đức Kitô nhờ tác vụ linh mục dâng một bí tích không đổ máu cho tới khi Chúa lại đến. Tóm lại, bí tích Thánh Thể mà chúng ta đang cử hành mỗi ngày được xét như là Hy tế mà Chúa Giêsu đã dâng trên Thập Giá khi xưa, được Giáo hội tái diễn hàng ngày qua bí tích Thánh Thể để thông ban ơn sủng cho các tín hữu. Tính chất hy tế của bí tích Thánh thể được xác nhận trong Giáo hội trải qua nhiều thời đại. Ngày nay khi cử hành bí tích Thánh Thể chúng ta xác tín rằng đây chính là hy tế mà Chúa Giêsu vì yêu thương chúng ta đã hiến dâng mạng sống làm lễ đền tội trên Thập Giá, để chúng ta kính thờ và yêu mến bí tích Thánh thể nhiều hơn, nhờ đó mà hiệu năng của bí tích Thánh thể thật sự trổ sinh hoa trái trong cuộc sống chúng ta. Đồng thời thúc đẩy chúng ta trở nên hy tế mỗi ngày hiệp với hy tế của Chúa mà chúng ta đón nhận qua Thánh Thể để trao ban chính bản thân chúng ta cho tha nhân như Chúa đã làm.

------------

(1). x CĐ Trento : DS 1740.

(2). x. Thông Điệp "Mysterium Fidei", trang 12

(3). x. Công đồng chung Vat II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium.

(4). x. Công Đồng Chung Triđentinô, section 22

(5). x. CONCILUM TRIDENTINUM, Sess 22a.Doctrina de ss.Missac sacrificio,c.2: DS1743

 

Trang Độc Giả

Trang Nhà