Trang Độc Giả


NOEL AN BÌNH

An-tôn Lương Văn Liêm

Vinh Danh Thiên Chúa Trên Trời,
Bình An Dưới Thế Cho Người Thiện Tâm
(Lc.2,14)

Trời cuối thu, chuyển bước sang đông, khi tiết trời se lạnh, hòa vào những dòng nhạc bất hủ như: Jingle bells (Tiếng chuông sinh nhật), Wat Child Is this (Hài Nhi là ai?), Silent Night (Đêm an bình), được phát ra từ những chiếc máy thu thanh, được cho là “thời thượng”, hay mang một cái tên rất bình dân “đời cô lựu”. Đường phố như được khoác một tấm áo mới, vui tươi và sinh động hơn nhờ sự hiện diện của những hang đá, cây thông Noel; những ánh đèn nhấp nháy đủ kiểu, đủ màu sắc; những chú tuần lộc và không thể thiếu hình ảnh của ông già Noel hiền hậu. Tất cả những điều đó, đồng báo hiệu một mùa Noel đã và đang đến.

Vâng! Như đã ăn sâu vào nhịp sống của nhân loại. Mỗi độ Noel về, người ta, dù đang sống trong cảnh binh đao loạn lạc, hay cảnh thái bình; dù sống trong đói nghèo cơ cực, hay đang sống đời sống “gấm vóc, lụa là”; dù khỏe mạnh, hay đang mang trong thân xác những căn bệnh trầm kha; dù đang sống trong đời sống ngập tràn tội lỗi, bê tha, hay đang sống trong đời sống ân sủng; dù tin có Thiên Chúa, hay khước từ, không tin, thậm chí bổ báng Thiên Chúa…

Nhưng, tất cả triệu triệu trái tim hòa cùng một nhịp đập, cùng một niềm vui. Để rồi, nhân ngày lễ Noel người ta trao tặng cho nhau những cánh thiệp, những lời chúc, những món quà; nhân loại như quên đi cái nhọc nhằn, khổ đau của kiếp nhân sinh; người ta tạm gác lại những hận thù, tranh chấp. Để cùng nhau vui hưởng một mùa Noel thật ý nghĩa và thật vui và hạnh phúc, như lời Thánh Vịnh xưa đã mô tả: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên. Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao” (Tv.85,11-12).

Noel năm 1914, trong bối cảnh thế giới phải oằn mình gánh chịu những thương đau do thế chiến thứ nhất gây nên. Nhưng một điều tuyệt vời đã xảy ra nơi chiến tuyến. Nhà sử học người Pháp Yves Buffetaut, đã lược ghi như sau:

Ngày 24/12/1914, phía quân đồng minh gồm Anh và Pháp, bên kia là những người lính Đức Quốc Xã, cùng chuẩn bị đón Noel. Càng về đêm cái lạnh như muốn làm tê cứng những đôi tay thiện xạ, đang phải ôm những nòng súng, để bảo vệ mạng sống cho chính bản thân và quê hương đất nước. Dưới bầu trời đêm, những ánh sao như đang nhảy múa hòa với bài thánh ca Silent Night (Đêm an bình), được phát ra từ chiếc máy của quân đồng minh. Phía bên kia chiến tuyến Nikolaus Sprink, tên của một người lính Đức, vừa hát, vừa chầm chậm bước ra nơi mà còn đó những xác người nằm rải rác giữa hai chiến tuyến.

Một điều lạ kỳ đã xảy ra, ba viên chỉ huy, Audebert (Pháp), Gordon (Anh), và Horstmayer (Đức), không ai bảo ai, đã cùng bước ra nơi người lính Đức đang hát một cách say xưa. Họ thỏa thuận với nhau một cuộc hưu chiến tạm thời, điều không thể thực hiện trong lúc “dầu sôi lửa bỏng”. Tất cả các binh sĩ của hai phía được phép cùng vui Noel, trước đó ít phút, họ đang là những kẻ thù không đội trời chung. Thế nhưng, giờ đây, họ mời nhau ăn uống, khoe thư ảnh gia đình, chúc nhau mọi điều tốt đẹp. Thậm chí, họ còn đá bóng giao hữu. Quả thật “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên” (Tv.85,11).

“Vinh Danh Thiên Chúa Trên Trời, bình An Dưới Thế Cho Người Thiện Tâm”. Có thể nói, chính cái thiện tâm của người lính Đức và của những người chỉ huy Anh, Pháp, Đức, mà an bình đã đến với những người lính xa gia đình, họ đang thiếu thốn trăm bề, nhất là sự an bình. Tuy giữa những xác người còn nằm đó vì chiến tranh, hận thù, xa xa vẫn còn những tiếng “đạn réo, bom rơi” ; còn đó những tiếng khóc não lòng của những người phụ nữ mất chồng, mất con; những tiếng khóc ai oán của trẻ thơ vì thiếu bầu sữa mẹ, thiếu vắng tình cha; những tiếng rên la của binh sĩ bị bom đạn lấy đi một phần thân thể. Nhưng, những điều đó, không thể nào át được tiếng reo hò nhảy múa, trong hạnh phúc và bình an của những binh sĩ nơi chiến trận trong đêm Noel 1914. Đêm mà cả nhân loại hân hoan kỷ niệm ngày Con Thiên Chúa, Vua Bình An giáng trần.

Nơi hang đá Belem năm xưa. Mẹ Maria và Thánh cả Giuse, tuy đã trải qua chặng đường dài gian khó, sống trong cảnh nghèo hèn, cơ cực; bị khinh rẻ và khước từ. Giữa đêm trường giá lạnh, trong hang đá hôi tanh của bò lừa, giữa lúc người người chăn ấm, nệm êm, còn các Ngài thì lấy rơm làm chăn, làm nệm, lấy cỏ làm gối tựa đầu, nhưng nơi gương mặt của các Ngài vẫn ánh lên một niềm vui, niềm hạnh phúc và bình an, khi Hài Nhi Giêsu, Vua của Bình An giá ngự. Niềm vui và sự bình an đó đã lan toả ra cho những con người bần cùng, đại diện là các chú mục đồng. Không chỉ đừng lại nơi Belem, nhưng niềm vui và sự bình an còn lan toả tới phương trời đông, nơi mà con người chưa biết đến hình bóng của Thiên Chúa, cuộc sống giàu sang, phú quý, qua hình ảnh của ba nhà đạo sỹ. Đại diện cho tầng lớp tri thức và giàu sang.

Thánh Gioan Tông Đồ, đã cảm nhận được niềm vui khi Con Thiên Chúa, Vua Bình An giáng trần, mang kiếp phàm nhân, ở giữa nhân loại. Thánh nhân đã làm chứng về điều đó trong khởi đầu Tin mừng của ngài: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga.1,14).

Vai trò và nhiệm vụ chính yếu của Đức Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, khi Ngài vâng lệnh Chúa Cha xuống trần mặc lấy kiếp phàm nhân là gì? Xin Thưa! Như lời của ông Giacaria, khi được tràn đầy ơn Thánh Thần, ông nói tiên tri về Đức Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa rằng: “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối, và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (Lc.1,78-79). 

Qua sự kiện trọng đại nơi kinh thành Belem năm xưa, và đã trải qua 2010 năm. Đức Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến và Ngài vẫn đang ở giữa dân Ngài như lời Ngài đã hứa: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”(Mt.28,20).

Thiên Chúa qua Con Người của Đức Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, Ngài là cội nguồn của sự bình an, Ngài đã và đang ở giữa nhân loại nói chung và ta nói riêng. Thế thì tại sao thế giới và con người ngày nay vẫn luôn sống trong cảnh bất an, luôn phải đối diện với những nghịch cảnh và khổ đau…? Với những người vô thần, chưa tin và không tin có Thiên Chúa, thì họ cho đó là điều tất yếu của kiếp người “mạnh được yếu thua”. Còn với ta là những người mang dòng máu Kitô hữu, ta nhìn vào cục diện của xã hội và cuộc sống hôm nay qua lăng kính nào?

Ngày Con Thiên Chúa giáng trần, niềm vui và sự bình an đến với Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse; đến với các chú mục đồng, ba nhà đạo sỹ. Nhưng một điều trái ngược, cũng sự kiện đó đã đem đến cho bạo chúa Hêrôđê, một con người không tin có Thiên Chúa một sự bất an tột cùng. Khởi đi từ việc khước từ, không tin nhận có Thiên Chúa, cộng với sự ích kỷ, tham vọng và tác động của quyền lực ác thần, đã gây nên cho bạo chúa Hêrôđê sự lo sợ, bất an tột cùng. Từ đó, bạo chúa Hêrôđê, trở thành một kẻ giết người không “gớm tay”. Những con người bị giết dưới tay bạo chúa Hêrôđê là những trẻ thơ vô tội, qua cái chết của các trẻ thơ vô tội, là những tiếng khóc xé lòng của những người mẹ mất con. Cả thành Belem, và các vùng phụ cận, nhất là những gia đình có con thơ, rơi vào đời sống xáo trộn và mất bình an.

Qua đó, ta có thể nói, những nghịch cảnh, khổ đau, những bất an không khởi đi từ Thiên Chúa. Tất cả những điều đó đều khởi đi từ lòng tham, sự ích kỷ của con người, dưới sự dẫn dắt của bàn tay “lông lá” là satan; đồng thời sự khước từ vai trò của Thiên Chúa trong nhịp sống của mỗi cá nhân, khước từ sự hiện diện và bàn tay chăm sóc của Thiên Chúa trong trật tự của thế giới. Thiên Chúa là Đấng ban tặng và tôn trọng sự tự do của con người một cách tuyệt đối, một khi con người khước từ, xa lánh, thậm chí đuổi Thiên chúa ra khỏi lòng, gia đình, xã hội, thì sự lộng hành của quyền lực thế gian sẽ lấn áp, sự mất đi niêm vui và bình an là điều tất yếu trong đời sống cá nhân cũng như tập thể.

Vì thế, trong ngày cùng với toàn thể nhân loại kỷ niệm ngày mà Thiên Chúa ký kết giao ước tình yêu với nhân loại, qua mầu nhiệm nhập thể và nhập thế của Ngôi Hai Thiên Chúa, Vua Bình An. Ta không chỉ dừng lại nơi những hang đá hoành tráng, những lễ nghi linh đình; những lời chúc và những bữa tiệc vui nhộn. Nhưng ta được mời gọi mở cửa lòng, cửa nhà để Vua Bình An ghé ngự. Từ nơi Ngài là nguồn ánh sáng giúp ta vượt qua đêm đen; từ nơi Ngài ta hưởng nguồn hạnh phúc và sự bình an đích thực và qua ta lan toả đến những người chung quanh.

Để những điều đó trở thành hiện thực trong đêm Noel, đêm an bình, và hậu Noel. Trước tiên ta noi gương Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse biết cất lên và viết lên lời xin vâng bằng những nét chữ của đời mình; kế đến là tấm gương của những chú mục đồng, không sợ hôi hám, dơ bẩn, nghèo hèn, cùng nhau cất bước tiến về hang Belem thờ lạy và chiêm ngắm, sưởi ấm cho Hài Nhi Giêsu, còn đó tấm gương của ba nhà đạo sỹ, khi các ông biết vận dụng sự khôn ngoan, thông thái nhận ra dấu chỉ và lời mời gọi của Thiên Chúa qua ánh sao, các ông đã rời quê hương, gia đình; rời bỏ chiếc ghế quyền lực, sự giàu sang, chấp nhận gian khó, hợp nhất với nhau trong hành trình tiến về Belem. Với một mục đích được dâng quà, chiêm ngắm và thờ lạy Con Vua Trời.

Lạy Chúa Hài Đồng Giêsu, Vua của sự Bình An! Con cảm tạ Chúa đã yêu thương nhân loại chúng con khi Chúa tự hạ xuống trần mang lấy kiếm phàm nhân như con, đem lại cho con niềm vui, sự bình an của Chúa. Xin Chúa giúp con, thánh hóa đời sống con, để nhờ ơn của Chúa giúp tâm hồn con, gia đình con sẽ trở thành máng cỏ nghênh đón Chúa đến viếng thăm.

Chúa Hài Đồng ơi! Con xin lỗi Chúa! Vì từ trước tới giờ, con đã sống một đời sống quá thờ ơ, nhất là trong ngày lễ Giáng Sinh, con chỉ chú trọng những gì bên ngoài như ngắm nhìn hang đá, tham dự thánh lễ thuần túy như một lễ hội, vui với gia đình và bạn bè, con chưa bao giờ cảm nhận ra được một điều. Vì yêu con mà Chúa phải sinh ra trong cảnh nghèo hèn cơ cực, chính vì không cảm và không nhận ra, nên con đã sống không tốt với mọi người nhất là những người cùng khổ. Xin Chúa giúp con để từ chính giây phút này con sống tốt hơn, ngoan hơn, và biết mở lòng ra với mọi người, từ chính mái ấm gia đình của con trở đi. Có như thế thì ngày lễ Giáng sinh mới thực sự có ý nghĩa và đem lại cho con sự bình an đích thực của Chúa. Amen.

Sài Gòn ngày 21/12/2010