Trang Độc Giả


QUỸ THỜI GIAN

Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ

An-tôn Lương Văn Liêm

Chúa Nhật XXXIV TN (Lễ Chúa Kitô Vua), cũng là tuần lễ kết thúc năm phụng vụ 2010, chuẩn bị bước vào năm phụng vụ mới 2011. Một năm phụng vụ đã trôi qua, biết bao ơn lành ta đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, trong đó phải nói đến quỹ thời gian mà Thiên Chúa ban tặng cho ta, giờ ta thử nhìn lại quỹ thời gian đã qua, ta đã làm được những gì? Đem lại cho ta hiệu quả bao nhiêu trên con đường bước theo Chúa, theo tôn chỉ và lời mời gọi của Đức Kitô trong dấn thân phục vụ yêu thương và tha thứ? Nhất là thời gian dành cho Chúa, Giáo Hội, bản thân và cho nhau…?

Quỹ thời gian ta đã trải qua của năm phụng vụ 2010, 365 ngày bao gồm 8760 giờ, 525.600 phút, 31.536.000 giây, trong đó được chia làm 52 tuần, bao gồm 34 tuần thường niên, còn lại 18 tuần gồm mùa chay, mùa phục sinh, mùa vọng, giáng sinh, điểm nhấn của tuần là ngày Chúa nhật.

Nếu tính nhịp độ sinh hoạt của một người bình thường, ta tạm tính quỹ thời gian sử dụng như sau:

1. Dành cho Chúa:

- Thánh lễ ngày Chúa nhật và lễ trọng ( lễ buộc) như lễ phục sinh, giáng sinh, thứ tư lễ tro : 1.5giờ * 55ngày = 82.5giờ.

- Thánh lễ thường nhật : 1giờ * 310 ngày = 310 giờ

- Giờ cầu nguyện tại gia : 0.30 giờ * 365 ngày = 109.5 giờ

Tổng cộng thời gian dành cho Chúa là: 502 giờ

2. Dành cho bản thân:

- Làm việc, học tập, mưu sinh : 8h/ngày * 313 ngày = 2.504 giờ

- Ngủ : 8h/ngày * 365 ngày = 2.920 giờ

Tổng quỹ thời gian cho hai việc trên: = 5.460 giờ

3. Quỹ thời gian còn lại : 8760giờ - 5962 giờ = 2.798 giờ.

Quỹ thời gian tạm tính một cách bình thường, 2798 : 365 ngày/năm, ta còn lại 7,65 giờ trong nhịp sống hằng ngày. Từ đó, ta nhìn lại trong 7,65 giờ trong ngày, ngoài việc giải trí, những công việc phụ dành cho bản thân, ta sẽ làm gì với quỹ thời gian còn lại? Ta dành bao nhiêu phần trăm giúp ích cho Giáo Hội, người thân, bè bạn và những anh em quanh ta?

Hiện nay rất nhiều, có thể nói là đại đa số, khi được mời gọi tham gia, cộng tác vào công việc chung của giáo xứ, hội đoàn, tham gia giờ cầu nguyện, thường bị từ chối với nhiều lý do, một trong những lý do chính là: “ Không có thời gian…”!

Có phải chăng vào thời đại, nói theo ngôn ngữ của thế gian: “ Thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa ”, hơn nữa khi xã hội ngày càng phát triển, mức độ tri thức nâng cao, đời sống hưởng thụ cũng theo biểu đồ đi lên. Tất cả những điều đó, dần biến con người trở thành những cỗ máy? Từ đó, con người sử dụng quỹ thời gian trong ngày, trong năm, cho việc chạy đua tìm thế đứng, tạo những cơ ngơi, tài sản đồ sộ, bằng mọi cách và mọi hình thức sở hữu những trang sức, những bộ cánh, những phương tiện cá nhân sang trọng và đắt tiền…Dẫn đến việc không còn thời gian dành cho Chúa, Giáo Hội, người thân và những người anh em?

Kết thúc một năm phụng vụ, Giáo Hội mời gọi ta hướng về Đức Kitô, qua thánh lễ suy tôn Đức Kitô Vua vũ trụ, ngoài việc ta xưng tụng Đức Kitô là Vua trên hết các vua, là Chúa trên hết các Chúa. Ta cũng nên dừng lại, để dưới ánh sáng và sự soi dẫn của Lời Chúa, ta hướng về Đức Kitô với thân phận kiếp người như ta, Ngài đã sống và sử dụng quỹ thời gian, khởi đầu từ máng cỏ Belem, cho tới kết thúc trên đỉnh đồi Canvê, như thế nào? Từ đó ta xin Ngài giúp ta nhìn lại cách sử dụng quỹ thời gian Ngài đã ban, xin Ngài giúp ta sử dụng quỹ thời gian cho năm phụng vụ mới như Ngài đã sống và đã nêu gương.

1. THỜI THƠ ẤU VÀ ẨN DẬT CỦA ĐỨC KITÔ.

Tại sao Đức Kitô, Con Thiên Chúa lại sinh ra trong một gia đình nghèo hèn, hoàn cảnh khó khăn, cơ cực? Đất nước Do Thái thời bấy giờ rất nhiều ngành nghề thuần túy và lương thiện như: Trồng nho, lúa mì, nấu rượu nho, chăn nuôi gia súc….nhưng Đức Kitô lại sinh ra trong một gia đình mà người Cha nuôi làm nghề thợ mộc? Thật là khó hiểu!

Theo sự hướng dẫn, giải thích của Giáo Hội qua các thánh phụ, các nhà chú giải kinh thánh, qua các đức giáo hoàng…Để đồng cam cộng khổ với nhân loại, Đức Kitô không những nhập thể, nhưng Ngài còn nhập thế để ở giữa, đồng hành, đồng cảm và xoa dịu đi những khó khăn, đói nghèo nơi những con người cùng khổ. Qua đời sống của Ngài nơi dương thế, đã tỏ lộ rõ nét một Thiên Chúa luôn yêu thương quan tâm và săn sóc con cái của Người.

Trong suốt 30 năm nơi mái ấm Nararet, Đức Kitô đã thực sự trở thành một người con thảo với Cha trên trời, thành viên nơi mái ấm gia đình và cộng đồng dân thánh và xã hội, như Kinh Thánh đã mô tả:

  • Đối với Cha trên trời Ngài đã được Chúa Cha khen ngợi: “ Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người ”(Mt.3,17).

  • Với bổn phận là con trong mái ấm gia đình: “ Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài ”( Lc.251).

  •  Với cộng đồng dân thánh, Ngài chu toàn bổn phận của một thành viên khi cùng mọi người cầu nguyện, trau dồi kinh thánh nơi hội đường: “ Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh ” (Lc.4,16).

  •  Với cộng đồng xã hội, Ngài cũng học ăn, học nói, học gói, học mở như bao con người khác sống chan hòa với mọi người “ Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta ” (Lc.2,52).

Qua cách sống đó, Đức Kitô đã tích lũy cho Ngài những kiến thức căn bản, kinh nghiệm, tạo hành trang cho sứ vụ cao cả mà Ngài đã lãnh nhận từ Thiên Chúa. Và qua đời sống của Đức Kitô, Ngài cũng nên gương cho ta trong bổn phận hằng ngày.

Đức Kitô xuống thế, sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề thợ mộc, trong những năm tháng ẩn dật, Ngài cũng hành nghề thợ mộc, để mưu sinh, giúp đỡ và phụng dưỡng Mẹ Maria và thánh cả Giuse. Nghề thợ mộc khác với những ngành nghề khác, vì ngoài việc kiếm miếng cơm manh áo, công việc của một bác thợ mộc là đem niềm vui trực tiếp đến cho mọi người qua việc cất cái nhà, đóng cái cửa, tủ, giường…

Công việc của một bác thợ mộc đòi hỏi óc sáng tạo, sức khỏe, sự kiên nhẫn, luôn phải đón nhận, lắng nghe những lời than phiền của những thành viên trong gia đình khi mình đến thực hiên công việc, do mỗi người mỗi ý thích khác nhau về màu sắc, mẫu mã, kích thước….Đây cũng là bài học chuyên cần, kiên nhẫn, chịu đựng cho ta khi phải thực hiện những công việc thường ngày.

2. THỜI CÔNG KHAI SỨ VỤ CỦA ĐỨC KITÔ.

Khi đến thời Chúa Cha đã hoạch định, Đức Kitô bước vào sứ vụ công khai, giao giảng chân lý, dạy dỗ, đồng hành, thi thố ân sủng và bình an cho con người như Kinh Thánh đã mô tả:

  • Cầu nguyện và chay tịnh: “ Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày ” (Mt.4,1-2).

  • Khiêm nhường trong sứ vụ: “ Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình ” (Mt.3,13).

  •  Hăng say, giảng dạy và rao giảng Tin Mừng: “ Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời ” (Mt.4,23).

  •  Hòa nhập với niềm vui của con người: “ Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự ” (Ga.21-2).

  •  Kêu gọi người công tác trong sứ vụ: “ Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: "Các anh hãy theo tôi…. Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông… ” ( Mc.1,16-20).

  •  Thi ân giáng phúc trên đường sứ vụ: “ Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ ” ( Mc.1,32-34).

  •  Đồng cảm và nâng đỡ người tội lỗi: “ Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: "Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? "Người đàn bà đáp: "Thưa ông, không có ai cả." Đức Giê-su nói: "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa ” (Ga.8,9-11).

  •  Đem Tin Mừng đến cho dân ngoại: “ Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: "Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian ” (Ga.4,39-42).

  •  Cầu nguyện mọi lúc, mọi nơi và dạy cầu nguyện: “ Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông." Người bảo các ông: "Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: "Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ ” (Lc.11,1-4)

  •  Khóc với người khóc: “ Khi đến gần Đức Giêsu, cô Ma-ri-a vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết." Thấy cô khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng khóc, Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến. Người hỏi: "Các người để xác anh ấy ở đâu? " Họ trả lời: "Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem." Đức Giê-su liền khóc. Người Do-thái mới nói: "Kìa xem! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy! ” (Ga.11,32-36).

  •  Hạ mình phục Vụ trong sứ vụ: “ nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau ” (Ga,13,4-5).

  •  Trao ban tình yêu trọn vẹn: “ Cũng trong bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy." Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: "Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội ” (Mt.26,26-28).

  •  Chấp nhận hy sinh, hiến tế cả mạng sống cho người mình yêu: “ Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình ” (Ga.15,13).

  •  Tha thứ và xin tha thứ cho những kẻ làm khổ mình: “ Bấy giờ Đức Giê-su cầu nguyện rằng: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm ” (Lc.23,34).

  •  Hoàn tất cuộc đời và sứ vụ nơi trần thế, qua việc phó thác linh hồn và thân xác cho Chúa Cha trong giây phút cuối đời: “ Đức Giê-su kêu lớn tiếng: Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở ” (Lc.23,46).

Thời gian là quà tặng, là ân ban của Thiên Chúa, Đức Kitô trong suốt 33 năm, Ngài vâng lệnh Chúa Cha mang thân phận kiếp người yếu đuối, Ngài đã sử dụng quỹ thời gian dành cho Cha trên trời, cho gia đình, và cho toàn nhân loại một cách trọn vẹn hầu khơi nguồn sánh sáng chân lý, dạy dỗ, giúp đỡ và quan trọng nhất là thông ban ơn cứu độ cho nhân loại. Tất cả quỹ thời gian Thiên Chúa Cha ân ban, Đức Kitô đã sử dụng, vận dụng thời gian một cách có hiệu quả, qua cuộc đời của Đức Kitô nơi trần thế, Thiên Chúa cũng muốn nhắn gởi và dạy cho ta một bài học về cách sử dụng quỹ thời gian trong từng nhịp sống hằng ngày.

Bước vào năm phụng vụ mới, là ta bước vào, bước cùng hành trình khởi đầu của Đức Kitô, trong bổn phận của một người con trong gia đình Thiên Chúa, gia đình Giáo Hội, xã hội và gia đình cá nhân. Nhìn lại một năm đã qua, nếu vì yếu đuối mà ta dành thời gian cho ta quá nhiều, hoặc thời gian cho tất cả những gì hệ tại nơi trần gian như cơm áo gạo tiền, danh vọng, chức quyền, đam mê, thú vui….Ta cúi đầu xin Đức Kitô tha thứ và thánh hóa.

Hướng về Đức Kitô, Vua Vũ trụ, Ngài là thầy dạy, là Người bạn tuyệt vời nhất của ta, Ngài là Thiên Chúa của yêu thương và tín trung, Ta xin Ngài nâng đỡ, tha thứ. Đặc biệt ta xin Ngài giúp ta biết sử dụng quỹ thời gian, như những nén bạc, nhờ sự giúp đỡ và ân ban của Ngài, những nén bạc thời gian sẽ dinh nhiều hoa lợi cho chính bản thân, cho gia đình, Giáo Hội và xã hội, trở thành những món quà ta dâng kính Ngài, khi ta xưng tụng Ngài là Vua của lòng ta.

Lạy Chúa Giêsu! Vua vũ trụ, Vua của lòng con, xin kính dâng câu chúc tụng tôn vinh, cảm tạ từ bây giờ và cho đến thiên thu. Xin Giúp con trong từng ngày sống biết noi gương Chúa trong cách sử dụng quỹ thời gian Chúa đã ân ban cho con như những nén bạc, xin giúp con biết sử dụng những nén bạc đó trong sụ hướng dẫn của Chúa, để nhờ ơn Chúa giúp, những nén bạc thời gian sẽ sinh nhiều hoa lợi, hầu sinh ơn ích cho con, cho mọi người và làm sang danh Chúa. Amen.

Ngày lễ Chúa Kitô Vua 2010