Đệ nhất tuyên ngôn

Trầm Thiên Thu

Quốc gia nào cũng có truyên ngôn riêng, mỗi nước mỗi khác. Có một bản Tuyên ngôn ngắn nhất, độc đáo nhất, nhưng hay nhất và đầy đủ ý nghĩa nhất, có một không hai, bạn có biết bản tuyên ngôn đó là bản tuyên ngôn nào và của ai không?

Đó là Bản Tuyên Ngôn Nước Trời của Chúa Giêsu (Mt 5:3-11) – còn gọi là Bài Giảng Trên Núi, Hiến Chương Nước Trời, Bát Phúc, hoặc Tám Mối Phúc Thật. Tám điều khoản ngắn gọn trong Bản Tuyên Ngôn Nước Trời là:

1. Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

2. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

3. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

4. Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

5. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

6. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

7. Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

8. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Chúa Giêsu nói thêm: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5:11). Cuối cùng, Ngài động viên chúng ta: “Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5:12).

Chắc chắn không bản tuyên ngôn nào ngắn gọn và súc tích hơn vậy. Sau khi đọc Bản Tuyên Ngôn Nước Trời, vĩ nhân Gandhi (vị Cha già Đáng kính của dân tộc Ấn Độ, họ coi ông là thánh nhân) đã tuyên bố rằng Bài Giảng Trên Núi là bản tuyên ngôn hay nhất, và nhờ đó mà ông cảm thấy yêu mến Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải suy nghĩ nhiều và tự xét mình với hai câu nhận xét của ông Gandhi: “Nếu những người Công giáo sống đúng theo Tin Mừng Đức Kitô thì dân tộc của tôi bớt khổ”“Tôi sẵn sàng làm Kitô hữu nếu tôi tìm được những Kitô hữu thực thi Bài Giảng Trên Núi”. Có lẽ chúng ta phải xấu hổ thật!

Trong Bản Tuyên Ngôn Nước Trời, Chúa Giêsu không hề nói bóng gió, Ngài nói rất rõ ràng và mạch lạc, để ai cũng có thể dễ dàng hiểu, dù đó là ai. Thế nhưng đôi khi có lẽ chúng ta vẫn “ngại” hiểu, hoặc cố tình không hiểu, chứ không phải không hiểu. Thánh Phaolô cũng khuyên rất rạch ròi: “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác (Rm 12:21).

Hân hoan kính mừng các Thánh khải hoàn và cầu nguyện cho các Thánh đau khổ (các linh hồn nơi luyện ngục), chúng ta cũng nghiệm lại chính cuộc đời mình. Các Thánh khải hoàn cũng là những người trần tục như chúng ta, nhưng các ngài đã thực hiện đúng Bản Tuyên Ngôn Nước Trời, như sách Khải huyền mô tả: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7:14).

Các linh hồn nơi luyện ngục chắc chắn sẽ được vào tận hưởng phúc trường sinh trong Nước Trời, nhưng vì chưa thực sự “tinh sạch” nên phải thanh luyện một thời gian, rồi mới xứng đáng diện kiến Thánh Nhan Thiên Chúa. Chúng ta cũng là các Thánh, nhưng là các Thánh chiến đấu, các Thánh xung trận nơi tuyến đầu, vì còn đang phải chịu nhiều thử thách trên cuộc lữ hành trần gian, còn phải đối đầu với nhiều “siêu bom, siêu đạn”, đó là ba thù: Thế gian, ma quỷ, và xác thịt. Cái “xác thịt” mới là vấn nạn!

Ai cũng phải “giặt” chiếc-áo-cuộc-đời của mình trong Máu Con Chiên, tức là Bửu Huyết của Đức Kitô. Tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót là một cách “giặt” hữu hiệu để làm “sạch” chiếc-áo-cuộc-đời của mình.

Chiếc-áo-cuộc-đời của ai thực sự tinh sạch thì sẽ bước thẳng vào Nước Trời, còn chiếc-áo-cuộc-đời của ai chưa tinh sạch thì sẽ vào luyện hình để tiếp tục “giặt” cho đến khi nào tinh sạch, nhưng chắc chắn sẽ được làm công dân Nước Trời, chỉ còn vấn đề thời gian.

Vì thế, chúng ta luôn phải cố gắng không ngừng để được đúng như lời chúc: “Phúc thay những kẻ giặt sạch áo mình, để được quyền hưởng dùng cây Sự Sống và qua cửa mà vào Thành!” (Kh 22:14).

Lễ các Đẳng – 2012

Trang Độc Giả

Trang Nhà