CHUYỆN VỀ MỘT “TRINH NỮ TỬ ĐẠO” TRẺ NHẤT VIỆT NAM

BS Antôn Bùi Duy Luật

          Có dịp trở lại giáo phận Thái Bình thân yêu, tôi lại lần nữa cảm phục mảnh đất ấy với biết bao nhiêu điều tuyệt diệu.

          Nào là một quá khứ đau thương với “nạn đói năm 45”, nào là niềm tự hào Thái Bình là “vựa lúa của miền Bắc”...Ở đây, tôi muốn nhắc đến một niềm tự hào rất thiêng liêng : đó là một vùng đất đã cưu mang và sản sinh ra hàng ngàn anh hùng tử đạo, trong đó ít nhất 19 vị đã được phong thánh, cùng nhiều chứng nhân đức tin anh dũng khác.

          Thú vị nhất có lẽ là trường hợp của chị Maria Nguyễn Thị Lụa, một chứng nhân đức tin trẻ tuổi nhất Việt Nam, với những sự kiện thật “lạ lùng” cả trong quá khứ và hiện tại.

Mặt trước giáo xứ Trung Đồng          Mùa Chay năm 1969, có sự đàn áp dã man từ phía chính quyền miền Bắc đối với giáo dân giáo xứ Trung Đồng thuộc huyện Tiền Hải về vấn đề đất đai. Khoảng 20h00 thứ sáu ngày 27 tháng giêng năm Kỷ Dậu (14/03/1969), chính quyền đã huy động hàng trăm công an, dân quân, du kích...đến gây cản trở giáo dân cử hành việc đạo đức và trồng tre để bao quanh mẫu đất. Với mục đích “chiếm cho bằng được mẫu đất” và để dằn mặt giáo dân, viên chủ tịch xã đã hạ lệnh :” Bắn chết vài đứa cho chúng nó sợ”. Lập tức, một dân quân lôi một em thiếu nhi ra giữa sân nhà thờ và bắn ba phát đạn vào bụng em, trước sự chứng kiến của đông đảo bà con giáo dân Trung Đồng và phía chính quyền. Em bé ấy chính là Maria Nguyễn Thị Lụa, một “trinh nữ tử đạo” ở tuổi 13.

          Ngay sau đó, chính quyền lôi cái xác thoi thóp ấy vùi xuống vũng bùn nhơ nhớp cách nhà thờ Trung Đồng khoảng 50m nhằm phi tang sự việc. Mọi người đau đớn kêu gào. Phía chính quyền lại càng hung hãn đàn áp. Anh Augustinnô Nguyễn Văn Đích (anh ruột em Nguyễn Thị Lụa) hối hả chạy đến vũng bùn ấy thì thấy em mình đang rên siết, quằn quại với ba vết thương ở bụng, ruột gan lòi ra ngoài cùng máu chảy đầm đìa.     Mọi người đưa em lên trạm xá, nơi đó rất thờ ơ và không dám can thiệp. Người nhà lại chuyển em lên bệnh viện tuyến huyện, nơi đó đã có hàng chục cán bộ, công an đang chờ sẳn và họ lại...”cướp” thân xác em Maria đưa vào xe bít bùng rồi chở đi đâu không ai rõ.

          Mãi đến 14h hôm sau, chính quyền đưa xe đến nói “ người nhà lên thăm cháu”. Xe chạy đến bệnh viện dã chiến ở huyện Quỳnh Côi. Đến nơi thì họ thông báo :” Em Lụa đã chết lúc 12h00 trưa” (ngày 15/03/1969)...Rồi họ cưỡng ép không cho gia đình em Lụa đem thi thể em về quê nhà. Họ tự chôn xác em và đóng một cây Thánh Giá xi măng trên phần mộ em với dòng chữ “Maria Nguyễn Thị Lụa - 1969” tại nghĩa trang Quỳnh Côi, nơi trước đây cũng đã chôn vùi 50 anh hùng tử đạo. Ngày nay mọi người gọi nơi đó là “Đống Năm Mươi” - Nơi xử án 50 vị tử đạo.

          Có một điều sau này mà gia đình em Lụa được Tòa Án và Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao ở Hà Nội mời lên cho biết. Khi được các bác sĩ bệnh viện Quỳnh Côi và công an hỏi :” Em có muốn nói điều gì trước khi chết không?”, thì em Lụa thều thào trả lời : “ Xin các cô bác nói với mẹ cháu rằng : Mẹ ơi xin đừng khóc, con quyết  hy sinh vì Chúa !”. Họ hỏi tiếp :” Còn những người đã bắn em thì sao?” – “ Xin Chúa tha cho họ”. “ Điều cuối cùng cháu muốn nói là gì?” – “ Xin cho quê hương có được tự do tín ngưỡng”. Quả thật, những điều này phát ra từ môi miệng của một em bé 13 tuổi, chắc chắn đã được soi sáng từ Chúa Thánh Thần.

          Các sự việc trên đã được kính trình đến Đức Cha Đa Minh Đinh Đức Trụ. Ngài rất cảm động và khuyên nhủ gia đình em Lụa cố gắng giữ vững Đức Tin. Ngài cắt cử hai giáo dân Quỳnh Côi trông coi mộ phần em và trao cho họ một thanh gỗ lim tròn, dài khoảng 1 mét, đem đóng sâu xuống phần mộ để ghi dấu (Hình bên : cây Thánh Giá xi măng và cây gỗ lim tròn)

          Hai năm sau, Ngài cho phép gia đình em cải táng để đưa về nghĩa trang quê hương. Nhưng chính quyền lại đàn áp lần nữa. Khi hài cốt được đưa về, dọc đường công an theo dõi, khám xét, lập biên bản rồi lại “cướp” hài cốt, bắt trói em Huy (cha Augustinô Nguyễn Quang Huy hiện nay) vào cây cau. Tất cả các thành viên khác trong gia đình cũng đều bị trói, bịt miệng, bịt mắt. Riêng anh cả của em Lụa là anh Augustinô Nguyễn Văn Đích thì họ không bịt mắt, bị dẫn giải đi trước hài cốt để chứng kiến họ chôn vùi cẩu thả hài cốt em lúc 12h00 đêm ngày 13/03/1971. Họ làm thế để không cho ai biết sự việc, đề phòng sự kéo đến và phẫn nộ của giáo dân (?).

          Rồi sau 39 năm thổn thức của gia đình và mọi người, đấu năm 2010, hài cốt của em Lụa đã được cải táng và đưa về an nghĩ tại nghĩa trang giáo xứ Trung Đồng, nơi em đã lãnh nhận các bí tích khai tâm cùng bao ơn huệ của Chúa.

Mộ của chị Maria Nguyễn Thị Lụa hiện nay ( Giáo xứ Trung Đồng )

          Ngày nay...

          Tại nhà cụ tổ Hiền Phúc tử đạo Đa Minh Nguyễn Văn Đẩu, cụ tổ 5 đời họ nội của em Lụa, có lập một bàn thờ tôn kính em với cây Thánh Giá xi măng mà chính quyền vội vả xây nên và cây gỗ lim của Đức Cha Đa Minh Đinh Đức Trụ nằm bên cạnh.

           

Bàn thờ tôn kính chị Maria Nguyễn Thị Lụa tại nhà cụ tổ Hiền Phúc tử đạo Đa Minh Nguyễn Văn Đẩu

          Rồi một sự lạ đã xảy ra lúc 15h30’ ngày 27 tháng giêng năm Ất Mùi (17/03/2015). Khi anh Augustinô Nguyễn Văn Hoạt (anh trai em Lụa) đang lau dọn bàn thờ, chuẩn bị kỷ niệm ngày em mình bị bắn chết, thì bất ngờ có một giọt máu to bằng quả nho từ cánh phải Thánh Giá xi  măng nhỏ qua di ảnh em Lụa và rơi xuống nền nhà. Hơn một giờ sau, một người em khác của chị Lụa là cha Augustinô Nguyễn Quang Huy tận mắt chứng kiến giọt máu thứ hai và thứ ba rơi xuống ở hai vị trí khác nhau nữa. Điều trùng hợp thú vị là ba giọt máu này đã “vẽ nên đường đi” từ mộ chi Lụa đến bàn thờ tôn kính chị.

Vị trí đánh dấu 03 giọt máu rơi tại nhà tổ Hiền Phúc tử đạo Đa Minh Nguyễn Văn Đẩu

          Trước sự việc trên, cha Huy đã mời cha xứ Đa Minh Nguyễn Văn Thao cùng một số người chung quanh đến chứng kiến.Tất cả mọi người có mặt lúc đó đều công nhận đó là máu (người) thật. Một số người lấy tay mình thấm vào những giọt máu đó và xoa lên các vết thương hay xoa lên người để xin ơn chữa lành bệnh, thì kết quả xảy ra ngay tức khắc.

          Sau đó, gia đình em Lụa cẩn thận dùng tấm khăn trắng sạch để thấm một phần máu đó rồi cất giữ cẩn thận để làm chứng cho sự lạ này.

  

Cha Augustinô Nguyễn Quang Huy (em ruột chị Maria Nguyễn Thị Lụa)
đang cho tác giả xem tấm khăn trắng thấm một phần các giọt máu rơi xuống nền nhà.

          Tất cả những sự việc trên cũng đã được đệ trình lên Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ - Giám Mục Giáo Phận Thái Bình.

          Và hiện tại...

          Có biết bao bảng “Tạ Ơn” xung quanh bàn thờ chị Lụa.

          Có nhiều người được ơn đặc biệt khi chạy đến cầu khấn với chị.

          Có người từ bên Mỹ khi cầu khấn với chị thì được chị...hiện ra ngay trước mặt để trò chuyện.

          Có biết bao người được ơn chữa lành hồn xác.

          Và, có biết bao người được ơn “trở lại” với Chúa và được nhận chìm vào Lòng Chúa Thương Xót qua sự cầu bầu và dẫn đưa của chị.                                          

Rất nhiều bảng “Tạ Ơn” bên bàn thờ của chị Maria Nguyễn Thị Lụa

          Ba phát đạn, ba giọt máu, chị đã hiến dâng mạng sống mình cho Thiên Chúa Ba Ngôi cách tươi đẹp khi còn là một trinh nữ 13 tuổi. Ba lời nhắn tha thiết của chị trước khi về Thiên Đáng... tất cả là để ca tụng và cảm tạ Danh Chúa đến muôn thuở muôn đời, cùng sinh nhiều ơn ích cho những ai chạy đến cầu xin với Người. Amen.

Trang Độc Giả

Trang Nhà