Tu và Tù tuy hai mà một, Tù với Tu tuy một mà hai

Sưu tầm

 

Lần đầu tiên bước vào nhà tù khét tiếng chuyên nhốt những người tù với mức án cao nhất  là chung thân tại tiểu bang Massachusetts, nhiều người thiện nguyện viên cảm thấy sợ hãi khi cánh cổng trại giam đóng ầm lại sau lưng.  Khi đó, họ cảm thấy rằng, thế giới bên ngoài và nhà tù như bị tách biệt. Sau đó, nhiều tù nhân bước ra chào đón với thân hình vạm vỡ, đầu tóc cắt ngắn, thân mình được xăm trổ bằng nhiều ký hiệu và hình hài ghê rợn, và đa số là người da màu. Tuy nhiên, cảm giác sợ hãi chợt tan biến khi có dịp ngồi xuống và lắng nghe những tâm sự của các tù nhân, tôi cảm thấy thương cho cuộc sống đẩy đưa của họ. Tại trại giam này có hơn 2500 tù nhân, trong đó có khoảng chín người Việt Nam.

 

Ông Xuân tâm sự: “Con là một quân nhân của Việt Nam Cộng Hòa. Khi ở Việt Nam, con bị đi học tập cải tạo hơn mười năm. Sau ngày được trở về, khi biết vợ ngoại tình, con thật sự buồn lắm. Nhưng may mắn thay, một thời gian sau đó, được chính phủ Hoa Kỳ cho định cư tại Boston theo diện HO. Và con dần dần đưa cả gia đình sang và ở tiểu bang Massachusetts được vài năm.  Một vài năm sau đó, vẫn chứng nào tật đó, khi biết vợ tiếp tục ngoại tình với người trong tiệm, con đã dùng rượu để giãi sầu; trong cơn men say, con đã không tự chủ và kiềm chế được nỗi tức giận, nên đã bắn chết người đàn ông ngoại tình đó.

 

Ông thở dài não ruột:“Con đã ở trong trại này được gần 20 năm rồi. Nhưng gần đây con được đi tham dự thánh lễ nhiều hơn, tuy nhiên, vì Tiếng Anh của con còn hạn chế nhiều, nên con cảm thấy rất lẽ loi. Thực sự, hôm nay con thật sự rất vui mừng, sung sướng và hạnh phúc, vì con gặp được cha là người Việt Nam.”

 

Còn Anh Hạ thì an bình chấp nhận với số phận tù đày của mình: “Cha biết không? Ở Việt Nam, con sa vào tệ nạn tiêm chích và hút sách nhiều lắm từ lúc còn nhỏ. Khi đặt chân qua Mỹ vào năm 1975, con tham gia trong băng đảng lúc mới con mới18 tuổi thôi. Vì phút nông nỗi của tuổi thơ dại, chưa biết suy nghĩ chính chắn, con đã dùng súng giết chết năm người Mỹ vì nghĩ rằng họ kỳ thị người Việt Nam mình.” Ngẫm nghĩ trong chốc lát, anh Hạ lại tiếp tục: Một điều may mắn thay, con cảm thấy ở trong tù được bình an hơn khi có nhiều giờ để cầu nguyện và suy ngẫm về cuộc sống và chính bản thân con. Con cứ ngẫm nghĩ rằng,biết đâu nếu con sống ở ngoài cứ theo đà nghiện ngập hút sách đó, con có thể sa chân và lao vào những điều tệ hại và khủng khiếp hơn thì sao?”

 

Trong tâm tư của người mục tử, khi có cơ hội được phục vụ trong trại giam, chúng tôi những linh mục và trợ uý chẳng bao giờ hỏi họ lý do tại sao lại vào tù hay quá khứ của họ như thế nào?  Tuy nhiên, nếu họ muốn chia sẽ, thì đó là sự tự do của họ.  Chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận những ưu tư và trăn trở của họ qua sự lắng nghe và ủi an họ. Chính vì thế, biết bao nhiêu nổi buồn chán, họ dễ đàng chia sẽ sự cô đơn, thất vọng, và cả những ao ước của mình. Khi biết chúng tôi là những Linh mục Công Giáo, họ như gặp được một mối tương quan – giao tình để bày tỏ nổi niềm tâm sự từ tận sâu thẳm của lòng mình.

 

Anh Thu thổn thức: “Có nhiều đêm con nằm mơ mình đang đi xuyên qua các bức tường để ra ngoài. Đến khi thức dậy vui lắm vì ngỡ mình được hưởng sự tự do. Thế nhưng khi đập đầu vào tường mới biết mình vẫn đang còn trong trại giam.”

 

Anh Đông thấy tôi muốn tìm hiểu và lắng nghe nên tiếp lời: “Dẫu biết rằng, ở trong này, xung quanh là bốn bức tường kín,  nhưng  chúng con cũng được sống hy vọng và chờ đợi qua nhiều cơ hội.  Nghe nói cứ 36 năm toà án có thể ân xá. Nên cứ phải chuẩn bị ngày ra trại, khi có nhiều giáo sư vào đây dạy học. Con có thể lấy bằng cử nhân do giáo sư trường đại học Boston University dạy. Hoặc khi nhớ đến Việt Nam, muốn ăn phở hay đồ ăn Việt Nam thì có thể pha chế và mượn nhà bếp để dùng. Còn đi làm thì người ta cũng sắp xếp, duy chỉ có điều lương trả rất thấp-- 24 cents cho một giờ lao động.”

 

Sau một ngày dài, được lắng nghe tiếng nói và những tâm tư—sự sẽ chia của người tù, chúng tôi kết thúc bằng một thánh lễ để cầu nguyện cho họ và gia đình thân yêu.

 

Trên đường về lại nhà dòng, tôi suy tư và rung cảm trong dòng tâm sự của những kiếp người... Đời Tu và Đời Tù” tuy hai mà một: họ đều là những tù nhân. Tù nhân của công lý hay tù nhân của Tình Yêu. Như Thánh Têresa Avila cầu nguyện: “Con xin làm nô lệ của Tình Yêu.” Cả hai đều giống nhau trong việc thực hành đời sống: KHIẾT TỊNH, KHÓ NGHÈO, và VÂNG PHỤC. Với người tù, tôi thiết nghĩ rằng, trong trại giam toàn là đàn ông với nhau, thì cũng dễ hiểu cho vấn đề đời sống độc thân. Còn khó nghèo thì dễ hiểu thôi, vì tù nhân không có nhiều tiềni làm chỉ được 24 cents một giờ, mà nhân viên giữ tất cả tiền bạc, khi nào cần thì cho vài phiếu để mua thực phẩm ăn riêng). Nói đến vâng phục thì là điều hiển nhiên; nếu không sống theo quy định của người quản ngục, thì họ sẽ bị sống trong cảnh biệt giam và mất hết quyền tự do như: đi ra ngoài, tham gia các sinh hoạt tôn giáo, hay nhiều hoạt động khác.

 

Điều tôi liên tưởng tới đó là tù nhân chung thân còn giống các tu sĩ dòng kín ở lời khấn VĨNH CƯ—tức là suốt đời sẽ ở trong tù và sẽ chết trong trại giam.

 

Hơn thế nữa, nếu đam mê và muốn trau dồi kiến thức, họ có thể học đại học, học Thánh Kinh, và tham dự các buổi thuyết trình hàng tuần.  Nên nhiều người trong họ rất thông thạo và có thể chia sẽ lưu loát về các dòng tư tưởng Triết – Thần. Một điều khá phổ biến trong suy nghĩ của nhiều người cho rằng, những người tù nhân không có Chúa thì không đúng, vì theo quan sát và lắng nghe tâm tư của họ, có rất nhiều người biết ăn năn – hối lỗi và chuyên tâm hơn trong đời sống đạo đức trong ơn Chúa. Và như một niềm tin tín thác vào Chúa qua tín hiệu tốt trong môi trường hạn hẹp đó, đức tin và đức cậy là hai nhân đức giúp cho một số người tù được sống trong sự an bình và biết chấp nhận số phận. Dù biết rằng không có ngày trở ra, nhưng họ vẫn hy vọng được làm lại từ đầu. Có khi họ còn biết nâng đỡ nhau cùng sống trong môi trường này. Một ví dụ điển hình, một người tù Mỹ đỡ đầu và giúp cho một tù nhân người Lào trở lại đạo Công Giáo. Sau đó, họ trở thành người bạn rất thân.

 

Nên tù và tu thật ra không khác gì nhau lắm. Tù của luật pháp công bằng hay tu của tình yêu—của sự đáp trả. Có khác chăng là sự tự do.  Nếu đi tu vì bị ép buột mất tự do hoặc theo lợi lộc, danh vọng, và quyền lực thì có khác gì đi tù?

 

Có người đi tu nhưng cũng giống như cảm nhận đang sống trong tù và có người sống trong nhưng luôn cố gắng sám hối – ăn năn để có được một tâm hồn cao thượng như những người đi tu. Và có những người đi tu, nhưng lại để cho những luật lệ và sự sợ hãi kìm hãm hay nhốt tâm hồn mình trong trại giam của tội lỗi, nhưng lại có người đi tù nhưng tâm hồn của họ vượt qua khỏi bốn bức tường của trại giam

 

Bởi vì, ggười đi tu trở thành kẻ tù tội khi để cuộc sống mình chôn vùi trong sợ hãi: sợ bề trên, sợ sai luật, sợ đến với anh chị em, sợ mất đi danh tiếng, sợ mất đi chỗ đứng của mình. Đóng kín trong sự ích kỷ, ganh ghét, tham lam, và đầu óc cục bộ chỉ lo cho mình, hội dòng, và địa phận của mình mà quên đi một thế giới tự do rộng lớn bên ngoài—một Giáo Hội Hoàn Vũ. 

           

Người đi tu tự cô lập và giam mình trong sự ích kỷ và tham lam khi nhìn cuộc đời qua lăng kiếng của tiền bạc, công danh, và quyền lực. Sợ người ta tới với mình để xin xỏ. Sợ người khác lấy mất đi quyền lực và danh tốt của mình.

 

Người đi tu cũng trở thành kẻ tù tội khi mang theo cồng khoá trên cổ những thói quen, nhận định, và suy tư nhỏ hẹp,  kỳ thị, hay khinh miệt của văn hóa riêng mà thiếu sự khiêm tốn để đón nhận điều hay điều mới của thế giới rộng mở.

 

Một bên là trả giá cho những tội tình gây ra. Còn một bên là đáp trả tiếng mời gọi của tình yêu. Như Thánh Gioan viết: "Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi" (1Ga 4,18). Chỉ khi nào ai đó yêu thật sự thì mới thoát khỏi kiếp tù tội của sự sợ hãi.

 

“Tu và Tù” thật không khác xa nhau lắm. Chỉ một dấu huyền, nhưng nếu mình biết sống trong sự huyền nhiệm của tình yêu sự tự do – tự nguyện trong sự tương thân, điều đó có thể thay đổi tất cả đời tu và đời tù.

Trang Độc Giả

Trang Nhà