Giọt nước giữa đại dương

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Một văn sĩ người Roumanie, ông Valeriu Butulescu, đã viết: “Điều kỳ lạ: tất cả các dòng sông lớn nhỏ đều tìm cách đổ về biển cả để tự đánh mất mình”. Quả vậy, từ những mạch nhỏ li ti trong rừng thẳm, từ những giọt nước âm thầm nơi hốc đá, tất cả hoà quyện làm nên dòng suối, rồi chảy ra sông và khởi đầu hành trình về biển. Dòng sông mạnh mẽ phá vỡ những con đập, cuốn trôi những vật cản, cuồn cuộn lao mình vươn ra biển, và khi gặp gỡ đại dương, nó vui mừng vì được về với cội nguồn. Niềm vui ấy là sự hoà tan kỳ lạ, một sự hoà tan đến nỗi đánh mất mình.

Sống trong cuộc đời này, tôi như giọt nước của một dòng sông. Dòng sông nào, bất luận lớn hay nhỏ, cũng đều hướng về biển cả. Người ta sống trên đời, chẳng kể giàu hay nghèo, ai cũng quy về Đấng Tối cao. Cũng như đại dương là điểm hẹn của mọi dòng sông, Đấng Tối cao là cùng đích của muôn loài. Mặc dù quan niệm về Ngài có nhiều dị biệt, nhưng hầu hết đều tin có “Ông Trời”, “Ông trên cao”, vị Chủ tể vũ trụ. Tình thương của Ngài mênh mông rộng lớn như dại dương bao la. Sự hiện hữu của Ngài trong cuộc đời không nhận biết bằng giác quan, nhưng có thể bằng trực giác, bằng trái tim và nhất là bằng Đức tin. Dù người đời nhận biết hay không, Đấng Tối cao vẫn luôn hiện diện, cũng như người khiếm thị không nhìn thấy mặt trời, nhưng không vì thế mà quả quyết mặt trời không tồn tại. Người công giáo tin Thiên Chúa là khởi thủy của muôn loài và là Cha yêu thương. Ngài luôn mong muốn cho nhân loại được niềm vui và hạnh phúc và được cứu độ. Ơn Cứu độ chính là được hiệp thông với Chúa đời này và đời sau. Nhờ sự hiệp thông sâu xa này, người mến Chúa được “hoà tan” trong Ngài, như giọt nước hoà vào lòng đại dương.

Là một giọt nước nhỏ bé vô danh, khi cầu nguyện, tôi được hoà mình vào đại dương mênh mông của tình yêu Chúa. Cầu nguyện chính là cuộc đối thoại thân tình với Chúa. Trong cuộc đối thoại này, Chúa nói tôi nghe và tôi nói Chúa nghe. Khi hai người yêu nhau, họ mong muốn ở gần nhau. Nội dung những cuộc tâm sự rất đơn giản mà dường không có hồi kết. Chẳng cần phải nói nhiều lời, nguyên sự hiện diện bên nhau đã đủ đem cho họ hạnh phúc và niềm vui. Những giây phút bên nhau giúp họ hiểu nhau hơn, để rồi họ thấy hai trái tim có chung cùng một nhịp đập, hai hơi thở có chung một khát vọng yêu thương. Khi cầu nguyện, tôi được gặp gỡ Chúa và lắng nghe Ngài dạy bảo, nhờ đó, tôi biết đường đi nước bước để có thể đối nhân xử thế ở đời. Có câu chuyện kể rằng, một cụ ông ngày nào cũng đến nhà thờ cầu nguyện hằng giờ. Một hôm cha xứ hỏi: “Khi cầu nguyện, cụ nói gì với Chúa?” Cụ trả lời: “Con chẳng nói gì, con chỉ nhìn Chúa”. Ngạc nhiên, vị linh mục tiếp lời: “Vậy Chúa nói gì với cụ?” Cụ thưa: “Chúa chẳng nói gì, Chúa chỉ nhìn con”. “Nhìn Chúa” và “được Chúa nhìn”, đó là một trong những định nghĩa tuyệt vời của cầu nguyện, một triết lý đơn giản những cũng rất thâm sâu. Trong lịch sử Giáo Hội, có nhiều vị thánh đã đạt tới mức “xuất thần” khi cầu nguyện, nghĩa là họ được bay bổng trên cao, đến nỗi tâm hồn họ thoát ra khỏi thân xác để gặp gỡ Chúa. Có những vị thánh khi cầu nguyện thì toả hương thơm ngọt ngào xung quanh mình. Đó là hương thơm của hạnh phúc thiêng liêng, dường như họ được cảm nếm hạnh phúc thiên đàng ngay khi còn ở dưới thế. Thánh Phaolô trong lúc cầu nguyện đã được nâng lên tầng trời thứ ba và được thấy những điều kỳ diệu (x. 2 Cr 12,2-4). Nhờ sự thánh thiện, các ngài như giọt nước hoà mình vào đại dương của hạnh phúc thiên đàng.

Nhờ được soi sáng bởi Lời Chúa, tôi chuyên cần thực hành thánh ý của Ngài, theo gương Chúa Giêsu, Đấng chú tâm thực hành thánh ý của Chúa Cha, đến mức thực hiện ý Chúa Cha là lương thực của Người (x. Ga 4,34). Tôi xác tín rằng những gì Chúa muốn đều là tốt lành cho tôi. Niềm xác tín nơi Chúa giống như niềm tin tôi có nơi cha mẹ. Bởi lẽ cha mẹ dù có sửa phạt, nhưng luôn luôn yêu thương và mong muốn cho tôi những điều tốt lành. Thực hành ý Chúa, tôi được ngập tràn hạnh phúc, bởi tôi chẳng còn đôn đáo bon chen để làm theo ý riêng mình. Những việc làm của tôi, nhờ được thực hiện trong tinh thần yêu mến, sẽ đơm hoa kết trái và đem lại niềm vui cho mọi người. Như thế, tôi tìm thấy niềm vui trong mọi hành động, vì tôi biết rằng tôi làm việc theo ý Chúa. Tôi không còn sợ lầm đường lạc lối. Khi quan sát mọi sự việc theo lăng kính Đức tin, tôi không lo buồn thất vọng kể cả khi không thành công, vì đó là dịp để tôi nhận ra sự bất toàn của mình và để tôi được tôi luyện chín chắn hơn. Ý thức mình đang thực thi ý Chúa mang lại cho tôi sức mạnh, nhờ đó, tôi có thể trỗi dậy tiếp tục bước đi trên đường đời. Tôi làm việc cho Chúa, đương nhiên Chúa sẽ bảo vệ tôi. Nhờ chuyên tâm thực thi ý Chúa, tôi như giọt nước hoà mình trong đại dương của tình mến yêu chân thành.

Đại dương rất mênh mông rộng lớn, giọt nước lại quá bé nhỏ vô thường. Chúa là Đấng quyền năng mạnh mẽ, tôi lại yếu đuối dễ đổi thay. Khi hoà mình vào đại dương mênh mông, giọt nước như tìm về cội nguồn của mình. Giọt nước hoà vào đại dương sẽ thấm đẫm vị mặn của muối, vị nồng của đất. Khi tôi được hoà vào dòng chảy của sự hiệp thông nơi Ba Ngôi Thiên Chúa, tôi sẽ được thần hoá (être divinisé). Một cách nào đó, tôi trở thành linh thiêng ngay khi còn sống giữa đời. Thánh Phaolô đã cảm nhận được điều đó và khẳng định: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Nhờ chuyên tâm thực hành lời Chúa dạy, tôi sẽ có tấm lòng quảng đại như trái tim của Chúa, cái nhìn cảm thông như ánh mắt của Chúa, ngôn từ dịu ngọt như giáo huấn của Chúa. Nhờ ơn của Bí tích Thanh tẩy, tôi được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, nên qua cuộc đời của tôi, mọi người nhận ra sự hiện diện và phúc lành của Đấng Cứu độ. Ngôn sứ Giêrêmia đã cảm nếm hạnh phúc ngọt ngào ấy và đã thốt lên: “Lạy Chúa là Chúa tể càn khôn, gặp được Lời Chúa, con đã nuốt vào. Lời Chúa trở thành niềm vui của lòng con, vì con được mang danh Ngài” (Gr 15,16). Khi sống và hành động nhân danh Đức Kitô, tôi được sống trong đại dương mênh mông của Ba Ngôi hằng hữu.

Trở về đại dương là khát vọng của mọi dòng sông, vì đó là nguồn cội. Trở về với Chúa là đích điểm của kiếp nhân sinh, vì đó là Nhà Cha. Như lá rụng về cội, như nước chảy về nguồn, mỗi ngày sống trên trần gian là mỗi bước tôi đang đến gần Chúa để gặp Ngài. Gặp Chúa là đích điểm của đời sống Kitô hữu. Suốt đời tôi là sự chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này. Ngôn ngữ đời thường gọi cuộc gặp gỡ này là sự chết, nhưng người có Đức tin lại gọi đó là lúc sinh ra (sinh thì). Bởi khi đôi mắt khép lại, là lúc khởi đầu cho một cuộc sống mới, chấm dứt những thử thách đau thương của kiếp người. Có người sánh ví cuộc đời chỉ như một giấc mộng, khi trút hơi thở cuối cùng cũng là lúc vỡ mộng để thức tỉnh. Vì đời này là cõi mộng, nên tôi dễ lầm lẫn trong nhận định và xét đoán. Khi kết thúc cuộc đời, tôi sẽ bừng tỉnh con mắt tâm hồn và trí tuệ để nhận ra Chân lý. Lúc đó, tôi được gặp Chúa, trực tiếp chứ không phải còn như trong gương. Bấy giờ tôi như giọt nước nhỏ bé được hoà mình vào đại dương mênh mông sâu thẳm của hạnh phúc đời đời.

Để trở về hoà mình với đại dương, dòng sông nào cũng phải trải qua nhiều ghềnh đá hiểm trở. Có biết bao chướng ngại muốn ngăn cản dòng sông về với cội nguồn của mình. Tôi như vận động viên đang bơi trong dòng sông cuộc đời. Có biết bao cám dỗ, đang muốn lôi kéo tôi dừng lại để hưởng thụ mà quên đi đích điểm tôi phải vươn tới. Chính vì thế, tôi cần có nghị lực để có thể bền đỗ và chiến thắng. Chúa Giêsu hứa sẽ phù trợ những ai có lòng cậy trông tín thác nơi Người: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Mt 7,7). Mặc dù còn nhiều khó khăn trắc trở, tôi tin rằng tôi sẽ tới đích, vì Chúa nói: “Ơn ta đủ cho con” (2 Cr 12,9). Lời khích lệ ngọt ngào này giúp tôi tìm được thư thái an bình.

 

Trang Độc Giả

Trang Nhà