Bước theo Chúa Giêsu trong vâng phục

Luy Nguyễn Anh Tuấn

Đức vâng phục Kitô giáo, nhất là trong thế giới hiện đại và hậu hiện đại này, có lội ngược dòng đời vốn tôn vinh sự tự do cá nhân và nhân phẩm đặt trên nền tảng của tự do và trách nhiệm cá nhân không?

1. Thượng nguồn của đức vâng phục

Đức vâng phục đầu tiên là sự vâng phục của mọi thụ tạo được Tạo Hóa yêu thương kêu gọi đi vào hiện hữu. Đón nhậnchính sự sống của mình với lòng tri ân vì mình đã được ban cho hồng ân sự sống, được làm người, được sống trong thế giới này. Bao hàm đảm nhận lấy chính mình, nguồn cội mình, thân xác mình, những đặc thù của con người mình, điểm mạnh và điểm yếu của mình về thể lý cũng như tâm lý.

Người tin Chúa kết hợp với Ngài, nghe Ngài mời gọi tìm kiếm trước hết lắng nghe lời Ngài. Vâng phục Thiên Chúa trên hết là nghe lời Thiên Chúa được viết nơi tạo thành (trong thiên nhiên), chứa đựng trong Sách Thánh, nói trong lịch sử và trong cộng đoàn Kitô hữu. “Hãy nghe, hỡi Israel!” (Đnl 6,4) là giới răn lớn, lời kêu gọi hãy nghe này, tức là thực thi ý Chúa được biểu lộ trong lời Ngài, thường xuyên trong các sách Thánh, Cựu cũng như Tân ước. Như dân Israel đáp lại Giao ước Thiên Chúa ban: “Mọi điều Đức Chúa truyền chúng tôi sẽ thi hành và sẽ nghe theo” (Is 24,7).

Đức Giêsu Kitô là người mẫu sống đức vâng phục. Đức Giêsu hằng nghe Chúa Cha (x. Ga 8,28-29). Lương thực của Người là thực thi thánh ý Cha (x. Ga 4,34). Người không thực hiện ý riêng của mình nhưng là thánh ý Cha, đến độ nhận uống chén đắng (x. Mc 14,36 và ss.). Thế nhưng, sự vâng phục này là vâng phục tình yêu, nhờ đó mà Người hiệp thông với Thiên Chúa và với con người. Đó là sự thực hiện lôgic của tình yêu. Nếu Đức Giêsu “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập tự” (Pl 2,8), đó là vì Người không làm bất cứ hành động gì chống lại con người, vì Người “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,29) đến độ phải chịu bạo hành mà chối từ triệt để dùng bạo hành; vì Người muốn sống hiệp thông với tất cả mọi người nạn nhân của lịch sử. Cả cuộc sống của Đức Giêsu luôn làm chứng cho tình hiệp thông, tình liên đới gần gũi với mọi người. Người trở nên là kẻ phục vụ đến mức tự hạ trở thành người tôi tớ cho tất cả những ai Người đã gặp gỡ.

“Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8). Đức Giêsu trong tư cách là một con người đã phải nhận ra rằng để sống yêu thương người ta phải trả giá, để yêu thương người khác và làm điều tốt lành cho họ ta phải chịu đau khổ, rằng vâng phục Thiên Chúa không phải chỉ là một sự vâng phục theo nghĩa vụ của kẻ làm con đối với cha, nhưng là sống theo lôgic của ngài, lôgic của Thiên Chúa vốn là của tình yêu (1 Ga 4,8.16). Chính đức tin trọn hảo của Đức Giêsu, hay nói đúng hơn chính “đức tin trọn hảo” cũng là chính Người, đã tạo hình cho Người thành một người vâng phục lý tưởng, làm cho Người trở nên kẻ phục vụ giữa loài người, đã đưa Người đến chỗ hiến dâng mạng sống mình; và chính tình yêu Người đã “yêu mến họ đến cùng” (Ga 13,1) khiến Chúa Cha phục sinh Người từ cõi chết và đặt Đấng vốn là Con Chiên làm “Mục Tử cao cả của đoàn chiên” (Dt 13,20), làm vị “Mục Tử tối cao” (1 Pr 5,4).

Vâng phục Thánh Thần. Trong khi vâng theo phận thụ tạo của mình và vâng nghe lời Chúa, theo gương mẫu lý tưởng của Đức Giêsu Kitô, Thánh Thần Chúa đã luôn hiện diện rồi với quyền năng và hành động của Ngài. Thần Khí Thánh, là ân sủng tuôn trào vào trong trái tim Kitô hữu, mời gọi họ kêu cầu lên Thiên Chúa: “Lạy Cha”, nghĩa là Bố yêu dấu (Rm 8,15; Gl 4,6), và như thế là bước vào tâm tình vâng phục của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha (Mc 14,36) Đấng là nguồn mạch của tình yêu. Để trở thành con cái Thiên Chúa trong ý thức và gắn bó với Ngài ta cần được Thánh Thần hướng dẫn (x. Rm 8,14); để trở thành anh chị em của nhau trong một Thân thể duy nhất, những kẻ đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, ta cần phải ngoan ngoãn vâng nghe theo Thần Khí của Hiệp thông, Đấng tạo ra trong cộng đoàn nhiều đặc sủng khác nhau, nhiều việc phục vụ và hoạt động khác nhau, nhưng hoạt động ở trong mọi người (x. 1Cr 12,4-11), hợp thành một thân thể duy nhất gồm những chi thể kín múc ơn thiêng từ Ngài (1Cr 12,12-13).

Vâng phục Chúa Thánh Thần sẽ làm cho cộng đoàn nên hiệp nhất và hiệp thông, nên “một lòng một ý” (Cv 4,32), biến cộng đoàn thành một koinonia có thể đặt mọi sự làm của chung (cf. Cv 2,42-48) và thành một sự kiện có ý nghĩa của một “lễ bẻ bánh”. Linh đạo Kitô giáo nào cũng đều là linh đạo hiệp thông bởi vì Thánh Thần Đấng đặt nền cho linh đạo ấy và cho nó hiện hữu luôn luôn hành động như một koinonia (ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thàn: x. 2Cr 13,13). Khi thực hành phân định tìm thánh ý Chúa luôn cần phải quyết liệt khẩn cầu Chúa Thánh Thần. Chính Ngài là Đấng cần được kêu cầu để Ngài ngự xuống tâm hồn và trí khôn, linh hứng những gì phù hợp với ý muốn Thiên Chúa và ban cho ta sức mạnh hầu biểu lộ ý Chúa ra, và chia sẻ với anh chị em, và nhất là thực hiện ý đó theo lôgic của hiệp thông.

Chúng ta đừng quên Thần Khí luôn đi kèm theo Lời: nếu chữ viết mà thiếu Thần Khí thì giết chết (x. 2Cr 3,6), thì Thần Khí, “Đấng đồng hành không thể tách rời với Chúa Kitô” (Basiliô thành Cêsarê), không bao giờ có thể mâu thuẫn với Tin mừng. Thế nên, Thần Khí nói với chúng ta trong phạm vi chúng ta biết giữ cho đời sống nội tâm chúng ta được sống động, đối thoại giữa thần trí chúng ta với Ngài (x. Rm 8,16). Bởi thế, mỗi anh chị em phải tỉnh thức không được ủy thác cho người khác việc phân định tìm kiếm thánh ý Chúa, bởi vì thiếu phân định về lâu dài sẽ có nguy cơ tinh thần chúng ta bị hao mòn teo tóp, vì không còn thực hành sử dụng đến tự do (dù là tự nhiên nhưng cũng khá vất vả) của tinh thần ta nữa. Nhìn nhận phận sự của quyền bính trong cộng đoàn không hề có nghĩa là chối từ lắng nghe Thánh Thần nói trong lương tâm người vâng phục.

2. Trung gian nhân loại chuyển tiếp thánh ý Chúa

Nếu “tin là thực thi thánh ý của Thiên Chúa” (Irênê thành Lyon), thì việc ấy có thể được thực hiện trong đức vâng phục được biểu lộ ra qua nhiều hình thức: bên cạnh việc lắng nghe từ bên trong nội tâm, còn có nghe qua những trung gian ngoại giới là những con người. Những trung gian nhân loại ấy luôn luôn có mặt trong mọi cuộc đời, bởi lẽ không ai và nhất là không Kitô hữu nào là sống đơn độc, theo như câu ngạn ngữ cổ của các giáo phụ: Unus christianus, nullus christianus.

Những trung gian chuyển tiếp ý muốn của Thiên Chúa có thể là: người “làm lãnh đạo” (Mc 10,44); người “làm lớn hơn cả” trong anh em (Mt 23,11; Lc 22,26); “những người hướng dẫn” (Lc 22,26). Cộng đoàn Kitô hữu được tổ chức, được hợp thành bởi các đặc sủng và các phận vụ khác nhau, và trong đó một số người là “lãnh đạo nhân danh Chúa” (hay “chủ sự trong Chúa”: 1Tx 5,12), hoặc là “những người hướng dẫn” (Dt 13,17) cần phải được những người kia nghe lời. Chính Chúa Giêsu đã đặt người chăn dắt đoàn chiên là cộng đoàn Kitô hữu (x. Ga 21,15-17), Thánh Thần đã thiết lập các kỳ mục (Cv 20,17) và các giám mục (Cv 20,28) để chăn dắt Hội thánh Chúa, đàn chiên Chúa giao phó cho họ (x.1Pr 5,2). Những người phụ trách này được gọi theo lời của Chúa Giêsu là “những người quản gia trung tín và khôn ngoan, được ông chủ đặt lên để coi sóc người ăn kẻ ở, để cấp phát phần lương thực đúng giờ đúng lúc” (x. Lc 12,42) và theo lời của thánh Phaolô là “những người đã dấn thân phục vụ dân thánh” (1Cr 16,15), giống như những người “lãnh đạo nhân danh Chúa” mà các anh em phải phục tùng.

Tất cả họ luôn được mời gọi sống chức vụ của mình như những tôi tớ (diákonoi: x. Mc 9,35; 10,43, vv.), có khả năng phục vụ theo cách thức khác hẳn cách thực thi quyền lực trong thế gian: Non ita in vobis! (Mc 10,43).

3. Tuân thủ Tu luật

Đối với người Kitô hữu bước theo Chúa Kitô trong đời tu cộng đoàn, các trung gian nhân loại bên ngoài được cụ thể hóa, ngoài những hình thức trung gian chung với mọi Kitô hữu khác, cách đặc biệt nơi tu luật và cộng đoàn, nơi vị đứng đầu cộng đoàn và nơi những người giúp đỡ họ sống đời tu này.

Chắc hẳn, tu luật vẫn là một công trình của con người, và bên trên đó là Phúc âm ở vị trí tối thượng tuyệt đối: Phúc âm xuất phát từ Thiên Chúa, tu luật đến từ con người. Phúc âm dành cho hết mọi người, còn tu luật dành cho những ai đã ký kết Giao ước dựa trên quy ước tu luật đó. Phúc âm là trường tồn, hôm qua, hôm nay và mãi mãi (x. Dt 13,8), còn tu luật thì bất tất, bởi lẽ việc bước theo Chúa do Phúc âm đề ra là duy nhất, còn các hình thức lịch sử của việc ấy thì nhiều và dị biệt.

Bởi thế, tu luật chỉ là một hình thức của cuộc hành trình mà một số người, nam hay nữ, đồng hành cùng với những anh em hay chị em khác bước theo Chúa Kitô. Thế nhưng, vì tu luật diễn tả một dự phóng sống Tin mừng được khơi dậy bởi Thần Khí và được Giáo hội chuẩn nhận, nên những ai với tự do và xác tín đã gắn kết với đời tu được đòi hỏi phải xem đó như là trung gian chuyển tiếp thánh ý của Thiên Chúa, nghĩa là nơi tham chiếu của đức vâng phục. Tu luật là “một phương tiện để sống Phúc âm và nhất là một phương thế để sống tình hiệp thông huynh đệ ... một bản mô tả đời sống mà thiếu nó người ta không thể xây dựng một cộng đoàn và không thể có tạo thành gì cái chung được”[1]. Người ta đo lường mức độ một thành viên thuộc về cộng đoàn, và người ấy xây dựng mối hiệp thông với Chúa và với anh em hay chị em mình như thế nào, dựa theo sự tuân thủ tu luật của người ấy. Thánh Biển Đức mô tả những đan sĩ là “những người sống chung với nhau trong một đan viện và chiến đấu dưới sự hướng dẫn của tu luật và một vị tu viện trưởng” (sub regula vel abbate: Tu Luật thánh Biển Đức 1,1). Như vậy, ngài mô tả đời sống cộng đoàn đan tu như là một đời sống vâng phục theo tu luật và vị tu viện trưởng và, một cách ngầm định, vâng phục cả cộng đoàn nữa. Đây không chỉ là một thể thức sống nhưng là một sự thực hiện cộng đoàn Kitô giáo sống Giao ước với Chúa và giữa anh em.

Giao ước là với Chúa và giữa anh em, và chỉ có thể sống Giao ước trong cộng đoàn được Chúa kêu gọi, theo các khoản tu luật và các giới răn, đồng thời đón nhận sự phục vụ của vị đứng đầu cộng đoàn. Giao ước đó là một lộ trình cùng đi với nhau, luôn nổi bật bởi tính chất đồng hành (sinodalità): cùng đi với nhau trên một lối đường. Thế nên, để cùng đi với nhau trên hành trình ta cần chuyển tiếp từ ý riêng (voluntas propria) sang ý chung (voluntas communis), muốn vậy cần có sự vâng phục lẫn nhau, tuân thủ lề luật chung cho mọi người, và vâng phục vị lãnh đạo và có nhiệm vụ phục vụ cho sự hiệp thông, ngài dù ở dưới luật nhưng còn là người giải thích luật.

4. Tùng phục lẫn nhau

Vâng phục nhau trong đời sống cộng đoàn thật ra đơn giản (nhưng không dễ dàng) là sống điều răn mới Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ Người: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34; x. 15,12). Ai yêu thương thì hành động để tha nhân được sống, nghĩa là vâng phục trong tình yêu khi mình hiến trao sự sống vì người mình yêu: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hy sinh sự sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13). Tình huynh đệ là yếu tố cốt yếu của đời sống cộng đoàn và “toàn thể sự phong nhiêu của đời sống cộng đoàn phụ thuộc phẩm chất của đời sống huynh đệ”[2]. Quả thật, vâng phục huynh đệ là điều rất vất vả và khó khăn bởi vì nó không chỉ là một thực hành tu đức, một k luật để sống chung cùng nhau, nhưng là một sự cùng nhau tìm kiếm thánh ý Chúa, bằng cách đón nhận tha nhân vốn có những khác biệt với tôi, và cũng có khả năng nhận ra thánh ý Chúa và thực hiện thánh ý đó. Cần phải khẳng định lại cách quyết liệt điều này: vâng phục không chỉ là vâng lời bề trên, bởi lẽ trên hết và trước hết phải có một đức vâng phục lẫn nhau giữa các anh em.

Vâng phục người khác trước hết có nghĩa là chấp nhận họ như thực tại chính họ là anh em chị em quà tặng của Chúa cho tôi. Ta không chọn họ trước rồi mới yêu thương họ, mà ngược lại ta chọn yêu thương họ như món quà của Chúa ban trao trước khi hiểu biết và lựa chọn họ! Tha nhân nếu ta không coi họ như ân huệ Chúa ban có thể trở thành ... hỏa ngục (Jean-Paul Sartre). Như thế, vâng phục là hết sức kiên nhẫn mang chịu lấy những bnh tật, những yếu đuối về thể lý và tinh thần, những khiếm khuyết của người khác. Vâng phục để sống với tha nhân mà không vì lụy tình cảm nhưng trong sự tự do của một lòng mến yêu thanh khiết. Vâng phục để vẫn phục vụ họ nhất là khi họ mất sức khỏe, yếu sức, thiếu tài năng hoặc đang sống trong tội lỗi, bởi thế họ cần được phục vụ từ những tấm lòng từ bi và bác ái huynh đệ không mệt mỏi. Tha nhân là “một người anh em mà Chúa Kitô đã chết cho họ” (1Cr 8,12). Mang lấy tội lỗi của họ là dấu chỉ của người đã có được tầm nhìn của Chúa Kitô, cái nhìn cảm thương.

Để thực hành vâng phục huynh đệ ta phải biết lắng nghe anh em (trong tiếng latinh obœdire do từ ob-audire): muốn nghe họ, biết dành thời gian tìm hiểu những nhu cầu của họ, cố tìm hiểu để biết thực chất sâu xa của người ấy hơn, những gì khiến họ vui mừng hay làm họ đau khổ. Nếu thiếu một sự hiểu biết tối thiểu này về anh em, sẽ không thể có đời sống huynh đệ và rốt cuộc có thể tình trạng sẽ trở nên tệ hơn dù ta không muốn. Mỗi người anh em là trung gian cho Chúa hiện diện và tỏ lộ ý muốn của Người.

“Anh em hãy tùng phục lẫn nhau trong niềm kính sợ Đức Kitô” (Ep 5,21). Tùng phục có nghĩa là có người trên là người anh em tôi và có người dưới là chính tôi đây. Bình thường thì dễ vâng lời người anh em hơn trong sự thật, bởi lẽ đối với người lãnh đạo ta có thể vâng lời vì sợ, vì lệ thuộc, vì chủ nghĩa cơ hội, còn đối với người khác thì không! Họ không có quyền hành nào khác ngoài sự gần gũi của người ở bên cạnh như người anh em.

Vâng phục anh em cũng có nghĩa là không sống trong cộng đoàn chỉ theo tiêu chuẩn của quyền lợi và bổn phận, chỉ theo những tiêu chuẩn của công bằng, bởi vì đôi khi cũng cần phải biết chịu đựng một chút sự bất công, biết hạ mình, biết chờ đợi trong kiên nhẫn chân lý rồi một ngày sẽ lộ hiện và đúng lúc. Thiếu khiêm tốn, tức là không chấp nhận mình có lúc nên hèn kém, thì cũng khó có thể sống đức vâng phục Kitô giáo được. “Đức Kitô đã tự hạ mình vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2,8).

Sau cùng, vâng phục lẫn nhau còn là mảnh đất trên đó hạt giống đồng trách nhiệm trổ sinh và nảy nở. Đó là cùng với các anh em khác thực thi trách nhiệm, ước muốn thi hành trách nhiệm trong tinh thần hiệp thông và là khả năng đáp lại bằng những quyết định và hành động trong sự liên đới với nhau. Dự phóng của một cộng đoàn là thuộc về trách nhiệm chung của toàn thể các thành viên. Trách nhiệm chung thì ngược lại với trách nhiệm cá nhân vốn chỉ là trách nhiệm riêng của một người. Đáp lại ơn gọi của mình, những người thánh hiến quyết định rằng trong cuộc sống của mình họ sẽ không lấy những quyết định quan trọng một mình, nhưng luôn luôn làm trong tinh thần hiệp thông với những anh em khác, những người cùng họ sống giao ước đã ký kết. Theo nghĩa đó, vâng phục, ngoài sự tuân theo tu luật là một hình thức, còn là vâng phục cộng đoàn.

5. Vâng phục người lãnh đạo và những người phụ tá

Bên cạnh tu luật và cộng đoàn như là trung gian để tìm biết thánh ý Chúa còn có sự phục vụ (hay thừa tác vụ) của người lãnh đạo và những người phụ tá cùng chia sẻ với ngài trách vụ đó. Người lãnh đạo có một quyền bính, mộtexousía vốn luôn là một việc phục vụ cộng đoàn, nghĩa là một việc làm hướng đến làm cho Kýrios, Đức Chúa, được hiển trị trong cộng đoàn. Đó là hành động “thiêng liêng” của ngài, bởi vì – như thánh Phanxicô Assisi đã nói – “chính Chúa Thánh Thần là vị tổng phụ trách đích thực của dòng”, người phải điều hành mọi cộng đoàn. Chỉ những ai cầm quyền có và dưỡng nuôi một đời sống thiêng liêng mới biết thăng tiến sự sống ấy nơi những người được trao phó thuộc quyền mình. Đừng cản trở Thánh Thần, nhưng hãy nhận ra sự hiện diện và ơn linh hứng của Ngài cả nơi người trẻ tuổi nhất và ít kinh nghiệm, ưu ái những hành động của Ngài để chúng được đón nhận vào trong tâm hồn của mỗi thành viên cộng đoàn, đừng bao giờ nghĩ mình là kẻ duy nhất được Ngài linh hứng, và đây là ưu tư đầu tiên của người cầm quyền. Hơn thế nữa, bề trên cả hay vị tổng phụ trách trong cộng đoàn là một khí cụ có đặc quyền giải thích lề luật theo tinh thần tiên tri mời gọi người ta giải thoát mình khỏi tinh thần vụ luật (luật dòng hay luật phúc âm) lạnh lùng, tầm thường hẹp hòi.

Để thực thi việc phục vụ thiêng liêng này, người lãnh đạo không được để mình bị cuốn hút hết vào các công việc hành chánh, tổ chức, kinh tế, quản trị có thể cản trở hay thậm chí cấm cản ta có thời giờ để hướng dẫn những người anh em được giao phó cho mình. Quyền bính cơ chế không bao giờ đối nghịch cùng quyền bính thiêng liêng, bởi lẽ nếu không ủng hộ hành động của Thần Khí, quyền bính sẽ không còn là quyền bính nữa. Người cầm quyền là cơ hội, ký ức, bảng chỉ dẫn cho người ta sống đức vâng phục, vì vâng phục luôn là vâng phục Thiên Chúa. Người cầm quyền phải học trước hết vâng theo việc của Thiên Chúa làm nơi từng anh em chị em mình, và từ đó xác nhận và khích lệ họ ngay cả khi làm với cung cách phê bình để họ có thể đáp lại ý muốn của Thiên Chúa.

Nghệ thuật lắng nghe

Để thực hiện việc phục vụ của mình, người phụ trách (người cầm quyền) trước hết phải biết lắng nghe không mệt mỏi anh em chị em mình, ngoài việc lắng nghe tiếng Chúa. Lắng nghe là biết đón nhận anh chị em bằng cách tự đặt mình sẵn sàng phục vụ họ theo các nhu cầu của họ. Quả thật, trong anh em luôn có ai đó cảm thấy cô độc, ai đó cần được quan tâm, ai đó cần được giúp đỡ để bộc bạch, để nói chuyện và cảm thấy được lắng nghe và được chăm sóc. Người nào không biết lắng nghe anh em mình là kẻ nhìn thấy được thì cũng không biết lắng nghe Thiên Chúa là Đấng không thấy được. Lắng nghe anh em với một sự “đồng cảm” (không có nghĩa là đồng ý): cor ad cor.

Tiếng gốc latinh từ đó rút ra từ “authority” (quyền bính) là augeo có nghĩa làm phát triển, giúp tăng trưởng. Một quyền bính phải giúp cho người khác được phát triển, trưởng thành hơn, tạo không gian cho người đó và giúp họ tiến bước trong tự do và trong yêu thương. Tăng trưởng là nội dung và là sự thực hành của quyền bính. Chăm sóc ân cần, quan tâm lo lắng, gần gũi chia sẻ với anh em bảo đảm cho ta không thực thi quyền bính cách độc đoán và chuyên chế, tránh thao túng hay điều khiển cách độc tài con người hoặc lương tri của người ta. Không cao ngạo, kiêu căng, không khinh thường người khác.

Nghệ thuật nói chuyện

Bên cạnh nghệ thuật lắng nghe, người phụ trách cũng cần biết nghệ thuật nói chuyện, tức là nghệ thuật giáo hóa bằng lời uy lực và bằng hành động của chính mình, bằng cách sống của mình. Người phụ trách giáo huấn bằng lời nói nhất là bằng gương sáng.[3] Nghệ thuật giáo hóa anh em chị em mình là khả năng làm dấu chỉ đường cho họ đến với Chúa Kitô, với Phúc âm, với Tu luật. Người đứng đầu cộng đoàn, bởi chính địa vị của mình, thực ra luôn là đối tượng cho mọi người nhìn lên, mong đợi, và họ luôn dạy dỗ, ngay cả khi không định như thế hay không ý thức mình làm thế. Chính con người của họ là biểu tượng và được cảm nhận trong tư cách đó. Đó là lý do tại sao bản thân người người phụ trách phải thực hành hơn mọi người khác việc nguyện ngắm lời Chúa (lectio divina), để thấy mình “được phó thác cho Lời ân sủng” (Cv 20,32), được củng cố mỗi ngày một mạnh hơn cảm thức đức tin (sensus fidei) và cảm thức về Hội thánh (sensus ecclesiae) rất cần thiết để hướng dẫn người khác và rốt cuộc để không làm anh em bị lạc đường và sống mâu thuẫn với Tin mừng. Bởi thế, người phụ trách phải biết giáo huấn khởi đi từ Sách Thánh, phải biết giải thích và diễn giải truyền thống trọng đại của đời tu, phải biết thấu đáo dự phóng của cộng đoàn mà Quy luật mô tả và lịch sử tu hội đã vạch ra. Trong giáo huấn đó, ngoài việc thông truyền lời Chúa trong Sách Thánh và trong truyền thống của Hộithánh, người phụ trách phải biết thuyết giải Quy luật với niềm xác tín mạnh mẽ, đồng thời không cứng nhắc và bó buộc theo khuôn khổ khi diễn giải nhưng luôn tự đặt mình trong dự phóng làm nền tảng cho đời sống cộng đoàn. Trước khi có luật lệ hay tu luật, đã có những con người mà người lãnh đạo được giao phó phải chăm sóc. Người phụ trách biết mình phải thi hành một sứ vụ cam go là hướng dẫn các linh hồn và phục vụ bá tánh. Cho nên, có khi phải dịu dàng với người này, nhưng biết khiển trách và thuyết phục người kia, tùy theo tính tình và nhận thức của từng người mà thích ứng.[4]

Không có những lời giáo huấn công khai, người phụ trách sẽ chỉ còn thực thi quyền bính cách riêng tư, không còn là điểm quan tâm quy chiếu của cộng đoàn và như thế sẽ thiếu đi cái lôgic của sự hiệp thông lẽ ra phải luôn được hiển lộ rõ ràng dễ đọc thấy. Nếu không có giáo huấn công khai, ai có thể kiểm soát được giáo huấn cá biệt?

Nghệ thuật chỉ huy và quyết định

Người phụ trách cũng là người cầm quyền phải chỉ huy và ra quyết định lựa chọn và yêu cầu những người dưới quyền phải vâng phục. Hẳn nhiên, đầu tiên người phụ trách xin tư vấn đồng thời luôn lắng nghe anh em chị em, và sau khi đã cầu nguyện, kêu cầu Chúa Thánh Thần và xem xét cẩn thận để không có những lý do ích kỷ hoặc đam mê tăm tối nào đó chi phối, ngài mới đưa ra quyết định. Quyết định sẽ được kiểm nghiệm trong thời gian, được kiểm tra qua việc thi hành và kết quả phát sinh, có thể sẽ được xét lại và điều chỉnh, nhưng chỉ khi thật xác quyết. Có khi để cho cộng đoàn ở trong tình trạng mơ hồ thiếu nhất quyết có thể là một điều còn tồi tệ hơn là có một quyết định sai lầm hoặc không phù hợp. Quyết định của vị lãnh đạo không phải luôn luôn là kết quả của đa số trong Hội đồng. Có lúc người phụ trách có thể ngăn lại một quyết định chung của cộng đoàn, lúc khác vị ấy có thể đảm lấy trách nhiệm đưa ra một quyết định khác. Khi ấy, ngài sẽ phải giải thích lý do trước cộng đoàn khiến ngài chọn lựa như thế, nhưng quyết định là nhiệm vụ của ngài.

Còn chỉ huy là một nghệ thuật có ý nghĩa là muốn ủy thác, giao phó, trao phó một nhiệm vụ. Đây là một nghệ thuật biết đặt tin tưởng vào người khác hơn là sự truyền lệnh, muốn nói với họ rằng “anh (chị) có thể hoàn tất nhiệm vụ này, một nhiệm vụ hợp với Tin mừng và vì nhu cầu của cộng đoàn”. Lệnh truyền phải luôn là một vang âm của Tin mừng, và hơn nữa phải phù hợp với người đảm nhận, thích ứng với các khuyết điểm, ưu điểm, khả năng của người ấy.[5]

Nghệ thuật khuyên răn, khiển trách, sửa lỗi

Nhiệm vụ của người phụ trách còn là đôi khi nhắc nhở khuyên răn, khiển trách, sửa lỗi, như thánh Phaolô khuyên nhủ: “Hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ” (2Tm 4,2), “vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa” (Dt 13,17). Họ được đặt như người lính canh phòng trong cộng đoàn, nên phải tỉnh thức, phải nhân danh Chúa cảnh báo những ai phạm tội và nói với người ấy họ đang đi vào cõi chết. Người phụ trách phải yêu cầu và ủng hộ việc sửa lỗi huynh đệ (“anh em hãy dạy dỗ, khuyên bảo lẫn nhau” (Cl 3,16)), giúp anh chị em trong cộng đoàn trưởng thành sao cho họ “thừa hiểu biết, có khả năng khuyên bảo nhau” (Rm 15,14). Nếu việc sửa lỗi huynh đệ trong Chúa Kitô không tiến hành công khai trong cộng đoàn, thì trường hợp nào vị phụ trách hay người đứng đầu cộng đoàn cũng đều có nhiệm vụ ấy. Sửa lỗi nhau là dấu chỉ của tình bác ái, một tình bác ái tinh tế khôn ngoan, mang tính Phúc Âm và nhân văn, để nhắc nhở nhau về trách nhiệm và đặt trở lại trong tình hiệp thông với anh em.  

Trang Độc Giả

Trang Nhà