TÀI LIỆU HỌC TẬP
SỨ ĐIỆP “NGÀY HOÀ BÌNH THẾ GIỚI – NĂM 2013”

Jos. Marie Lam Thy - Đinh Văn Diệm

1- Hỏi: Hãy sơ lược về quá trình thiết lập Ngày Hoà bình Thế giới.

 Đáp: Trong Sứ điệp “Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 41 - năm 2008” với chủ đề “Gia đình, cộng đồng hòa bình”, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI viết (số 15): “Cũng nên nhắc đến việc mừng kỷ niệm 25 năm Tòa Thánh chấp nhận Hiến Chương về các quyền của gia đình (1983-2008), cũng như kỷ niệm 40 năm cử hành Ngày Hòa Bình thế giới lần đầu tiên (1968-2008). Ngày này là thành quả trực giác của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI theo sự quan phòng của Chúa, và được vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi là ĐGH Gioan Phaolô II tiếp tục với đầy xác tín, việc cử hành Ngày Hòa Bình này đã giúp Giáo Hội, qua dòng thời gian, với những Sứ Điệp được công bố nhân dịp này, phát triển một đạo lý sáng ngời bênh vực thiện ích căn bản của con người.” Tiếp đến, trong Sứ điệp “Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 44 - năm 2011” với chủ đề “Tự do Tôn giáo, đường dẫn đến hoà bình”, ĐTC lại nhắc lại (số 15): “Vị Tôi tớ Chúa Phaolô VI, người có trí tuệ và tầm nhìn xa, người đã đặt ra Ngày Thế giới Hòa bình, đã dạy rằng: “Trước hết phải trang bị cho Hòa bình những loại vũ khí mới, khác với những thứ dùng để giết hại và hủy diệt con người. Phải trang bị trước tiên bằng vũ khí đạo đức, đem lại sức mạnh và uy tín cho công pháp quốc tế, bắt đầu bằng việc tuân giữ các hiệp ước”.

 Như vậy, Ngày Hoà bình Thế giới đầu tiên là ngày 01/01/1968 và kể từ đó đã thành truyền thống, cứ vào ngày đầu năm dương lịch, các vị Giáo hoàng lại gửi Sứ điệp Hòa Bình đến toàn thế giới, nhằm kêu gọi các tín hữu – và nói chung, toàn thế giới – cùng chung tay góp sức, thêm lời cầu nguyện để kiến tạo một nền hoà bình đích thực cho nhân loại.

 2- Hỏi: Cho biết lý do và mục đích Đức Thánh Cha ban hành Sứ điệp “Ngày Hoà bình Thế giới năm 2013” ?

 Đáp: Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Công đồng Va-ti-ca-nô II, nên vào ngày 14/12/2012, ĐTC Biển Đức XVI đã ban hành Sứ điệp “Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 46 - năm 2013”, với lời mở đầu (số 1): “Năm mới luôn mang lại cho chúng ta niềm hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn. Trong ánh sáng này, tôi nguyện xin Thiên Chúa, là Cha của nhân loại, ban cho tất cả chúng ta sự hoà thuận và bình an để những khao khát của chúng ta về một đời sống hạnh phúc và thịnh vượng có thể được thành tựu.”

 Tiếp liền theo đó, ĐTC nêu rõ lý do tại sao ngài ban hành Sứ điệp, đó là vì tình trạng đáng báo động của thế giới ngày nay (“sự lan tràn của những căng thẳng và xung đột gây ra bởi sự phát triển của sự bất bình đẳng giữa giàu và nghèo, sự lan tràn của não trạng cá nhân và ích kỷ vốn tìm thấy sự biểu hiện của nó trong chủ nghĩa tư bản tài chính thiếu sự kiểm soát. Bên cạnh những hình thức đa dạng của chủ nghĩa khủng bố và tội ác quốc tế, hoà bình cũng bị đe doạ bởi trào lưu chính thống và chủ nghĩa cuồng tín, bóp méo bản chất tôn giáo đích thực…” – số 1). Từ đó, nổi bật lên khát vọng hoà bình của toàn thể nhân loại, đó là “nỗi khát khao hoà bình liên quan đến một nguyên lý luân lý nền tảng, nghĩa là liên quan đến nghĩa vụ và quyền lợi nơi sự phát triển của cộng đồng và xã hội, vốn cũng là một thành phần trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người. Con người được sáng tạo cho sự hoà bình vốn là một quà tặng của Chúa.” (ibid – số 1).

Và vi thế, ĐTC lấy mối phúc thứ 7 (“Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” – Mt 5, 9) trong “Tám mối phúc” làm chủ đề cho Sứ điệp, nhằm mục đích kêu gọi thế giới – và cách riêng, tất cả mọi Ki-tô hữu – hãy dấn thân kiến tạo một thế giới hoà bình trong ân sủng của Thiên Chúa.

 3- Hỏi: Bố cục tổng quát của Sứ điệp?

 Đáp: Sứ điệp có 3 phần chính:

 I. Dẫn nhập: Lý do và mục đích ban hành Sứ điệp (số 1).

 II. Triển khai nội dung Sứ điệp:

 A- Giá trị siêu việt của hoà bình:

 A1. Ý nghĩa của Mối Phúc Tin Mừng => Mối phúc thứ 7: “Phúc cho những ai xây dựng hoà bình”; Điều kiện cần thiết để có hoà bình (số 2).

 A2. Hoà bình: Quà tặng của Thiên Chúa và hoa trái của nỗ lực con người (số 3).

 B- Để xây dựng một nền hoà bình công chính:

 B1. Người kiến tạo hòa bình là người yêu mến, bảo vệ và thăng tiến sự sống trong sự toàn vẹn của nó (số 4).

 B2. Xây dựng thiện ích hòa bình ngang qua một mô hình mới về phát triển và kinh tế (số 5).

 B3. Giáo dục một nền văn hóa hòa bình: vai trò của gia đình và các thể chế (số 6).

 III. Kết luận: Một khoa sư phạm cho những người kiến tạo hòa bình (số 7).

 Lời nguyện kết thúc.

 4- Hỏi: ĐTC đã giải thích ý nghĩa các mối phúc – cách riêng mối phúc thứ 7 – như thế nào? Cần những điều kiện nào để có được hoà bình?

  Đáp: Đức Giê-su khai mạc sứ vụ bằng “Bài giảng trên núi” tập trung vào “Tám mối phúc”. Mỗi mối phúc là một câu văn dùng ‘điều kiện cách’ để diễn tả, có 2 vế: * Vế điều kiện: “Nếu ai có…” – * Vế thành quả: “thì sẽ được…” (Ví dụ: Vế điều kiện: “ai có tâm hồn nghèo khó”, vế thành quả: “Nước Trời là của họ”). Các mối phúc chỉ là những khích lệ về mặt luân lý trong hiện tại (thời điểm thực hiện), nhưng thành quả thường là những phần thưởng hạnh phúc tinh thần trong tương lai, nên có thể nói đó là những lời hứa (“Đúng hơn, phúc lành mà các mối phúc nói đến hệ tại ở việc viên mãn của một lời hứa dành cho tất cả những ai để cho mình được hướng dẫn bởi những đòi hỏi của chân lý, công bình và bác ái”). Riêng mối phúc thứ 7, ĐTC viết: “Đức Giê-su nói cho chúng ta biết hoà bình là một món quà của Đấng Mê-si-a nhưng đồng thời cũng là hoa trái phát sinh từ những nỗ lực của con người.” (Sứ điệp đã dẫn, số 2).

ĐTC còn nhấn mạnh: “Điều kiện cần thiết để có hoà bình là sự xoá bỏ chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối và của một giả định về nền luân lý hoàn toàn tự trị vốn không thừa nhận luật luân lý tự nhiên, được Thiên Chúa ghi khắc trong lương tâm của mỗi người nam và người nữ. Hoà bình cần được xây dựng trên sự đồng hiện diện của những thuật ngữ lý trí cũng như luận lý, được đặt nền tảng trên những tiêu chuẩn vốn không phải do con người tạo nên, nhưng đúng hơn là do Thiên Chúa. Thánh Vịnh 29 (câu 11) nói rằng: Xin Gia-vê ban uy lực cho dân Người, Gia-vê chúc lành cho dân Người bình an”. (Sứ điệp đã dẫn, số 2).

Một cách cụ thể, ĐTC lên án sự bất bình đẳng giới tính (không tôn trọng phẩm giá con người giữa nam và nữ), bất bình đẳng sinh tồn (coi trọng sự sống của mình mà không coi trọng sự sống của tha nhân, đi đến thừa nhận nạo phá thai, huỷ diệt trứng, tinh trùng, cho bệnh nhân chết êm dịu…), bất bình đẳng về kinh tế (phân biệt giàu nghèo đi đến chỗ không tôn trọng nghề nghiệp), không tôn trọng nhân quyền, nhân vị, không tôn trọng tín ngưỡng (tự do tôn giáo), thậm chí còn không tôn trọng cả giá trị siêu việt của gia đình (là cái nôi kiên định duy trì và thăng tiến hoà bình). Tất cả những lãnh vực không được tôn trọng đó chính là nguyên nhân đưa đến thảm hoạ khủng bố, chiến tranh; hơn thế nữa, về mặt tâm linh, còn có cả “chủ nghĩa cuồng tín, bóp méo bản chất tôn giáo đích thực” (điển hình là quan niệm: đánh bom tự sát giết người hàng loạt, sẽ được nên thánh “tử vì đạo” ?!!)

 5- Hỏi: Tại sao lại gọi hoà bình là quà tặng của Thiên Chúa và chỉ là hoa trái của nỗ lực con người?

 Đáp: Loài người tuy là một thụ tạo được dựng nên từ bụi đất, nhưng Thiên Chúa đã ban cho sự tự do đến gần như tuyệt đối, và vì thế nên con người thường tự tôn, kiêu ngạo muốn ngang bằng với Thiên Chúa (gương Nguyên tổ nghe lời xúi giục của ma quỷ là 1 ví dụ điển hình). Vì thế nên con người vẫn tự cho mình cái quyền tạo ra chiến tranh thì cũng có quyền kiến tạo hoà bình. Trở về với tiên khởi lịch sử nhân loại, ai cũng thấy rõ: Vì tình yêu, Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ và dựng nên con người, mà nói đến tinh yêu là nói đến sự sống trong yêu thương, công bình và hoà giải. Cũng vì loài người phạm tội, xa lìa Thiên Chúa, nên Người mới sai chính Con Một là sứ giả hoà bình xuống thế mặc xác phàm để cứu độ, đồng thời kiến tạo lại mối giao hoà giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Như vậy thì chẳng phải hoà bình là quà tặng của Thiên Chúa đó sao?

 Rõ ràng quà tặng hoà bình vô giá của Thiên Chúa ban tặng chính là Đức Giê-su Ki-tô (“Thật vậy, trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa” – 2Cr 5, 19). Ấy cũng bởi vì “Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.” (Ep 2, 16-17). ĐTC đã nhấn mạnh vào điều đó: “Hoà bình với Thiên Chúa là một đời sống được sống theo ý muốn của Ngài. Hoà bình cũng là một sự bình an nội tâm nơi chính mình và hoà bình ngoại tại với tha nhân và với các tạo vật. Trên hết, như Chân phước Gio-an XXIII đã viết trong thông điệp “Hòa Bình Trên Thế Giới” (Pacem in Terris), mà chúng ta sẽ kỷ niệm 50 năm vào những tháng tới, hòa bình đòi hỏi xây dựng trên một sự đồng tồn tại được đặt nền tảng trên chân lý, tự do, bác ái và công bình.” (Sứ điệp đã dẫn, số 3)

6- Hỏi: Tại sao lại nói “Người kiến tạo hòa bình là người yêu mến, bảo vệ và thăng tiến sự sống trong sự toàn vẹn của nó”?

  Đáp: Để nêu bật “Sự sống trong sự toàn vẹn của nó”, ĐTC đã phân tích rất tỉ mỉ những bổn phận và quyền lợi con người về:

* Tôn trọng sự sống bao gồm từ lãnh vực hiện thực: Tôn trọng phẩm giá, lương tâm từng mỗi cá thể, kiên quyết nói không với vấn đề huỷ diệt trứng, tinh trùng, nạo phá thai, cho thuốc chết êm dịu, không chấp nhận chế độ nô lệ dẫn đến bạo lực gia đình. Ngoài ra, với lãnh vực siêu nhiên, cần triệt để tôn trọng tự do tôn giáo.

* Tôn trọng và thăng tiến cái nôi của sự sống là gia đình. Cũng vì gia đình là cái nôi của sự sống để con người sống trong an bình hạnh phúc, nên chính gia đình là cái nôi kiến tạo và thăng tiến hoà bình, để từ mỗi gia đình cá vị (xã hội thu nhỏ, Giáo Hội tại gia) đi đến đại gia đình nhân loại.

* Tôn trọng quyền bình đẳng lao động và nghề nghiệp (được làm việc và có việc làm ổn định). ĐTC nhấn mạnh: “Liên quan đến điều này, tôi xác nhận rằng phẩm giá con người và các yếu tố kinh tế, chính trị và xã hội, đòi hỏi chúng ta tiếp tục “ưu tiên mục tiêu tạo ra việc làm ổn định cho mọi người”. Để thực hiện được mục tiêu đầy tham vọng này, điều kiện tiên quyết là phải đổi mới cái nhìn về lao động, dựa trên những nguyên tắc đạo đức và những giá trị tinh thần vốn xem khái niệm lao động là một thiện ích cơ bản đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Điều này đòi phải nghiên cứu và thực hiện những chính sách can đảm và mới mẻ để mọi người có công ăn việc làm.” (Sứ điệp đã dẫn, số 4).

 7- Hỏi: Có thể “Xây dựng thiện ích hòa bình ngang qua một mô hình mới về phát triển và kinh tế” được không?

 Đáp: Chính sự bất bình đảng về kinh tế đã khiến thế giới ngày nay lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính. Điều này cho thấy sự chia rẽ, kỳ thị, phân biệt giàu nghèo ngày càng lớn hơn. Và vì thế, xã hội loài người – nói riêng là từng quốc gia – rất “cần những con người, nhóm người và các thể chế thăng tiến sự sống, cổ võ cho sự sáng tạo của con người. Họ có thể rút ra từ chính cuộc khủng hoảng này một cơ hội nhận định và tìm kiếm một mô hình kinh tế mới.” (Sứ điệp đã dẫn, số 5). Sự bất bình đẳng kinh tế đẩy con người vào xu hướng cạnh tranh khốc liệt vì tính ích kỷ (đánh giá con người theo khả năng của họ có đáp ứng nhu cầu canh tranh hay không). “Ích kỷ hại nhân” là điều tất yếu. Và để giải quyết tình trạng này, xã hội rất cần những “người kiến tạo hòa bình là người thiết lập nên mối dây công bình và tương trợ lẫn nhau nơi các công ty, công nhân, khách hàng và người tiêu thụ. Họ dấn thân vào hoạt động kinh tế vì thiện ích chung. Họ kinh nghiệm sự dấn thân này như là một điều gì đó vượt lên trên lợi ích cá nhân mình, vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai. Thực thế, họ làm việc không chỉ cho bản thân, nhưng còn để đảm bảo cho người khác có tương lai và một công việc xứng đáng.” (Sứ điệp đã dẫn, số 5).

Ngoài ra, ĐTC còn đặc biệt lưu ý đến vấn đề an toàn thực phẩm dẫn đến tình trạng khủng hoảng lương thực (còn trầm trọng hơn cả khủng hoảng tài chính). Từ đó đặt ra yêu cầu thiết yếu trong tương quan liên đới trách nhiệm từ mỗi địa phương tới cộng động quốc gia và quốc tế (“Vấn đề an toàn lương thực luôn là vấn đề trọng yếu của các chính sách quốc tế, như một hệ luận của các cuộc khủng hoảng, vấn đề gia tăng đột biến trong giá cả của các lương thực thiết yếu, những hành vi thiếu trách nhiệm của một vài tổ chức kinh tế, và về phần mình, các chính phủ và các tổ chức cộng đồng quốc tế thiếu sự kiểm soát cần thiết. Để đối diện với cuộc khủng hoảng này, những người kiến tạo hòa bình được mời gọi làm việc với nhau trong tinh thần liên đới, từ mức độ địa phương tới cộng đồng quốc tế, với mục đích là giúp người nông dân, đặc biệt cho những nông dân nhỏ bé, thực hiện các công việc của mình trong một cách thức cao quý và bền vững xét từ quan điểm kinh tế, môi trường và xã hội.” (Sứ điệp đã dẫn, số 5).

 8- Hỏi: Vì sao ĐTC lại viết “Giáo dục một nền văn hóa hòa bình: vai trò của gia đình và các thể chế”?

 Đáp: Phải công nhận một điều, muốn kiến tạo và thăng tiến một nền hoà bình trên công lý, bình đẳng và bác ái, thì không thể quên lãnh vực giáo dục. Vì thế, ĐTC khẳng định: “Tôi mạnh mẽ xác nhận rằng những người kiến tạo hòa bình được mời gọi để nuôi dưỡng một lòng khao khát dành cho thiện ích chung của gia đình và công bình xã hội đồng thời dấn thân một cách hiệu quả vào lãnh vực giáo dục xã hội.” (Sứ điệp đã dẫn, số 6). Từ đó, ĐTC trở về với quan điểm nhất quán của ngài (kể cả của các vị Giáo hoàng tiền nhiệm: Đức Phaolô VI, Chân phước Gioan Phaolô II) thông qua các sứ điệp Hoà bình: Đó là vai trò căn bản và trọng tâm của gia đình. Gia đình là cái nôi của sự sống, mà sự sống rất cần được bình an nên gia đình cũng là cái nôi của hoà bình.

Muốn sự sống được tăng trưởng trong an bình hạnh phúc, thì rất cần phải có giáo dục, hơn thế nữa, một nền giáo dục lành mạnh không chỉ trong lãnh vực luân lý nhân sinh, mà còn vươn tới lãnh vực siêu hình linh thánh. Vậy thì gia đình chính là cái nôi của giáo dục cũng là lẽ đương nhiên. Vâng, “Gia đình là một trong những chủ thể xã hội không thể thay thế được trong việc đạt được một nền văn hóa hòa bình. Quyền của các bậc cha mẹ và vai trò chính yếu của họ trong giáo dục con em mình trong lĩnh vực luân lý và tôn giáo phải được bảo vệ. Chính trong gia đình mà những con người kiến tạo hòa bình tương lai, những người thăng tiến nền văn hóa tình yêu và sự sống, được sinh ra và được dưỡng dục.” (Sứ điệp đã dẫn, số 6).

 ĐTC còn nêu bật vai trò thiết yêu trong lãnh vực giáo dục của các thể chế văn hóa hiện hữu cũng như các trường học (từ cấp mầm non đến đại học) mang trọng trách của sứ mạng đặc biệt về giáo dục hoà bình. Tất cả đều “được mời gọi để đưa ra những đóng góp quý giá không chỉ ngang qua việc huấn luyện các thế hệ lãnh đạo tương lai, nhưng còn đổi mới các thể chế công cộng, ở cấp độ quốc gia cũng như quốc tế. Họ có thể góp phần vào những phản tỉnh mang tính khoa học vốn sẽ là nền tảng cho các hoạt động kinh tế và tài chính dựa trên một nền tảng nhân học và đạo đức vững chắc.” (Sứ điệp đã dẫn, số 6). ĐTC cũng không quên lưu ý tới các cộng đoàn tôn giáo cần thiết phải dấn thân trong một cách thế cộng tác thiết thực với xã hội trong nhiệm vụ giáo dục hoà bình. Ấy cũng bởi vì “Giáo hội tin rằng mình đang chia sẻ trách nhiệm lớn lao này ngang qua sứ mạng Tân Phúc Âm Hóa vốn đặt trọng tâm vào trong việc hoán cải để đến với chân lý và tình yêu của Đức Ki-tô và, kết quả là sẽ dẫn đến một cuộc tái sinh về luân lý và thiêng liêng nơi các cá nhân và cộng đoàn xã hội. Việc gặp gỡ Đức Ki-tô khuôn đúc nên những con người kiến tạo hòa bình, những con người biết dấn thân cho cộng đồng và vượt qua mọi bất công.” (Sứ điệp đã dẫn, số 6).

 Tóm lại, “Thế giới hôm nay, đặc biệt là thế giới chính trị, cần được hỗ trợ bởi một lối tư duy mới và một sự tổng hợp văn hóa mới để có thể vượt qua những phương pháp tiếp cận thuần kỹ thuật và hòa hợp những khuynh hướng chính trị khác nhau với quan điểm về thiện ích chung. Thiện ích chung, được xem như là một toàn thể những mối tương quan liên vị tích cực và có tính cơ cấu trong việc phục vụ cho sự phát triển hợp nhất của các cá nhân và nhóm, chính là nền tảng của một nền giáo dục hòa bình đích thực.” (Sứ điệp đã dẫn, số 6). Cũng cần nói thêm, khi nói đến mối “tương quan liên vị” tức là nói đến tính cộng đồng thương yêu của mọi phần tử trong gia đình cơ bản, mở rộng ra các thành phần trong cộng đồng xã hội, tiến đến các quốc gia trong đại gia đình nhân loại.

 9- Hỏi: Trong phần kết luận, ĐTC tập trung vào vấn đề trọng tâm nào trong Sứ điệp Hoà bình?

 Đáp: Sau khi đã phân tích tỉ mỉ về tầm mức quan trọng của hoà bình thế giới cùng với những yêu cầu thiết yếu để kiến tạo một nền hoà bình trong chân lý, công bình và bác ái, ĐTC kết luận: “Cuối cùng, chúng ta thấy cần phải đề nghị và thăng tiến một khoa sư phạm về hòa bình. Điều này đòi hỏi một đời sống nội tâm phong phú, những quan điểm luân lý rõ ràng và giá trị, cùng với những thái độ và lối sống thích hợp. Những hoạt động kiến tạo hòa bình thường kéo theo những thành tựu về thiện ích chung; những hoạt động này tạo ra những lợi ích cho hòa bình và dưỡng nuôi nó. Những suy nghĩ, lời nói và cử chỉ hòa bình thường tạo ra một tâm thức và một nền văn hóa hòa bình cùng với một bầu khí tôn trọng, yêu thương và thân ái.” (Sứ điệp đã dẫn, số 7).

 Quả thật, lên tiếng kêu gọi, hô hào người ta làm một công việc nào đó thì dễ, nhưng để có thể khiến người ta cùng xăn tay áo lên chung sức thực hiện mới là điều khó. Ý thức rất rõ điều đó, nên ĐTC lại phải cậy nhờ vào Thần Khí Chúa, vì chỉ có Người mới có thể soi sáng, hướng dẫn, hun đúc tâm can mọi người ý thức được bổn phận và trách nhiệm của mình, để cùng biến Đức Tin thành hành động trong Đức Mến với lòng Cậy trông tha thiết hoàn thành sứ vụ. Vì thế ĐTC viết trong phần cuối của Sứ điệp: “Ở đây, tôi muốn nhắc lại lời cầu nguyện, lời nguyện xin Thiên Chúa biến chúng ta thành những khí cụ bình an của Ngài, để chúng ta có thể mang tình yêu đến nơi hận thù, đem tình thương đến với người đau khổ, chân lý đức tin vào chốn lỗi lầm. Về phần mình, chúng ta hãy cùng Chân phước Gio-an XXIII cầu xin Thiên Chúa soi sáng cho các vị lãnh đạo, để ngoài việc quan tâm đến lợi ích vật chất của dân tộc mình, họ còn biết đảm bảo cho người dân món quà quý giá là sự bình an, phá vỡ những bức tường chia cắt, đẩy mạnh mối dây yêu thương lẫn nhau, lớn lên trong sự hiểu biết và sẵn sàng thứ tha cho kẻ làm hại mình. Nhờ đó, ngang qua sức mạnh và thần hứng của Thiên Chúa, mọi người dân trên trái đất sẽ kinh nghiệm được tình huynh đệ, và sự hòa bình mà họ hằng mong mỏi, sẽ nở hoa và cư ngụ giữa họ. Với lời nguyện này, tôi muốn bày tỏ niềm hy vọng của mình rằng tất cả mọi người sẽ trở thành người kiến tạo hòa bình đích thực, nhờ đó thành đô của nhân loại sẽ lớn lên trong sự hòa hợp huynh đệ, trong thịnh vượng và hòa bình.” (Sứ điệp đã dẫn, số 7).

-------------------------

Chú thích : Cuối giờ học, nên đọc kinh “Năm Đức Tin” và hát “Kinh Hoà Bình”.

 

Trang Độc Giả

Trang Nhà