CHỌN LỰA THÔNG TIN MẠNG

Hàn Cư Sĩ

Từ hậu bán thế kỷ 20 cho đến nay, người ta gọi là thời “bùng nổ thông tin”, đến nỗi dường như ai không nắm bắt được thông tin (thời sự) là kẻ đó bị lạc loài, lạc hậu. Qua truyền thông đại chúng, đặc biệt là Internet, con người bị choáng ngộp với thông tin đến nỗi người ta đề cập đến hiện tượng gọi là “bội thực thông tin”.

Không ai chối cãi được sự cần thiết và lợi ích của thông tin trong thế giới ngày nay, nó làm cho con người xích lại gần nhau, lãnh hội được nhiều kiến thức và tri thức trong cuộc sống, nhờ đó xã hội luôn tiến bộ và phát triển. Trong lãnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, chính trị, quân sự…, nếu nơi đâu nắm bắt được thông tin nhanh nhất, nhiều nhất, chính xác nhất thì nơi đó có lợi thế nhất, và là kẻ chiến thắng.

Nhưng thông tin thường hay bị lợi dụng và xuyên tạc, nên trong lãnh vực báo chí, việc xử lý và kiểm chứng thông tin trước khi được xuất bản là vô cùng quan trọng. Người tiếp nhận thông tin cũng cần phải biết chọn lựa như vậy.

NHỮNG Ý NIỆM VÀ THÁI ĐỘ SAI LẦM KHI TIẾP NHẬN THÔNG TIN:

 - Người tiếp nhận thông tin không cần biết nguồn tin từ đâu, do ai phát tin, do cơ sở hay cơ quan nào truyền tin, và người đó, cơ sở đó có đáng tin cậy hay không.

- Khi đọc, nghe hay xem một thông tin, thường người tiếp nhận rất thụ động, luôn để cho những sự kiện dẫn dắt và tin vào nó như tin một ông thầy hướng dẫn mà không đặt vấn đề (nghi ngờ) hay nêu thắc mắc nào.

- Tính tỏ mò, hiếu kỳ của người nhận tin dẫn dắt họ, và nhất là những thông tin nào hợp với sự kích động hoặc theo “cái bụng” của họ thì càng làm họ mê mải và tin tưởng mạnh mẽ vào nó hơn.

- Con người thường tiếp nhận thông tin bằng cảm giác, cảm xúc, trí tưởng tượng, nên dễ phóng đại đi đến sai lạc.

- Tin đồn luôn kích thích và hấp dẫn nên người ta dễ tin. Tin đồn là tin được nhận biết và diễn tả qua cảm tính, nên khó chính xác, dễ bị bị xuyên tạc và sai lạc nhất . “Tam sao thất bản” là điều chắc chắn xảy ra với tin đồn.

- Nguyên tắc: “Nửa sự thật chưa phải là sự thật”, nhưng người ta lại hay bị lừa, ở chỗ kẻ xấu lợi dụng thông tin thật có sẵn, rồi lồng những điều sai trái, xuyên tạc vào đó mà ít ai để ý.

- Có khi chỉ là những bài bình luận, tham luận hay lời bàn, chuyện kể, bút ký, chuyện phiếm… hoặc sự kiện mang tính cảm quan hay một tư liệu nào đó được lồng trong bài tin mà người đọc cứ tưởng là tin tức thuần túy.

Vì vậy để phân biệt và chọn lựa một thông tin cho đúng đắn với độ chính xác cao, cũng như để đo lường cái tầm ảnh hưởng và quan trọng hay hữu ích của nó, thi người tiếp nhận thông tin cần phải có sự tỉnh táo khách quan, có sự hiểu biết tối thiểu nào đó. Vì trong mạng luôn có những thông tin sai lạc, những thông tin nhiễu nhương, mơ hồ, hỗn độn, lấp lửng. Ngoài ra còn có những cá nhân hay phe nhóm đã lợi dụng internet để tuyên truyền, xuyên tạc, lừa bịp, gieo rắc những nỗi kinh hoàng, có những ý đồ xấu xa làm băng hoại xã hội, hoặc mưu đồ chiếm đoạt hay tạo ảnh hưởng với mục đích thống lĩnh trên lãnh vực nào đó.

NHỮNG TƯ TƯỞNG VÀ TINH THẦN PHẢI CÓ KHI TIẾP NHẬN THÔNG TIN:

- Luôn nghi ngờ và đừng tin gì cả nếu chưa biết chắc chắn về thông tin, giống như Mạnh Tử nói: “Nếu tin cả vào sách thì thà đừng đọc sách còn hơn”.

- Những tờ thông tin truyền tay hoặc được phát tán trên mạng thì không nên tin, dù rằng nói tốt, nói đạo đức, thậm chí trích cả kinh thánh, vì kẻ xấu vẫn thường mặc lớp áo đạo đức để thực hiện ý đồ của họ. Vì “Tên quỷ sứ cũng có thể trích kinh thánh để khai thác” (Shakespear). Nhiều người nhầm tưởng nên đã vô tình tiếp tay bằng cách photo hoặc phát tán trên mạng để truyền bá những tài liệu hay thông điệp sai lạc này.

 - Thông tin đáng tin cậy phải xuất phát từ những cơ sở (trang Web, online) có thẩm quyền hoặc có uy tín, hoặc có tôn chỉ và mục đích rõ ràng, đúng đắn.

 - Khi tiếp nhận thông tin không được nói: “ Đài nói, báo nói, ti vi nói, mạng nói…”. Mà phải nói : “Ông, bà (chức danh, chức vụ, cương vị, học vị…), Bộ, Viện, Cơ quan… nói”. Vì đài, báo, mạng… chỉ là phương tiện truyền bá, chứ thông tin phải được diễn tiến: Từ kẻ truyền tin, qua thông điệp, đến kẻ nhận tin.

 - Mỗi tác giả, mỗi cơ sở (Website) thường có những quan điểm, tầm nhìn, góc độ khác nhau, nên có những khác biệt về nhận thức, về đánh giá sự kiện, sự việc. Bởi vậy nó có những những ưu điểm và khuyết điểm khác nhau, nên người tiếp nhận thông tin cần có sự cân nhắc để nhận định và phán đoán một cách vô tư và công bằng. Như có người thì chê bai Trịnh Công Sơn, nhưng cũng có người thì lại ca tụng ông hết mình. Phê bình đúng đắn và khách quan, vô tư (tâm vô tà) thì không như thế.

 - Những trang Web thiếu nghiêm túc, những foroom, face book, ebook, you toule, blog.... chưa biết rõ, thì phải cẩn thận, cảnh giác và sáng suốt khi tìm hiểu nội dung. Nếu chưa biết rõ thì đừng tin là khôn ngoan nhất.

CHỌN LỰA VÀ ĐÁNH GIÁ MỘT THÔNG TIN:

Về thông tin thì có nhiều thể loại (…), có thể là thông tin thuần túy (tin vắn, tin trình bày, phóng sự, phỏng vấn, ký sự…), có thể là bài tin mang dấu ấn bình luận của người viết, hoặc những bài đề cập đến nhiều lãnh vực trong cuộc sống con người. Nhưng để kết cấu một thông tin nghiêm túc thì người ta đã tìm ra một nguyên tắc, như một công thức phải theo, nó mới đầy đủ, rõ ràng và đáng tin cậy.

Đó là: 5 W + 1 H

1) WHAT (cái gì)

2) WHERE (ở đâu)

3) WHO (ai)                                      + HOW (như thế nào)

4) WHEN (lúc nào)

5) WHY (tại sao)

Ngôn ngữ thông tin phải khách quan, cụ thể, chính xác (sự kiện hoặc số liệu), dứt khoát, rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu. Chứ không thể mơ hồ, đoán mò, đa nghĩa hay bóng gió, tính chung chung, tối nghĩa, ẩn ý, sáo ngữ, cường điệu, cảm xúc, phê phán…

Đọc một bản tin hay một bài tin, nếu thiếu những yếu tố trên, hoặc lấp lửng không rõ ràng thì đáng ngờ vực. Tuy vậy kẻ xuyên tạc cũng có thể tạo ra một bản tin với những yếu tố trên, nhưng nếu người đọc có con mắt khách quan thì vẫn có thể phát hiện ra những cái né tránh, cái ý đồ, cái mơ hồ hay hỗn độn trong đó. Người đọc còn có thể kiểm chứng qua các nguồn của các cơ quan truyền thông khác, nhất là những cơ sở đúng đắn, có uy tín, có thẩm quyền, đáng tin cậy.

Ví dụ, trên mạng có một thông tin như sau (nguyên văn, có cả tiếng Anh đi kèm): 

 Tôi xin chuyển đến các bạn tin tức này với một sự dè dặt. Tùy nơi sự suy nghĩ của các bạn nhưng đừng quá hốt hoảng giống như hồi năm 2000 còn gọi là Y2K. Tuy nhiên đề phòng 1 hay 2 thùng mì và một case of bottle dringking water vẫn hơn.

Các nhà khoa học Mỹ NASA dự đoán có sự thay đổi vũ tr

Trái đất bao trùm một màu đen tối trong ba (03) ngày từ ngày 23 - 25 Tháng 12 năm 2012. Đây không phải là “chấm dứt thế giới”, đây là sự điều chỉnh đầu tiên của vũ trụ, mặt trời và trái đất. Trái đất sẽ thay đổi từ chiều kích không gian thứ ba như hiện nay đến chiều kích bằng 0, sau đó chuyển đổi tiếp đến chiều kích vô định. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, toàn bộ vũ trụ sẽ phải đối mặt với một sự thay đổi lớn, chúng ta sẽ thấy một thế giới hoàn toàn mới.

Người ta dự đoán: Một màn đen bao trùm sẽ xảy ra trong 3 ngày 23, 24, 25 tháng 12. Trong thời gian này, hãy bình tĩnh là quan trọng nhất, ghì chặt nhau, cầu nguyện cầu nguyện cầu nguyện, ngủ 3 đêm ... và những người sống sót sẽ phải đối mặt với một thế giới mới... do không có sự chuẩn bị trước nên nhiều người sẽ chết vì sợ hãi. Hãy vui lên..., tận hưởng từng giây phút hiện nay.

Đừng lo lắng, hãy cầu nguyện với Chúa mỗi ngày. Có rất nhiều cuộc nói chuyện về những gì sẽ xảy ra trong năm 2012, nhưng nhiều người không tin và cũng chẳng muốn nói đến chuyện đó vì sợ tạo ra sự hoảng loạn. Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng hãy lắng nghe cuộc chuyện của chuyên gia Mỹ NASA về việc chuẩn bị này.

Ta thấy đây là một thông tin có nội dung úp mở, mơ hồ, hỗn độn (đạo đức, tôn giáo, khoa học lộn xộn, giả tạo), cảm tính, không có nguồn (cơ sở giả tạo), không có dẫn chứng, không có cơ quan trách nhiệm, ngôn ngữ ấu trĩ, thiếu nghiêm túc....

Muốn kiểm chúng và xử lý thông tin này, ta phải tìm đến cái nguồn tin có uy tín và thẩm quyền nhất là cơ quan Nasa (website NASA.Gov.), sau đó là tìm tới các cơ quan truyền thông có tiếng nói của các nhà khoa học ngành vũ trụ….Và một sự lập luận phản biện rất mặc nhiên: Đây là sự kiện liên quan đến sự sống còn của nhân loại, nên nếu ngày tận thế có thật như thông tin, thì các nhà khoa học, các nhà chính tri, nhà lãnh đạo, nhà kinh tế, nhất là các tôn giáo sẽ tìm cách bảo vệ, có sự chuẩn bị để đề phòng, đối phó, chỉ dẫn, khuyên bảo…. Còn như đối với người Công Giáo thì thông tin này hoàn toàn trái với niềm tin và trái với Kinh Thánh, vì : “ Người đến như kẻ trộm”, và để tìm hiểu thì đọc Mt 24, 37- 44 hoặc Lc 21,34-36.

 Sau đây phải kết luận thông tin là: Tin lừa bịp

KẾT:

Đối với các nước tiên tiến, ai chưa biết vi tính là bị xếp vào mù chữ. Nhưng ở những nước đang phát triển như Việt Nam thì số đông vẫn chưa sử dụng được vi tính, nhất là ở nông thôn, cũng có nghĩa là chưa tiếp cận được internet. Các bậc làm cha mẹ càng lớn tuổi càng ít biết về vi tính, nên thật là bất tiện để giáo dục cho con cái về vấn đề này, trong khi lớp trẻ từ cấp II đã phải theo chương trình giáo dục về vi tính và mạng. Nó như con dao hai lưỡi mà cha mẹ phải bối rối không biết xử trí ra sao. Nối mạng hay không nối mạng ? Mạng giúp ích cho con người bao nhiêu thì cũng có thể tác hại cho con người bấy nhiêu. Thị trường mạng như cái chợ tự do mà mọi người đều có thể trưng bày mặt hàng của mình trên đó, trong đó có cả thánhquỷ, cả sự thiện sự dữ. Tốt hay xấu là tùy thuộc vào mỗi cá nhân, mỗi gia đình, hoặc đạo đức của xã hội. Ngày càng có nhiều tội phạm trên internet. Phim ảnh bạo lực, khiêu dâm, chuyện kết bạn lăng loàn, gieo rắc hận thù, game tạo nên thế giới ảo, thông tin không đúng đắn hay bịa đặt, xuyên tạc, những thứ đó luôn làm cho con người buồn phiền, bất an, lo sợ, nội tâm trống rỗng và náo loạn. Nó như giòi bọ rúc rỉa tâm hồn, dẫn con người đến sự dữ.

Dù sao cũng phải theo thời, nhưng có sự nhận thức và cảnh giác một chút thì tốt hơn và là một điều cần thiết trong đời sống ngày nay. Một chút đó là: CHỌN LỰA THÔNG TIN MẠNG.

 HCS
 Cử Nhân Khoa Học Báo Chí

 

Trang Độc Giả

Trang Nhà