Trang Độc Giả


DẤU ẤN MIỀN XA

Hoapơlang tây nguyên

“Dạ thưa Soeur, Soeur cho con hỏi, Soeur phong chức chưa Soeur?” Đó là câu hỏi mà hai chị em chúng em được bà con ở nơi đây thắc mắc lúc mới đến, thật sự lúc đầu em cứ nghĩ họ đùa thế nhưng không phải thế, bởi vì.… Sau giờ học giáo lý, Duy-một em thiếu nhi vào phòng Soeur tự kéo ghế ra ngồi, rồi trịnh trọng nói: “Thưa soeur, con có một thắc mắc từ lâu rồi mà con nghĩ chỉ có Soeur mới giải thích được.” Soeur:” Chuyện gì đó?” Duy: “Thưa soeur, Cha H… hay vô làm lễ đó, cha có vợ không Sơ? Sao chẳng bao giờ con thấy vợ và con của Cha vô đây?” Soeur: …(giải thích) Chưa hết, trong giờ giáo lý lớp thêm sức khi học đến bài tổ chức trong Hội thánh, (ít là hai nơi em đến dạy) Soeur hỏi: “Giám mục là ai?”. Cả lớp: “Thưa soeur, là Đức cha.” Soeur: “Giỏi, thế Đức cha giáo phận mình tên là…? Cả lớp: Đức cha Vinh sơn Nguyễn Văn Bản.” Soeur: “Vậy Linh mục là ai?” Cả lớp đồng thanh: “Là Sơ” Soeur: “Là sơ??? Vậy… tu sĩ là ai?” Cả lớp: “ Là ông trùm Bằng…” (ông Bằng là ông trùm trưởng của giáo họ, vốn không lập gia đình và ở cạnh nhà thờ) Soeur: … (cắt nghĩa). Không chỉ thiếu nhi, người lớn nơi đây thôi mà cả những nơi em có dịp đến thăm những vùng lân cận ở đó cũng thế cũng thế, lúc chúng em chào để đi về nhà dòng, có người quan tâm: “Vậy là Sơ sắp đi học thần chú phải hông cơ, thế chúng con chúc Sơ….” ……những tâm tình, cùng những câu hỏi đơn sơ dễ mến ấy của họ có lẽ khiến người dọc cảm thấy thật buồn cười nhưng riêng đối với bản thân em, khi em hồi nhớ lại những ngày được sống cùng và sống với bên cạnh những người anh chị em nơi chốn xa xôi ấy không thể nào mà em không ngậm ngùi thương mến họ, từng lời nói, nụ cười và từng ánh mắt họ như ở sâu trong tâm trí em nhắc nhở em hướng về cầu nguyện cho họ, đồng hành với họ trong đời sống thiêng qua thánh lễ, kinh nguyện, đồng thời đó cũng là động lực lớn thôi thúc em nỗ lực cố gắng không ngừng trong cuộc sống hiện tại. Xưa Chúa Giêsu hỏi các môn đệ thân tín của người rằng: “Người ta bảo Con Người là ai”, các ông trả lời: “kẻ thì bảo là Gioan tẩy giả, người thì nói là bậc ngôn sứ, kẻ khác nữa cho rằng Thầy là ông Êlia từ cõi chết sống lại….” Có thể có hàng ngàn người để người Do thái lầm tưởng đó chính là Chúa, thế nhưng vẫn thật may mắn ở chỗ họ nghĩ Chúa là một bậc vĩ nhân, một nhân vật tầm cỡ có ảnh hưởng lớn thời bấy giờ. Giả thiết nếu lúc này Chúa đặt câu hỏi đaáy với em thì em chẳng biết trả lời làm sao, vì đối với người dân nơi đây, cả người già, người lớn lẫn thiếu nhi đa số họ có biết Chúa, biết giáo lý của Chúa và biết cả Giáo hội của Chúa nữa nhưng… cái biết nào cũng chỉ là “biết sơ sơ thôi. Em vẫn còn nhớ buổi giáo lý hôm ấy, để trả lời cho câu hỏi: “Con đã xưng tội cách đây mấy tháng? Bỏ lễ Chúa nhật mấy lần?.... thật là quá khó để các em đưa ra được câu trả lời vì quá nhiều, hay vì không hiểu mà không xác định được, các em không hiểu rõ những tội mình xét, ngày xưng tội lần đầu là ngày nào… nghĩ cũng đúng vì hoàn cảnh nơi đây thật quá khó khăn: Trước đây muốn đến với Chúa Giêsu Thánh thể trong thánh lễ họ phải đi cả đoạn đường xa hàng chục cây số, chưa kể đa số họ nghèo nên không có phương tiện di chuyển, lại thêm họ đạo sống rải rác lương, phật nhiều hơn đạo, hội tụ đủ mọi thành phần: Kinh, Êđê, H’mông, M’nông… ở mọi nơi, mọi ngóc ngách của núi rừng…. Việc giữ đạo đã khó việc sống đạo còn khó hơn. Việc học giáo lý để sống đạo hay tổ chức một lớp học giáo lý quả không dễ vì không có nhân sự, thiếu nhi khó quy tụ, phía chính quyền cũng gây nhiều cản trở lại thêm cha mẹ thiếu ý thức để hướng dẫn và giáo dục đức tin cho các em. Việc tổ chức các ban ngành, hội đoàn thật khó đi vào hoạt động cách nề nếp, tốt đẹp được, người đđược bà con tín nhiệm nhiệt tình thì có nhưng kinh nghiệm, tầm nhìn chưa rộng, họ lại hội đủ ba miền bắc, trung, nam mới di cư vào nên quan niệm khác nhau, và đường hướng làm việc cũng không ít trái ngược, nguyên chỉ có việc đọc kinh tối chung thôi cũng không thống nhất được vì ai cũng thấy “kinh của giáo phận Vinh, Bùi Chu… của chúng con hay hơn sơ ạ”, không biết kinh của giáo phận Buôn Ma Thuột…. Em cảm thấy nơi đây quả là mảnh đất Chúa đã gieo trồng từ lâu, và Chúa đã ươm mầm những hạt giống tốt để ngày ngày hạt giống không ngừng trổ những những hoa trái tốt như lòng Chúa mong ước, thế nhưng cũng có những cây nay không còn sức sống nữa thật còi cọt, đang dần héo úa vì trước những khó khăn, thử thách trong việc sống và giữ đạo… họ đã không vượt qua được, có những người bỏ đạo từ lâu và nay khi được mời gọi quay lại thì ngại ngần vì đã làm những việc không đúng phép của Giáo hội, không ít người ở ngay bên cạnh nhà thờ giáo họ nhưng quyết giữ đạo tại tâm, đòi tự giáo dục con cái sống đạo theo ý mình….

Lạy Chúa nguyện xin Chúa đoái thương đến đoàn con cái Chúa, xin sưởi ấm tâm hồn họ, xin ban sự bình an hiệp nhất trong cho đoàn chiên Chúa nhất là xin Chúa hãy sai thợ ra gặt lúa về vì “lúa đã chín đầy đồng mà thợ gặt lại quá ít...”. Xin Chúa cũng chúc lành và thánh hóa từng chị em trong hội dòng chúng con để chúng con cũng được trở nên là những người thợ gặt được Chúa sai đi. Amen.