Trang Độc Giả


NGHỊCH CẢNH VÀ KHỔ ĐAU

(Đôi dòng suy tư)

Antôn Lương Văn Liêm

Rồi đây! Vận mệnh con người sẽ được đổi thay, nếu như một ngày nào đó, ta nghe, hoặc chứng kiến ngày khởi đầu của một con người. Theo quy luật tự nhiên, sau khi lọt lòng mẹ việc khởi đầu là em bé cất tiếng khóc đầu đời, nếu vì lý do nào đó, em không tự khóc được, bà đỡ sẽ phát vào mông bé mấy cái giúp cho bé cất tiếng khóc, như bao bé bình thường khác. Nhưng, điều lạ thường ở đây, thay vì cất tiếng khóc, em bé vừa lọt khỏi lòng mẹ, lại cất lên tiếng cười, tuy không nắc nẻ như tuổi lên ba, sảng khoái như tuổi trẻ và đầy kinh nghiệm như tuổi già. Sự kiện lạ thường này sẽ cấp tốc được loan đi khắp thế giới bằng tất cả các phương tiện truyền thông và điều hiển nhiên được đưa ngay vào sách Guinness thế giới, cũng như địa phương. Vì đây là trường hợp, trái với tất cả những gì mà từ ngàn xưa người ta thường giới thiệu về mình cũng như về ngày khởi đầu của một kiếp người: “Tiếng khóc chào đời”.

Hãy khóc đi em, khóc như lần thứ nhất
Khóc như lúc chào đời
, chưa biết những buồn đau
.

Tiếng khóc chào đời, là quy luật, là sự khởi đầu cho một mầm sống mới, hay nói đúng hơn là báo hiệu sự hiện diện một cách bình thường của một thành viên mới trong gia đình và cộng đồng nhân loại, tiếng khóc chào đời đem lại niềm vui trực tiếp cho người mẹ sau 9 tháng cưu mang, cho tất cả những ai đang mong chờ; tiếng khóc chào đời theo ngôn ngữ của niềm tin Kitô giáo là một lời tạ ơn Đấng Tạo Hoá đã an bài, ban tặng sự sng. Cuối cùng, tiếng khóc chào đời là điềm báo cho một đời người, kiếp người bước vào biển khổ, sông vui và rạch hạnh phúc. 

Biển khổ, sông vui, rạch hạnh phúc, luôn là bạn của con người, nhưng biển khổ, hay nói đúng hơn là nghịch cảnh và khổ đau là người bạn không mời mà đến. Người bạn này, không chỉ đến một lần, nhưng, cứ như hình với bóng nơi đời sống con người, để rồi con người phải kêu lên: “Phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí”, hay theo cách nói của nhà Phật: “Đời là bể khổ”.

Không khổ sao được? Như trình thuật của Kinh Thánh, qua sách Sáng Thế Ký, khi ông Adong và bà Evà phạm lỗi nơi vườn Địa Đàng, sau giây phút yếu đuối và nghiệt ngã ấy, cả hai xấu hổ khi thấy mình trần truồng. Để che đi cái trần trụi, cái xấu hổ của bản thân, cả hai cùng tìm và lấy lá che thân, nói một cách dí dỏm lá thì “sáng che, chiều héo”. Và thế là, ngày ngày cứ phải hái lá để mà che, làm gì có chuyện hái lá một lần mà che được đôi ba ngày…! Hơn nữa, Việc kiếm lá che thân đã nhiêu khê, thêm vào đó là phải tìm miếng mà ăn, tìm mái lá để trú thân, tìm thuốc mà uống… Và thế là nghịch cảnh, khổ đau khởi từ đây. 

Nghịch cảnh và khổ đau, không loại trừ ai, từ người tu hành cho tới người quyền quý; từ người ăn mày cho tới bậc đại gia; từ em nhỏ cho tới bậc lão thành. Mỗi một con người từ khi cất tiếng khóc chào đời, cho tới khi đi vào lòng đất, ít nhiều, cách này hay cách khác, đều trải qua những nghịch cảnh và khổ đau.

Nghịch cảnh và khổ đau, luôn là bóng đêm đè nặng lên đời sống của nhân loại, mỗi người mỗi cách, không ai giống ai. Hằng ngày, chung quanh ta, biết bao con người, đi tìm cái chết để giải thoát cho chính mình khi không còn đủ sáng suốt, đủ nghị lực vượt qua nghịch cảnh và khổ đau, không ít trường hợp đưa đẩy con người nhúng tay vào tội ác khi cuộc đời gặp những cảnh trắc trở, éo le; biết bao gia đình đổ vỡ do nghịch cảnh và khổ đau gây nên... 

Nhưng, cũng có những trường hợp vượt qua khỏi nghịch cảnh và khổ đau để vươn lên một cách kiên cường, điển hình như em Nguyễn Hữu Thịnh, ở thôn Mậu Duyệt, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, em được sinh ra và lớn lên bình thường, nhưng điều nghiệt ngã đã đến với em, khi lên 4 tuổi, em bị liệt hai chân, suốt 20 năm sống chung với nghịch cảnh và khổ đau, em đã viết 800 bài thơ đủ loại, trong tất cả các bài thơ, xin trích hai câu nói lên cảm xúc của em:

Đã mang lấy kiếp con người,
Phải vượt lên giữa cuộc đời bão giông…
”. 

Vượt qua nghịch cảnh và khổ đau để vươn lên, đó là điều mà con người luôn nỗ lực đi tìm lời giải đáp, sự trợ giúp, biết bao buổi tham luận, chia sẻ và bao sách vở... xoay quanh đề tài này. Mới đây thôi, tại TTMV, TGP. Sài Gòn,  Ban Mục vụ Gia đình của giáo phận đã mời Đại đức Thích Quang Thạnh đến để chia sẻ về đề tài: “Đối diện với nghịch cảnh và khổ đau”. Dù qua bài chia sẻ, Đại đức Thích Quang Thạnh có đưa ra những vấn đề, phương thức như: “Giới, Định, Tuệ, Văn, Tư, Tu...”, theo đạo pháp của Phật giáo. Nhưng rồi, hình như tự sức con người không thể nào tìm được cho mình một năng lực để hoá giải, giúp cho mình và cho người khác có thể chấp nhận nghịch cảnh và khổ đau như một người bạn thân, như một cách để tu luyện giúp mình và giúp đời. 

Một câu chuyện kể rằng:

Một chàng trai, sau bao nhiêu năm lưu lạc, bôn ba giữa dòng đời, một ngày kia anh ta tìm đến một nhà hiền sĩ, xin nhà hiền sĩ tìm cho anh ta một vị thần, và một tôn giáo để anh tin, thờ và đi theo.

Nhà hiền sĩ nhìn anh một hồi lâu, sau đó dẫn anh vào một căn phòng thứ nhất, trong căn phòng có đặt một vị thần, bên dưới có câu: “Đây là vị thần giúp loại bỏ đi những khổ đau nơi con người”, anh ta đứng một hồi lầu rồi lắc đầu, đi ra.

Nhà hiền sĩ lại dẫn anh ta qua căn phòng thứ hai, nơi đây đặt một vị nữ thần với một lời giải thích: “Đây là vị thần đưa ra những phương thế, cách thức, giúp giảm bớt những đau khổ nơi con người”, một lần nữa anh lại lắc đầu tỏ vẻ không ưng theo.

Cuối cùng nhà hiền sĩ dẫn anh ta vào căn phòng thứ ba, căn phòng này không bài trí như hai căn phòng trên, rất đơn giản, giữa gian phòng treo một cây thập tự giá, trên thập tự giá có treo tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chàng thanh niên đứng nhìn một hồi lâu và hỏi nhà hiền sĩ: “Vị Thần này là ai?”. Nhà hiền sĩ trả lời: Đây là Ông Giêsu, theo những người Kitô giáo, thì Ông ta từ trời xuống, ở với nhân loại, Ông ta chấp nhận sống khổ, chịu đau khổ, để giúp và nâng đỡ những người đau khổ.

Sau một hồi lặng im, anh ta lên tiếng với nhà hiền sĩ: “Tôi tin và đi theo Vị Thần này, xin Thầy hãy dẫn tôi tới những người đã tin và đi theo Vị Thần này, để tôi xin gia nhập”. 

Nhà hiền sĩ lấy làm lạ và hỏi: “Anh có thể cho biết lý do tại sao anh lại tin và đi theo Vị Thần này? Vị Thần xem ra chẳng có gì là hấp dẫn...?”. Chàng thanh niên liền trả lời nhà hiền sĩ như sau:

Vị thần thứ nhất, hứa loại bỏ khổ đau nơi kiếp người là nói hão, không thực; vị thần thứ hai, giúp giảm bớt khổ đau là tạo cho người ta sự nhu nhược; vị Thần thứ ba là ông Giêsu này rất thực tế, vì có chấp nhận đau khổ, sống trong đau khổ mới có khả năng nâng đỡ và giúp cho người khác vượt khổ. Đây mới là chân lý thực, vì thế tôi sẽ đi tìm và theo.

Vâng! Một khi nghịch cảnh và khổ đau ập đến, không một triết lý nào, hoặc điều gì có thể giúp cho con người, chấp nhận, hoặc cố gắng vượt qua, nếu con người không hướng về một Đấng đã sống và chịu khổ đau như lời giới thiệu của Thánh Phaolô: Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4,14-16).  

Hoặc chấp nhận nó như lời của Thánh Phêrô: “Anh em thân mến, anh em đang bị lửa thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh em. Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ” (1 Pr 4,12-13).  

Từ những chân lý đó, có thể giúp ta nhìn vào nghịch cảnh và khổ đau qua một lăng kính khác. Có thể nghịch cảnh và khổ đau đến với ta như một ân sủng, trong nghịch cảnh và khổ đau có thể ta nhận thức ra đời sống thực, nhận ra những sai lầm của mình. Và cuối cùng trong nghịch cảnh và khổ đau ta nhận ra, có một người đã chấp nhận điều đó và luôn ở cùng, giúp ta vượt qua. Đó chính là Đức Giêsu Con Thiên Chúa. Từ nơi Ngài ta mới có sức mạnh vượt qua tất cả, một khi Ngài giúp ta đã vượt qua, Ngài cũng sẽ mời gọi ta trở thành những cánh tay nối dài của Ngài, giúp cho những ai đang gặp và sống trong nghịch cảnh và khổ đau.    

Quả thật! Làm sao tôi có thể là cánh tay nối dài, là tiếng động viên, an ủi người khác, nếu chính tôi chưa từng trải qua khổ đau, nghịch cảnh, hoặc giả tôi không dành thời gian đi tìm và đến với những con người khổ đau, thì dễ gì tôi có thể cảm và đồng cảm như: khi tôi không mang trong mình căn bệnh ung thư, thì sao tôi có thể hiểu và cảm được những đau đớn cả tinh thần, lẫn thể xác nơi người mắc bệnh ung thư; nếu tôi không mang công mắc nợ, luôn sống trong lo âu và sợ sệt, chịu những lời sỉ vả, những nhục nhã, thì sao tôi có thể cảm với người đang có hoàn cảnh như thế; nếu tôi không bị đói, phải ăn nhờ ở đậu, bị  thất nghiệp... thì sao tôi có thể hiểu được hết. Để từ đó tôi có thể đồng cảm, hay có một lời khuyên, động viên một cách thiết thực được... 

Nói như thế không có nghĩa là tôi phải trải qua, và sống như thế, thì tôi mới giúp người được? Không phải thế, nhưng muốn nói lên một điều, với những ai đang gặp phải nghịch cảnh và khổ đau, họ rất cần một sự đồng cảm thực sự qua hành động cụ thể như lời của Thánh Giacôbê: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,15-16). 

Vì thế, Đứng trước nghịch cảnh và khổ đau, con người tựa như những chiếc thuyền nan trên biển đời đầy phong ba bão táp. Một chân lý bất di bất dịch là cho dù con người có cho mình là tài giỏi đến mấy, có tự tu luyện cách nào đó để cố vượt qua, nhưng không có sự trợ giúp của Thiên Chúa, Đấng đã chấp nhận khổ, sống khổ và chết khổ trong thân phận con người, thì liệu rằng con người có thể vượt qua nổi nghịch cảnh và khổ đau cho chính mình, chứ đừng nói là giúp cho người khác khi nghịch cảnh và khổ đau không mời mà đến và không loại trừ ai. 

“Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn con mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62,2). Đây là lời cầu nguyện tuyệt vời của vua thánh Đavít,  khi thánh nhân bị người con phản bội, truy lùng, đang lúc trốn chui trốn nhủi cùng thuộc hạ. Đây cũng là bài học cho ta khi phải đối diện với nghịch cảnh và khổ đau. 

Một chân lý và lời mời gọi không thể thiếu và không bao giờ thừa, khi phải sống giữa nghịch cảnh và khổ đau. Đó là lời mời gọi của Đức Kitô: “Hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến đây, Ta sẽ thêm sức cho các con” (Mt 11,28). Với người luật sĩ, trong dụ ngôn người Samari nhân hậu, Đức Kitô, đã nói với ông: “Ông hãy đi và làm như thế” (Lc 10,37). 

Sài Gòn, ngày 8/11/2010