DANH - QUYỀN - LỢI
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN-B

Antôn Lương Văn Liêm

Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35)

Vào mỗi buổi chiều lúc 17 giờ 00 đài truyền hình Vĩnh Long 1 trình chiếu bộ phim “Khi người ta yêu”. Trong những tập gần đây, nội dung phim xoay quanh nhân vật có tên gọi Châu Anh Minh, anh ta là một nhà chính trị kiêm doanh nhân. Vì muốn có một chân đứng, vị thế trong guồng máy lãnh đạo, thuận lợi trong công việc kinh doanh, anh ta đã dùng nhiều thủ đoạn rất tinh vi và thâm độc với những đối thủ cạnh tranh, ngay cả với những người trước đây đã từng “đồng hội, đồng thuyền”, người đã từng “đầu ấp tay gối”… Không biết kết cục phim sẽ ra sao? Nhưng có một điều khi theo dõi phim, người ta sẽ lên án những hành vi, thủ đoạn của nhân vật Châu Anh Minh này.

 Vâng! Một trong những cám dỗ làm cho con người dần mất đi lòng nhân ái, xa dần lời xin vâng, vô cảm trước những khát vọng, khổ đau của đồng loại; bỏ ngoài tai mọi lời khuyên, góp ý; tệ hại nhất là đẩy con người bước con đường tội ác, thực hiện mọi công việc đời cũng như đạo theo chủ nghĩa “thành công”. Cám dỗ đó chính là danh - quyền - lợi.

 Hệ quả của cám dỗ danh - quyền - lợi đã làm biết bao con người phải mạng vong một cách oan uổng, biết bao gia đình phải nhà tan, cửa nát, nhiều trẻ thơ rơi vào cảnh mồ côi, bơ vơ, người già không nơi nương tựa, hiện tượng bè phái… Điều tệ hại nhất là khi người ta muốn có thế đứng, muốn có danh -quyền - lợi, người ta bỏ ra nào là công sức, tiền của và ngay cả những thủ đoạn tàn độc như mua chuộc, vu khống, thậm chí người ta có thể đạp đổ hạnh phúc gia đình, đạp đổ tình bằng hữu và ngay cả việc chối bỏ, khước từ niềm tin tôn giáo, khước từ và chối bỏ Thiên Chúa…. Cám dỗ danh - quyền - lợi không chỉ trên và trong bình diện xã hội nhưng nó còn len lỏi vào nhà đạo, vào những con người mang danh xưng “Kitô hữu”, là môn đệ của Đức Giêsu.

 Trình thuật Tin Mừng của thánh Mác-cô hôm nay cho ta thấy sự cám dỗ danh - quyền - lợi len lỏi vào đời sống các môn đệ thân tín của Đức Giêsu. Từ trên núi xuống, vắng bóng đám đông dân chúng, chỉ còn lại Thầy trò. Một lần nữa, Đức Giêsu huấn dụ, tiên báo, cũng có thể nói đây lời tâm sự với các môn đệ: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và sau ba ngày sau khi bị giết, Người sẽ sống lại.” (Mc.9,31). Những tưởng các đồ đệ hiểu, đồng cảm, đồng hành với sứ vụ của Thầy. Ngược lại, các ông có những suy nghĩ theo cách nghĩ của thế gian, Thầy mình lên Giêrusalem thực hiện công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và thế là các ông tranh cãi với nhau, rồi đây ai là người có công đầu, ai là người đứng hàng nhất phẩm, nhị phẩm…. Qua những tranh cãi và qua lời hỏi của Thầy “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy” (Mc.9,33). Chẳng hiểu vì xấu hổ hay vì cuộc tranh cãi “bất phân thắng bại” mà các ông lặng thinh. Chẳng một lời trách móc, không một chút buồn phiền, trong tình yêu thương, Đức Giêsu vạch cho các môn đệ con đường lên hàng nhất phẩm, nhị phẩm. Con đường đó là: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc.9,35).

 Con đường sự nghiệp, tiến thân mà Đức Giêsu vạch ra cho các môn đệ không giống ai, quả thật ngược đời! Ai đời, mình từ bỏ những ước mơ, gia đình, sự nghiệp… để đi theo Thầy, những mong sau này sẽ khá hơn, sẽ được nhiều người nể nang, trong vọng hơn, cuộc sống sung túc hơn…. Vì mình đã và đang bị người ta chèn ép, người ta bắt mình phục dịch, người ta hét một tiếng mình nín khe…! Vậy mà Thầy lại bảo: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc.9,35). Thật khó hiểu!  

Vâng! Có chức thì lẽ tất nhiên là có quyền, một khi đã có quyền thì dễ sinh lạm quyền, từ lạm quyền dễ sinh chia rẽ đó là điều không thể tránh khỏi. Hệ quả của sự chia rẽ là hận thù và ganh ghét. Đức Giêsu thừa biết bản tính của con người luôn yếu đuối và vấp ngã vì hệ lụy của tội, vì cái tôi của chính mình. Đây là những rào cản, những trở ngại rất lớn trên con đường lắng nghe và bước theo tiếng gọi mời của Đức Giêsu. Đặc biệt là trong sứ vụ mà Đức Giêsu muốn trao ban cho các môn đệ sau khi Ngài Phục Sinh và về ngự bên hữu Chúa Cha. Đó chính là sứ vụ loan báo Tin Mừng, loan báo hồng ân cứu độ mà Đức Giêsu đã nêu gương trong đời sống khó nghèo, đời sống khiêm hạ, phục vụ và hiến thân.

 Lời Chúa và hình ảnh của các đệ hôm nay, một lần nữa mời gọi ta nhìn lại vai trò và vị thế của mình trong bổn phận nơi mái ấm gia đình, bổn phận và trách nhiệm nơi cộng đoàn, hội đoàn. Để rồi dưới sự soi dẫn của Lời Chúa tôi tự đặt những cho mình những câu hỏi:

 -         Tôi đang là người phục vụ, nhỏ bé hay tôi là những “ông kẹ”? khi tôi được Chúa ban cho ân sủng trở thành là chồng, vợ, là cha mẹ, anh chị trong gia đình?

 -         Những chức vụ và trọng trách như hội trưởng, đoàn trưởng…tôi đang thực hiện do ân sủng Chúa ban và sự bổ nhiệm của bề trên. Tôi có thực hiện tất cả để danh Chúa dược cả sáng và đem lại lợi ích cho mọi người, hay ngược lại chỉ là “sáng danh tôi mà tối danh Cha” qua việc dùng chức và quyền để áp đặt, để ra lệnh…?

 -         Những kiến thức mà tôi có được trong vai trò của một nhà giáo, bác sỹ. Tôi có ý thức ngoài việc mưu sinh, tôi còn là người phục vụ, là người có trách nhiệm chuyển giao tri thức cho hậu thế, là cách tay nối dài của Thiên Chúa đem lại cho những bệnh nhân những điều họ đang mong ước, hay tôi dùng những khả năng, vị thế đó như chiếc cần câu, câu về cho mình những bổng lộc, chức quyền…?

 Con đường mà Đức Giêsu vạch ra cho các thánh Tông Đồ năm xưa trong hành trình bước theo Ngài qua lời giáo huấn:“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc.9,35), vẫn luôn và mãi nhắc ta trong cuộc sống ngày hôm nay. Đây là kim chỉ nam cho ta trong sứ vụ và nhiệm vụ, là muối, men ướp mặn cho đời và nhất là ta trở thành ánh sao đưa dẫn mọi người tìm về với Đức Giêsu. Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, là Đấng đã cất cao lời xin vâng mà bước xuống trần trong thân phận khó nghèo, đã trở nên nhỏ bé, khiêm hạ và nên gương cho ta trong đời sống hy sinh, phục vụ, hiến thân. Đặc biệt là Ngài đã gánh lấy thập giá để đền và xóa tội cho ta, đem lại cho ta niềm vui, hạnh phúc, đem lại cho ta hạnh phúc Nước Trời.

 Lạy Chúa! Con xin mượn lời Thánh Vịnh để dâng lên Chúa lời khấn nguyện

 Lòng con chẳng dám tự cao,

mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi!

Đường cao vọng, chẳng đời nào bước,

việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;

hồn con, con vẫn trước sau

giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.

Như trẻ thơ nép vào lòng mẹ,

Trong con hồn lặng lẽ an vui.

Cậy vào Chúa, Ít-ra-en ơi

từ nay đến mãi muôn đời muôn năm (Tv.131,1-3). Amen

Sài Gòn, ngày 19/09/2012

Trang Độc Giả

Trang Nhà