Trang Độc Giả


“CAN ĐẢM LÊN, ĐỪNG SỢ NỮA!” (Is 35,4a)
SUY NIỆM TIN MỪNG CN 23 TN (B) (Mc 7,31-37)

P. Trần Đình Phan Tiến

 Vâng ! từ “sợ” không xa lạ với con người, sự “sợ” hãi ám ảnh con người, làm cho họ bưng tai bịt mắt, giả điếc làm ngơ, và hoảng loạn tâm trí cho đến khi bị câm, điếc thật. Cho thấy, từ cổ chí kim, làm người ai cũng có tâm trạng sợ hãi, nói chung cuộc sống của con người đầy dẫy sự sợ hãi. Nên chi, hôm nay Thiên Chúa mở miệng cho Tiên tri Isaia, để Ông loan báo niềm vui đích thực từ Thiên Chúa cho dân tộc của Ngài: “CAN ĐẢM LÊN ĐỪNG SỢ NỮA !...” ( Is 35, 4a).

 Chúa Giêsu, hôm nay, đã đến để hiện thực hóa lời loan báo xưa của Isaia, Người đã làm như vậy cho một con người cụ thể, nhưng Người không nói suông, Người đã mở miệng lưỡi và tai của một người câm điếc (bẩm sinh), (Mc 7,34 -35) “Hãy mở ra ! = Ep-pha-tha !”. Cho thấy từ lọt lòng mẹ người nầy đã bị câm,điếc. Đây là một sự việc cụ thể, nghĩa đen hoàn toàn. Khác với Isaia, Chúa Giêsu thực hiện sứ mạng của Người, không những bằng Lời rao giảng mà còn bằng hành động cụ thể. Isaia chỉ loan báo sứ điệp và Tin Mừng cho dân chúng, nhưng không thực hiện được sứ điệp của Thiên Chúa. Quả thật, ông chỉ loan báo Tin Vui, chứ không thực hiện được Tin Vui. Hành trình, rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu, đồng thời người thực thi sứ vụ giải thoát cho con người dưới áp lực của tội lỗi, không những nghĩa bóng mà còn nghĩa đen. Ý nghĩa lời loan báo của Isaia, là giới thiệu Đấng Cứu Thế, Đấng Messia đích thực của Giavê. Người đến để giải thoát con người khỏi mọi sợ hãi của trần thế, mọi tật bệnh xác, hồn ( Is 35,4- 7a).

 Không gì đau khổ bằng bệnh tật, tâm trạng của người bệnh tật thể xác giống như bị gông cùm xiềng xích, mất tự do, vì những hạn chế của bệnh tật. Nếu điếc và ngọng thì làm sao nói được, còn què thì sao đi được, mù thì khổ biết bao nhiêu, không nhìn thấy thế giới xung quanh, bao nhiêu giới hạn như vậy, làm sao con người có đủ can đảm để không sợ hãi.

 Vâng! nên chi tâm trạng sợ hãi là điều tất yếu, nếu như không có Thiên Chúa hay Thiên Chúa đã bỏ con người thì thật bất hạnh biết bao nhiêu!

 Những người bệnh tật được cho là những người xấu số, vì sự giới hạn của thân xác. Ngày nay tất cả những người bệnh tật thân xác, khi nghe bài Tin Mừng hôm nay (Mc 7,31-37). Từng người trong số họ không ai là không mong muốn được Chúa Giêsu chữa lành như người điếc và ngọng trong đoạn Tin Mừng.

 Nhưng quả thật, ơn cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Kitô-Giêsu không những chỉ thể thiện qua thân xác của người bệnh mà điểm chính yếu là phần tâm linh của họ. Vì con người một khi tin tưởng vào Thiên Chúa, thì họ sẽ trở nên can đảm, hùng dũng và hiên ngang, không gì có thể xâm nhập được họ, dù là ma quỷ hay sự chết, có nghĩa là sự phù trợ của Thiên Chúa luôn đồng hành với họ trên sự sống. Thành phần dân chúng tật bệnh xác, hồn đều đáng thương, họ là những người thiếu may mắn trong xã hội. Nói chung dù phương diện nào, họ cũng được xem là nghèo khó. Một người giàu có về của cải, nhưng phương diện tâm linh rỗng tuếch, thì họ cũng được kể như là nghèo nàn trước mặt Thiên Chúa. Vấn đề tâm linh là vấn đề vô hình, vì vậy những ý nghĩa Kinh thánh đều phải dựa vào yếu tố hữu hình để răn dạy, giáo huấn con người. Nếu bệnh tật về vấn đề tâm linh, thì con người không nhìn thấy được, như mù về phương diện tâm linh là con người không nhận biết Thiên Chúa và những điều thuộc về chân lý cùng những kỳ công của Ngài, những người vừa điếc vừa ngọng là những người tâm linh nhận biết Thiên Chúa, nhưng miệng lưỡi không ca tụng Thiên Chúa và những kỳ công của Ngài được vì họ bị cột chặt bởi thế lực bóng tối. Những người bị què về mặt tâm linh là những người không thể mang Tin Mừng cứu độ đến cho người khác, ngày nay có phương tiện truyền thông quốc tế Internet, thì xem như người què được nhảy như nai rồi, nhờ phương tiện nầy họ có thể rao truyền Lời Thiên Chúa trong giây lát. Sa mạc khô cằn là tâm hồn của họ không biết xúc cảm trước những hoàn cảnh của đồng loại. Rừng già, đất cằn, ruộng khô là những tâm hồn cằn cỗi khô khan và ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình chứ không cần biết đến nhu cầu của người khác, họ chỉ biết đón nhận chứ không biết cho đi, vì tâm hồn của họ đã bị cằn cỗi. Nay tất cả những khuyết điểm đó sẽ được Thiên Chúa làm cho ra phì nhiêu sung túc, như mù sẽ sáng mắt, điếc được mở tai, què nhảy như nai, câm được khai lưỡi, sa mạc trào nước, rừng già thác tuôn; đất cằn biến thành ao hồ; ruộng khô hóa ra suối nước. Như vậy, Thiên Chúa đã dùng hình ảnh cụ thể để dẫn chứng cho phương diện tâm linh của con người, hầu dùng hình ảnh cụ thể mà khai sáng tâm linh con người, để tâm hồn của họ cũng mặc nhiên trở nên hữu dụng và khỏe mạnh như phần thân xác vậy.

 Ep-pha-tha là Lời mà Chúa Giêsu đến để “gõ” cửa tâm hồn, “gõ” phần tâm linh bệnh tật của mỗi một con người trần gian, trong đó có tôi, có bạn và có mọi người hôm nay và mai sau. Nhưng khi Chúa Giêsu “gõ” cửa tâm hồn tôi và bạn, tôi và bạn có sẵn sàng mở ra hay không? Nếu tôi và bạn không sẵn sàng mở ra để đón nhận ân sũng của Chúa Giêsu, thì làm sao tôi và bạn có thể được Chúa Giêsu chữa lành.

 Trở lại thông điệp của Cựu Ước một chút, để cùng suy gẫm, ôn cố tri tân, “ CAN ĐẢM LÊN ĐỪNG SỢ NỮA ! …” (Is 35,4a). Từ “sợ” trong Tin Mừng Matthêu được dùng nhiều và Maccô (có một lần ; đoạn 6,50) ; Lc ; Ga; CV ;PL; 1Pr; Kh. Tất cả những câu trích trên đều ghi lại câu nói thời danh của Đấng Cứu Thế -Giêsu : “chính Thầy đây, đừng sợ !” (Mc 6,50), (Mt 14,27).

 Lời vang vọng của Isaia, chính là Lời của Chúa Giêsu hôm nay: “chính Thầy đây, đừng sợ !”,

Vì “Thầy đã thắng thế gian” ( Ga 16,33 b). Đó là lời tiên báo, lời động viên, lời nhắc nhở, an ủi, là niềm hy vọng cho chúng ta, mà chính Chúa Giêsu đã nói.

 Sau khi đã xác tín, cũng câu nói ấy : “Các con đừng sợ hãi !” mà Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xác quyết như vậy. Đó là niềm động viên, khích lệ, xuất phát từ chân lý và niềm tin vào Chúa Giêsu- Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa, đối vị Giáo Hoàng thánh thiện dành cho dân Chúa.

 Hãy mở ra! “ Ep-pha-tha!”, đó là từ ngữ duy nhất có trong Tin Mừng theo Thánh Mác-cô.

 Lời của Tin Mừng : “Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ep-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng (Mc 7, 32-35).

 Như vậy, sứ mạng của Chúa Giêsu đã hiện thực hóa lời của Cựu Ứơc, Tin Mừng cứu độ đã được thực thi, nhưng người được chữa lành về mặt thân xác không quan trọng bằng về mặt tâm linh. Tâm linh con người được cứu độ mới là quan trọng vì khi miệng lưỡi được mở ra, thì tâm linh con người được chúc tụng Thiên Chúa. Tâm linh và thân xác con người được chúc tụng Thiên Chúa, chính là điều cần thiết cho con người cũng giống như nhu cầu thân thể của người vừa điếc vừa ngọng trong đoạn Tin Mừng hôm nay được Chúa Giêsu chữa lành. Vì nhận biết được Thiên Chúa và sự công chính của Ngài mà không nói được, không ca tụng được thì chẳng khác nào vừa điếc vừa ngọng thật tội nghiệp và đau khổ biết bao!

 Lạy Chúa Giêsu ! xin cho con nghe khi Chúa Nói và nói cho người khác nghe về Chúa, đó là con được Chúa chữa lành bệnh câm điếc bẩm sinh. Ep-pha-tha, xin Chúa hãy gõ cửa tâm hồn con để khỏi bị ngọng khi nói Lời Chúa và khỏi bị điếc khi nghe Lời của Chúa. Amen.

04/09/2012