Trang Độc Giả


 NHẬN LÃNH & TRAO BAN
CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO

P.Trần Đình Phan Tiến

Truyền giáo có nghĩa là gì?

Thưa truyền giáo có nghĩa là: NHẬN LÃNH & TRAO BAN

Tại sao phải nhận lãnh và trao ban?

Thưa đó là vì bản chất của Giáo hội: Truyền giáo.

Đoạn Tin Mừng (Mc10, 35-45) hôm nay nằm ở phần b), cũng là phần loan báo mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh III.

Chủ đề chính của đoạn Tin Mừng hôm nay là: Chúa Giêsu trả lời 03 vấn đề cho các Tông đồ:

*1) Vinh quang mà hai môn đệ muốn xin được vào: là vương quốc phải chịu đau khổ (c38-39).

*2) Chúa Giêsu không có quyền cho ai được vào vinh quang của Chúa hay không (c40).

*3) Giáo hội của Chúa Giêsu không phải là giáo hội áp đặt mà là giáo hội phục vụ (c 41-45).

Như vậy đoạn Tin Mừng hôm nay, cho thấy các môn đệ đi theo Chúa Giêsu, nhưng chưa thấm nhập Lời giáo huấn của Người. Các ông vẫn nuôi tư tưởng của thế trần, đó là quyền lợi và địa vị, hay nói cách khác là DANH & LỢI. Nói theo cách khác đó là QUYỀN và TIỀN.

Vâng! quyền lực và tiền bạc, đó là 2 vấn đề của trần gian. Nếu sống trên cõi đời mà thiếu hai thứ ấy, thì có nghĩa là phải chịu kiếp ôsin cho người khác. Ôsin, có nghĩa là không theo ý mình, mà phải theo ý người khác, vì muốn có tiền, thì phải vâng lời người có tiền. Trần gian mà ai có nhiều tiền thì người đó làm chủ. Nên chi người đời có câu: “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, hay là “có tiền mua tiên cũng được”, vì “ vinh thân phì da”, hoặc như Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói : “Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử. Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi”, quả không sai!

Vâng! cũng chính vì những thực tế nêu trên, mà Đức Giêsu, Đấng đã đến trần gian để kiện toàn và canh tân nó. Nếu không quyền và tiền, mà con người trần gian cho là triết lý sống của trần gian đó sẽ là thế giới của sự chết. Vì một khi đồng tiền ngự trị và quyền lực bao phủ trên phàm nhân, thì quả thật, sự sống sẽ mất. Lúc đó, sự sống thật sự không còn là sự sống nữa, sự chết, vì một khi đồng tiền chế ngự, thì ngay cả người tỉnh thức cũng sẽ bị mê hoặc. Chính vì vậy, mà Thiên Chúa không bỏ mặc con người dưới quyền sự chết. Vì vậy, Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài đến trần gian để rao giảng Nước Trời.

Vâng! Nước Trời là Nước không thuộc về trần gian, có nghĩa là phải khác trần gian. Trần gian cần tiền, cần quyền thì Nước Trời lại không cần. Trần gian cần thế lực, cần đi đêm, cần nhỏ to, cần hối lộ, cần yêu sách, cần đàn áp, cần hưởng thụ, cần mánh mung, cần chạy chọt, cần phe đảng, nhưng Nước Trời thì không .

Quả thật, Nước Trời là Nước của Thiên Chúa, Nước hằng sống, nên chi Nước Trời không giống như Nước của thế gian. Đây là chân lý, mà Đấng Cứu Thế Giêsu đã đến để thiết lập. Một vương quốc của sự thật, sự sống, sự bằng an, mà thế gian không có được, bởi vì thế gian đi theo quyền và tiền, vì vậy thế gian không có sự sống vĩnh cửu.

Sự sống vĩnh cửu là nơi đó không có sự chết, sự sống đích thực. Nên chi, Con Thiên Chúa Đấng đã chịu chết về thân xác, để minh chứng Lời của Thiên Chúa, và trao ban sự sống vĩnh cửu cho nhân loại.

Vì thế, vương quốc của Người là vương quốc sự thật, nơi đó không có quyền lực, hay nói cách khác, quyền lực biến thành tình yêu để phục vụ và muốn như vậy, người đi theo Đấng Cứu Thế phải là người biết chấp nhận hy sinh, hầu có thể đáp ứng được Lời giáo huấn của Thầy Giêsu.

Đó là lý tưởng đồng thời là bổn phận, trách nhiệm của một Kitô hữu nói chung và của người môn đệ xứng đáng vời Thầy mình. Lời loan báo chịu nạn và lời hứa dành cho những môn đệ muốn tham dự vào mầu niệm chịu nạn của Đức Kitô, nhưng Lời hứa để được vinh quang, thì Chúa không hứa, vì điều nầy không thuộc trọn quyền nơi Đấng Thiên Sai. Chúng ta thấy điểm nầy Chúa Giêsu quả là khôn khéo, vì Người không tiết lộ uy quyền của người tại lúc đó. Hơn nữa, nếu Người hứa thì coi như vương quốc vĩnh cửu không khác gì trần gian. Vì nơi nào có quyền lực, thì nơi đó có sự tranh giành và nơi nào có sự tranh giành thì nơi đó có bất công. Và nơi nào có bất công thì không phải là Thiên Đàng. Nếu người từ chối thì không đúng với Thiên Tính của Người, nhưng Người xác định vương quốc của Người là vương quốc phục vụ, chứ không phải là vương quốc hưởng thụ, nên chi Người không hứa ban cho các môn đệ chỗ ngồi trong vương triều của Người, nhưng Người hứa ban cho các ông những gì mà Người phải thực hiện. Đó là nhiệm vụ, đồng thời là vinh quang trong Nước Thiên Chúa.

Vì vậy, Chúa Giêsu đã hướng các môn đệ của Người đi vào đúng quỹ đạo của Chúa. Để Chúa Giêsu ở đâu thì các môn đệ cũng ở đó. Tin mừng Chúa Nhật Truyền Giáo hôm nay, tập trung ba bài đọc về Đấng Cứu Thế. Bài đọc 1 chỉ có 2 câu (Is 53,10-11), cho thấy Đấng Thiên Sai hoàn toàn trút bỏ tất cả những gì Người có, để trở nên Người phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc. Như vậy đấng Cứu Thế sẽ trở nên vị thượng phẩm Tối Cao, và hoàn toàn trút bỏ tất cả vì tha nhân. Bài đọc 2 (Dt 4,14-16), cho thấy một vị Thượng Tế biết cảm thương, Người đã cảm thông những nỗi yếu hèn của chúng ta “…Vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.” (c 15b).

Như vậy, Đức Giêsu đến trần gian không phải để làm vua theo kiểu của trần gian, là có binh hùng tướng mạnh, tiền muôn bạc thước, mà là một Vị Vua của lòng bác ái, Vua đích thực, Vua tình yêu,Vua hy sinh cho kẻ khác. Một Vị Vua khác hẳn vời trần gian. Một Vị Vua thật sự mang lại hòa bình cho trần gian. Vì những đức tình cao cả, một Vị Vua quay ngược lại với trần gian 180 độ. Và như chính Lời Người nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình. Nhưng giữa anh em thì không phải như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (c 42-45).

Như vậy, có thể nói là Vị Vua ngược đời, vâng! Vị Vua ấy chính là Giêsu, chính vì những sự ngược đời ấy, mà Người đã dùng roi sắt để cai trị muôn dân. Người đã quất vào những kẻ cậy dựa đồng tiền, nhưng xem thường chân lý. Những kẻ dựa vào đồng tiền mà xem thường tất cả, kể cả pháp luật, gọi là những kẻ bạo quyền. Tội ác dã man của con người, cũng xuất phát từ những đồng tiền bất chính. Những kẻ vô liêm sỉ, thì xem thường công lý, bất chấp pháp luật. Những kẻ ấy chỉ biết dùng đồng tiền như kim chỉ nam cho cuộc sống. Ngoài ra, nó chẳng biết gì khác.

Nhưng những con người đi theo tiếng gọi của Đức Kitô, thì họ biết hy sinh cho kẻ khác. Họ là men, là muối là ánh sáng cho đời như: Mẹ Teresa Calcutta, mẫu gương truyền giáo đương thời, như Chân Phước Giao Hoàng Gioan phaolô II, hay như Đức Hồng Y F.X Nguyễn Văn Thuận v.v… và còn nhiều chứng nhân khác. Họ là những tấm gương truyền giáo sống động, làm chứng cho sự rao giảng của Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm Người.

Vì với bầu nhiệt huyết của Tin Mừng của Đấng Cứu Thế, đã thắp lên trong những trái tim bé nhỏ của các chứng nhân, đã trở thành những ngọn đuốc cháy sáng, nhưng những ngọn lửa Đức Tin Olympic cháy sáng và truyền cho người khác. Vì bằng ngọn lửa Yêu thương và phục vụ của Đức Kitô đã bừng cháy sáng trong tâm trí họ, họ quyết mang ngọn lửa ấy thắp sáng lên trong thế giới thiếu ánh sáng nầy.

Quả thật với ngọn lửa yêu thương và bùng cháy của Chúa Giêsu, mà ngày đêm hun đúc tâm can của mọi thế hệ trần gian nầy, tiếp bước theo ngọn lửa Giêsu để nó bừng cháy lên tình thương của Thiên Chúa và thiêu đốt tất cả hận thù, độc ác của thế gian. Vì lửa hỏa ngục cũng không lấn át nổi.

Khánh nhật tuyền giáo, quả là ngày hội của những chứng nhân của Tin Mừng, vì “Đức Tin không có hành động là Đức Tin chết”, cũng như con người không có máu thì con người sẽ chết. Nên chi, khánh nhật truyền giáo là dịp để bày tỏ đức tin cho thế gian soi tỏ.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu thương thế gian và đã chết cho thế gian, nhưng Chúa đã phục sinh để cứu thế gian. Vì Chúa không muốn thế gian phải chết, nhưng muốn thế gian nhận biết và thực thi theo lời của Chúa để được sống, xin Chúa thương ban cho trên cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội, ngày càng có nhiều chiến sĩ đức tin trung kiên, để họ biết đem tình thương của Chúa gieo vãi cho thế nhân, hầu họ nhận biết THIÊN CHÚA là Cha giàu lòng thương xót duy nhất. Amen.

16/10/2012

Trang Độc Giả

Trang Nhà