ĐIỀU DIỆU KỲ CỦA BÁC ÁI & LỜI XIN VÂNG!
(Chúa nhật IV TN, năm C)

Antôn Lương Văn Liêm

Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc.5,5)

Ngày khởi đầu năm mới Quý Tỵ 2013 của muôn con dân Đất Việt, của Giáo Hội tại Việt Nam. Hòa với sắc xuân, hoa tươi cỏ lạ, với muôn tâm hồn. Ta đồng cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã an bài ngày khởi đầu năm mới ứng vào những ngày mà Lời Chúa trong phụng vụ thánh lễ giới thiệu cho ta hình ảnh của Đức Kitô, khi Ngài khởi sự công cuộc rao giảng Tin Mừng và Cứu Độ nhân loại; ngày khởi đầu năm mới, ta cùng với toàn thể Giáo Hội bước vào tháng thứ 4 của năm Thánh Đức Tin, năm Đại Hồng Ân; ngày khởi đầu năm mới trùng vào ngày Chúa Nhật thứ V thường Niên năm C, ngày mà ta được Giáo hội mời gọi chiêm ngắm, sống lại mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô, Đấng khai sinh niềm hy vọng và sức sống mới.

Như một sự trùng hợp rất đặc biệt ngày khởi đầu năm mới, trình thuật Tin Mừng theo thánh sử Luca giới thiệu cho ta hình ảnh và sự thành công sau thất bại của ông Phêrô và các bạn đồng môn trong nghề nghiệp và mưu kế sinh nhai cho mình và gia đình, nhất là giới thiệu cho ta hình ảnh, sự tinh tế, quyền năng và lòng yêu thương của Đức Giêsu nơi bờ hồ Giênêsarét năm xưa. Giờ đây, ta dừng lại đôi chút trong cõi lặng, để nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động, ta tìm ra cho mình bài học, hướng đi, một lời nhắc nhở và sức mạnh giúp ta bước vào một năm mới trong ân sủng, bình an và sự dẫn dắt của Thiên Chúa ngang qua Đức Giêsu, Đấng tác dựng và ban tặng cho ta mùa xuân.

Từ nơi Tin Mừng ta được mời gọi chiêm ngắm dung mạo thực của Đức Giêsu:

Thứ 1: Tin Mừng hôm nay giới thiệu cho ta, Đức Giêsu, Đấng đã đến thế gian để rao giảng lời của Thiên Chúa: “Một hôm, Đức Giêsu đang đứng ở bờ hồ Giênêsarét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa” (Lc.5,1);

Thứ 2: Đức Giêsu không đơn phương thực hiện công việc, Ngài mời gọi con người nhân loại cộng tác, sự mời gọi ông Phêrô và các bạn chài là một điển hình: “ Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Phêrô và Người xin ông chèo ra xa bờ một chút. Rời Người ngồi xuống và từ trên thuyền, Người giảng dạy đám đông

Thứ 3: Không dừng lại việc mời gọi cộng tác, Đức Giêsu còn biết rõ những thất bại, những khát vọng của con người, qua việc Ngài chỉ vẽ cho ông Phêrô và các bạn chài chỗ thả lưới bắt cá khi Ngài phán với ông Phêrô: “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới”.

Với ông Phêrô và các bạn chài thì sao?

- Lão luyện trong nghề ngư phủ, vất vả suốt cả đêm, nhưng ông Phêrô và các đồng môn đã không bắt được con cá nào như lời bộc bạch của ông Phêrô: “Thưa Thầy, chúng con đã vất vả suốt đêm mà không được gì cả” (Lc.5,5).

- Chẳng hiểu tâm trạng của các ông như thế nào sau thất bại? Nhưng có điều rất lạ, khi Đức Giêsu hỏi mượn phương tiện hành nghề của ông Phêrô và các bạn để rao giảng Tin Mừng, ông Phêrô và các bạn đã vui vẻ cho mượn và còn giúp đưa thuyền ra xa bờ theo lời yêu cầu của Đức Giêsu.

- Đức Giêsu xuất thân từ một gia đình hành nghề thợ mộc, riêng ông Phêrô và các bạn hành nghề chài lưới và có thể nói họ dày dạn kinh nghiệm trong nghề nghiệp. Ấy thế mà khi Đức Giêsu phán: “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới”, không phản bác, không do dự. Đại diện cho các bạn ông Phê rô đã trả lời: “Thưa Thầy, chúng con đã vất vả suốt đêm mà không được gì cả, Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc.5,5).

-          Lời nói đi đôi với việc làm, ông Phêrô và các bạn đã ra khơi và buông lưới. Điều kỳ diệu đã đến, lưới nặng cá đến nỗi các ông không tự mình kéo nổi, các ông đã ra hiệu cho thuyền bạn đến giúp đỡ. Lưới được kéo lên, không chỉ một thuyền nhưng cả hai thuyền đều đầy ắp cá, đầy đến nỗi thuyền gần chìm. Thành công, đại thành công.

-          Không chỉ thành công trong công việc đời thường qua mẻ cá lớn, nhưng với tấm lòng bác ái, đức vâng lời đơn sơ, đã giúp ông Phêrô nhận ra con người thực của mình và nhận ra Thầy Giêsu kia không chỉ là một người thầy, một người bạn đơn thuần, nhưng là một vị Thiên Chúa khi ông thưa với Đức Giêsu: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”, sau đó ông Phêrô cùng với các bạn đã bỏ tất cả để bước theo làm môn đệ của Đức Giêsu.

Hình ảnh và tấm lòng nhân ái, cũng như quyền năng của Đức Giêsu, hình ảnh, sự thất bại và thành công của các ngư phủ năm xưa trong bản văn Tin Mừng, mời gọi ta nhìn lại cuộc đời, công việc của chính mình, đặc biệt trong nhiệm vụ loan báo tin Mừng của người Kitô hữu.

Theo chu kỳ nhật nguyệt xuân, hạ, thu, đông được trải dài trong ba trăm sáu mươi lăm ngày, ba trăm sáu mươi lăm ngày đan xen những vui buồn, sướng khổ, những thất bại và thành công; ba trăm sáu mươi lăm ngày với những gian nan, thử thách và thiếu sót trong bổn phận đối với Chúa và với tha nhân. Tất cả giờ đây được khép lại trong ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Đấng an bài sắp đặt mọi sự. Để rồi, cùng với đất trời, muôn loài, muôn vật, muôn con người, ta đón chào một ngày mới, năm mới với những ước mơ, dự tính...

Vâng! Khởi đầu ngày mới, tuần mới và năm mới. Con người nhân loại, từ người sống đời tận hiến cho đến những người sống đời sống hôn nhân và gia đình, từ người giàu sang phú quý cho đến kẻ cơ hàn, từ em nhỏ cho đến những bậc cao niên, người đau yếu cũng như người khỏe mạnh…. Ai ai cũng có những ước mơ, dự tính, hoài bão cho hôm nay và ngày mai: ta mơ ước gia đình an khang và thịnh vượng, con cái ngoan hiền, gia đình đầm ấm; ta mơ ước đất nước được an vui, thái hòa; ta mơ ước thực hiện thành công những dự định đem lại lợi ích cho chính mình và cho mọi người, kể cả đời sống tâm linh, lẫn đời sống thể lý.

Với những người sống trong niềm tin tôn giáo bạn (Phật Giáo), họ tin và tìm đến những đình, chùa để xin xâm, xin lộc, họ đi tìm và gặp những thầy bói, thầy tướng số, tử vi… để tìm, biết xem vận mạng năm mới ra sao, họ tìm cách để giải hạn, để cầu may… không dừng nơi những người mang niềm tin tôn giáo bạn mà ngay cả một số ít người mang trong mình dòng máu Kitô, cũng tìm đến với bói toán, cầu cơ… trong những ngày đầu năm. Dẫu biết rằng, một khi mang trong mình dòng máu Kitô, mang danh xưng là người Kitô hữu mà đi xem thầy, coi bói, cầu cơ… là điều không đẹp lòng Chúa, là điều minh chứng cho Đức Tin còn quá yếu và hời hợt. Nói như thế, cho ta thấy được những khát khao, những ước mơ, dự định của con người trong năm mới rất lớn, tất cả chỉ mong sao thành công, thành công và đại thành công.

Ngày khởi đầu năm mới, cũng là ngày Chúa Nhật, Giáo Hội mời gọi ta quy tụ lại trước là để cùng nhau dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ tri ân, vì muôn hồng ân Ngài đã tuôn đổ xuống trên ta và gia đình, ta cùng nhau hướng về Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, Ngài là Đấng khơi nguồn hy vọng và sức sống mới, Đấng giàu lòng nhân ái và là Đấng trung gian, giúp ta trở thành con Thiên Chúa và là máng chuyển nguồn ân sủng và bình an của Chúa Cha trên trời. Đấng Quan Phòng, tác dựng nên mọi sự và ban tặng mọi sự cho nhân loại hưởng dùng, trong đó có mùa xuân.

Giữa cuộc sống đầy những khó khăn, thách đố: bệnh tật, đói nghèo, bất hòa, chia rẽ…. Giữa một thời đại, một xã hội nhiễu nhương, xa đọa, giữa những cám dỗ của ba thù luôn đeo bám và mời gọi ta; đôi khi ta phải lần mò đi trong đêm tối của Đức Tin, lắm khi ta cảm thấy như Thiên Chúa ngủ quên trước những thử thách, trước những lời cầu nguyện của ta. Trong công việc và bổn phận, không ít lần ta thất bại hoàn toàn như ông Phêrô và các bạn chài năm xưa.

Để có được niềm vui, sự bình an trong năm mới, những mong tất cả công việc, từ việc đời cho đến việc đạo được thành công và đẹp lòng Thiên Chúa. Thiết tưởng hình ảnh, lòng bác ái, lời xin vâng của thánh Phêrô và các bạn của ngài nơi bờ hồ Giênêsarét mà Tin Mừng thánh Luca trình thuật hôm nay, sẽ mãi là bài học cho chính ta trong năm mới Quý Tỵ này.

Vâng! Để cất được hai tiếng xin vâng theo Thánh Ý, mong có đủ nghị lực cộng tác với lời mời gọi của Thiên Chúa không phải dễ đối với ta là những người luôn yếu đuối, luôn nghĩ đến mình trước khi nghĩ đến người chung quanh. Ngôn sứ Isaia trước khi cất lên: “Này con đây, xin hãy sai con”, ngôn sứ Isaia đã được các thần sốt mến gắp than hồng từ nơi bàn thờ, sau đó đặt than hồng vào lưỡi ngôn sứ Isaia để thánh hóa, để tha thứ tội lỗi (x.Is.6,1-8). Phải chăng hình ảnh lửa nơi than hồng trong trình thuật của ngôn sứ Isaia tượng trưng cho quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng đã dùng hình lưỡi lửa đến với các thánh Tông Đồ trong ngày lễ ngũ tuần nơi nhà tiệc ly sau khi Đức Giêsu về ngự bên hữu Chúa Cha (x.Cv.2,1-13).

Chúa Thánh Thần chính là ngọn lửa đốt cháy mọi nghi nan, sợ hãi nơi ta, Ngài sẽ dùng lửa để thắp lên ngọn lửa mến đã hời hợt, khơi dậy Đức Tin yếu kém nơi ta. Nhờ lửa mến của Chúa Thánh Thần, ta mới có thể thực thi việc bác ái đối với Chúa và với nhau, giúp ta cất lên tiếng xin vâng theo Thánh ý Thiên Chúa và là động lực giúp ta cộng tác vào chương trình mà Thiên Chúa luôn mời gọi ta trong cuộc sống hằng ngày.

Như các thánh Tông Đồ năm xưa nơi căn phòng tiệc ly, các ngài đã cùng cầu nguyện với Mẹ Maria, để đón nhận ơn Chúa Thánh Thần. Ta hãy noi gương các ngài chạy đến với Mẹ Maria, Mẹ là Mẹ của những kẻ tin, là trường dạy cầu nguyện và là cầu nối cho ta trước ngai tòa Thiên Chúa. Ngày khởi đầu năm mới, ta xin Mẹ ngự trị nơi tâm hồn, gia đình ta như Mẹ đã ở nơi tiệc cưới Cana. Chính Mẹ sẽ biết ta thiếu gì và cần gì, chính Mẹ sẽ kéo muôn phúc lành của Chúa Xuân xuống giúp ta luôn an vui và hạnh phúc, Mẹ sẽ là con đường, là người dẫn lối cho ta bước đi, theo lời mời gọi của Chúa hôm nay và ngày mai.

Lạy Chúa là Chúa của mùa xuân! Trong ngày khởi đầu năm mới này, con xin dâng lên cho Chúa lời cảm tạ tri ân, vì Chúa đã thương ban muôn ơn lành của Chúa xuống trên con và gia đình con. Con xin dâng lên cho Chúa mọi ước mơ, dự tính, những khó khăn thách đố hôm nay và ngày mai.

Xin Chúa thương ban tràn đầy Thần Khí Thánh của Chúa xuống trên con, để nhờ Thần Khí Thánh của Chúa giúp con sống xứng đáng là con cái Chúa, con cái Giáo Hội và là anh em tốt của nhau. Amen

Giáo Xứ An Hòa Đà Lạt. Ngày 8/02/2013 

Trang Độc Giả

Trang Nhà