KHAI MẠC SỨ VỤ

(Chúa nhật III TN, năm C)

JM. Lam Thy ĐVD.

Kết thúc thời gian sống ẩn dật 30 năm tại làng quê Na-da-rét, Đức Giê-su được Thần Khí đưa vào hoang địa chay tịnh 40 đêm ngày và chịu để ma quỷ cám dỗ. Sau đó, Người trở về miền Ga-li-lê và bằng phép lạ tỏ mình ra tại tiệc cưới Cana, Đức Giê-su bắt đầu thực hiện sứ mạng công khai rao giảng Tin Mừng “trong các hội đường và được mọi người tôn vinh” (Lc 4, 15). Rồi Người trở về Na-da-ret nơi Người sinh trưởng, vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Đoạn Kinh Thánh Người đọc nằm ở trong cuốn sách của ngôn sứ I-sai-a: “Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của ĐỨC CHÚA” (Is 61, 1-2).

Có lẽ khi viết những lời này, ngôn sứ I-sai-a chỉ muốn ghi nhận quan niệm của các tiên tri về ơn gọi và sứ mạng của những người được Thiên Chúa cử làm ngôn sứ. Đại từ nhân xưng “tôi” đã chứng tỏ ngôn sứ I-sai-a viết về chính ngài vì ngài là ngôn sứ. Hết mọi người được trao phó sứ mạng rao truyền Lời Chúa đều được Thiên Chúa đổ Thần Khí của Người trong nghi lễ xức dầu mà sách các Vua I còn kể lại (“ĐỨC CHÚA phán với ông: "Ngươi hãy đi con đường ngươi đã đi trước qua sa mạc cho tới Đa-mát mà về. Tới nơi, ngươi sẽ xức dầu phong Kha-da-ên làm vua A-ram; còn Giê-hu con của Nim-si, ngươi sẽ xức dầu tấn phong nó làm vua Ít-ra-en. Ê-li-sa con Sa-phát, người A-vên Mơ-khô-la, ngươi sẽ xức dầu tấn phong nó làm ngôn sứ thay cho ngươi.” – 1V 19, 15-16). Và sứ điệp mà họ phải công bố chính là Tin Mừng cứu độ dành cho người khó nghèo, đau khổ, tù đày, để mọi nơi được hân hoan cử hành năm hồng ân đại xá mà nhân dân hằng mong ước. Những lời ấy thật xứng hợp cho mọi ơn gọi ngôn sứ.

Đoạn sách Thánh mà Đức Giê-su đọc tuy là lời tự sự của ngôn sứ I-sai-a (“Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi…”), nhưng lại rất phù hợp với sứ vụ của Đức Giê-su (“loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của ĐỨC CHÚA”), nên có thể nói đó chính là những lời tiên tri về Đấng Cứu Độ. Và vì thế, khi đọc xong bài Thánh Thư, “Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.” (Lc 4, 22-24). Đức Ki-tô đã không tự nhận Người chính là nhân vật được “xức dầu tấn phong” trong đoạn sách Thánh, mà chỉ khéo léo cho mọi người biết lời ngôn sứ I-sai-a đã trở thành hiện thực và người “được xức dầu và sai đi loan báo Tin Mừng” chính là người đọc sách Thánh đang hiện diện trước mặt mọi người. Có lẽ cũng vì thế, thánh sử Lu-ca không ghi lại chi tiết về bài giảng của Đức Ki-tô, mà chỉ ghi nhận thái độ của khán thính giả trong nguyện đường (Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”  (Lc 4, 22-24) .

Quả thật, ai đã được xức dầu phong vương và được tràn đầy Thần Khí Thiên Chúa như chính Đức Giê-su sau khi chịu phép rửa ở sông Gio-đan? Và vị ngôn sứ nào đã giảng dạy mà tạo được niềm vui cứu độ như Người đã làm khi rời hoang địa trở về Ga-li-lê? Và liên tục “ứng nghiệm lời Kinh Thánh” trong suốt quá trình thực hiện sứ vụ của Người: Biết bao nhiêu bệnh nhân đã được chữa khỏi (kẻ mù được trông thấy, kẻ què được đi, kẻ câm nói được, kẻ điếc nghe được, thậm chí cả những kẻ đã chết được sống lại). Rồi biết bao con người khó nghèo, tù đày trong cảnh lầm than, hoạn nạn được giải thoát. Và khắp nơi đang nổi lên bầu khí hân hoan như mừng đón năm hồng ân đại xá đã tới. Tất cả đã minh chứng những lời tiên tri của ngôn sứ I-sai-a đang được thực hiện và được thực hiện nhờ Người, do Người. Cho nên không lạ khi thấy “Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”  (Lc 4, 24).

Duy có điều người ta chưa hiểu được đầy đủ là Ðức Giê-su còn muốn chứng minh rằng Người không chỉ là ngôn sứ, mà còn hơn thế nữa, vì Người đến không phải chỉ để công bố năm hồng ân, nhưng còn để thực hiện sứ vụ đem hồng ân cứu độ đến cho loài người. Đám đông tuy lúc đầu có “tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”, nhưng về sau họ lại không bằng lòng khi vừa nghe Người khẳng định Người là Ðấng Thiên Chúa sai đến. Cũng bởi vì trong thâm tâm, họ chỉ muốn được ngay tức thì hưởng thụ những phép lạ mà I-sai-a đã loan báo, kể cả việc mà họ nghe rằng Đức Giê-su đã làm ở những nơi khác. Âu đó cũng là tâm lý thông thường của con người, không riêng gì ở làng quê Na-da-rét, hay cả miền Ga-li-lê hoặc cả nước Do-thái; mà là trên khắp mặt địa cầu. Chuyện đó xin được hạ hồi phân giải (ở Chúa nhật sau: CN.III/TN-C).

Quả thật ngay từ ngày khai mạc sứ vụ “đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh”. Không chỉ ứng nghiệm việc Đức Chúa đã xức dầu tấn phong Đức Giê-su mà còn ứng nghiệm cả thái độ của dân Do thái kể từ giới thượng lưu trí thức đến đám đông thường dân. Họ đã không nhận ra chính con người và sứ vụ của Đức Giê-su. Những người đồng hương Na-da-ret xem thường và từ chối Người; những nhà lãnh đạo tôn giáo kết án Người; còn đám đông dân chúng thì tìm kiếm Người chỉ vì những nhu cầu thực dụng. Vâng, họ đúng là đám người mà ngôn sứ I-sai-a tiên báo từ 5 thế kỷ trước đó: “Đúng vậy, ngươi đâu đã nghe, đúng vậy, ngươi đâu đã hiểu, đúng vậy, trước đây ngươi đâu đã mở tai nghe! Vì Ta biết ngươi là tên phản bội, đáng gọi là phản phúc tự bẩm sinh.” (Is 48, 8).

Ngày hôm nay, người Ki-tô hữu không chỉ là “tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”, mà phải là dốc một lòng tin tưởng vào mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua chính Con Một Người là Người Tôi Trung duy nhất, thánh thiện. Ngày hôm nay, anh đang là “kẻ nghèo hèn” ư? Bác đang “bị giam cầm” ư? Ông đang là “tù nhân” ư?  Còn bà và chị đang là những kẻ có “tấm lòng tan nát” ư? Tất cả, tất cả hãy “Quẳng gánh lo đi mà vui sống” (*) vì “Năm Hồng Ân” vĩnh cửu đã gần kề. Vâng, xin đừng mới nghe thì “tán thành và thán phục”, nhưng sau đó lại thắc mắc “chẳng phải ông Giê-su là con bác thợ mộc trầm lặng Giu-se và bà nội trơ hiền lành Maria sao?” Ấy cũng bởi vì “Đối với Thiên Chúa thì điều không thể sẽ thành có thể”, nên đừng đem “tư tưởng loài người” ra mà “suy sự Đức Chúa Trời”.

Ôi! Lạy Chúa Giê-su, xin ban thêm lòng tin và nhất là đức mến cho chúng con, để chúng con biết nhận ra Chúa nơi mọi người và biết nhận ra những dấu chỉ tình thương của Chúa, ngõ hầu giúp chúng con luôn biết sẵn sàng “Quẳng gánh lo đi mà vui sống” trong Tin Mừng Cứu Độ Chúa đã, đang và sẽ mang đến cho chúng con. Amen.

----------------------------

(*) Trong khoảng thập niên 60 thế kỷ trước (XX) ở Saigon, học giả Nguyễn Hiến Lê có viết một tác phẩm và được độc giả rất mộ mến, đó là tác phẩm “Quẳng gánh lo đi và vui sống” (trong tủ sách “Học làm người”) 

Trang Độc Giả

Trang Nhà