PHÉP LẠ ĐẦU TIÊN
(Chúa nhật II TN, năm C)

P. Trần Đình Phan Tiến (bước theo)

Tiệc cưới Cana, vâng ! Phép lạ đầu tiên mà Chúa Giêsu thực hiện tại tiệc cưới Cana (Ga 2,11).

Có thể nói theo ngôn ngữ thương mại ngày nay thì đám cưới Cana là một vốn mười lời, vì một vốn bốn lời là chuyện thường tình, nhưng tiệc cưới này có thêm sáu chiếc lu rượu phép lạ mà Chúa GIÊSU đã thực hiện là mười lời. Như vậy, tiệc cưới Cana là một tiệc cưới lời nhất.

Từ đó, theo ý nghĩa trần thế, thì đôi hôn phối này là đôi hôn phối may mắn nhất, và không bao giờ bị quên lãng, bởi vì Tin Mừng được rao giảng đến đâu, thì tiệc cưới Cana được nhắc nhớ đến đó. Và khi được nghe và đọc đoạn Tin Mừng (Ga 2, 1-11), ai trong những người có nhu cầu tổ chức tiệc cưới, nhất là cô dâu chú rể cũng mong muốn tiệc cưới của họ cũng giống như tiệc cưới Cana.

Vâng ! Kính thưa quý vị, đó là ý nghĩa trần thế, đó là tâm lý chung của mọi người. Đó là nhu cầu chính đáng, vì niềm vui sẽ tăng gấp bội, ai mà không thích.

Không sai, bởi vì ở đâu có Thiên Chúa hiện diện, thì ở đó có niềm vui, cách riêng là Chúa Giêsu, Vị Thiên Chúa đã tỏ mình ra bằng xương, bằng thịt, bằng Con Người cụ thể (Son of Man), nghĩa là Thiên Chúa Hữu Hình. Đó là một tình yêu vĩ đại, nhưng không của Thiên Chúa.

Điều đó còn giá trị bội phần hơn sáu lu rượu tại tiệc cưới Cana, khi được đọc và nghe đoạn Tin Mừng trên, chúng ta chỉ thấy giá trị hữu hình, nhưng chúng ta quên mất giá trị tâm linh của đoạn Tin Mừng nêu trên. Giá trị tâm linh chính là Con Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho nhân loại, sáu lu rượu để cứu vãn tình thế cho tiệc cưới, không phải là giá trị then chốt, mà là chính Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân loại. Trong tiệc cưới Cana, người ta không ngờ mời một Vị thượng khách, mà làm cho người ta may mắn như vậy. Vâng ! Thưa quý vị, đó chính là Thiên Chúa, chỉ có Thiên Chúa mới làm được điều đó. Vì Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại và muốn thân hành cùng nhân loại, đó là giá trị cao vời, chứ không phải là sáu lu rượu.

Sáu lu rượu trong tiệc cưới Cana, là giá trị nhìn thấy được, nhưng Đấng Hiện Hữu làm Người, là giá trị vĩnh cửu. Sáu lu rượu chỉ là phương tiện vật chất, nhưng không tồn tại, còn sự Hiện diện của Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể thì vô song. Nước hóa thành rượu cũng còn mang ý nghĩa tiên trưng cho ơn cứu độ do chính Chúa Giêsu sẽ thực hiện sau này.

Vì vậy, ý nghĩa chính của đoạn Tin Mừng hôm nay, không phải là sáu lu rượu, mà là sự tỏ mình ra, bày tỏ sự vinh hiển của Thiên Chúa, Đấng toàn năng, qua thân phận nhân thế.

Tuy nhiên, phép lạ Cana là phép lạ cả thể, mà ngoài Thiên Chúa ra ai có năng lực đó? Chúng ta thấy vai trò cộng tác của Đức Maria thật quan trọng là dường nào? Mẹ đã can thiệp cách khéo léo, vì Mẹ hiểu Con của Mẹ sẽ làm được điều đó. Ở đây chúng ta học được một bài học về đức tin nơi Mẹ. Mẹ đã tin tưởng Người sẽ làm được. Như vậy, chúng ta thấy ngoài tình mẫu tử tự nhiên ra, Mẹ vẫn âm thầm cung kính và tôn trọng Chúa Giêsu, dù rằng thân xác là Con của Mẹ. Nhưng Mẹ vẫn tôn thờ Thiên Tính và tin tưởng tuyệt đối nơi Chúa Giêsu, nhất là trong những lúc nguy nan nhất. Từ đó, Mẹ mới xây dựng lòng tin vào Thiên Chúa trong những lúc bi đát nhất trong cuộc đời của Mẹ và của Con Thiên Chúa làm Người.

Phép lạ đầu tiên này, Chúa Giêsu đã thực hiện cho nhân loại, là để kiện toàn tình yêu giữa Thiên Chúa và nhân loại một cách tiệm tiến, sự so sánh đó như ý nghĩa hôn nhân, giữa tân lang và tân nương của họ. Vì không có tình nào ngọt ngào hơn tình của Thiên Chúa dành cho Sion, trong bài đọc I, nghĩa là Thiên Chúa sẽ cất hết án phạt trên nhân loại, nếu như nhân loại biết đáp lại tình yêu cao cả của Thiên Chúa. Như vậy, hôn nhân công giáo, qua hình bóng của Thánh kinh, chính là sự kết chặt tình yêu giữa sự thiêng liêng và trần tục, giữa sự huyền nhiệm và tự nhiên. Vì thế, mà Chúa Giêsu đã đến dự tiệc cưới để chia sẻ niềm vui của nhân thế. Vui với người vui, khóc với người khóc. Đó là sứ vụ tông đồ, đồng thời là minh chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân thế, sự sẻ chia kỳ diệu giữa Đấng Tạo thành và loài thụ tạo.

Như vậy, tiệc cưới hay đám tang, mà có Chúa Giêsu hiện diện chắc chắn sẽ rất hữu ích cho chúng ta, bởi vì, chúng ta biết Chúa đã làm gì trước mồ Lazaro : “Chúa khóc”, và Chúa cho Lazaro sống lại.

Như vậy, trong cuộc đời của mỗi người cần có Chúa hay không? Trong mỗi hoàn cảnh, trong mỗi gia đình cần có Chúa hay không? Chúng ta tự suy gẫm.

Lạy Chúa Giêsu, trong tiệc cưới Cana, Chúa đã tỏ uy quyền ra để làm vinh hiển Thiên Chúa là Cha và là Đấng toàn năng, hầu kiện toàn niềm tin của các tông đồ. Xin nhờ lời can thiệp của Đức Mẹ, mà Chúa cũng thương đến chúng con và kiện toàn lòng tin cho chúng con. Amen.

20/01/2013

Trang Độc Giả

Trang Nhà