Trang Độc Giả


Tôn vinh tình yêu

CN V.PS

JM. Lam Thy ĐVD.

Bài Tin Mừng hôm nay (CN.V/PS – Ga 13, 31-33a.34-35) trình thuật việc Đức Giê-su nói lời cáo biệt với các môn đệ trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Tự nhiên có một thắc mắc: “Đáng lẽ giờ phút này là giờ phút Con Người phải chịu nhục mạ, phỉ báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá cho đến chết (Mt 20, 17-19; Lc 18, 31-33); nhưng tại sao Người lại nói “Giờ đây, Con Người được tôn vinh”? Câu trả lời cũng hiển nhiên như sự thật đã diễn ra: Nếu xét theo trình tự thời gian thì đúng là câu này phải được Đức Giê-su phát biểu sau khi Người Phục Sinh. Nhưng tất cả đã được Chúa Cha an bài từ trước vô cùng (xc “Bài ca Người Tôi Trung” – Is 52, 13-15; 53,1-12) và được chính Đức Ki-tô khẳng định: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và tất cả những gì các ngôn sứ đã viết về Con Người sẽ được hoàn tất. Quả vậy, Người sẽ bị nộp cho dân ngoại, sẽ bị nhạo báng, nhục mạ, khạc nhổ. Sau khi đánh đòn, họ sẽ giết Người, và ngày thứ ba Người sẽ sống lại.” (Lc 18, 31-33). Vì thế, từ "Giờ đây" ở đây diễn tả biến cố tương lai như một thực thể hiện tại, nghĩa là sự tôn vinh của Đức Giê-su chưa hoàn tất, mà lại được coi như đã xảy ra; xem như sự khổ nạn, sự chết và sống lại của Người đã được hoàn thành. Và có lẽ cũng vì thế nên Giáo Hội mới xếp bài Tin Mừng đó vào Chúa nhật V Phục Sinh.
Khi Giu-đa It-ca-ri-ốt đi khỏi, một bầu khí ấm cúng, thân mật và thật cảm động bao bọc Chúa Giê-su và các Tông đồ. Bầu khí ly biệt thật là thích hợp để Đức Giê-su tâm sự với các Tông đồ về một điều vô cùng quan trọng và cần thiết, đó là Tình yêu ("Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người… Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” – Ga 13, 31-35). Như vậy, bài Tin Mừng hôm nay gồm có hai điểm chính: Đức Ki-tô tôn vinh Tình Yêu và Người truyền cho các môn đệ sống với nhau trong Tình Yêu.
a) Tôn vinh Tình Yêu: Đức Giê-su nhìn giây phút “giờ đây” Người sắp hiến mạng sống mình vì bạn hữu là thời điểm Người được tôn vinh. Cả cuộc đời trần thế 33 năm của Đức Giê-su đã chứng tỏ cho nhân loại biết Thiên Chúa yêu thương họ đến chừng nào (“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” – Ga 3, 16-17). Cái chết và phục sinh của Đức Giê-su là dấu chỉ chiến thắng vinh quang của Tình Yêu Thiên Chúa và cũng là thời điểm Tình Yêu Nhập Thể được tôn vinh. Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đức Giê-su là Con Thiên Chúa vâng lệnh Chúa Cha xuống thế mặc xác phàm, hiến mạng sống cho người mình yêu là nhân loại, nên có thể nói Đức Ki-tô là hiện thân của Thiên Chúa Tình Yêu (Tđ “Thiên Chúa là Tình Yêu”, số 12). Vì thế, khi Đức Vua Tình Yêu Giê-su được tôn vinh, thì Thiên Chúa là chính Tình Yêu nên cũng phải được tôn vinh. Đó là nguyên lý tất yếu.
b) Thể hiện Tình Yêu: Lệnh truyền của Đức Giê-su là “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Nói đến Tình yêu là nói đến nguyên nhân và kết quả. Thiên Chúa Tình Yêu là nguyên nhân phát sinh ơn Cứu Độ, thì kết quả là loài người được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết đời đời. Tình yêu Đức Giê-su Thiên Chúa dạy các môn đệ tất nhiên phải là tình yêu sinh hiệu quả. Hiệu quả cụ thể được nói đến ở đây là: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy”. Thật thế, khi chúng ta sống yêu thương khiến những người chung quanh nhận ra chúng ta là môn đệ Chúa, thì đó chính là cách chúng ta làm cho tình yêu của Thiên Chúa được tôn vinh. Một cách cụ thể thì đó là lời tha thiết mời gọi các môn đệ và mọi tín hữu hãy noi gương Người-hiện-thân-của-Tình-Yêu-Thiên-Chúa, thể hiện cách cụ thể Tình Yêu bằng những chứng tá bác ái trong cuộc sống đời thường. Vâng, chính những “Hoạt động bác ái của Hội Thánh như là một cách thể hiện tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi” (Tđ “Thiên Chúa là Tình Yêu”, số 19).
Như vậy là đã rõ tại sao trong lịch Phụng Vụ, Giáo Hội lại xếp vào Chúa nhật V Phục Sinh bài Tin mửng nói về những lời cáo biệt của Đức Giê-su trước khi bước vào cuộc khổ nạn. Cuộc khổ nạn, sự chết và sống lại của Đức Vua Tình Yêu Giê-su Ki-tô chính là đỉnh điểm Tình Yêu Thiên Chúa. Nói cách khác thì đó chính là công cuộc hiện thực hoá Lời Chúa: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." (Lc 10, 27).
Bài học về tình yêu hôm nay Đức Giê-su giúp các tín hữu khám phá tình yêu qua những khía cạnh thật mới mẻ, sống động và cụ thể. Vâng, “Chúa Ki-tô đã chết và đã sống lại một lần cho tất cả và cho mỗi người, nhưng sức mạnh sự sống lại của Ngài, sự vượt qua từ tình trạng nô lệ sự ác đến tự do của điều thiện, phải được thể hiện trong mọi thời đại, trong mọi không gian cụ thể của cuộc sống chúng ta, trong đời sống mỗi ngày của chúng ta.” (ĐTC Phan-xi-cô I – “Sứ điệp Phục Sinh 2013”). Rõ ràng Đức Ki-tô dạy chúng ta biết tôn vinh Tình Yêu Thiên Chúa nơi chính Con Người và nơi những “người thân cận” trên khắp thế giới, không phân biệt màu da hay sắc tộc. Sống yêu thương là cách tốt nhất để ngợi khen tôn vinh Thiên Chúa. Và đã gọi là sống yêu thương, tức là phải thể hiện ra bằng cả tâm hồn và hành động, vì “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10, 8).
Tuy nhiên, “Ngày nay con người vẫn còn phải tiến qua bao nhiêu sa mạc! Nhất là sa mạc trong nội tâm con người, khi họ thiếu lòng mến Chúa yêu người, khi họ không ý thức mình là người gìn giữ tất cả những gì Đấng Tạo Hóa đã và đang ban cho chúng ta. Nhưng lòng từ bi Chúa có thể làm cho đất khô cằn nhất nở hoa, có thể tái ban sự sống cho những bộ xương khô (Xc Ez 37, 1-14)” (ĐTC Phan-xi-cô I – “Sứ điệp Phục Sinh 2013”). Quả thật, Tình yêu chỉ thực sự được tôn vinh khi người Ki-tô hữu sống trọn hảo điều răn trọng nhất: MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI.
Ôi! Lạy Chúa! Cúi xin Chúa ban Thần Khí Tình Yêu cho chúng con, để chúng con biết đem tình yêu vào cuộc sống. Chính tình yêu sẽ làm cho mọi công việc và hoạt động của chúng con – tuy tầm thường – nhưng vẫn chiếu toả trước mặt thiên hạ, để người ta nhận ra sự hiện diện của Chúa qua con người thấp hèn và bé mọn của chúng con. Amen.

 

Trang Độc Giả

Trang Nhà