Trang Độc Giả


Ra đi hay trở về?

(CN VI/PS-C)

JM. Lam Thy ĐVD.

                                                                         
Bình thường, khi người ta đang sum họp với nhau, mà có việc phải ra đi, thì nói lời “từ biệt anh em để ra đi”. Ra đi là xuất hành từ một nơi này đến một nơi khác, từ giã những người ở lại để đến với người khác. Vậy mà trong bài Tin Mừng hôm nay (CN VI-PS – Ga 14, 23-29)), khi từ giã các môn đệ để bước vào cuộc Thương Khó, Đức Giê-su lại nói: "Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: "Thầy ra đi và đến cùng anh em". Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy." (Ga 14, 27- 28). Một câu nói khó hiểu! Tuy nhiên, nếu bao quát toàn bộ cuộc đời trần thế của Chúa Giê-su thi sẽ thấy đó luôn luôn và mãi mãi là một cuộc xuất hành. Khi vâng lệnh Chúa Cha xuống thế làm người thì đó chính là cuộc "ra đi và đến cùng anh em", và bây giờ ra đi chịu khổ nạn để chiến thắng sự dữ thì cũng là lúc “đi về cùng Chúa Cha”.
Nói đến xuất hành là nói đến lộ trình và vì thế nên những cuộc “ra đi” để “đến với” thường được gọi là hành trình. Lộ trình mà Đức Giê-su thực hiện những cuộc xuất hành chính là Đại Lộ Tình Yêu từ khởi điểm Thiên Chúa Tình Yêu đến với nhân loại. Đức Giê-su đã khởi đi từ Trái Tim Nhân Hậu của Thiên Chúa – một Thiên Chúa “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một” cho nhân loại (Ga 3, 16). Vâng lệnh Thiên Chúa Cha, Đức Giê-su “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2, 7). Người từ bỏ cõi trời để đến “cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Hành trang và phương tiện cho cuộc ra đi của Con Thiên Chúa không phải là những tiện nghi vật chất của nhân loại (y phục, đồ ăn thức uống, ngựa xe…), cũng không phải là quyền năng tối thượng của Đấng Tối Cao, mà Người chỉ mang theo Trái Tim Yêu Thương vô hạn của Thiên Chúa.
Một cách cụ thể, cuộc Xuất Hành của Đức Giê-su không chỉ là con đường một chiều từ Thiên Chúa đến với nhân loại, mà là hai chiều, đem Thiên Chúa đến cho nhân loại và đem nhân loại về với Thiên Chúa. Vai trò trung gian của Đức Giê-su là sự nối liền đường dây chuyển tải sự sống và tình yêu của Thiên Chúa đến cho loài người. Người chính là Ngôi Lời Nhập Thể, là Lời Hằng Sống, vì thế Người đến để những kẻ tin được sống dồi dào (Ga 10, 10) bằng Lời của Thiên Chúa. Thật vậy, "Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4, 4). Lời là nội dung những gì Thiên Chúa muốn nói với nhân loại, là Tình Yêu mà Thiên Chúa muốn ban tặng nhưng không cho con người qua Đức Ki-tô.  Để con người có thể đón nhận và sống Lời, Thiên Chúa Cha còn chu đáo hơn khi ban tặng một Thầy Dạy là Thần Khí Sự Thật, là Đấng Bảo Trợ, “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14, 26). Hoá cho nên, “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ Lời Thầy. Và Lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” (Ga 14,  23-24).
Như vậy là đã rõ, trước giờ Thương Khó – cuộc Xuất Hành từ thế gian về với Chúa Cha – Đức Giê-su thay vì lo âu phiền muộn vì sắp phải chịu một cực hình đến nỗi mất cả mạng sống, Người lại muốn chia sẻ niềm vui với các môn đệ. Niềm vui ấy xuất phát từ Tình Yêu, vì chỉ trong tình yêu, các môn đệ mới có thể hiểu được ý nghĩa đích thực cuộc ra đi của Thầy ( “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đến cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” – Ga 14:28). Mặc dù đã được tiên báo từ Cựu Ước (Is 53, 1-12) và chính Đức Giê-su cũng báo trước cho các môn đệ (“Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.” – Mc 8, 31), nhưng cuộc ra đi lần này của Đức Giê-su vẫn làm các môn đệ thực sự xao xuyến và sợ hãi. Vì thế, Đức Giê-su mới chúc lành và khuyên bảo các môn đệ: "Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14, 27). 
Ngay từ trước khi bước vào cuộc khổ nạn và nhất là từ ngày Phục Sinh hiện ra với các Tông Đồ, mỗi lần nói chuỵên với các môn đệ, Đức Giê-su đều chúc: “Bình An cho anh em!”, và trong bài Tin Mừng hôm nay, Người xác định sự Bình An Người ban không phải là sự Bình An tạm bợ của thế gian, nhưng là sự Bình An thật, sự Bình An bền vững trong tâm hồn có Thiên Chúa Tình Yêu ngự trị. Sự Bình An đó chính là hoa trái của Tình Yêu trong tương quan hai chiều giữa “cho” và “nhận”; và chỉ có tình yêu thực sự mới có thể giúp con người sống trong an bình đích thực và hạnh phúc viên mãn, đứng vững trước những thử thách nghiệt ngã của ba thù khiến tâm hồn xao xuyến và sợ hãi. Sự Bình An thật trong Chúa giúp người tín hữu luôn biết sống tin tưởng và phó thác mọi sự trong tay Chúa, dù khi được mọi sự như ý hay khi gặp những khó khăn, nghịch cảnh, hay những bách hại vì Đức Tin.
Tóm lại, từ cuộc xuất hành “ra đi và đến cùng anh em” (Ngôi Lời nhập thể đem Thiên Chúa đến cho loài người) đến cuộc xuất hành “trở về cùng Chúa Cha” (đem nhân loại về với Thiên Chúa), Đức Giê-su đã minh chứng Người chính là hiện thân của Thiên Chúa Tình Yêu, và sứ vụ Người vâng lệnh Chúa Cha thực hiện để cứu độ nhân loại cũng chỉ có thể là sứ vụ Tình Yêu. Tình Yêu đích thực sẽ trổ sinh hoa trái là sự bình an và đó chính là hệ quả tất yếu của sự tôn vinh Tình Yêu. Nói cách khác, đó chính là lời chúc thần thiêng đêm Giáng Sinh được các thiên sứ loan báo: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, nhờ mầu nhiệm Ðức Ki-tô sống lại, Chúa đã thương đổi mới chúng con cho đáng hưởng sự sống đời đời. Xin làm cho mầu nhiệm ấy sinh hoa kết quả tốt đẹp trong tâm hồn chúng con, và làm cho thần lương chúng con vừa lãnh nhận trở nên nguồn sinh lực dồi dào. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.  Amen.” (Lời nguyện hiệp lễ Chúa nhật VI Phục Sinh).

 

Trang Độc Giả

Trang Nhà