Trang Độc Giả Hãy yêu như chính Thầy CN. V. PS | ||||||
Jos.Vinc. Ngọc Biển | ||||||
Đọc lại lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam thuở ban đầu, chúng ta thấy cha ông chúng ta sống hết lòng yêu thương và đoàn kết với nhau. Các ngài đã lấy Chúa làm trung tâm, làm điểm tựa cho mọi hoạt động. Lấy tinh thần bác ái, yêu thương làm nên bản chất của mình. Vì thế, những người ngoài Công giáo thời đó không biết tiền nhân của chúng ta theo đạo gì mà lại sống những giá trị cao đẹp như vậy, nên họ nói với nhau: những người này họ sống “Đạo Yêu Nhau”. Từ lúc xuống thế, nhập thể để ở với loài người, Đức Giêsu đã sống và đem “Đạo Yêu” đến trần gian. Ngài đã diễn tả nó qua hành động và lối sống của Ngài để làm toát lên khuôn mặt của một Thiên Chúa hết lòng yêu thương con người. Tình yêu ấy được bắt nguồn từ Thiên Chúa Cha: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Đến lượt Đức Giêsu, Ngài cũng sống triệt để sứ mạng đó khi yêu và yêu đến cùng bằng việc chết trên thập giá để hiến mạng vì người mình yêu: “Không có mối tình nào lớn lao cho bằng mối tình của kẻ chết vì người mình yêu” (Ga 15,13). Vì yêu, “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-8). Vì yêu, Đức Giêsu đã chấp nhận sinh ra nơi máng cỏ bò lừa giữa đêm đông lạnh giá. Chấp nhận bị phiêu bạt nơi đất khách quê người vì vua Hêrôđê bạo chúa tìm cách bắt bớ. Khiêm tốn vâng lời cha mẹ của Ngài là Thánh Giuse và Mẹ Maria. Vì yêu, Đức Giêsu đã hạ mình để Gioan làm phép rửa thống hối cho Ngài, mặc dù Ngài vô tội; đã ăn chay suốt 40 đêm ngày để làm gương cho mỗi chúng ta; đã rao giảng Tin Mừng khắp đó đây để cho mọi người được ơn cứu độ; luôn cảm thông với người tội lỗi, nâng đỡ kẻ yếu đuối, vỗ về người thất vọng. Ngài đã “chạnh lòng thương” đến đoàn chiên bơ vơ không người chăn dắt; đã nuôi sống họ bằng phép lạ hóa bánh ra nhiều; đã chữa lành những người ốm đau tật nguyền; đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ; đã làm ơn cho kẻ hại mình; đã yêu luôn cả kẻ thù và sẵn sàng tha thứ cho họ. Vì yêu, Đức Giêsu đã trao ban chính mình Ngài cho chúng ta qua Bí tích Thánh Thể và ở lại mọi ngày với loài người cho đến tận thế. Vì yêu, Ngài đã chấp nhận bị môn đệ thân tín bán đứng, bị Phêrô chối là không biết mình và bị người đời khinh khi nhục mạ. Cuối cùng, đã đón nhận chính cái chết để cứu chuộc loài người. Như vậy, cả cuộc đời của Đức Giêsu đã sống và chết vì yêu. Qua đó, Ngài cũng dạy cho các môn đệ bài học về tình yêu: “Đây là Điều Răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12); hãy yêu như Thầy: “Không có tình yêu nào quý hơn tình yêu của người hiến mạng vì người mình yêu” (Ga 15,13). “Hãy yêu thương nhau” là gia tài, là di chúc của Đức Giêsu dành cho các môn đệ khi sắp lên đường chịu chết. Lời trăng trối này thật thiêng liêng trong một không gian thánh giữa lúc thầy trò chuẩn bị ly biệt:“Hỡi anh em là những người bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em ít lâu nữa thôi”, vì thế, “anh em hãy yêu thương nhau”. 2. Tại sao lại phải yêu thương nhau? Có yêu thương nhau thì mới cùng nhau vượt qua được thử thách khi thấy cảnh Thầy của mình bị bắt, bị trói, bị đánh đập và bị giết chết trần trụi trên thập giá. Có yêu thương nhau thì mới đón nhận nhau là anh em và không tranh dành chỗ cao thấp trong cuộc đời khi không còn Thầy hiện diện ở giữa nữa. Có yêu thương nhau thì mới cùng nhau loan truyền và làm chứng về Thầy cho người khác. Yêu nhau và dám chết cho nhau thì mới là người đáng tin và mọi người mới biết mình tin vào ai. Ngược lại, chỉ yêu nhau trong những lúc vui vẻ, thành công thì chỉ là một thứ tình yêu đầu môi chóp lưỡi. Lời trăng trối của Đức Giêsu không chỉ là “hãy yêu thương nhau”, mà còn đi một bước xa hơn và mới hơn nữa là “hãy yêu như chính Thầy”. Yêu nhau là tình bằng hữu, nhưng chết cho nhau là một tình yêu cao cả. Yêu như Thầy là dám chết cho người mình yêu. Yêu như Thầy là một tình yêu bằng cả cuộc đời: từ lời nói, hành động và cái chết luôn thống nhất với nhau. | ||||||
| ||||||