Trang Độc Giả


KỲ MỤC, THƯỢNG TẾ, KINH SƯ THỜI NAY
CHÚA NHẬT THỨ XXII TN - A

An-tôn Lương Văn Liêm

 “Đức Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại
(Mt 16,21).

Thú thực, đọc đi, đọc lại đoạn ngắn Tin Mừng trong phụng vụ Lời Chúa ngày Chúa Nhật thứ XXII thường niên hôm nay, dễ gợi lên cho ta một chút nao lòng, thương cảm và xót xa cho Đức Kitô. Giả như Đức Kitô tiên báo Ngài bị thế lực ngoại bang, ngoại giáo đem đến cho Ngài những đau khổ và cái chết vì Ngài dám lên tiếng bênh vực cho công lý, xóa bỏ ách thống trị, cai trị, lôi kéo người ngoại giáo từ bỏ tà thần, ngẫu tượng để theo Ngài tôn thờ Thiên Chúa đã đành, Ngài không đi con đường tranh dành những gì thuộc thế quyền. Ngược lại hoàn toàn, những người đe dọa, chống đối, gây cho Ngài những đau khổ và cả cái chết lại là những người lãnh đạo tôn giáo của người Do Thái, một tôn giáo tôn thờ Thiên Chúa của tổ phụ Ápraham, Giacóp, Môisê, là hậu duệ của vua Đavít, Salomon… .Thật trớ trêu và nghịch lý thay cho Đức Kitô và ghê gớm thay cho lòng dạ con người!

Kỳ mục, thượng tế, kinh sư là ai? Xin thưa! Họ là những người từng “miệt mài kinh sử” trong các giảng đường để trau dồi Kinh Thánh, họ bệ vệ trong những chiếc áo chùng để giảng dạy Kinh Thánh trong các hội đường, họ là những người dại diện cho dân chúng tế lễ Đức Chúa trong đền thờ, và là những giám sát viên trong việc gìn giữ, đôn đốc những người Do Thái giữ luật Môise, họ với Đức Giêsu chung cùng một dân tộc, một tổ phụ và hơn nữa cùng gọi Thiên Chúa là Đức Chúa Tối Cao. Ấy thế mà hình ảnh, vai trò và uy tín của Đức Giêsu lại trở thành cái gai, trở thành kẻ thù “không đội trời chung” đối với họ. Vì sao thế? Xin thưa! Vì Đức Giêsu đã vạch trần những hành động, những công việc của họ như: Họ coi việc giữ đạo, hành đạo và giữ luật Môisê như một mối lợi, coi quyền hành và bổng lộc vượt lên lòng nhân ái vượt lên trên phẩm giá của con người, nhất là những người cùng khổ, những bà góa, những kẻ bệnh hoạn yếu đau, tật nguyền…

Có phải chăng ông Phêrô, một ngư phủ chân chất, bộc trực sau những tháng ngày rong ruổi bước theo lời mời gọi của Thầy Giêsu nơi biển hồ Tibêria vào một ngày đẹp trời. Với nghề chài lưới một nắng, hai sương mãi mà không có gì là khởi sắc trong việc mưu kế sinh nhai, hơn nữa với thân phận con dân của một đất nước đang bị thế lực ngoại bang đô hộ, thêm vào đó là những điều bất cập, những trái tai, gai mắt, những khắt khe của những người lãnh đạo tôn giáo đang đè nặng trên vai của những người anh em nghèo hèn như ông. Nhớ mãi lời tiên báo của các Ngôn Sứ trong Kinh Thánh, rồi đây sẽ có một người được Đức Chúa sai đến giải thoát và cứu dân tộc thoát khỏi cảnh nô lệ, khỏi cảnh lầm than cơ cực trong đó có ông và gia đình ông.

Đây! Đây rồi! Người mà các Ngôn Sứ tiên báo đích thực là Thầy Giêsu của mình. Với những lời giáo huấn, những phép lạ, những ân cần, giúp đỡ, săn sóc mọi người, nhất là những thành phần nhỏ bé như ông. Để rồi khi Đức Giêsu hỏi ông cùng với 11 anh em: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”, thay mặt anh em, ông Phêrô đã dõng dạc tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Sau khi nghe Thầy Giêsu tiên báo sẽ bị những người lãnh đạo tôn giáo tìm bắt và giết chết, nhưng sau ba ngày sẽ sống lại. Ông Phêrô như linh cảm trước mắt sự thất bại, thất vọng và nhận ra sự nghịch lý đó nơi những người lãnh đạo, những người đồng hương của mình, để rồi ông mạnh dạn ngăn cản Thầy mình đại loại như:

“Thôi! Thầy ơi việc họ làm kệ họ, đã có Đức Chúa phân xử, Thầy đừng lên Giêrusalem vào thời điểm này rất bất lợi, Thầy trò mình hãy cứ rảo quanh các làng mạc, các vùng thôn quê nhỏ bé hẻo lánh mà giảng dạy, nơi đây sẽ an toàn hơn cho Thầy và cho chúng con là những người chân ướt chân ráo theo Thầy, hơn nữa dân chúng cũng đang rất mến mộ và cảm phục những lời răn dạy và những việc Thầy đã và đang thực hiện, Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa, con tin Thiên Chúa sẽ có cách giải gỡ những nghi kỵ, những khúc mắc đó cho Thầy và cuối cùng giúp và đưa Thầy lên lãnh đạo dân riêng của Đức Chúa, hầu giúp cho mọi người tôn thờ Thiên Chúa và giữ luật đúng nghĩ, đẹp lòng Thiên Chúa hơn...”

Sau khi bộc bạch với Thầy những tâm tình, những lời ngăn cản và cả lời nguyện ước, ông cứ ngỡ Thầy mình, một lần nữa khen tặng như mình đã tuyên xưng danh tính chính xác của Thầy mình trước mặt các anh em đồng môn “Thầy là Đức Kitô, con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Nhưng không! Phêrô nhận ngay một gáo nước lạnh làm ông sững sờ và choáng váng, khi Đức Giêsu quay lại phán với ông một câu mạnh mẽ: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,22).

Phêrô có hiểu đâu sứ vụ đích thực của Thầy mình từ trời đến, không chỉ dừng lại theo cách nghĩ của ông và của mọi người, đơn thuần là giải thoát dân tộc khỏi ách độ hộ của ngoại bang, xóa bỏ ngăn cách giàu nghèo, san bằng thế lực đời cũng như đạo. Sứ mạng của Thầy Giêsu đến là để cứu con người khỏi quyền lực của ác thần, của ma quỷ, trở thành của lễ hiến tế đền tội cho nhân loại và đem lại cho nhân loại sức sống mới. Điều mà sau khi Đức Giêsu Tử Nạn, Phục Sinh, Về Trời và Chúa Thánh Thần đến đã khai trí cho ông và anh em đồng môn trong ngày lễ Ngũ Tuần.

Buồn, đan xen một chút hờn, nhưng giọng nói và ánh mắt của Đức Giêsu quá dứt khoát khi Ngài quyết định tiến về Giêruslem, nơi thách đố và hình khổ đang chờ Ngài. Ông Phêrô lui lại sau và bước lững thững theo Thầy, lòng ông giờ đây vừa thắc mắc vừa lo sợ nhưng không dám lên tiếng, ông thầm nghĩ: “Thầy mình lạ thật! Biết trước là người ta khinh ghét, tìm để bắt và giết, thế mà cứ hiên ngang đi như không có gì là hệ trọng là ghê gớm”. Giờ đây ngoài những thắc mắc, những sợ sệt, trong ông trỗi lên lòng cảm phục sự gan dạ và quả cảm của Thầy mình, dám đương đầu với thử thách với cái chết để bảo vệ chân lý, luân lý, bảo vệ người nghèo, người góa bụa, cô thân cô thế. Nhất là hướng mọi người tìm về Chân, Thiện, Mỹ nơi Thiên Chúa, nhận ra nơi đời sống mình có một vị Thiên Chúa Quyền Uy, Chí Thánh, nhưng rất mực từ tâm.

Câu chuyện nghịch lý trong Tin Mừng có phải chăng đã được đóng khung lại sau khi Đức Giêsu bị hành hình và chết ô nhục trên thập giá cách đây hơn 2000 năm? Không phải thế! Nhưng điều nghịch lý đó vẫn thường xảy ra với Đức Kitô ngay hôm nay và còn tiếp diễn mãi về sau. Vì sao thế? Xin thưa rằng! Vì ta là những người Kitô hữu, những người đã và đang tuyên xưng Đức Kitô là Chúa, là những người được thừa hưởng sứ mạng cao cả của Đức Giêsu trong vai trò tư tế, ngôn sứ và vương đế (kỳ mục, thượng tế, kinh sư) như lời quả quyết của thánh Phêrô: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối” (1Pr 2,9). Thế nhưng, trong cách sống, cách nói và hành động đôi khi ta chẳng khác nào những kỳ mục, thượng tế, kinh sư Do Thái năm xưa.

Vâng! Sau khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội ta thực sự thừa hưởng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Đức Kitô, nhiệm vụ và bổn phận của ta là làm sáng tỏ hình ảnh của Đức Kitô và làm cho mọi người nhận ra Đức Kitô là Thiên Chúa và cũng là người thật, đã xuống trần mặc lấy kiếp người để an ủi, để dạy dỗ, Ngài đã chết và đã Phục Sinh để cứu độ con người nhân loại khỏi sự áp đặt của quyền lực bóng đêm, quyền lực sự dữ, quyền lực của tử thần. Qua đời sống hiến thân, hy sinh, phục vụ, tha thứ, cảm thông và sẻ chia với những người anh em đồng bào và đồng đạo, dám mạnh dạn bảo vệ chân lý và luân lý, bảo vệ người cùng khổ, người cô thân cô thế, thấp cổ bé miệng…. Đây là chân lý sống và là nét đẹp của người Kitô hữu, của người mang sứ vụ tư tế và ngôn sứ.

Đọc đoạn Tin Mừng trên, ta dễ lên án những kỳ mục, thượng tế và kinh sư thời Chúa Giêsu là giả hình, giả nhân, giả nghĩa, dám cả gan giết Con Thiên Chúa, Thiên Chúa để bảo vệ quyền lợi và cái ghế quyền hành của mình…

Thế thì ai sẽ lên án ta khi ta cũng vì tiền, quyền, bổng lộc và đam mê đang tâm ám hại anh em mình từ chính trong mái ấm gia đình cho đến bình diện cộng đoàn, giáo xứ, Giáo Hội… bằng cái tôi, ích kỷ, sự khích bác, vu khống, giả dối, hận thù, chia rẽ…? Ai sẽ lên án ta khi ta đang tâm tước đoạt mạng sống của các thai nhi vô tội? Ai sẽ lên án ta, khi ta thờ ơ và bàng quang trước những nỗi khổ đau của người anh em chung quanh? Ai sẽ lên án ta, khi ta thỏa hiệp với thế gian, vì một chút lợi lộc để phủ nhận và phản bác lại những điều tốt đẹp mà chính Chúa hành động nơi Giáo Hội? Tất cả lối sống nói lên sự khước từ lời giáo huấn của Đức Giêsu trong Tin Mừng, là hành động giết chết hình ảnh Đức Giêsu trong đời sống mình và nơi mọi người.

Còn đó câu nói của người đời như mũi tên đâm vào Đức Giêsu, vào Giáo Hội của Người và vào chính ta “Tin đạo, chứ không tin người có đạo”. Lời Chúa hôm nay như một liều thuốc giúp ta bừng tỉnh để nhìn lại chính mình, nhìn lại chức vụ tư tế, ngôn sứvương đế mà chính Đức Giêsu đã dùng cái chết và sự Phục Sinh của Ngài đem lại cho ta.

-          Đức Giêsu đã là Vương Đế của Vương Quốc Tình Yêu, vương luôn đầy ắp tiếng cười, hiệp nhất, yêu thương, tha thứ và cảm thông, lẽ nào ta ta đi ngược lại khi ta cũng thừa hưởng chức vương đế từ nơi Ngài.

-          Đức Giêsu đã là Tư Tế tối cao, Tư Tế Thánh, một Vị Tư Tế đã dùng chính thân xác mình làm của lễ để đền tội và thánh hiến nhân loại như lời nguyện hiến tế của Ngài: “Vì họ, Con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,19), lẽ nào ta không noi gương Ngài thánh hiến chính cuộc đời làm của lễ đền tội cho mình và cho mọi người, khi ta cũng được thừa hưởng chức tư tế từ nơi Ngài.

-          Đức Giêsu là vị Ngôn Sứ cao trọng, một Vị Ngôn Sứ chấp nhận tất cả những chống đối, những rào cản, sự khổ đau và cả cái chết để giao rảng chân lý, chính ngôn sứ Giêrêmia đã tiên báo và là hình bóng của Ngài như trình thuật bài đọc 1 trong phụng vụ thánh lễ : “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng. Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con. Mỗi lần nói năng là con phải la lớn, phải kêu lên… Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày” (Gr 20,7-8). Ta đã và đang thừa hưởng chức vụ ngôn sứ từ nơi Đức Giêsu, lẽ nào ta không noi gương và hành động một cách gan dạ, quả cảm như Ngài.

Nói thì dễ, nhưng để thực hiện những điều này trong cuộc sống với thân phận yếu đuối và mỏng dòn, với nhược điểm “tham sống sợ chết” của kiếp người, quả là một thách đố lớn cho ta, nhất là vào xã hội ngày hôm nay, một xã hội người ta mời gọi, quảng bá thuyết hiện sinh, thuyết vô thần…, một xã hội đạt những thành tựu đáng nể về khoa học, một xã hội hưởng thụ và phi nhân bản. Như những con cá lội ngược dòng, nếu ta không tìm và đón nhận nguồn trợ lực, nguồn sức mạnh từ Đức Giêsu nơi Lời của Ngài trong Tin Mừng, nơi Thánh Lễ và Chầu Thánh Thể, qua đời sống cầu nguyện bằng kinh Mân Côi, thì sao ta có thể giúp ta và giúp mọi người về tới bến bờ, sao ta có thể chu toàn sứ vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế mà Thiên Chúa đã ban tặng nhưng không cho ta.

Còn đó lời nhắc nhở của thánh Phaolô: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa : cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Ep 1,17-18). Đức giáo hoàng Phaolô VI và Đức chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Thời nay, người ta không cần nhiều thầy dạy, nhưng cần những chứng nhân”.

Lạy Chúa Giêsu! Đôi khi trong cuộc sống con cứ ngỡ là Chúa đã và chỉ chịu đau khổ và chết một lần vì tội lỗi của con cách đây hơn 2000 năm, nhưng con có biết đâu Chúa vẫn còn chịu đau khổ và chịu chết vì con từng giờ và từng ngày, khi mà con sống cuộc đời Kitô hữu và thi hành sứ vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế không khác chi những người kinh sư, biệt phái và thượng tế năm xưa. Xin Chúa tha thứ cho con, xin Chúa giúp sức và nâng đỡ con, để nhờ ơn Chúa giúp, dần con sẽ sống xứng đáng hơn tốt hơn với những hồng ân mà Chúa đã ban tặng cho con ngay bây giờ và mãi về sau. Amen.

Sài Gòn Ngày 25/08/2011