Trang Độc Giả


ĐEM TIỀN ĐỔI LẤY SỰ “SỢ HÃI”

An-tôn Lương Văn Liêm

(CHÚA NHẬT THỨ VI TN)

“Trước mặt con người là sự sống và sự chết, sự lành và sự dữ, họ thích thứ nào, thì được thứ ấy” ( Hc.15,17)

Đem tiền đổi lấy sự “sợ hãi”, Chuyện tưởng như đùa! Người ta thường nói có tiền “mua tiên, mua phật”; mua tình cảm, chức quyền, danh vọng, lạc thú...Chứ ai lại đem tiền đi đổi hoặc mua sự “sợhãi” bao giờ? Thế nhưng, chuyện đó lại là sự thật trong cuộc sống con người thời đại ngày hôm nay. Tuy tỉ lệ phần trăm không đáng kể, nhưng phần nào đó cũng nói lên thực trạng của xã hội ta đang sống, để rồi qua cuộc sống đời thường, thế gian, một phần nào đó, ta cũng rút ra được chút ít kinh nghiệm cho đời sống Kitô hữu, trong việc lắng nghe và tuân giữ luật Thiên Chúa. Giờ ta cùng nhau đi vào thực tế việc đem tiền đổi lấy sự “sợ hãi”, chuyện tưởng như đùa, nhưng lại thật trăm phần trăm.

Trong những ngày vui xuân, tất cả những nơi vui chơi, giải trí như mở hết công suất, vận dụng hết khả năng để thu hút lượng khách đi du xuân, thưởng ngoạn. Một trong những khu vui chơi, giải trí nổi bật nhất đất Sài Gòn hiện nay là Công viên văn hóa Đầm Sen. Nơi đây người ta thiết kế rất nhiều trò chơi phục vụ cho nhiều lứa tuổi như: Băng đăng, tàu lượn siêu tốc, thảm bay, chò chơi thiếu nhi, rạp xiếc, ca nhạc, múa rối....trong số các các trò chơi cảm giác mạnh, có hai trò chơi thu hút người nhiều người tham gia nhất mà người viết trực tiếp quan sát và cảm nhận. Đó là “lâu đài kinh dị” và “thám hiểm rừng xanh”.

Để vào được “lâu đài kinh dị”, và “thám hiểm rừng xanh”, trước tiên người tham gia phải bỏ ra một số kinh phí không nhỏ. Trước tiên, nếu du khách đi bằng xe gắn máy, chi phí gởi xe và nón bảo hiểm là 7,500 đồng, kế đến là chen chúc nhau mua vé vào cổng chính với giá vé: Người lớn 50.000 đồng, trẻ em 35.000 đồng. Sau khi vất vả mua được tấm vé vào cổng, một lần nữa người tham gia phải móc hầu bao người lớn 25.000 đồng, trẻ em 15.000 đồng để mua tiếp tấm vé trước khi bước vào “ lâu đài kinh dị” và thám hiểm rừng xanh”. Nếu một người lớn đi cùng một trẻ em, vị chi hết 132,500 đồng, chưa tính chi phí nước giải khát...

Điều đáng nói ở đây, trước cửa “ lâu đài kinh dị” và “thám hiểm rừng xanh”. Người ta khuyến cáo bằng những dòng chữ “ không thích hợp cho người có triệu chứng về bệnh tim mạch, phụ nữ có thai, trẻ em và những người yếu bóng vía… ”. Áy thế mà người, người, từ nam thanh, nữ tú, đến các bậc cao niên, cho tới những em nhỏ, có cả những người bụng mang dạ chửa... họ chen chúc nhau, đôi khi tranh dành dẫn tới lời qua tiếng lại trong quá trình xếp hàng chờ đợi mua vé, để rồi sau khi mệt nhoài mua được tấm vé, người ta như cảm thấy như mãn nguyện, hạnh phúc...trên đôi môi nở một nụ cười rất tươi, nhanh chân bước vào. Điều nực cười là sau khi đã bước vào hai nơi trên, thay vào những tiếng cười sảng khoái, là những tiếng la thất thanh vì sợ hãi! Có người vừa chân ướt, chân ráo bước vào, đã vội chạy ra, mặt không còn chút máu, nhất là phụ nữ và trẻ em. Hầu như mọi người sau khi đã ra khỏi hai nơi đó trên khuôn mặt ánh lên một nỗi sợ hãi tất cả đều buông một câu: “ Biết thế không vô, vừa tốn tiền, mất thời gian lại còn bị ám ảnh và sợ sệt ”. Thật lạ kỳ và khó hiểu?!

Thích khám phá, tỏ hiện bản lĩnh và tính cách, đó là bản năng của con người. Bản năng đó do chính Thiên Chúa ban tặng cho ta, hầu giúp con người phát huy và thực hiện những điều tốt đẹp cho chính mình và cho mọi người. Thế nhưng vì yếu đuối, cao ngạo, không suy xét.. mà đôi khi sự khám phá, tỏ hiện bản lĩnh và tính cách của ta đem lại điều trái ngược với ước muốn của Thiên Chúa để rồi những không đem lại lợi ích mà còn đem đến cho ta và cho mọi người những điều tệ hại như những người đem tiền đổi lấy sự “sợ hãi” nơi hai trò chơi ở Công viên văn hóa Đầm Sen.

Không “ sợ hãi” sao được? Khi chỉ vì chiếc ghế của quyền lực mà ta đánh đổi tình nghĩa xóm giềng, bè bạn; vì danh dự, kinh tế, địa vị mà ta đánh đổi, tước đoạt mạng sống thai nhi đang dần hình thành nơi ta; vì một ranh đất mà ta đánh đổi tình cha, nghĩa mẹ, tình huynh đệ huyết nhục; vì những đam mê, những muốn tỏ hiện theo lối sống thời thượng, mà ta đáng đổi cả nhân cách, và một tương lai đang rực sáng của tuổi trẻ, khi ta lao vào trò đỏ đen, rượu chè, cờ bạc, những trò chơi không lành mạnh...; vì lợi nhuận mà ta đánh mất luật công bằng, qua việc mua gian, bán lận, kinh doanh phi pháp, nhất là lấy thân xác phụ nữ, trẻ em tạo mối lợi cho ta. Với cuộc sống đời thường đã vậy, thì đối với cuộc sống của người Kitô hữu trong việc lắng nghe và tuân giữ luật của Thiên Chúa thì sao?

Nếu như nơi cửa của “lâu đài kinh dị” và “thám hiểm rừng xanh”, tuy là nơi vui chơi, giải trí, nhưng người ta vẫn cho gắn những biển báo khuyến cáo mọi người trước khi tham gia. Thì với đời sống của người Kitô hữu, ta cũng được Lời Chúa cảnh báo, khuyến cáo những điều không tốt, không đẹp lòng Chúa. Đặc biệt trong phụng vụ thánh lễ Chúa Nhật thứ VI, như sách Huấn Ca trình thuật: “ Thiên Chúa đặt trước mặt ngươi nước và lửa, ngươi muốn cái gì, thì giơ tay ra trên đó. Trước mặt con người là sự sống và sự chết, sự lành và sự dữ, họ thích thứ nào, thì được thứ ấy Bởi chưng, Thiên Chúa đầy khôn ngoan, hùng dũng và toàn năng, Người luôn luôn nhìn thấy mọi loài. Chúa nhìn đến những kẻ kính sợ Người, và thấu suốt mọi hành động của con người. Người không truyền dạy cho một ai làm điều gian ác, và không cho phép một ai phạm tội ” (Hc.15,15-20).

Kế đến thánh sử Matthêu cũng giới thiêu cho ta lời giáo huấn của Đức Kitô: “ Các con đã nghe dạy người xưa rằng: 'Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án'. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là 'ngốc', thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là 'khùng', thì sẽ bị vạ lửa địa ngục…Các con đã nghe nói với người xưa rằng: 'Chớ ngoại tình'. Còn Ta, Ta bảo các con: Hễ ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ, thì đã ngoại tình với họ trong lòng rồi…Cũng có lời dạy rằng: 'Ai ly dị vợ mình, thì hãy trao cho vợ tờ ly dị'. Còn Ta, Ta bảo các con: Hễ ai ly dị vợ mình, trừ trường hợp tà dâm, thì làm cớ cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ đã ly dị, cũng phạm tội ngoại tình (Mt.5,27-37).

Tất cả những lời giáo huấn, lời cảnh báo, khuyến cáo trên, hầu giúp cho ta nhận ra những điều gây nên sự “sợ hãi”, không chỉ “sợ hãi”, nhưng còn làm ta xa rời tình yêu của Thiên Chúa và tổn hại đến đời sống vĩnh cữu, đến hạnh phúc Nước Trời.

Như nhiều người đem tiền, thời gian đổi lấy sự “sợ hãi” như đã trình bày trên, mặc dù đã có những lời cảnh báo, khuyến cáo. Với ta là người Kitô hữu, tuy Thiên Chúa đã cảnh báo, khuyến cáo ta bằng Lời của Ngài nơi Kinh Thánh, qua Giáo Hội, qua các bậc làm cha, làm mẹ, thầy cô giáo và những người có trách nhiệm. Nhưng, đôi khi vì bản năng thích khám phá, tỏ hiện bản lĩnh và tính cách mà ta dùng tiền, thời gian và nhất là ân sủng của Thiên Chúa để đổi lấy những đam mê, những cao ngạo, những thói hư, tật xấu như: Cướp của, giết người, nghiện rượu, cờ bạc, ma túy, mại dâm, sách báo, phim ảnh đen, game online…; đời sống luân lý, đạo lý thường rơi vào đại loại như: Lên án, xét đoán, gian tham, làm ăn phi pháp, bất chính, ngoại tình, ly dị, phá thai, kiêu gạo, phách lối, không vâng lời…Để rồi sau khi ta rơi vào vòng xoáy đó, niềm vui thì ít mà sự “ sợ hãi”, bất an, đau khổ thì nhiều, hơn nữa ta còn ta còn đánh mất đi mối tương quan tình yêu giữa ta và Thiên Chúa, giữa ta và tha nhân, đem đến cho ta một nỗi trống vắng và cô đơn.

Lời Chúa hôm nay mời gọi ta, ngoài việc giữ luật vì lòng yêu mến Chúa và làm đẹp lòng Ngài, chứ không vì sợ “sa hỏa ngục”, sợ “ ác giả, ác báo” hoặc “ đời cha ăn mặn, đời con khát nước”…kế đến cũng nhắc nhở, khuyến cáo, cảnh báo ta giữa cái thiện và cái ác, giữa văn hóa “ thành công” và văn hóa “nhân bản”, ta tìm cho mình một lối sống, một hướng đi, nhất là ta biết dùng thời gian, tiền của, ân sủng của Thiên Chúa để mua và đổi lấy tình yêu của Ngài và tình yêu anh em một cách đúng nghĩa. Đặc biệt nhất là ta biết dùng tất cả những ân sủng Chúa ban để mưu cầu hạnh phúc Nước Trời.

Nhưng, với ta là những con người luôn yếu đuối và thấp hèn, nhiều khi ta cảm và nghĩ được, thế nhưng, từ cảm, nghĩ đưa đến hành động quả là một chặng đường dài thăm thẳm, điều này chính Đức Kitô đã nói với các thánh Tông Đồ trong vườn cây dầu: “ Tinh thần thì hăng say, nhưng xác thịt thì yếu đuối” (Mt.26,41) và ngài còn quả quyết: “ Nếu không có Thầy, anh em chẳng làm được việc gì ”( Ga.15,5). Nói như thế, không có nghĩa là ta không thể và không thể trở nên dần hoàn thiện trong vai trò và bổn phận con cái của Thiên Chúa, con cái Giáo Hội trong việc lắng nghe và tuân giữ luật của Thiên Chúa, vận dụng luật đó để mưu ích chính ta và qua ta sinh ích cho mọi người trong cuộc sống hôm nay. Đức Kitô đã quả quyết: “ Đối với loài người thì không thể, nhưng đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể ” ( Lc.18,27).

Như ta đã biết, trong lịch sử Giáo Hội không ít những vị thánh mà con đường nên thánh của các ngài khởi đi từ sự sa ngã, yếu kém, thẫm chí là tội đồ… Điển hình như: Thánh Phêrô nơi sân dinh thượng tế Caipha khi Đức Kitô bị tra xét, Thánh nhân đã đổi lấy sự an toàn cho bản thân, bằng việc chối bỏ Thầy trước mặt mọi người ( x,Mt.26,69-74); Thánh Phaolô, ngài đã tìm con đường danh lợi cho mình, bằng lòng nhiệt huyết tra tay bắt bớ những người tin và theo Đức Kitô thời Giáo Hội sơ khai (xCv.9,1-2); Thánh Âutinh, thời tuổi trẻ, ngài đã dùng tiền của, thời gian, khả năng để đổi lấy tất cả những khoái lạc thế gian, không những thế, ngài còn gia nhập bè rối phản lại Giáo Hội, đời sống tuổi trẻ của ngài đã làm cho bà mẹ là bà thánh Monica ngày đêm than khóc.

Thế nhưng, các Ngài đã ngã quỵ trước ánh mắt và Lòng Xót Thương của Thiên Chúa. Nhờ tình thương và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, các ngài đã đứng lên, đã ăn năn sám hối để rồi sau lần đứng lên đó, các ngài trở thành những cánh tay nối dài của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ nhân loại của Ngài. Từ những con người yếu đuối trong đời sống, các ngài đã trở thành những người thợ lành nghề trên cánh đồng truyền giáo, thành những chứng nhân sống động cả về lời nói, cách sống và việc làm. Cuối cùng các ngài đã tự hiến cuộc đời, thân xác và trở thành những vị thánh vĩ đại, trở thành những tấm gương sáng ngời cho hậu thế. Quả là “ Mỗi thánh nhân có một dĩ vãng, mỗi tội nhân có một tương lai”.

Vâng! Chính Thiên Chúa đã yêu thương, soi sáng, biến đổi đời sống của các vị thánh, thì Ngài cũng yêu thương ta, giúp ta, nâng đỡ và ban ơn soi sáng, ngõ hầu giúp ta tuân giữ luật của Ngài trong niềm vui và lòng yêu mến, đồng thời Ngài cũng giúp ta nhận ra được những điều nguy hại, tổn hại, những điều đem đến cho ta những sự “sợ hãi”, những mất đi mối tương quan mật thiết với Ngài và với tha nhân, khi ta khước từ, thờ ơ với lời cảnh báo, khuyến cáo của Ngài.

Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương và đồng hành với ta trong từng phút giây của cuộc sống như lời Đức Kitô đã hứa:” Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế ” (Mt.28,20), và Ngài cũng đổ tràn ân sủng của Ngài xuống trên đời sống ta như lời của thánh Phaolô: “ Ơn Thầy đã đủ cho anh” (2Cr.12,9). Thế nhưng, ta có chấp nhận, đón nhận sự hiện diện, đón nhận nguồn ân sủng của Thiên Chúa nơi đời sống của ta hay không? Đây mới là điều quan trọng, vì Thiên Chúa là Đấng luôn tôn trọng quyền tự do mà Ngài đã ban tặng cho ta một cách tuyệt đối như lời quả quyết của thánh Âutinh: “ Khi sinh dựng nên con người, Ngài không cần hỏi ý kiến con người, nhưng khi muốn cứu độ con người, Ngài cần sự cộng tác của con người”

Ví thế, để nguồn ơn của Thiên Chúa luôn hoạt động trong ta, trước tiên ta phải biết đón nhận Ngài, ở lại với Ngài trong từng giây phút của cuộc sống ta, qua đời sống cầu nguyện. Có như thế ta mới có đủ nghị lực tuân giữ các giới răn của Ngài với lòng yêu mến, có như thế đời ta mới không phải sợ hãi, nuối tiếc và ân hận như những người đem tiền, thời gian đổi lấy sự “sợ hãi”, trong suốt cuộc đời ta.

Lạy Chúa! Con cảm tạ Chúa đã sinh dựng nên con, ban cho con đặc ân trở thành con cái Chúa, luôn che chở và nuôi dưỡng con bằng tình yêu của Chúa trong từng giây phút đời con, hơn nữa Chúa đã cảnh báo, khuyến cáo con và vạch ra cho con những điều gây tổn hại đến đời sống linh hồn của con.

Xin Chúa ban cho con ơn soi sáng, ơn sức mạnh, ơn khôn ngoan, để nhờ ơn Chúa giúp, con luôn chu toàn luật Chúa trong niềm vui và lòng mến yêu luôn khắc ghi trong tâm trí con, những gì Chúa đã cảnh báo và khuyến cáo con, những điều làm mất lòng Chúa và tha nhân trong cuộc sống. Để nhờ đó mà con luôn sống trong sự bình an và trở thành người con ngoan của Chúa trong cuộc sống. Amen

Sài Gòn ngày 11/02/2011
Antôn Lương Văn Liêm