Trang Độc Giả


ĐÂU LÀ GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC CỦA ĐỜI NGƯỜI ?

An-tôn Lương Văn Liêm

(Chúa Nhật Thứ VIII TN Năm A)

Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được” (Mt.6,24).

Alexandre 39 tuổi sống trong một căn hộ tại Paris. Một buổi sáng thứ bảy, sau khi pha cà phê, anh ngồi phịch xuống ghế kiểm tra cả tá email trong chiếc iPhone mà mắt còn ngái ngủ. Tối qua, cả nhà anh xem một bộ phim DVD. Trước đó, lúc 4 giờ sáng, anh bị đánh thức vì vợ anh lục đục gửi email đi bằng điện thoại BlackBerry…

Alexandre vào phòng con trai 10 tuổi, cậu bé đang nghe nhạc từ iPod, tay thì bấm trò chơi điện tử. Cuối giường, chiếc máy vi tính đã tắt. Ghé phòng con gái, cô bé 6 tuổi đang xem phim bằng đầu DVD cá nhân và tỏ ý muốn xem hết đĩa phim rồi mới ăn sáng. Trong khi chờ đợi mọi người thức dậy, Alexandre quyết định ra chơi Wii trên chiếc tivi cũ ngoài phòng khách.

Xem ra các thành viên trong gia đình Alexandre rất bận rộn từ sáng cho tới tối khuya. Mỗi người đều có một khoảng trời riêng với bao thứ lỉnh kỉnh như tivi, máy vi tính, trò chơi điện tử, điện thoại di động… Tất cả những thứ đó đã trở thành vật bất ly thân và chiếm không ít quỹ thời gian của mỗi người. ( trích nguồn báo SGTT)

Với đà phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, nhất là về lĩnh vực giải trí và công nghệ thông tin như hiện nay. Dù giàu hay nghèo, lớn hay nhỏ… người ta có thể dễ dàng tìm và sở hữu cho riêng mình một thứ mà mình yêu thích. Điều này rất tốt, vì người ta có thể không làm phiền nhau, không phải khó chịu khi phải chiều theo những sở thích riêng tư của nhau; người ta có thể gặp gỡ, chào hỏi, thăm viếng, chúc mừng nhau; nắm bắt thông tin chung cũng như riêng, giải quyết công việc một cách mau lẹ và chính xác, thông qua mạng internet nhờ những chiếc điện thoại di động, những chiếc máy vi tính cố định cũng như sách tay, những chiếc ti vi đa dạng mẫu mã, kích thước…

Một trong những nét văn hóa truyền thống và rất đẹp trong đời sống gia đình, nhất là những gia đình Việt Nam trước đây. Thường thì cả gia đình quây quần với nhau nơi mâm cơm, nhất là bữa cơm tối, sau một ngày lao động, học tập… Bữa cơm gia đình được tăng thêm bầu khí ấm cúng, thân thiện nhờ những tiếng cười, những câu chuyện rôm rả về chuyện học hành, công việc làm ăn, hoặc những chuyện liên quan đến gia đình, họ hàng, lối xóm….Hiện nay, những hình ảnh, nét đẹp, những văn hóa truyền thống đó thưa dần và có nguy cơ biến mất trong sinh hoạt và nếp sống của gia đình Việt Nam. Thay vào đó là những âm thanh “Hi-Fi” được phát ra bởi chiếc ti vi tinh thể lỏng to đùng, đầu DVD chễm trệ trước bàn ăn, những tín hiệu của chiếc điện thoại di động, những chiếc Head phone gọn nhẹ được nối vào những chiếc máy iPod xinh xắn, đắt tiền.

Thiên Chúa là Đấng đầy óc sáng tạo và khôn ngoan tột bậc, rất mực từ tâm và giàu lòng yêu thương. Chính vì lòng yêu thương của Ngài không bờ bến, mà Ngài đã không giữ óc sáng tạo và sự khôn ngoan cho riêng Ngài. Nhưng, Ngài đã trao ban sự khôn ngoan và óc sáng tạo của Ngài cho con người hầu mưu ích cho con người trong đời sống, không những thế ngày qua ngày Ngài dần hoàn thiện và tác động vào trí khôn của con người, giúp cho con người ngày càng tài giỏ hơn, có óc sáng tạo hơn, qua sự tài giỏi và óc sáng tạo, mà con người ngày càng tạo ra cho mình và mọi người những tiện nghi hơn trong nhịp sống sinh hoạt hằng ngày. Thiên Chúa không chỉ trao ban sự khôn ngoan và óc sáng tạo cho con người, nhưng Ngài còn ban và trao cho con người quyền làm chủ tất cả những công trình mà Ngài đã tác dựng, trước khi tác dựng nên con người (x.St. chương 1 và 2).

Vâng! Tất cả những gì mà nhân loại ngày nay đang sở hữu: từ trí tuệ, sức khỏe cho tới tài sản; từ người sáng tạo và kiến tạo cho đến người hưởng dùng những thành quả sáng tạo và kiến tạo đó, đều khởi đi từ ân ban của Thiên Chúa. Đã là ân ban của Thiên Chúa thì ta có quyền hưởng dùng để không phụ lòng Đấng đã yêu thương và ban tặng cho ta. Nhưng ta hưởng dùng những ân huệ Chúa ban ra sao, và theo chiều hướng nào? Tất cả những gì ta đang sở hữu và hưởng dùng, chúng trở thành ông chủ hay là đầy tớ của ta? Đơn cử một vấn đề tuy nhỏ nhưng cũng kém phần quan trọng trong đời sống của ta.

Một thực trạng hiện nay mà ai ai cũng thấy được và cũng làm không ít người khó chịu, nhất là những bậc cao niên, đó là chiếc diện thoại di động. Nếu như vào thập niên 1990- 2000, chỉ những thương gia lớn, những người có chức tước, quyền hành, hay giàu sụ… mới có đủ điều kiện để sở hữu một chiếc điện thoại di động. Còn ngày nay từ em học sinh trung học cho tới những người tuổi đã thất tuần, dù giàu hay nghèo, lao động tri thức hay phổ thông…cũng có khả năng sở hữu một chiếc điện thoại di động.

Chiếc điện thoại di động dường như trở thành vật bất ly thân đối với người sử dụng, khi ăn, khi ngủ, học tập, làm việc, thậm chí ngay cả những người Kitô hữu đi tham dự các nghi thức phụng tự. Chính vì chiếc điện thoại trở thành vật “bất ly thân”, trở thành quan trọng trong mọi mối tương qua, mà người ta không ngần ngại sử dụng nó khắp nơi khắp chốn. Điều tệ hại và gây phản cảm nhất của chiếc điện thoại di động và người sử dụng nó nơi thánh lễ, các buổi cầu nguyện, học Kinh Thánh…. Những tiếng “rinh, reng” và đủ loại âm thanh luôn làm cắt ngang sự tĩnh lặng, bầu khi trang nghiêm, thánh thiêng đang khi cử hành các nghi thức phụng tự! Quỹ thời gian ta dành cho Chúa khi tham dự thánh lễ và các nghi thức phụng tự khác được gói ghém trong khoảng từ 1 đến 2 giờ đồng hồ trong ngày. Ấy vậy mà ta vẫn sử dụng điện thoại di động một cánh mặc nhiên và vô tư, ta coi đó là điều thiết yếu, là quan trọng…

Châm ngôn có câu: “Tiền bạc là ông chủ xấu, nhưng lại là một người đầy tớ tốt”. Nếu như trong suy nghĩ và nếp sống ta nhìn vào những tài sản, thiết bị, dụng cụ; những đam mê, ước mơ… ta đang sở hữu và hưởng dùng, chúng chỉ là những đầy tớ, một phần nào đó chúng giúp ta “thi vị hóa” cuộc sống, thì điều này rất đẹp lòng Chúa và chắc chắn Ngài sẽ thánh hóa và chúc phúc cho ta. Bằng ngược lại nếu ta lệ thuộc vào chúng quá nhiều thì điều tất nhiên nó trở thành ông chủ và vô tình ta trở thành đầy tớ của nó. Một khi ta trở thành đầy tớ của những thực tại thế gian, của những sản phẩm vô tri, vô giác thì làm sao ta có thể trở thành đầy tớ tốt và trung thành với Thiên Chúa, Đấng đã ban tặng cho ta tất cả. Ngài là ông chủ của chính bản thân ta và những gì ta đang sở hữu và hưởng dùng. Đây chính là điều mà Đức Kitô nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay: “Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được” (Mt.6,24).

Quả thực! Làm sao ta có thể trở thành đầy tớ, trở thành con cái của Thiên Chúa thật tốt khi mà trong tâm tưởng của ta bị lệ thuộc vào quá nhiều những gì thuộc về thế gian, những điều chỉ tạm bợ chóng qua. Đối với mối tương quan giữa ta với Thiên Chúa đã vậy. Còn đối với những người thân của ta trong mối tương quan gia đình thì sao? Nếu ta bị lệ thuộc hoàn toàn vào những thiết bị và những công nghệ giải trí, lệ thuộc vào tiền của và những công việc tìm và hái ra tiền, thì còn đâu thời gian dành cho nhau, quan tâm và phục vụ lẫn nhau…! Tất cả những thứ ta đang sở hữu như: Những căn hộ trị giá hàng triệu đô, những chiếc xe đắt tiền, những dàn máy thời thượng, cho dù ta có đang sở hữu chiếc điện thoại iPhone 4G, thì tất cả cũng chỉ là tạm bợ và dễ bị “demode” theo thời gian. Ngay như bản thân và cuộc đời của ta cũng chỉ giới hạn và hữu hạn theo định luật “sinh, lão, bệnh, tử”…

Là người Ki tô hữu, ta được mạc khải từ Thiên Chúa qua Kinh Thánh, qua Giáo hội, ta được giáo huấn và nhắc nhở một chân lý. Chân lý đó là: Chỉ có Thiên Chúa mới trường tồn vĩnh cửu, hơn nữa tất cả những gì ta đang sở hữu và hưởng dùng và ngay cả mạng sống của ta đều nằm trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Ấy thế mà đôi khi ta dành hết sức lực, dành phần lớn quỹ thời gian của ta đi tìm và mong sở hữu những thực tại chóng qua nơi trần gian. Để rồi vì hư danh, vì ảo tưởng mà ta trở thành nô lệ, trở thành đầy tớ cho những thực tại thế gian, đầy tớ cho những đam mê, những ước muốn không theo ước muốn của Thiên Chúa. Điều đem đến cho chính Thiên Chúa nỗi thất vọng vì ta và đem đến sự rạn nứt tình cảm trong mối tương quan giữa người với người từ trong mái ấm gia đình trở đi.

Lời Chúa trong phụng vụ thánh lễ Chúa Nhật thứ VIII TN, một lần nữa nhắc nhở và vạch ra cho ta đâu là giá trị đích thực, đâu là điểm đích và quan trọng nhất của đời người, đâu là điều ta cần tìm kiếm trong cuộc sống hằng ngày. Khuôn vàng thước ngọc mà hôm nay Đức Kitô để lại cho ta là: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt.6,33). Nếu ta sống theo khuôn vàng thước ngọc mà Đức Kitô mời gọi, thì chắc chắn đời ta không bao giờ phải thất vọng, phải lắng lo và ưu phiền, ngay giây phút hiện tại và mãi về sau.

Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng, Ngài đã tác dựng nên ta và và ân ban cho ta trở thành con cái của Ngài. Một khi ta đã là con cái của Ngài, thì điều tất nhiên Ngài sẽ lo lắng và luôn săn sóc cho ta, Ngài cũng thừa biết trong cuộc sống ta cần những gì và thiếu những gì, vì tất cả đều khởi sự từ nơi Ngài, trong Ngài và nhờ Ngài. Hơn nữa Ngài không chỉ lo cho ta nơi cuộc sống tạm bợ chóng qua, nhưng Ngài con lo cho ta cả về cuộc sống mai hậu, cuộc sống vĩnh cửu. Có điều là ta có nhận ra chân lý đó nơi cuộc sống và trong suy nghĩ của ta hay không!?

Vua thánh Đavít khi xưa là một vị vua tài ba lỗi lạc về nghiệp binh đao, đời sống đạo đức và cả những yếu đuối của kiếp người. Là một vị vua mà quyền lực, sự giàu sang phú quý…đều nắm trong lòng bàn tay. Ấy thế mà ngài nhận ra nơi cuộc sống của ngài rất chông chênh, những gì ngài đang sở hữu không đem lại hạnh phúc, đem lại chân giá trị đích thực cho một đời người. Nhờ đời sống kết hợp với Thiên Chúa qua cầu nguyện, ngài đã nhận và xác tín một chân lý bất hủ qua lời Thánh Vịnh:

Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn.
Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến,
Duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi,
là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng
” (Tv.62,2-3).

Vâng! Chân lý mãi vẫn là chân lý, Lời Chúa là trường tồn là vĩnh cửu, là hạnh phúc, như lời Thánh Vịnh đã diễn tả: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con đi”(Tv.119.105). Thiên Chúa không nói đùa và Ngài cũng không gạt gẫm ai bao giờ vì Ngài là Đấng chân thật, từ ái và tín trung. Vì thế giữa bao điều tìm kiếm nơi thế gian, giữa bao lắng lo, bao khổ đau của một kiếp người, để cuộc đời và cuộc sống của ta không bị chông chênh, không bị lạc lối và điều quan trong không trở thành nô lệ, đầy tớ cho những thực tại thế gian. Thiết tưởng không gì hơn là ta tiếp cận với Thiên Chúa qua Lời của Ngài nơi Kinh Thánh, qua đời sống cầu nguyện và sống kết hiệp mật thiết với Ngài qua bí tích Thánh Thể. Có như thế thì đời ta mới thực sự trở thành con cái Thiên Chúa, trở thành những người đầy tớ tín trung như Mẹ Maria, Thánh cả Giuse và các thánh Nam Nữ.

Lạy Chúa! Giữa bao điều chon lựa, giữa bao điều kiếm tìm nơi cuộc sống của con, xin cho con biết tìm Chúa và nước Chúa trong từng ngày sống của con, để nhờ ơn Chúa mà con dần trở thành người đầy tớ, người con ngoan của chúa bây giờ và mãi về sau. Amen.

Sài Gòn ngày 27/02/2011
Antôn Lương Văn Liêm