Trang Độc Giả


CON TÀU KỲ DIỆU CỦA ÔNG NO-Ê

Chúa Nhật Thứ 1 Mùa Vọng

Antôn Lương Văn Liêm

Một sự kiện chấn động trong ngành hàng hải thế giới vào tháng 4 năm 1912, khi con tàu Titanic bị nhấn chìm xuống đáy đại dương, mang theo 1500 sinh mạng con người và những tài sản có giá trị. Tàu Titanic được đóng vào năm 1909 và được hạ thủy năm 1912. Là con tàu lớn, hiện đại, lộng lẫy và sang trọng nhất thời bấy giờ, Titanic mang theo tham vọng thống trị tuyến đường biển xuyên Đại Tây Dương của công ty sở hữu nó, hãng vận tải biển The White Star Line. Chữ Titanic được lấy từ chữ Titan, tên một ông thần khổng lồ, sức mạnh vô song (trong truyện thần thoại Hy lạp). Người ta đặt tên chiếc tàu như vậy để thách đố mọi nguy hiểm trên biển cả. Nhưng sự thực thì không phải thế, nó đã bị nhấn chìm xuống lòng đại dương.

Bước vào Chúa nhật thứ 1 Mùa Vọng năm A 2011, phụng vụ Tin mừng giới thiệu cho ta trình thuật Tin Mừng của thánh sử Mátthêu, khi Đức Kitô cảnh báo cho các thánh Tông Đồ về ngày khánh chung, Ngài đã nhắc lại sự kiện thời ông Nô-ê.

Ông Nô-ê, một người thợ đóng tàu bất đắc dĩ, bởi ông đâu phải là thợ đóng tàu, hơn nữa nơi ông và những người cùng thời sống không có biển cũng chẳng có sông, ông thực hiện công việc dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa. Công việc đóng tàu của ông Nô-ê, trước tiên là gây nên sự thắc mắc cho cho chính người thân; sự nhạo báng, cười chê của người cùng thời, nhưng Nô-ê vẫn kiên nhẫn, âm thầm, chịu đựng thực hiện công việc theo lệnh truyền của Đức Chúa (x, St. 6,5-22).

Những công khó, hy sinh, cố gắng của ông Nô-ê, cuối cùng con tàu cũng hoàn thành. Chính nhờ sự vâng lời Đức Chúa và những hy sinh, gian khó, vượt qua sự chê cười của mọi người. Nhờ con tàu  của ông Nô-ê, đã cứu được cả gia đình ông thoát khỏi nạn “ Đại Hồng Thủy ” mà Đức Chúa giáng xuống tiêu diệt nhưng con người sống trong sa đọa, tàn ác, vô tâm… (x, St. 7,1-23).

Khi lược qua Kinh Thánh về việc đóng tàu của ông Nô-ê theo sự hướng dẫn của Đức Chúa, khi hiện ra với ông Nô-ê và phán với ông như sau: “ Thiên Chúa phán với ông Nô-ê: "Ta đã quyết định giờ tận số của mọi xác phàm, vì tại chúng mà đất đầy bạo lực: này Ta sắp tiêu diệt chúng cùng với đất. Ngươi hãy làm cho mình một chiếc tàu bằng gỗ bách. Ngươi sẽ làm tàu có những ngăn và lấy nhựa đen mà trám cả trong lẫn ngoài. Ngươi sẽ làm tàu thế này: chiều dài một trăm năm mươi thước, chiều rộng hai mươi lăm thước, chiều cao mười lăm thước. Ngươi sẽ làm một cái mui che tàu, và đặt mui cách phía trên tàu nửa thước. Cửa tàu, ngươi sẽ đặt ở bên hông; ngươi sẽ làm tầng dưới, tầng giữa rồi tầng trên…” (St. 6,13-16).

Đọc đi, đọc lại đoạn Kinh Thánh trên, ta không khỏi ngỡ ngàng và thắc mắc, vì có hai chi tiết quan trọng trong tất cả các con tàu, thứ nhất là mái chèo “động cơ” , thứ hai là “bánh lái” giới bình dân hiện nay gọi là “chân vịt”, không thấy Đức Chúa chỉ vẽ cho ông Nô-ê. Khi trời mưa, nước dâng cao, con tàu cứ thế lênh đênh, cho đến khi dừng lại trên vùng núi A-ra-rát, sau khi “Đại Hồng Thủy” chấm dứt.

So sánh giữa con tàu Titanic, và con tàu ta tạm gọi là con tàu Nô-ê, Titanic, một con tàu mà người kiến tạo ra nó cảm thấy tự hào. Nó hội đủ tất cả về mặt kỹ thuật, sự tiện nghi, vẻ sang trọng. Nhưng, như ta đã biết, nó đã bị đại dương nhấn chìm , không chì có nó mà cả những con người nó, sử dụng nó cùng chung số phận. Ngược lại, con tàu Nô-e tuy đơn sơ, khiếm khuyết về kỹ thuật, như lại đem đến cho người thừa hưởng, trú ngụ sự an toàn bình an. Nhất là sự sống được bảo tồn, giữa một thế hệ băng hoại đạo đức, bị nhấn chìm do “Đại Hồng Thủy”.

Bước vào mùa vọng, sống mùa vọng, cũng là lúc ta được Thiên Chúa, qua Giáo Hội mời gọi, nhắc nhở ta nhìn lại đời sống của chính bản thân, và nhìn vào thời đại ta đang sống, có khác gì thời đại của ông Nô-ê. Từ đó nhắc nhở ta, hãy đóng cho chính mình con tàu, dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa qua Tin Mừng. Tin Mừng hướng dẫn ta những gì? Xin thưa! Đó là lắng nghe lời Chúa; thực thi công bằng, bác ái, yêu thương, tha thứ, hiệp nhất; cầu nguyện và ăn năn sám hối mỗi ngày.

Dẫu những công việc ta thực hiện để hoàn thành con tàu vận mệnh đời ta có bị con người thời nay nhạo báng, khinh chê, có cho ta là những con người dở hơi, không hợp với thời đại…, cho dù quanh ta, người đời vẫn ăn uống, vui chơi, dựng vợ, gả chồng, tìm chức, quyền, lợi và danh; vẫn tranh dành, đố kỵ và loại trừ; vẫn gian tham, tàn ác…

Như ông Nô-ê xưa, ta chuyên cần, nhẫn nại, hy sinh, chịu đựng ta cố gắng trong ơn Chúa và nhờ ơn Chúa. Hơn nữa, cho dù con tàu của ta có khiếm khuyết thiếu không mái chèo, cũng chẳng bánh lái. Nhưng ta xác tín một điều, chính Thiên Chúa đã lèo lái con tàu của ông Nô-ê thế nào, Ngài cũng sẽ lèo lái con tàu của ta theo ý của Ngài như thế. Chính Ngài sẽ đưa ta neo đậu vào vùng núi A-ra-rát mới. Đó là Nước Trời, nước của bình an, hạnh phúc và vĩnh cửu.

Sống mùa vọng trong Năm Thánh 2010, ta hướng về Giáo Hội, cùng hiệp lời cầu xin Thiên Chúa chúc phúc cho Giáo Hội. Vì Giáo Hội chính là con tàu Nô-ê, Thiên Chúa ban tặng cho ta. Để nhờ đó, ta được nuôi dưỡng qua các Bí Tích, sống tình liên đới yêu thương với nhau, được bảo vệ giữa những “Đại Hồng Thủy” của thế gian đang ngày đêm muốn nhấn chìm ta vào vòng xoáy của nó. Ta nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Mẫu La Vang, Thánh Cả Giuse, các Thánh Tử Đạo Việt Nam, lèo lái con tàu Giáo Hội qua ân sủng của Chúa Thánh Thần như lòng Chúa ước mong.

Lạy Chúa! Cho dù trước đây con sống ra sao, tồi tệ như thế nào, tội lỗi con có ngập đầu ngập cổ, nhưng con tin Chúa vẫn yêu thương con. Xin Chúa thương tha thứ, xin Chúa giúp con trong mùa vọng này, biết noi gương ông Nô-ê xưa cố gắng đóng cho mình con tàu bằng những gì con có thể với thân phận yếu đuối của con. Nhờ đó mà con được bảo vệ, và chính Chúa sẽ lèo lái con tàu đời con đến bến bờ yêu thương mà Chúa Chúa đã sắp đặt cho con từ ngàn xưa. Amen.

Sài Gòn ngày 28/11/2010