DỌN ĐƯỜNG SỬA LỐI
(Chúa nhật II Mùa Vọng, năm C)

JM. Lam Thy ĐVD.

Bài Tin Mừng hôm nay (CN II/MV-C) trình thuật về “Ông Gio-an Tẩy Giả rao giảng” (Lc 3, 1-6). Nếu đem so sánh với 3 tác giả Mat-thêu, Mac-cô và Gio-an trong cùng đề tài (Mt 3, 1-12; Mc 1, 2-6; Ga 1, 19 -28), sẽ thấy thánh Lu-ca đã trình bày rất trang trọng giai đoạn khai mạc cuộc đời hoạt động của thánh Gio-an Tẩy Giả. Như một nhà viết sử, ngài đã đặt các biến cố vào một bối cảnh lịch sử có các niên hiệu chắc chắn, để trình thuật sự kiện một cách khoa học, có đầu có đuôi đàng hoàng. Nhưng vì sao khi kể việc Ðức Giê-su bắt đầu rao giảng, thánh nhân lại không viết một cách trang trọng như vậy? Thực ra, trong những chương đầu của sách Tin Mừng mang tên ngài, thánh Lu-ca đã trình thuật những chuyện về thánh Gio-an Tiền Hô chen lẫn với những chuyện về Ðức Giê-su. Ngài viết về thánh Gio-an như dàn một tiền cảnh, tạo một hình nền, cốt ý để làm nổi bật nhân vật trọng tâm là Ðức Giê-su Ki-tô.

Đoạn văn “Ông Gio-an Tẩy Giả rao giảng” vì thế, đã trở nên như một tiền đề dẫn đưa độc giả vào những câu chuyện về Ðức Giê-su. Ấy cũng bởi vì thánh Gio-an chỉ là người đi trước báo cho mọi người (tiền hô) biết Đấng Cứu Độ đã tới, đúng như lời thánh nhân tự nhận: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.” (Ga 1, 23). Không những thế, sứ giả Tiền Hô còn khiêm nhường khẳng định mình không đáng cởi quai dép cho Đấng mà thánh nhân muốn giới thiệu: Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3, 16).

Như vậy, trước khi giới thiệu con người và sứ vụ của thánh Gio-an Tiền hô cũng như của Chúa Giê-su, thánh sử Lu-ca đã không quên nói đến một bối cảnh lịch sử để giúp độc giả nhận ra tính cách phổ quát của ơn cứu độ, đó là: “Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3, 6). Sứ điệp về ơn cứu độ phổ quát ấy phải là cốt lõi trong lời rao giảng của thánh Gio-an Tiền Hô. Đồng thời, kèm theo lời rao giảng trọng đại này, thánh nhân còn muốn có một nghi thức dễ khiến cho người ta cảm động và nghiêm túc tiếp nhận Tin Mừng cứu độ. Đó là nghi thức làm phép rửa được thánh nhân thực hiện với mục đích giúp mọi người “tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”.

Ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho loài người có tính cách phổ quát, nên ai cũng có khả năng thấy được; nhưng có tiếp nhận được ơn cứu độ ấy hay không lại là chuyện khác, cần phải có sự nỗ lực đáp trả của mỗi người. Sự đáp trả đó chính là đức tin (“Đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa” – Thánh Âu-tinh). Nói cách khác, đó chính là sự cộng tác của tín hữu, vì "Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Ngài" (thánh Âu-tinh). Bởi thế, đối với thánh Gio-an, muốn kêu gọi người ta chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn cứu độ, không gì tốt hơn là mượn lời ngôn sứ I-sai-a để kêu gọi mọi người: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Lc 3, 4). 

Đường lối là hình ảnh cụ thể nhất để diễn tả một chuyển động, có điểm đi điểm tới. Muốn cho sự chuyển động được thông thoáng thì mọi ngăn cản, khó khăn cần phải được dẹp bỏ. Hình ảnh con đường với nhng thung lũng trùng điệp, đồi núi gập ghềnh, đường lối quanh co, mặt đường lồi lõm, thật là thích hợp giúp mọi người hiểu thế nào là một tâm hồn có những vướng mắc, trở ngại khiến cho việc đón tiếp Chúa thật khó khăn. Vì thế, cần phải biết dọn đường sửa lối tâm linh chờ đón Chúa đến. Đó là hãy mạnh dạn nhìn thẳng vào lòng mình, lấp cho đầy những thung lũng tị hiềm, bạt cho thấp mọi núi đồi kiêu căng, uốn cho ngay khúc quanh co hiểm ác, san cho phẳng những lồi lõm bất minh; tắt một lời, hãy sửa lối đi tâm hồn cho ngay thẳng, công chính (“chịu phép rửa tỏ lòng sám hối”), ngõ hầu được hưởng ơn tha tội. Có như vậy mới xứng đáng với danh hiệu Ki-tô hữu, để theo chân thánh Gio-an Tiền Hô mà gióng lên "tiếng hô trong hoang địa", tiếng hô trong sa mạc cuộc đời.

Nói và diễn cho hết ý thì dài dòng văn tự, nhưng rút gọn lại chỉ cần nhấn mạnh điều mà ĐTC Gio-an Phao-lô II trong suốt triều đại của ngài, đã đề ra và kêu mời tín hữu thực hiện, đó là "canh tân và sám hối". Để thực sự dọn dẹp con đường tâm linh cho ngay thẳng đón Cứu Chúa, thì cần phải dốc lòng ăn năn hối cải về những sai phạm thiếu sót của bản thân. Không những thế, còn cần phải đổi mới cả phương cách dọn dp, tẩy uế nữa. Chỉ có như thế mời thật sự đổi mới được con người của mình. Nói khác hơn, muốn đổi mới, cần phải biết nhìn lại mình mà sám hối và đổi mới luôn cả tư duy và hành động sám hối. Sám hối không phải là ngoẹo đầu méo miệng, đấm ngực thật mạnh, day tay vào mắt cho đỏ lên và chảy nước mắt ra; sám hối cũng không phải là hô khẩu hiệu, kêu gọi người khác ăn năn khóc lóc; mà phải là toàn tâm toàn ý đối diện với con người thật của mình, bóc trần mình ra trước thánh nhan Chúa, để cầu xin được thứ tha mọi lỗi lầm thiếu sót, đồng thời cầu nguyện cho mình có đủ dũng khí và kiên tâm như một Gio-an Tẩy Giả đã sám hối trong sa mạc, rồi làm phép rửa và kêu gọi mọi người sám hối.

Sẽ có thật nhiều câu hỏi được đặt ra: "Anh có thực sự tin rằng Đấng Cứu Thế đã đến, đang đến và sẽ đến với anh, với cả nhân loại không? Với những hiện tượng thiên nhiên và nhân sinh như hiện nay, anh có tin rằng Nước Chúa đã đến gần không? Anh có tin rằng “những sợi tóc trên đầu anh đã được đếm cả rồi” (Mt 10, 30), hay nói khác hơn, anh có tin rằng Chúa thấu suốt mọi điều tới tận chân tơ kẽ tóc con người của anh không? Nếu anh tin, thì đừng quanh co che giấu nữa, mà hãy sám hối, sám hối và canh tân cuộc đời của anh để chờ đón ngày Chúa quang lâm. Cụ thể nhất, nếu anh thực lòng tin, thì đừng chần chờ nữa, mà hãy hành động, bởi “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 17).

Vâng, xin hãy tỉnh thức và sẵn sàng hành động dọn đường sửa lối chờ đón Chúa quang lâm.  Nào, “Hãy dọn đường Chúa đi! Hãy dọn đường Chúa đi! Đồi cao hãy san bằng. Hố sâu bạt cho phẳng. Vì này đây Chúa đến, Chúa đến. Đường quanh co uốn cho ngay. Nơi gồ ghề lấp cho đầy. Vì này đây Chúa đến, đến gần. ĐK: Mừng vui lên anh em, vì Chúa sắp đến rồi. Người sắp đến rồi, Hồng ân cho muôn nơi. Mừng vui lên anh em, Chúa cứu độ đang tới. Chúa sắp đến rồi, ngày hạnh phúc tuyệt vời.” (“Hãy Dọn Đường” – Mi Trầm – TCCĐ). Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng ái tuất, xin đừng để chúng con mải mê thế sự, chẳng còn hăm hở đi đón mừng Con Chúa, nhưng xin dạy chúng con biết ham thích những sự trên trời, hầu được cùng Người vui hưởng phúc trường sinh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ CN.II/MV-C). 

Trang Độc Giả

Trang Nhà