Trang Độc Giả


Tỉnh thức và cầu nguyện Mùa vọng

Vũ Vinh Đức

Tỉnh thức và cầu nguyện Mùa vọng, theo tiếng Latinh là Adventus, nghĩa là “đến” mùa Chúa đến, hay nói rõ hơn là Chúa Giêsu ngự đến. Ngài đã đến và sẽ đến lần nữa trong ngày tận thế. Thế nhưng cái quá khứ và cái tương lai đó làm cho mỗi người chúng ta thấy nó mơ hồ mông lung lắm. Ngài đã đến cách đây 2000 năm, quá khứ lâu đời, còn Ngài sẽ đến trong ngày tận thế, chẳng biết lúc nào, thật là xa vời. Chính vì thế, nó chẳng đánh động gì đến cuộc đời của mỗi người chúng ta hôm nay. Mùa vọng này đến rồi cũng qua đi, mùa vọng khác đến rồi cũng qua đi, chẳng để lại cho chúng ta điều gì. Có chăng chỉ để lại một vài hình ảnh, Giáng sinh năm nay ăn to hơn năm ngoái, Giáng sinh năm nay hang đá đẹp hơn, điện đóm nhiều hơn… Cho nên, tôi đề nghị với quý ông bà và anh chị em, chúng ta hãy để ý đến chiều kích hiện tại của mầu nhiệm nhập thể. Chúa đến, Chúa đang đến, “Ngôi Lời Nhập thể và ở giữa chúng ta”. Nói một cách khác, chúng ta phải hiện tại hóa mầu nhiệm nhập thể đó, để cho khuôn mặt của Chúa Kitô nên hình nên dạng trong cuộc sống hiện tại, cụ thể của mỗi người chúng ta. Đó cũng chính là chủ đề của mùa vọng, và là cùng đích của đời sống Kitô hữu chúng ta. Với Chúa Nhật I mùa vọng, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức. Trong câu chuyện Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng hình ảnh người chủ đi vắng xa, giao tất cả tài sản, quyền hành lại cho các đầy tớ. Một ngôi nhà vắng chủ. Ông ra đi và có thể trở về bất cứ lúc nào, một cách bất ngờ. Những thời điểm mà ông chủ về có thể là chập tối, đêm khuya, hay gần sáng… toàn là ban đêm cả, ban đêm thì thường là bất ngờ, vì chúng ta đang ngủ mê. Hình ảnh đó, cho chúng ta suy nghĩ về thế giới con người hôm nay. Nó giống như một ngôi nhà vắng chủ, một thế giới vắng bóng Thiên Chúa. Thiên Chúa là chủ của cả vũ trụ này, nhưng xem chừng như Ngài vắng bóng, Ngài trao quyền lại cho con người điều hành, quản lý trái đất này. Nhưng đến một lúc nào đó con người chúng ta có cảm tưởng chúng ta là chủ chứ không phải là Thiên Chúa. Ngày xưa khi chúng ta học giáo lý chúng ta vẫn thường đọc: “nhìn xem trời đất muôn vật là chúng ta biết có Thiên Chúa”, vì cái gì cũng có dấu ấn của Ngài. Nhưng ngài nay con người đã cải tạo thiên nhiên, cho nên nhìn chỗ nào cũng thấy dấu vết của con người, của trí thông minh, của khoa học, của quyền lực, của sự toàn năng nhân loại. Một thế giới vắng bóng Thiên Chúa. Một thế giới vắng bóng Thiên Chúa còn có nghĩa là một thế giới vắng bóng những giá trị của Thiên Chúa. Cảm thức về linh thánh không còn, nên những giáo huấn về tình yêu về bác ái, về đời sống đạo đức thánh thiện cũng vắng bóng. Thiên Chúa bị loại bỏ ra khỏi đời này, thì cảm thức, ý thức về tội cũng bị xoá bỏ. mình mất ý thức về tội lỗi, nên khi mình phạm điều này điều kia mình chẳng còn thấy áy náy, chẳng còn thấy cắn rứt lương tâm gì nữa cả. Phạm những cái tội tày đình, thế nhưng vẫn cứ sống phây phây, vui vẻ, coi như chẳng có chuyện gì. Vì thế, đức giáo hoàng Piô XII mới nói: “tội lớn nhất của thời đại này không phải là tội này tội kia, nhưng là cái tội đánh mất đi cảm thức về tội”, vì thế mình cứ phạm tội một cách thoải mái. Chính trong một xã hội như thế, một xã hội bị đêm tối phủ đầy, một xã hội vắng bóng Thiên Chúa, thì chúng ta được mời gọi phải để cho Chúa Giêsu được nên hình nên dạng trong suy nghĩ, trong hành động, trong việc làm của mình. Muốn được như vậy chúng ta phải tỉnh thức. Bởi vì như thánh Prô nói: “ma quỷ như con sư tử gần thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé”. Khuôn mặt Chúa Giêsu trong con người chúng ta bị cắn xé dưới nhiều hình thức, ma quỷ không ở đâu xa, nhưng ở ngay chính trong con người của chúng ta. Vì thế, ngay từ đầu mùa Vọng, Chúa mời gọi ta hãy tỉnh thức. Hãy bước ra khỏi giấc ngủ miệt mài, lười biếng. Hãy đoạn tuyệt với những giấc mộng phù hoa. Hãy thôi đuổi theo những đam mê dục vọng. Hãy nói không với những điều bất chính. Tỉnh thức để nhận ra lời Chúa nói với chúng ta trong cuộc đời, trong từng biến cố của cuộc sống. Tỉnh thức là chu toàn bổn phận của mình. Ông chủ trước khi đi vắng, giao cho mỗi người một nhiệm vụ và đòi hỏi mỗi người phải chu toàn nhiệm vụ đó. Khi chu toàn nhiệm vụ rồi, thì ông chủ có về giờ nào mình cũng an tâm, cho dù lúc đó mình đang ngủ. Mỗi người chúng ta hãy chu toàn bổn phận cái ơn gọi của mình, chính là lúc chúng ta sống lời mời gọi tỉnh thức một cách cụ thể nhất. Nói thì đơn giản như thế, nhưng trong thực tế không đơn giản tí nào. Chính vì thế, mỗi khi nói đến tỉnh thức Chúa Giêsu luôn mời gọi “và cầu nguyện”. tỉnh thức và cầu nguyện luôn đi đôi với nhau, bởi vì nếu không có ơn Chúa giúp chúng ta không thể nào tỉnh thức để chống trả lại những lời mời gọi, êm ái của những cơn cám dỗ. Kính chúc quý cộng đoàn một mùa vọng đầy ý nghĩa, và sống chu toàn bổn phận ơn gọi của mình: làm cho khuôn mặt của Chúa Giêsu nên hình nên dạng trong cuộc đời của mình. Amen