Trang Độc Giả


CHÚA NHẬT THỨ II MÙA VỌNG: ĐÔI DÒNG SUY TƯ

Antôn Lương Văn Liêm

Theo lẽ thường, trong mối tương quan đời cũng như đạo, mỗi khi gia đình, giáo xứ hay cơ quan, xí nghiệp có thượng khách ghé thăm, việc đầu tiên là ta cảm thấy hãnh diện với mọi người nhất là vị thượng khách đó có vai vế trong xã hội hay nơi nhà đạo, điều không thể thiếu, đó là ta dọn dẹp, trang trí sao cho tươm tất, chuẩn bị những món ăn, thức uống hợp với khẩu vị để tiếp đãi khách quý, bằng mọi cách ta cố gắng làm vừa lòng vị thượng khách, những mong để lại dấu ấn tốt đẹp nơi vị thượng khách. Vị thượng khách đó, có thể là một ân nhân, hay là người ta cần họ giúp đỡ.

Vâng! Đối với tương quan nơi gia đình trần thế trong việc đón và tiếp rước khách quý, dẫu cho vị thượng khách đó có hơn ta về mọi phương diện, có khả năng giúp đỡ ta về mọi mặt, nhưng chẳng qua cũng chỉ là tạm bợ, hoặc theo văn hóa “hòn đất ném qua, hòn chì ném lại”, ngay chính sự sống của ta và người đó rồi cũng qua đi theo cái giới hạn của đời người. Ấy thế mà ta lao tâm tổn sức, ta cố gắng hết sức có thể để làm vừa lòng họ, luôn cảm thấy vui, hạnh phúc khi vị thượng khách vừa lòng.

Bước vào Chúa Nhật thứ II của mùa vọng, trình thuật Tin Mừng thánh Mác-cô giới thiệu cho ta Vị Thượng Khách đến từ thượng giới, qua lời giới thiệu của ông Gioan Tiền Hô: “ Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” (Mc.1,7). Vị thượng khách đó chính là Đức Kitô, Đấng mà trong sách ngôn sứ Isaia đã giới thiệu: “ Người là cố vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở,Thủ Lãnh hòa bình…” (Is.9,5). Thánh Phao lô đã minh chứng một cách xác tín về Vị Thượng Khách rằng: “ Ơn cứu chuộc nơi Ngài chan chứa” ()

Đức Kitô quyền thế đó, cao sang đó, là Anphal và Ômêga. Điều đặc biệt, từ nơi Ngài luôn có một tình yêu và trao ban tình yêu một cách vô vị lợi, không giới hạn, không biên giới, không phân biệt giàu, nghèo, sắc tộc, ngôn ngữ, màu da… Nơi Ngài và trong Ngài ta có tất cả ngay giây phút hiện tại và mãi về sau. Thế nhưng, Vị Thượng Khách là Đức Kitô luôn và dễ bị chối từ bằng nhiều cách và nhiều hình thức khác nhau, như lời của thánh sử Gioan diễn tả: “ Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà không chịu đón nhận”(Ga.1,10-11)

Là người Kitô hữu, ta có thực sự nhận ra Đức Kitô là Vị Thượng Khách tuyệt vời nhất của ta hay không? Ta có thực sự mong ước Vị Thượng Khách đến và ở lại với ta hay không? Ta có cảm thấy buồn, nuối tiếc khi để lỡ mất một cơ hội đón tiếp Ngài vào mái ấm gia đình của ta hay không? Đây chính là những câu hỏi, để rồi qua những câu hỏi này, ta dành ít phút lắng đọng để tự vấn lương tâm với chính mình và với Đức Kitô.

Ngày xưa, khi ông Gioan Tiền Hô xuất hiện rao giảng và mời gọi mọi người sám hối, chuẩn bị tâm hồn để nghênh đón Đấng Thiên Sai. Người Do Thái nói chung, ngay cả những Biệt Phái, Kinh Sư và Thông Luật, những binh lính đã ùn ùn kéo đến lắng nghe và tỏ lòng sám hối như trình thuật Tin Mừng của thánh sử Máccô: “ Ông Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem kéo đến với ông. Họ thú tội và ông làm phép rửa cho họ…”(Mc.4,5).

Bao nhiêu tuổi đời là bấy nhiêu lần Mùa vọng đi qua đời ta, bấy nhiêu lần lời mời gọi của Thánh Gioan Tẩy Giả “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc.1,3) lại vang vọng nơi ta qua Giáo Hội, lời đó luôn mời gọi ta chuẩn bị tâm hồn, canh tân đời sống để đón rước Đức Kitô. Riêng thánh sử Luca thì trình thuật lời mời gọi một cách chi tiết hơn: “ Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay thẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc.3,4-5).

Vâng! Giữa những mối tương quan gia đình trần thế, còn đó những tự cao, tự đại ngất ngưởng như núi, lòng ích kỷ sâu tựa vực thẳm, tính gian tham, lọc lừa như đường quanh co, lòng đố kỵ, xét đoán, loại trừ tựa con đường lồi lõm…Như ta chỉ là “ phàm phu, tục tử”, là hoa cỏ đồng nội sớm nở, tối tàn, cuộc sống còn đầy những khiếm khuyết, ta cũng không thể nào sống và chấp nhận song hành trên những con đường như thế, thì thử hỏi Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ, là Đấng thánh, chí thánh, làm sao Ngài có thể đến, ở và đi lại nơi đời ta nói riêng và nơi gia đình trần thế nói chung?

Nhờ sự soi dẫn của Lời Chúa, ta nghiệm, suy và nhận ra được những thiếu xót nơi đời sống của người Kitô hữu đó, nhưng để Lời Chúa đi vào đời sống ta, giúp ta biến đổi, giúp ta hoàn thiện thì quả là không phải dễ giữa xã hội ngày hôm nay, một xã hội ganh đua và hưởng thụ, một xã hội coi thường đạo đức và luân lý, một xã hội luôn lấy “văn hóa thành công” làm chuẩn mực sống, một xã hội luôn bài bác tôn giáo và phò chủ thuyết vô thần…

Như cá lội ngược dòng, sao ta có đủ sức, đủ lực để dọn và sửa lại những con đường quá ư là tồi tệ nơi đời sống ta, nếu ta không cậy dựa vào sức mạnh và tình yêu của Đức Kitô như lời Ngài đã phán: “ Không có Thầy, anh em chẳng làm nổi điều gì” (Ga.15,5). Chính nhờ Đức Kitô và trong Đức Kitô ta mới có thể dọn và sửa lại con đường là đời sống của ta như lòng Chúa mong ước, nhờ đó mà ta mới có thể ngẩng cao đầu trong hân hoan và bình an, trong vui tươi và hạnh phúc nghênh đón Đức Kitô đến với ta, qua ta nhiều người cũng đón nhận nguồn ơn cứu độ của Đức Kitô.

Lạy Chúa! Xin giúp con sửa và dọn con đường để Chúa đến và ở lại với con ngay hôm nay và nhất là ngày Chúa đến đua con về ở với Chúa nơi Vương Quốc Nước Trời. Amen

Sài Gòn ngày 3/12/2011