TRẦN AI ĐAU KHỔ
(LỄ TRO – 13/02/2013)

JM. Lam Thy ĐVD.

Nói đến Tết là nói đến câu đối (“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”). Hôm nay là Mồng Bốn Tết, xin kể một đôi câu đối hoàn chỉnh, nhưng lại không được làm ra vào dịp Tết, mà vào một thời điểm chính trị đặc biệt giữa 2 chế độ: Nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn. Đôi câu đối này rất hay cả về từ ngữ lẫn tư tưởng: Khi Ngô Thời Nhiệm (còn gọi là Ngô Thì Nhậm) làm Binh Bộ Thượng Thư đời Tây Sơn, thì Đặng Trần Thường khúm núm đến xin được tiến cử, bị Ngô Thời Nhiệm thét đuổi: “Ở đây cần người có tài có đức giúp vua trị nước an dân. Còn muốn vào luồn ra cúi thì đi nơi khác”. Sau khi nhà Tây Sơn mất, Đặng Trần Thường làm quan dưới triều nhà Nguyễn (Gia Long), bắt được Ngô Thời Nhiệm, liền ra câu đối mỉa mai: “Ai công hầu, ai khanh tướng, cuộc trần ai ai dễ biết ai” (ngụ ý: “hồi đó anh làm quan trong triều Tây Sơn làm nhục tôi, bây giờ anh bị tôi bắt làm tù binh, vậy thì cuộc đời này ai dễ biết ai hơn ai kém ai?”). Ngô Thời Nhiệm khẳng khái đáp lại: “Thế Chiến quốc, thế Xuân thu, gặp thời thế thế thời phải thế” (ngụ ý: “Thời thế nào có anh hùng nấy, hồi đó tôi làm quan, anh đến khúm núm năn nỉ xin việc, nay anh làm quan, tôi là tù binh của anh, thì anh cứ việc ra tay”).

Phải công nhận một điều là Ngô Thời Nhiệm đối rất chỉnh cả về tư tưởng (đối ý) lẫn về từ ngữ (đối lời) và đó chính là một cái tát cực mạnh khiến Đặng Trần Thường căm tức dùng roi tẩm thuốc độc đánh Ngô Thời Nhiệm cho đến chết. Ở đây, xin không bàn về tư tưởng, chính trị hay quân sự, mà chỉ xin đề cập đến vấn đề chơi chữ rất độc đáo của đôi câu đối sử dụng biện pháp nghệ thuật “điệp từ”: Ở vế ra có 5 chữ “ai” viết giống nhau (ai: ) thì 4 chữ “ai” thuần Việt (ai công hầu, ai khanh tướng, ai dễ biết ai) đều là phiếm chỉ đại danh từ (chỉ trống, nói bóng gió), riêng chữ “ai” trong từ “trần ai” lại là danh từ cùng nghĩa là bụi bặm như từ “trần” và cả 2 ghép lại thành danh từ kép “trần ai” (塵 埃 : bụi bặm, nghĩa bóng là cuộc đời cát bụi). Cũng vậy, ở vế đối có 5 chữ “thế” viết giống nhau (thế: ) thì 4 chữ “thế” thuần Việt (thế Chiến quốc, thế Xuân thu, thế thời phải thế) chỉ là định ngữ hoặc từ đệm, riêng từ Hán Việt “thời thế” (時 世 : tình hình, xu thế của thời đại) lại là một danh từ kép. Đó là nghệ thuật chơi chữ (jeu des mots) độc đáo của cổ nhân.

Sở dĩ kẻ viết bài này dài dòng văn tự về vấn đề từ ngữ của đôi câu đối là có nguyên nhân, vì đang bận tâm suy nghĩ về nghi thức xức tro trong Lễ Tro mở đầu mùa Chay Thánh. Nghi thức này cốt ý nhắc nhở các tín hữu: “Hỡi người! Hãy nhớ mình là bụi tro, một mai rồi sẽ trở về bụi tro…” (“Hỡi người” – TCCĐ). Nhưng tại sao lại có quan niệm đó? Quả thực cuộc sống con người trôi nổi phù phiếm (phù thế nhân sinh: 蜉 世 人 生) chẳng khác gì cát bụi (trần ai: 塵 埃). Ngoài “trần ai”, còn có “trần thế: 塵 世 ”, “trần gian: 塵 間 ”, “trần hoàn: 塵 寰 ”, “hồng trần: 紅 塵 ” ... đều chung một nghĩa: cuộc đời cát bụi. Vì thế nên mới gọi cõi trần ai, cõi trần thế, cõi hồng trần, hoặc vắn tắt hơn: Cõi trần, cõi thế... Vâng, “Cuộc sống con người nơi dương thế, chẳng phải là thời khổ dịch sao?” (G 7, 10) và vì thế cuộc đời được coi là bể trầm luân, bể khổ (“Đời là bể khổ”), nên khi con người quá đau khổ thường than vãn mình lâm cảnh “trần ai đau khổ, kêu trời chẳng thấu!”. Điều này không phải chỉ do con người tự bi thảm hoá cuộc sống mong manh, đau khổ của mình, mà còn được chính Ông Trời khẳng định “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất" (St 3, 19). 

Mùa Chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro qua nghi thức xức tro. Tro là bụi bặm, mà thân xác con người được tạo thành từ bụi đất (“Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” – St 2, 7), nên khi thân xác hư nát sẽ trở về đất cát bụi tro. Ấy cũng bởi vì Nguyên tổ loài người nghe lời xúi giục của ma quỷ mà vi phạm giới luật, nên Thiên Chúa đã phán: “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất." (St 3, 19). Tổ phụ Ap-ra-ham cũng đã thưa với Chúa: “Con chỉ là thân tro bụi” (St 18, 27), ngụ ý thân xác mình được tạo thành từ tro bụi thì khi chết cũng trở về bụi tro mà thôi. Còn tiên tri Giê-rê-mi-a thì mô tả cái chết là “thung lũng tử thi và tro thiêu xác” (Gr 31, 40). Quả đúng là “thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng, cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống vì lo nghĩ trăm bề.” (Kn 9, 15).

Đó là lý do giải thích tại sao trong Cựu Ước có thói quen dùng tro để thực hành khổ chế trong cách ăn chay hãm mình để làm đẹp lòng Thiên Chúa, như ngôn sứ I-sai-a đã viết: “Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa?” (Is 58, 5). Có thể đọc thấy ý nghĩa này trong rất nhiều sách Kinh Thánh Cựu Ước (Gr 6, 26; Is 58, 5; Đn 9, 3; Gn 3, 6; Gđt 4, 11-15.9, 1; Mcb 3, 47…). Sang đến Tân Ước, thì chính Đức Giê-su khi quở trách các thành (Kho-ra-din, Bết-xai-đa) đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm mà không chịu ăn năn hối cải, Người đã nhắc đến việc dùng vải thô và tro để biểu thị sự sám hối: “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, họ đã mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối” (Mt 11, 21; Lc 10, 13).

Dựa theo truyền thống đó, Giáo Hội thiết lập Phụng Vụ Mùa Chay. Theo “Normae de Anno liturgico et Calendario” (Những Quy luật tổng quát về Năm Phụng vụ và Niên lịch) thì “Phụng Vụ Mùa Chay nhằm giúp các dự tòng và các tín hữu chuẩn bị cử hành Lễ Vượt Qua. Các dự tòng được chuẩn bị qua những giai đoạn khác nhau của việc nhập đạo, còn các tín hữu thì qua việc tưởng niệm bí tích Thánh Tẩy và việc sám hối” (AC 27). Như vậy thì có thể hiểu Mùa Chay là mùa toàn Giáo Hội thực hiện đời sống chay tịnh (thanh tẩy + sám hối), chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa Phục Sinh. Sống chay tịnh không chỉ giới hạn trong việc “ăn chay” (Từ nguyên: “ăn không dùng thịt, cá và các chế phẩm từ thịt, cá”), mà còn bao gồm sống ngay thẳng, thật thà (nên tục ngữ VN mói có câu “Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối”) và nhất là sống tinh thần bác ái Ki-tô Giáo. Tuy nhiên, theo thói quen, người ta thường dùng tiếng ăn chay để chỉ việc hãm mình ép xác, tu thân tích đức. Vì thế, cứ tới Mùa Chay là ai cũng nghĩ tới việc ăn chay. Vấn đề đặt ra là phải suy nghĩ xem nên ăn chay như thế nào cho đúng tinh thần Ki-tô giáo, đúng tinh thần Phúc Âm.

Tìm hiểu ý nghĩa và mục đích việc ăn chay trong Thánh Kinh thấy rất đa dạng: Các tín hữu ăn chay là để thờ phượng Thiên Chúa, làm đẹp lòng Thiên Chúa như một nghi thức tôn giáo, một việc đạo đức; để được Thiên Chúa nhậm lời khi cầu nguyện, đi kèm với cầu nguyện để khu trừ ma quỷ; để tỏ lòng ăn năn, sám hối và đi kèm với than khóc để bày tỏ sự buồn bã, hối hận, thương tiếc, lo sợ; đồng thời để đền vì tội lỗi đã phạm, cầu xin Thiên Chúa tha tội. Thật không thể ngờ cách đây hơn 2500 năm, ngôn sứ I-sai-a đã có một quan niệm rất mới về ăn chay: Ăn chay với mục đích đầy tính nhân đạo là thực hiện công bằng và bác ái (“Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” – Is 58, 6-7). Với mục đích ấy, ngôn sứ I-sai-a lên án cách ăn chay chuộng hình thức bề ngoài mà thực chất bên trong chỉ lo kiếm lợi cho mình, áp bức kẻ khác, ăn chay để  “mồm loa mép giải” cãi vã, hoặc “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” đánh lộn tàn bạo (“Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn.” – Is 58, 3-4).

Dùng vải thô và xức tro lên đầu là những hình thức bên ngoài biểu lộ tâm tình ăn năn sám hối bên trong. Nhưng nếu chỉ thực hành như kiểu phô trương “ra vẻ ta đây”, mà trong lòng vẫn “lo kiếm lợi…, áp bức bóc lột…, đôi co cãi vã…, đánh đấm bạo tàn…”, thì cũng kể như không. Như vậy là đã rõ, ăn chay cốt yếu là một việc làm trong nội tâm hơn là việc thể hiện ra bên ngoài. Ăn chay cần kín đáo chứ không cần phô trương (“Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” – Mt 6, 16-18)

Ăn chay phải là “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em” (Ge 2,13). Điều quan trọng là ăn năn hối cải (xé lòng) trở về với Thiên Chúa, hơn là hình thức phô trương bên ngoài (xé áo). Nói như thế không có nghĩa là không cần ăn chay mà chỉ cần đối xử với nhau cho có tình nghĩa, hay chỉ cần thực hiện công lý và bác ái thôi. Thiên Chúa muốn rằng “các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ” (Mt 23, 23). Vì hình thức và nội dung phải đi đôi và gắn kết với nhau: cả hai phải vừa là tiền đề vừa là kết quả của nhau. Vì thế, khi ăn chay, chúng ta vừa ép xác (nhịn ăn hoặc ăn ít) để thực hiện sự khổ chế, đồng thời phải thực hiện nội dung là hãm mình (tránh xa mọi chước cám dỗ, sám hối mọi lỗi lầm, và nhất là thực thi những “chứng tá bác ái”). Điểm cần lưu ý là “Nội dung quyết định hình thức và chỉ có nội dung thiện hảo mới làm cho hình thức thể hiện bên ngoài có giá trị”. Nếu chỉ có hình thức bên ngoài, thì hình thức đó hoàn toàn vô giá trị.

Mùa Chay Thánh năm nay còn mang một ý nghĩa đặc biệt: Đó là năm toàn thể Giáo Hội sống Đức Tin, với “mong muốn rằng Năm Ðức Tin khơi dậy nơi mỗi tín hữu khát vọng tuyên xưng đức tin trọn vẹn và với xác tín được đổi mới, trong niềm tín thác và hy vọng” (Tông thư “Porta Fidei”, số 9). Muốn tuyên xưng đức tin trọn vẹn thì cần phải biết “ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). Ăn chay hãm mình chính là thực hành việc ăn năn sám hối, nhưng cần phải xác tín là thông qua việc làm thiết thực ấy, con người của mình phải được đổi mới toàn diện trong niềm tín thác và hy vọng vào Tin Mừng Cứu Độ. Kiên định với niềm tin ấy, “ước gì Năm Ðức Tin này làm cho quan hệ với Chúa Ki-tô ngày càng vững chắc hơn, vì chỉ trong Ngài mới có sự chắc chắn để hướng nhìn về tương lai và bảo đảm một tình yêu chân thực và lâu bền.” (T/thư “Porta Fidei”, số 15). Và vì thế, "Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, - vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự. Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người." (1Pr 1, 6-9).

Tóm lại, Việc cử hành Mùa Chay, trong bối cảnh của Năm Đức Tin cho chúng ta một cơ hội quý báu để suy niệm về mối quan hệ giữa đức tin và đức ái: giữa việc tin vào Thiên Chúa, Thiên Chúa của Đức Chúa Giêsu Kitô, và tình yêu, là hoa quả của tác động của Chúa Thánh Thần, và là điều hướng dẫn chúng ta trên con đường tận hiến cho Thiên Chúa và cho tha nhân.” (Lời mở đầu Sứ điệp Mùa Chay 2013 của ĐTC Biển Đức XVI), người Ki-tô hữu hãy ăn chay nhiều hơn, thậm chí ăn chay trong suốt cả lộ trình trần thế, bằng cách ăn năn sám hối vì tội lỗi đã mắc phạm với Thiên Chúa, với anh em; đồng thời thực hành đúng Lời Chúa dạy: “Gặp anh em đói thì cho ăn, khát thì cho uống, anh em là khách lạ thì tiếp rước tử tế, anh em trần truồng thì cho mặc, đau yếu thì tới viếng thăm, bị tù đày thì hỏi han chia sẻ” (Mt 25, 35-37). Muốn được vậy, “hãy phó thác thời điểm hồng phúc này cho Mẹ Thiên Chúa, được tuyên xưng là "người có phúc" vì Mẹ “đã tin” (Lc 1, 45), như lời kết trong Tông thư “Porta Fidei”. 

Ôi! Lạy Chúa! Xin ban Thần Khí soi sáng và hướng dẫn con, để con có thể “sống và lớn lên trong Tình Yêu Chúa” ngõ hầu chia sẻ Tình Yêu này cho tha nhân, như lời dạy của ĐTC Biển Đức XVI trong Sứ điệp Mùa Chay 2013 (số 3): “Tóm lại, tất cả phát xuất từ Tình Yêu và hướng về Tình Yêu. Tình Yêu nhưng không của Thiên Chúa được truyền đạt cho chúng ta qua việc rao giảng Tin Mừng. Nếu chúng ta chào đón Tình Yêu này bằng đức tin, chúng ta nhận được sự tiếp xúc đầu tiên và cần thiết với Thiên Chúa, làm cho chúng ta có thể “yêu Tình Yêu”, để rồi chúng ta có thể sống và lớn lên trong Tình Yêu này và vui mừng truyền thông Tình Yêu này cho những người khác.” Ôi! “Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ Lễ Tro).

 

Trang Độc Giả

Trang Nhà