Trang Độc Giả


ĐỜI NGƯỜI!

Chúa Nhật XXXII Thường Niên C

Antôn Lương Văn Liêm

“Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống” (Lc 20,38). 

Đời người! Kể cũng lạ, đôi khi những suy nghĩ ngô nghê chợt loé lên trong tâm trí của một ai đó. Thiên Chúa cũng rảnh ghê…! Nhưng không lại tác dựng lên con người, ban cho một quảng thời gian, ngắn dài tuỳ từng cá nhân, trên dưới trăm tuổi có, đôi ba ngày cũng có, người ta gọi đó là đời người. Để rồi từ hai chữ “đời người” đó, đưa đến cho chính Đấng tác dựng nỗi ưu tư, bận tâm, và ở nơi con người, đời người, biết bao sự tìm tòi, biết bao câu hỏi đại loại như: Vì đâu tôi có mặt trên cõi đời này? Vì đâu tôi mang kiếp người, để rồi phải bôn ba, phiền muộn, khổ đau, bệnh tật và cuối cùng là cái chết…? Sau khi chết tôi sẽ ra sao và đi về đâu…? Đời người quả thật khó hiểu…! 

Không khó hiểu sao được? Khi được sinh ra và lớn lên với hình hài bình thường, cuộc sống thuận lợi, luôn gặp những điều may lành, thành đạt, có chức tước, địa vị ngoài đời cũng như trong nhà đạo; hoặc giả khi sinh ra và lớn lên với những khiếm khuyết về thân thể, cuộc sống bình thường, tầm thường, luôn phải chống trả với tất cả những khổ đau, phiền muộn; hay khi mới tượng hình trong dạ mẹ, hoặc chỉ được nhìn thấy ánh sáng mặt trời đôi ba ngày. Cuối cùng, tất cả đều được gọi là đời người.  

Đời người! Vẫn luôn là đề tài cho các nhà triết học, khoa học, tâm lý học, và ngay cả mỗi cá nhân, đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi: Con người bởi đâu mà có, khi chết con người sẽ ra sao và đi về đâu? Người ta đưa ra những giả định, giả thuyết như thuyết tiến hoá cho rằng “con người bởi khỉ mà ra…”, với niềm tin Phật giáo thì có thuyết luân hồi… Ngay cả những người Xađốc thời Đức Kitô, họ mơ hồ về kết cục của đời người, khi họ đặt ra câu hỏi với Đức Kitô về việc bảy anh em lấy chung một người phụ nữ làm vợ: “Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?” (Lc 20,32). Điều đó nói lên, tất cả con người, mãi loay hoay đi tìm cho mình lời giải đáp. Nhưng tất cả đều đi vào ngõ cụt, chưa có lời giải đáp, hoặc giải đáp không thoả đáng, không thuyết phục. 

Chính vì chưa tìm ra lời giải đáp thoả đáng cho đời người, đặc biệt là sau khi con người giã từ cuộc sống nơi trần gian, hoặc giả người ta có biết, nhưng biết một cách mơ hồ, cộng với lòng kiêu ngạo, đã đẩy đưa con người vào những sai lầm đáng tiếc như: bằng mọi cách và mọi giá vun quén cho mình tất cả những gì đem lại sự thoải mái cho hiện tại, cố gắng hưởng thụ khi có thể, tất cả những điều đó đưa đến sự tranh giành, hơn thua, tàn ác, giả dối… Mạng sống con người chưa được coi trọng, đưa đến việc con người định đoạt mạng sống của nhau như loài cầm thú. Từ đó đem lại cho nhau những hệ quả của khổ đau, những giọt nước mắt; những tiếng kêu ai oán của những người nhỏ bé, khốn cùng, của vong hồn các thai nhi vô tội…

Đời người! Theo sự soi dẫn của Kinh Thánh. Đó là, con người là một tuyệt tác, được sinh dựng và sắp đặt do bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Điều này khởi đi từ tình yêu của Ngài, Ngài sinh dựng nên con người và cho con người quyền trở thành con, thành bạn của Ngài. Ngài ban tặng cho con người tất cả những kỳ công mà Ngài đã tác dựng, đem lại cho đời sống con người được ấm no, hạnh phúc, hơn thế nữa, Ngài còn ban tặng cho con người mọi quyền hành trên vũ trụ và vạn vật, quyền lớn nhất con người được hưởng là luôn ở gần Ngài, thừa hưởng nơi Ngài quyền tự do tuyệt đối, cuộc sống con người luôn gắn liền với cuộc sống của Đấng Tạo Hoá, luôn trường sinh bất tử (x. St 1,1-34). 

Thế thì tại sao con người là thụ tạo do Thiên Chúa sinh dựng lại phải khổ đau và phải chết? Xin thưa! Vì con người lạm dụng quyền tự do mà Thiên Chúa ban tặng, chính sự lạm dụng đó, mà con người đánh mất đi những ân huệ lớn lao của Thiên Chúa, một trong những ân huệ đó là sự trường sinh bất tử, điều này đã được sách Sáng Thế trình thuật trong chương 3. Một khi con người đánh mất đi những ân huệ đó, con người rơi vào tình trạng, nói theo ngôn ngữ của nhà Phật là “đời là bể khổ”. Từ đó con người phải mang lấy những hệ luỵ như “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”, nói rõ hơn là con người phải chết, sau một thời gian nhất định. 

Chết! Có nghĩa là thân xác bất động, tất cả não bộ, lục phủ ngũ tạng ngừng hoạt động; mọi tương quan, ngôn ngữ, hành động đều bị đóng khung. Chết! Con người trở thành nỗi sợ, nỗi ám ảnh cho chính người thân của mình, và sự xa lánh của người thân với mình. Dẫu mới đầu gối tay ấp đó, mới cùng nhau hàn huyên nhỏ to tâm sự đó, dù đó là con mình rứt ruột đẻ ra, là cha, mẹ của mình, hay là người tình vẫn luôn thề thốt với nhau những ngôn ngữ thân thương, trìu mến; nhưng khi cái chết đến, tất cả tình thân đó được đổi lại bằng nỗi sợ hãi, xa lánh.

Điều không thể chối bỏ, đó là khi con người chết đi, dẫu có được điểm trang bằng những chất liệu hảo hạng đi chăng nữa, vẫn không thể nào che giấu đi được sự nhợt nhạt, giá lạnh; thân xác bất động đó, giờ đây nói một cách nào đó, con người còn thua con vật, vì con vật khi chết đi không đem lại cho đồng loại cũng như con người sự sợ hãi, nhưng con người khi chết đi, thì đưa đến cho đồng loại một nỗi sợ, dù đó là người thân. Tuy rất nhiều những nghi thức dành cho người đã ra đi, nhưng có mấy ai dám ở lại một mình giữa đêm vắng với một cái xác bất động và lạnh tanh đó. Đây chính là điều thảm thương và luôn ám ảnh đời người.  

Sự chết! Theo ngôn ngữ của những người không và chưa có niềm tin thì cái chết là một sự chấm dứt của một đời người, có chăng, thì chỉ còn đọng lại những ký ức, những kỷ niệm vui cũng như buồn, còn lại tất cả là con số không. Con người đi vào cõi hư vô rồi tan biến, hoặc theo như thuyết luân hồi, con người hoá kiếp một thành một đối tượng mới, có khi thành những con vật... Cho đến nay, cái chết vẫn là điều bí ẩn cho con người, đặc biệt là những người sống không có niềm tin, không tin và coi như không có Thần Linh, không có Thiên Chúa. 

Sự chết! Theo ngôn ngữ của Kinh Thánh và của những người tin nhận Đức Kitô, thì chết là một sự biến đổi, một trạm dừng trong hành trình đi về với Đấng đã tác dựng lên mình như sách Sáng Thế đã trình thuật: “Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1,28). Vì thế khi trải qua một đời người, tất cả đều quy về với Đấng Tạo Hoá, Đấng làm chủ sự sống của con người, đời người. Như lời của bài hát hay dùng trong thánh lễ an táng: “Con nay trở về, trở về cùng Chúa, Chúa ơi!”. 

Một khi ta tin vào Thiên Chúa là Đấng tác dựng nên ta, nếu ta sống trong và dưới sự bảo bọc của Ngài, thì dù thân xác ta có chết do cái hữu hạn của đời người, nhưng dưới nhãn quan của Thiên Chúa, ta vẫn sống như lời Đức Kitô đã minh định trong trình thuật Tin Mừng hôm nay: “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống” (Lc 20,38). 

Là người Kitô hữu, ta được Thiên Chúa ân ban cho niềm tin, tin có một Thiên Chúa hằng sống, vì yêu đã tác dựng nên ta; tin Con một Thiên Chúa đã xuống thế làm người, Ngài đã chết để cho ta được sống; tin Đức Kitô Con Thiên Chúa đã chết và đã sống lại, đem lại cho ta niềm hy vọng, rồi đây, cho dù ta có chết, ta cũng được sống lại như Ngài, như lời Đức Kitô trả lời cho những người Xađốc về sự sống lại: “Đức Giêsu đáp: “Những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại” (Lc 20,34-36). Đây chính là động lực giúp ta tuyên tín khi đọc kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sẽ sống lại, tôi tin hằng có vậy. Amen”.

Vì thế, mầu nhiệm thứ 1 Năm Sự Mừng ta vẫn nguyện: “Đức Chúa Giêsu sống lại, ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn”. Ta xin cho được sống để trở thành thành viên, là con của Đấng làm chủ sự sống, ta không chỉ xin cho được sống lại khi ta đã chết, nhưng ta xin ngài luôn làm chủ sự sống của ta, trong từng ngày sống, vì Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống.  

Có Ngài, dẫu ta đang chết vì tội lỗi, chết vì những khổ đau trong tâm hồn cũng như thể xác như: bệnh tật, đói nghèo, thất nghiệp, nợ nần, bất hoà, chia rẽ, hận thù, đố kỵ, kiêu căng… Ta vẫn được sống trong sức mạnh và bình an của Ngài. Cuối cùng, khi hết hạn của đời người nơi trần thế, ta được ở bên Ngài, với Ngài vui hưởng hạnh phúc viên mãn trên Thiên Quốc. Nhờ Chúa và trong Chúa, đời người không còn những dấu chấm hỏi hay chấm than, nhưng đời người là một quà tặng, là ân sủng của Thiên Chúa. Từ đó, mời gọi ta sống sao cho hai chữ “đời người” trở thành một bài ca, với những cung điệu trầm bổng luôn cảm tạ, tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa. 

Trong tháng 11 và sống tháng 11, ta được Giáo Hội nhắc nhở ta hướng về các linh hồn nơi luyện ngục, đặc biệt là hướng về mầu nhiệm các Thánh cùng thông công. Ta đang là những người đang miệng nói, chân bước, được gọi là Giáo Hội Lữ Hành, hướng về trời cao hiệp cùng với các Thánh nam nữ là Giáo Hội Khải Hoàn, nhờ các ngài và cùng với các ngài ta khấn nguyện, dâng những thánh lễ; những lời kinh nguyện, việc lành, bác ái, nhờ sự đồng hành của Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse. Nguyện xin Đấng ban sự sống và làm chủ sự sống, Đấng là Thiên Đàng vĩnh cửu, thương xót và cứu vớt các linh hồn nơi luyện ngục, trong đó có những người thân trong gia đình, gia tộc của ta là Giáo Hội Thanh Luyện, được sớm vui hưởng thánh nhan Chúa Trên Thiên Đàng. 

Ngoài những ý nghĩa đó, cũng nhắc nhở ta hãy cùng giúp nhau, hợp nhất với nhau trong lời kinh nguyện; bằng tình yêu thương, tha thú; bằng sự đồng cảm, hy sinh và chia sẻ, như lời mời gọi của Thánh Phaolô: “Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em.Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ. Ai ngủ, thì ngủ ban đêm; ai say sưa, thì say sưa ban đêm. Nhưng chúng ta, chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ. Vì Thiên Chúa đã không định cho chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ, nhưng được hưởng ơn cứu độ, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chết vì chúng ta, để dầu thức hay ngủ, chúng ta cũng sống với Người. Vì thế, anh em hãy an ủi nhau và xây dựng cho nhau, như anh em vẫn làm” (1 Tx 5,4-11). 

Để kết, xin mượn lời của vua thánh Đavít thân thưa cùng Chúa:  

Lạy Chúa! Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ. Phần tuyệt hảo may mắn đã về con, vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn, con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy; ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con, con luôn nhớ có Ngài trước mặt; được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.

Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan, thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn. Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ; Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống. 

Trước Thán Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi! Về phần con, sống công minh chính trực, con sẽ được trông thấy mặt Ngài, khi thức giấc, được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan (Tv 16,5-11;17,15).

Sài Gòn, ngày 4/11/2010