VÂNG PHỤC CÁC NGÀI
(Lễ Thánh Gia Thất - Năm C)

P. Trần Đình Phan Tiến

Lễ Thánh Gia là lễ của lòng khiêm nhường, của sự vâng phục. Vâng! Thật thế! Thiên Chúa muốn giáo huấn con người bằng sự khiêm nhường, nên Ngài đã sai Con Một đến trần gian. Một sự khiêm nhường đáng giá, muốn nhận lấy sự hữu hình, sống kiếp phàm nhân, Đấng cứu thế hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa Cha, mặc lấy thân xác hữu hình, Người phải có cha mẹ. Và hôm nay, Kinh Thánh thuật lại việc Chúa Giêsu cùng Mẹ Maria Và Thánh cả Giuse lên Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua.

Câu chuyện diễn ra cũng hết sức bình dị, gồm có 3 phần: phần I) Thánh Gia đi lên Thành Thánh dự lễ và Chúa Giêsu ở lại trong Đền thờ. Phần II) Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse gặp lại Chúa Giêsu sau ba ngày tìm kiếm. Phần III) Chúa Giêsu cùng cha mẹ trở về và hằng vâng phục các ngài cho đến lớn trong ân nghĩa Thiên Chúa và được lòng mọi người.

Như vậy, đoạn Tin Mừng (Lc 2,41-52) hôm nay cho thấy trình thuật của câu chuyện mang tính gia đình, nhưng gia đình của một Vị Thiên Chúa làm Người, được gọi là Thánh Gia.

Vâng! Thánh Gia là một gia đình Thánh, một gia đình gương mẫu cho tất cả mọi gia đình. Chúng ta thấy sự hữu hình làm Người của Con Thiên Chúa có những điểm khác biệt trong những điểm bình dị.

Đó là việc đi mừng lễ là việc bình thường của một người như bao người khác, để thể hiện sự phụng thờ Thiên Chúa là Cha, Đấng toàn năng. Nhưng đó là chu toàn phần nhân tính của Chúa Giêsu, còn phần Thiên tính của Người thì vượt xa tất cả, bởi vì Người là Thiên Chúa, việc Người tranh luận trong đền thờ giữa các người luật sĩ minh chứng cho thấy điều ấy, vì một cậu bé mới mười hai tuổi, làm sao có thể hiểu được những mầu nhiệm về chân lý, trong khi đó những người kinh sư là thầy dạy về Kinh Thánh, về tuổi tác và kinh nghiệm thì chắc chắn hơn hẳn cậu bé mười hai tuổi, như ngày nay người ta thường nói, đó là thần đồng. Vâng! Chúa Giêsu chính là “thần đồng” về Kinh Thánh, bởi vì Người là Thiên Chúa.

Nhưng khi chứng kiến sự kinh ngạc này, Đức Mẹ đã lấy làm sửng sốt, nhưng Mẹ đã hiểu ngay và nhận ra những điều kỳ diệu nơi Chúa Giêsu là Thiên Chúa và đồng thời là Con của Mẹ.

Tuy vậy, nhưng khi bị lạc Con, Đức Mẹ rất đau xót, Đức Mẹ không dửng dưng, không bỏ mặc, mà Đức Mẹ cùng Thánh Giuse đã trở lại tìm kiếm Chúa Giêsu. Chúng ta thấy ở điểm này là tình mẫu tử thiêng liêng cao quý, nhân tính biểu lộ nơi Thánh Gia, dẫu Đức Mẹ biết Người là Con Thiên Chúa đấy, nhưng bằng nhân tính nơi Đức Mẹ, Đức Mẹ cũng hết sức bảo bọc và chu toàn cho Đấng làm Người. Nhưng điểm quan trọng ở đây là sự vâng phục, Thiên Chúa đã hạ mình xuống để vâng phục con người, nên chi, những người được chọn cũng phải biết vâng phục Thiên Chúa. Đoạn Tin Mừng hôm nay, tuy lời văn diễn đạt rất bình dị, nhưng ý nghĩa thần học rất sâu sắc. Đó là sự vâng phục, vâng phục trong những biến cố nhỏ nhất trong cuộc đời nhân thế của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm Người. Vâng! Nếu như không có sự vâng phục đó, thì sẽ đảo lộn vai trò Cứu Thế của Thiên Chúa. Chúng ta thử tưởng tượng xem, nếu Chúa Giêsu không vâng phục Thiên Ý, thì Người không xuống thế làm Người. Khi Người ở lại trong đền thờ, thì sau đó Người cũng có thể “bay” về mà không cần Cha mẹ tìm kiếm. Nhưng Chúa Giêsu không phải là tề thiên, Người đã vâng phục các ngài… Còn Người ngày càng khôn lớn trong ân sủng Thiên chúa trước mặt mọi người (c 51-52).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa hằng vâng phục Thiên Chúa Cha trong mầu nhiệm làm Người, và như thế Chúa đã vâng phục Đức Mẹ và Thánh Giuse trong mọi trường hợp. Xin ban cho chúng con noi theo đức khiêm nhường đích thực trong mọi hoàn cảnh mà vâng theo Thánh ý Chúa trong mọi sự. Amen.

30/12/ 2012

Trang Độc Giả

Trang Nhà