Trang Độc Giả


Thiên Chúa làm người để con người được làm Thiên Chúa

Giuse Vũ Vinh Đức

Có một câu chuyện ngụ ngôn người ta kể rằng: có một chú sư tử con, bị lạc mẹ, gặp một đàn dê, đàn dê thấy chú sư tử con dễ thương nên cho về sống chung. Từ đó chú sư tử con ăn cỏ như dê, kêu be be như dê. Nó chẳng có gì thắc mắc cả, vì nó cũng cứ tưởng nó là dê. Thế rồi, có một hôm có một con sư tử già đến trình mồi nơi đàn dê, nó mới khám phá ra rằng tại sao trong bầy dê lại có một thằng sư tử chơi vui vẻ với dê, ăn cỏ như dê, kêu be be như dê. Nó mới tìm cách nói chuyện với con sư tử con: mày là sư tử sao mày lại chơi với lũ dê và kêu be be như dê thế, mày là sư tử sao lại ăn cỏ như vậy? thế mày không biết nhục à. Nói thế nào thì nói, chú sư tử con vẫn cứ be be thôi. Bực quá, chú sư tử già mới ngoặm ngang cổ chú sư tử con tha đi đến bên một bờ suối. Mày nhìn đi, mày giống tao hay giống mấy thằng dê kia. Chú sư tử con nhìn vào dòng suối thấy mặt mình quả thật giống cái ông sư tử này chứ không giống các bạn dê của mình. Nó bắt đầu tìm lại chất sư tử ở trong nó, mà bấy lâu nó đánh mất, bị nhấn chìm khi nó đồng hóa mình với đàn dê. Qua câu chuyện ngụ ngôn đó, phần nào giúp chúng ta hiểu Thiên Chúa đến giữa dòng đời này để giúp cho con người chúng ta tìm lại, khám phá lại vận mệnh, ơn gọi cao cả của mình. Cái ơn gọi và vận mệnh mà đang bị những lo toan cơm áo gạo tiền hằng ngày, bị những cơn cám dỗ xác thịt, tiền tài, danh vọng chi phối. Khiến cho nhiều khi chúng ta quên mất cái ơn gọi và vận mệnh của mình, quên mất mình là ai. Ta tưởng rằng cuộc đời của mình chỉ có thế này thôi, ta cứ sống là là mặt đất vậy, giống như con sư tử con cứ tưởng mà là dê mà thôi. Chúa đến nhắc cho mình ơn gọi và vận mệnh của mình là trở nên như Thiên Chúa, được đồng hình và đồng dạng với Chúa Kitô. Như lời một Giáo phụ đã nói, “Thiên Chúa làm người để con người được làm Thiên Chúa”. Vì thế lễ Giáng sinh không phải chỉ đến một năm một lần với tiếng nhạc du dương, với hoa đèn sáng rực, với những hang đá được trang hoàng đẹp mắt, càng không phải chỉ đến một năm một lần trong những khu phố sầm uất, trong những tiệc tùng, lễ hội. Giáng sinh là mỗi lần mình vượt lên trên những cám dỗ, những đam mê thấp hèn, những yếu đuối của bản thân để đến với Thiên Chúa. GS là mỗi lần con người biết mở rộng tâm hồn để đón nhận Chúa đến trong từng biến cố của cuộc đời, nhìn vào những dấu hiệu ân thầm, và ngay cả những mất mát của cuộc sống để dấy lên niềm hy vọng. Giáng sinh là mỗi lần chúng ta dám đập vỡ cái vỏ ốc của sự tự cao tự đại, của những ích kỷ hẹp hòi để đến với tha nhân. Vì thế, GS không phải là một câu chuyện được kể một năm một lần, nhưng là một câu chuyện dài, được kể mỗi ngày, mỗi biến cố trong cuộc đời của chúng ta, là ơn gọi, là vận mệnh, nhắc nhớ ta phải trở nên con cái của Cha trên trời. Để cho mầu nhiệm nhập thể, nhập thế làm người của Chúa, kéo dài trong từng biến cố của cuộc đời chúng ta. Trước hết chúng ta hãy nhìn vào trong hang đá Bêlem để thấy được sứ điệp Chúa gửi đến cho mỗi người chúng ta: sứ điệp của Tình Yêu. Vì yêu thương con người, - Thiên Chúa hóa thân làm một trẻ sơ sinh để mời gọi ta hãy biết tôn trọng sự sống. - Thiên Chúa sinh ra làm một trẻ thơ yếu ớt để mời gọi ta hãy biết yêu thương những người bé nhỏ, yếu hèn. - Thiên Chúa sinh ra trong cảnh nghèo nàn để mời gọi ta hãy biết nâng đỡ những người nghèo khổ. - Thiên Chúa sinh ra trong một gia đình để mời gọi ta hãy biết bảo vệ những truyền thống tốt đẹp đem lại hạnh phúc cho gia đình. - Và trên hết, Thiên Chúa làm người để cho con người được hiệp thông. Hãy nhìn vào máng cỏ mà coi, những người nghèo hèn dốt nát như các mục đồng, những người giàu sang như các vua, và thậm chí cỏ cây súc vật cũng hà hơi sưởi ấm, quây quần bên Chúa Hài Nhi. Thật là một hình ảnh của sự hiệp thông. Hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa, hiệp thông giữa con người với nhau. Hài Nhi nằm trong máng cỏ, Hài nhi ấy chính là Thiên Chúa và cũng là con người. Chính nhờ Ngài mà chúng ta mới có sự hiệp thông với Thiên Chúa, cũng như giữa chúng ta với nhau. Kính thưa, lễ Giáng Sinh là lễ của niềm vui. Vui vì con người được Thiên Chúa yêu thương. Vui vì con người được nâng lên địa vị cao trọng. Chúa làm người để con người được kính trọng. Con người cao quý vì đã được nâng lên làm con Thiên Chúa. Vì thế, để mừng lễ Chúa Giáng Sinh cho đúng ý nghĩa, tôn thờ Thiên Chúa vẫn chưa đủ, ta còn phải yêu thương kính trọng người khác, vì họ cũng được Chúa yêu thương. Viếng hang đá thôi chưa đủ, ta còn phải đến viếng những nhà tranh vách đất, giúp dựng lại những túp lều xiêu vẹo. Chỉ đến viếng Chúa Giêsu bé thơ thôi chưa đủ. Ta còn phải đến viếng những trẻ em bị bỏ rơi, vực dậy những tuổi thơ bất hạnh. Chỉ cảm thương Thánh Gia trong hang đá nghèo nàn thôi chưa đủ. Ta còn phải cảm thương, quan tâm săn sóc tới những thành viên trong chính gia đình của mình… Sống được như thế, chúng ta có được một lễ Giáng Sinh thật ý nghĩa, và đó cũng chính là ơn gọi và vận mệnh của tất cả mỗi người chúng ta, sống được như thế chúng ta mới cớ thể hát vang lời ca: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người Chúa thương”