Tình Thương Tha Thứ và Biến Đổi

Lm. Anthony Trung Thành

 Thánh Phaolô còn được gọi là Saolô, là người Do thái, sinh tại Tarxô, xứ Kilikia. Nhờ theo học với thầy Gamaliel, là một Rabbi nổi tiếng thời bấy giờ, nên Saolô đã trở thành một Pharisiêu nhiệt thành với truyền thống của các tiền nhân. Ngài đã từng đi bắt bớ các Kitô hữu. Sách Công vụ tông đồ tường thuật lại: Một hôm đang trên đường đi lùng bắt các kitô hữu, Saolô đã bị té ngựa, cú ngã ngựa làm thay đổi cuộc đời của Ngài. Sau biến cố đó, Ngài đã trở thành Kitô hữu(x. Cv 22, 3-16 hoặc Cv 9, 1-22). Tuy không thuộc nhóm Mười Hai, nhưng Ngài được gọi là Tông đồ. Điều đó cho chúng ta thấy vị trí và vai trò quan trọng của Ngài trong Giáo hội. Trong ba cuộc hành trình truyền giáo, Ngài đã thiết lập nhiều cộng đoàn như: Antiokia; Cilicia; Athens; Corintô; Galata; Thessalonica…Ngài đã để lại cho Giáo hội một kho tàng vô giá là 13 thư mục vụ: Rôma; 1 và 2 Corintô; Galata; Ephêsô; Philiphê; Côlôsê; 1 và 2 Thesalônica; 1 và 2 Timôtê; Titô và Philêmon. Ngài bị chém đầu tại Rôma vào khoảng năm 62 - 64.

 

Một vài nét liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Thánh Phaolô, cho chúng ta thấy tình thương của Thiên Chúa được thể hiện một cách rõ nét nơi Thánh Phaolô. Đó là Tình Thương Tha Thứ, Tình Thương Biến Đổi và Sự Đáp Trả Tình Thương nơi Thánh Phaolô.

 

1. Tình Thương Tha Thứ

 

Đọc Kinh Thánh chúng ta thấy tha thứ là một đề tài được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Bởi vì, bản tính con người yếu đuối hay lỗi phạm. Thiên Chúa là Đấng hay tha thứ. Ngài tha thứ luôn luôn. Ngài tha thứ mỗi khi con người hối cải ăn năn. Ngài tha thứ kể cả khi con người không xin tha thứ. Khi Phêrô hỏi Chúa Giêsu phải tha thứ bao nhiêu lần, có phải bảy lần không? Chúa Giêsu đã cho biết: Không phải bảy lần mà bảy mươi lần bảy(x. Mt 18,22). Ngài còn dạy cho các môn đệ tha thứ cho kẻ thù của mình:“Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6,27-28). Ngài không những dạy cho chúng ta bài học tha thứ mà còn làm gương cho chúng ta khi Ngài tha thứ cho Phêrô, cho người phụ nữ phạm tội ngoại tình. Đặc biệt, trên thập giá trước khi tắt thở Chúa Giêsu đã cầu xin Chúa Cha tha cho kẻ làm hại mình: Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34). Và hôm nay, Phaolô là kẻ thù của Chúa, đang trên đường đi lùng bắt các Kitô hữu. Chúa đã tha thứ cho Phêrô bằng biến cố ngã ngựa. Tất cả là bằng chứng của một  Tình Thương Tha Thứ.

 

2. Tình Thương Biến Đổi

 

Suốt ba năm rao giảng Tin Mừng, nhờ tình thương, Chúa Giêsu đã biến đổi biết bao nhiêu người: Một Lêvi thu thuế trở thành Mathêu Tông đồ, là tác giả chép Tin Mừng. Một Giakêu tham ô, tham nhũng trở thành một người biết quảng đại cho đi, biết bố thí cho người nghèo và biết đền trả cách cân xứng những lỗi phạm về đức công bằng. Một Mađalêna là tội nhân, người “bị bảy quỷ ám” đã trở thành một thánh nhân...Có thể nói, những ai gặp gỡ Đức Kitô đều biến đổi cuộc đời mình. Và hôm nay, sách Công vụ Tông đồ kể lại: Chúa Giêsu đã biến đổi Saolô, từ một người biệt phái, bắt bớ các Kitô hữu, phá hoại Giáo Hội trở thành người kitô hữu và tông đồ rao giảng Tin mừng cho dân ngoại. Đó là Tình Thương Biến Đổi.

 

3. Sự Đáp Trả Tình Thương

 

“Lạy Chúa con phải làm gì?” (Cv 22,10). Và Chúa đã muốn Phaolô trở thành người Kitô hữu. Ông được lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy bởi ông Anania. Nhưng trong thời gian đầu mới trở thành người kitô hữu, Ngài gặp rất nhiều khó khăn, kể cả bị chống đối từ những người Do thái và những người Kitô hữu. Từ một người nhiệt thành với đạo Do Thái, thậm chí còn tìm cách tiêu diệt người kitô hữu, nay trở thành người kitô hữu, loan báo về Đức Kitô nên Ngài đã tạo sự nghi ngờ và phận nộ từ những người Do Thái. Ngài chưa thực sự có được lòng tin từ các Tông đồ và các Kitô hữu. Khi Ngài đến Giêrusalem để tìm cách nhập đoàn với các môn đệ “Nhưng mọi người vẫn còn sợ, vì họ không tin Ngài là một môn đệ”(x. Cv 9,26). Chính Ngài cũng thú nhận rằng, nhiều người nhận ra Ngài qua việc Ngài bắt bớ các Kitô hữu: “Nhưng lúc ấy các Hội Thánh Đức Kitô tại miền Giuđê không biết mặt tôi. Họ chỉ nghe nói rằng: Người trước đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức tin mà xưa kia ông những muốn tiêu diệt” (Gal 1, 22-23).

 

Dầu vậy, Ngài đã kiên trì vượt qua khó khăn ban đầu và cống hiến hết tài năng và sức lực của mình để loan báo Tin Mừng cho dân ngoại. Trong thời gian 30 năm, Ngài đã thực hiện ba cuộc hành trình truyền giáo đầy gian nan vất vả, có thể tóm tắt theo lời kể của Ngài trong thư 2 Côrintô sau đây: “…Bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng. Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh!”(x. 2Cr 11, 23-28).

 

Thành quả mà Ngài đạt được, khó khăn mà Ngài vượt qua được là nhờ niềm tin và sự gắn kết của Ngài với Đức Ktiô, Ngài nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”(x. Gal 2,20). Tình yêu của Ngài đối với Đức Kitô bền chặt đến nỗi không có gì tách khỏi được, chính Ngài đã khẳng định: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?...Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta"(Rm 8, 35-39).

 

Với chúng ta hôm nay, đa số chúng ta được sinh ra trong gia đình Công Giáo. Bí tích Rửa tội biến đổi chúng ta thành con cái Thiên Chúa. Bí tích Thêm sức biến đổi chúng ta thành chiến sỹ của Chúa Thánh Thần. Bí tích Hoà Giải giúp chúng ta trở lại với Chúa mỗi khi chúng ta mắc tội, nhất là tội nặng. Bí tích Mình Thánh Chúa giúp chúng ta kết hợp mật thiết với Chúa và các thành phần trong Giáo Hội…Có lẽ chúng ta hạnh phúc hơn cả Phaolô ngày xưa. Hãy lắng đọng tâm hồn để cảm nhận tình thương của Thiên Chúa. Hãy để cho tình thương của Thiên Chúa tha thứ và biến đổi chúng ta mỗi ngày. Và, hãy phổ biến tình thương của Thiên Chúa bằng đời sống dấn thân phục vụ vì Tin Mừng.

 

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa, vì yêu thương mà Chúa đã tha thứ và biến đổi Thánh Phaolô. Nhìn lại cuộc đời chúng con, đã bao lần Chúa cũng đã dùng tình thương để tha thứ và biến đối chúng con, nhất là khi chúng con phạm tội trọng mất lòng Chúa. Xin cho chúng con biết noi gương thánh Phaolô đáp lại tình thương của Chúa bằng niềm tin, cậy, mến, biết dùng khả năng của mình để phục vụ Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Amen

Trang Độc Giả

Trang Nhà