THÀNH QUẢ TỐI HẢO CỦA GIAO ƯỚC TÌNH YÊU 

(CN XXXI/TN-B – Lễ Các Thánh Nam Nữ – 01/11)

JM. Lam Thy ĐVD

Nói về Tình Yêu Thiên Chúa, thánh sử Gio-an đã khẳng định: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 8). Tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người là vô cùng vô tận: Vì tình yêu, Người đã dựng nên loài người có nam có nữ; cũng vì tình yêu, Người đã ban cả Con Một làm giá chuộc muôn người. Và chính Đức Giê-su Ki-tô – Con Thiên-Chúa-làm-người – luôn luôn truyền dạy: "Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta." (Mt 7, 12); "Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em." (Ga 15,12); "Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau." (Ga 13, 15). Người không chỉ giảng dạy, mà còn hiện thực hóa Tình yêu cao vời khôn ví đó bằng chính sinh mạng mình trên Thập Giá. Quả thật Tình yêu Thiên Chúa đã lên tới tuyệt đỉnh: “Ngài đã sai Con Một Ngài xuống thế gian, sinh bởi Đức Nữ Đồng Trinh Maria, để biểu lộ tình yêu của Ngài cho chúng ta một cách quyết liệt” thông qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh.

 

Vâng, “Chúa Giê-su Ki-tô là khuôn mặt của lòng thương xót Chúa Cha. Những lời này có thể tổng hợp sâu sắc mầu nhiệm của đức tin Ki-tô. Lòng Thương Xót đã trở nên sống động và hữu hình nơi Đức Giê-su thành Na-da-rét, và đạt đến đỉnh cao nơi Ngài. Chúa Cha, “giàu lòng thương xót” (Ep 2, 4), sau khi đã mạc khải danh Ngài với Mô-sê như là “một Thiên Chúa nhân từ và đầy thương xót, chậm bất bình, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34, 6), đã không ngừng thể hiện, bằng nhiều cách khác nhau trong suốt lịch sử, bản tính Thiên Chúa của Ngài. Vào “thời viên mãn” (Gl 4, 4), một khi tất cả mọi thứ đã được sắp xếp theo đúng kế hoạch cứu rỗi của Ngài, Ngài đã sai Con Một Ngài xuống thế gian, sinh bởi Đức Nữ Đồng Trinh Maria, để biểu lộ tình yêu của Ngài cho chúng ta một cách quyết liệt. Bất cứ ai nhìn thấy Chúa Giê-su cũng là thấy Chúa Cha (x Ga 14, 9). Chúa Giê-su thành Na-da-rét, qua lời nói, hành động, và toàn bộ con người của Ngài đã thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa.” (Tông thư “Misericordiae Vultus – Khuôn Mặt Xót Thương”, số 1).

 

Trong Thông điệp "Thiên Chúa là Tình Yêu", ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI đã lý giải rất rõ ràng về Tình Yêu Thiên Chúa. Luận điểm của ĐGH đã đi từ Cựu Ước tới Tân Ước theo "nhãn quan tôn giáo" (thần học – triết lý siêu nhiên) để nhận định và lý giải Tình Yêu của Thiên Chúa đối với loài người. Tuy nhiên, ngài vẫn không quên "nhãn quan triết học" (triết lý nhân sinh), khi ngài viết: "Chiều kích triết học đáng nêu ra trong hình ảnh Thánh Kinh này, và tầm quan trọng từ quan điểm lịch sử các tôn giáo, là một mặt chúng ta thấy mình đứng trước một hình ảnh rất siêu hình của Thiên Chúa: Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối và là nguồn mạch của mọi loài; nhưng mặt khác, chủ tể tác tạo hoàn vũ này – Logos, Đấng Thượng trí – lại đồng thời là một người biết yêu với tất cả đam mê của một tình yêu thật sự. "Eros" (tình ái) vì thế đã nên tột cùng cao quý, nhưng đồng thời thuần khiết đến độ nên một với "agape" (tình bác ái)." (xc Thông điệp "Thiên Chúa là Tình Yêu – Deus Caritas Est", số 19).

 

Thời Cựu Ước, Luật Mô-sê đuợc ban bố cho dân thi hành có tới 613 điều (trong đó có 365 điều xấu cấm làm và 248 điều tốt dạy phải làm). Tuy nhiên, giới luật của Thiên Chúa được ghi trên bia đá và trao cho ngôn sứ Mô-sê trên núi Si-nai (Xh 20, 1-21) chỉ có 10 điều, trong đó bao gồm 3 điều về yêu mến Thiên Chúa và 7 điều còn lại là yêu thương đồng loại. Như vậy, rút gọn lại, chỉ còn 2 điều cơ bản: Mến Chúa + yêu người. Và để tìm ra 2 giới luật căn bản này thì lại thấy ở 2 sách khác nhau trong Cựu Ước: Điều răn đầu trong sách Đệ nhị luật: "Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng, hết dạ, hết sức anh (em)" (Đnl 6, 5); điều răn sau trong sách Lê-vi: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19, 18). Đến thời Tân Ước thì chính Đức Giê-su Ki-tô – hiện thân của Thiên Chúa Tình Yêu – đã truyền dạy: "Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó." (Mc 12, 29-31).

 

Tuy rằng Đức Ki-tô vẫn nói đó là 2 điều răn, nhưng thực chất giới răn này chỉ có một nội dung duy nhất là "Tình Yêu" được thể hiện bằng 2 chiều kích: Mến Chúa + yêu người. Hai chiều kích đó vừa là tiền đề vừa là kết quả của nhau, đan quyện vào nhau, không thể tách rời. Thật vậy, không thể yêu Thiên Chúa cách đích thực mà không yêu tha nhân, và ngược lại, không thể yêu tha nhân mà lại không yêu Thiên Chúa được. Vì thế, ngay sau Lời dạy của Đức Ki-tô, thì chính kẻ đã thắc mắc – một kinh sư – cũng phải thốt lên: "Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ." (Mc 12, 32-33); và được Thầy Chí Thánh chúc  phúc: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!" (Mc 12, 34).

 

Thánh Gio-an đã quả quyết: "Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy." (1Ga 4, 20). Và thánh Phao-lô cũng đã viết: "Tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Gl 5, 14); "Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Ki-tô." (Gl 6, 2). Ấy là chưa kể chính Đức Ki-tô trong lời dạy về ngày cánh chung cũng khẳng định: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy." (Mt 25, 40). Muốn yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực, thì phải yêu tha nhân như yêu chính mình. Và chỉ có yêu tha nhân như yêu chính bản thân mình mới là yêu mến Thiên Chúa thực sự. Rõ ràng chính Tình Yêu đã nối kết 2 chiều kích lại thành một giới răn quan trọng nhất – giới luật căn bản của Ki-tô giáo: “Mến Chúa + yêu người”.

 

Một tấm gương sáng ngời cho các Ki-tô hữu về việc thực thi giới luật căn bản này là các Thánh Nam Nữ mà toàn thể Giáo hội mừng kính hôm nay (01/11). Bài đọc 1 trong Thánh lễ hôm nay (Kh 7, 2-4.9-14) trình thuật thị kiến về các Thánh Nam Nữ; đó là “một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: "Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta.” Các Thánh Nam Nữ “đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên." Áo của các ngài đã được “giặt sạch và tẩy trắng trong máu Con Chiên”, chính là vì các ngài đã đi theo Con Đường của Chiên Thiên Chúa Giê-su Ki-tô. Một cách cụ thể là trong cuộc lữ hành trần thế, các ngài đã thấm nhiễm và triệt để sống và hành động theo Lời Toàn Năng, đã kiên trì vượt thắng mọi thử thách nghiệt ngã, kể cả việc sẵn sàng đổ máu mình ra như Máu Con Chiên đã đổ ra trên thập giá, làm lễ vật hy sinh dâng lên Thiên Chúa Cha, đồng thời thanh tẩy cõi trần nhơ uế. Máu Con Chiên đã hoà trộn với máu các ngài, tẩy sach mọi vết nhơ khiến các ngài trở nên trong trắng tinh tuyền và vì thế áo các ngài (phản ánh trung thực chân dung của các ngài) cũng trắng tinh như tuyết, không gợn chút bụi trần.

 

Một cách cụ thể, các Thánh đã thực sự trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su Thiên Chúa, tức là đã sống và phục vụ đúng như Lời Chúa dạy: “yêu Chúa hết lòng, hết sức lực và hết trí khôn, yêu người thân cận như chính mình”. Các thánh đã đạt được thành quả tối hảo của Giao ước Tình Yêu, chính là vì các ngài là những chứng nhân cao cả đã đổ máu vì “đức tin hành động qua đức ái” (Gl 5, 6). Do đó, các ngài đã liên kết với Giáo hội Lữ hành khắng khít hơn trong Chúa Ki-tô, nên với lòng yêu mến đặc biệt, Giáo hội tôn kính các ngài cùng Ðức Trinh Nữ Maria và các Thánh Thiên Thần, và sốt sắng nài xin các ngài trợ giúp, cầu bầu cho. Điều đó cho thấy tại sao Giáo hội lại để Lễ kính Các Thánh Nam Nữ vào ngày đầu tiên và lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời vào ngày thứ hai trong tháng 11 – tháng “Cầu Cho Các Linh Hồn”.

 

Như vậy, để được nên như “Đoàn người áo trắng”, thì mỗi Ki-tô hữu đều phải trải qua cuộc thanh luyện tất yếu (hoặc thanh luyện tại thế như các vị Hiển thánh hay Tử vì Đạo, hoặc sẽ được thanh tẩy trong luyện ngục). Và cuộc lữ hành trần thế sẽ tới đích điểm là được cùng với “Đoàn người áo trắng” hợp hoan hoà tấu ca khúc khải hoàn trên Thiên quốc. Mừng kính lễ “Các Thánh Nam Nữ” và hiệp thông lễ “Cầu Cho Các Linh Hồn” trong tháng 11, người Ki-tô hữu hãy “Kính cẩn đón nhận niềm tin cao trọng của tiền nhân chúng ta trong việc hiệp thông sống động với các anh em được hiển vinh trên trời hay còn phải tinh luyện sau khi chết… Việc tôn kính các Thánh đích thực không hệ tại nhiều ở những việc bề ngoài bằng ở cường độ tình yêu tích cực của chúng ta. Tình yêu ấy giúp chúng ta tìm thấy "một gương mẫu trong khi gặp gỡ các ngài, được thông hiệp qua việc kết hợp với các ngài và được các ngài cầu bầu trợ giúp" (Hiến chế Tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium”, số 51).

 

Vâng, chính vì tình yêu mà các Thánh nam nữ được hợp hoan bản hoà tấu Lời trên Thiên quốc. Các Thánh không chỉ là gương mẫu cho chúng ta, mà các ngài còn là nguồn trợ lực giúp chúng ta nên thánh, nếu chúng ta biết chạy đến với các ngài. Các ngài cũng là con người như chúng ta nên các ngài hiểu rất rõ những yếu đuối, những bất toàn của phận làm người; vì thế, khi chúng ta kêu cầu các ngài, chắc chắn các ngài sẽ tận tình cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta, để sau này chúng ta cùng được hưởng vinh phúc với các ngài trên quê Trời vĩnh cửu.

 

Ôi! Lạy Chúa! Thánh Phao-lô đã dạy chúng con sống làm sao cho xứng với Tin Mừng của Chúa (“Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Ðức Ki-tô” – Pl 1, 27). Cúi xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của các Thánh Nam Nữ, thương ban cho chúng con một lòng Mến bao la xây dụng trên một niềm tin sắt đá vào Tin Mừng cứu độ, để chúng con ăn ở cho xứng đáng với Lời Chúa hằng răn dạy chúng con: “Yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình.” – Lc 10, 37).

 

Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu. Trong ngày đại lễ hôm nay, Chúa cho chúng con được mừng kính toàn thể các thánh trên trời. Nhờ bấy nhiêu vị hằng nguyện giúp cầu thay, chúng con tin tưởng nài xin Chúa cho chúng con được dồi dào ân sủng như lòng vẫn ước mong. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ – lễ Các Thánh).

Trang Độc Giả

Trang Nhà