Trang Độc Giả


ĐỨC MẸ SẦU BI !

P. Trần Đình Phan Tiến

Các tác giả có lòng sùng kính Đức Mẹ cách riêng ,đã nói về nguồn gốc cũng như chia sẻ về ngày Lễ Kính Đức Mẹ Sầu Bi. Thật sự, trước đây các thánh gọi là “Lễ Bảy Sự”, có nghĩa là Giáo Hội kính nhớ những sự đau khổ của Đức Mẹ trong chương trình cứu độ của Đấng Cứu Thế. Có ý nêu bật bảy sự kiện liên quan đến mầu nhiệm cứu chuộc của Đức Giêsu – Kitô. Nên gọi là “ BẢY SỰ THƯƠNG KHÓ ĐỨC BÀ”, nhưng ngày nay có lẽ không những ghi nhận bảy sự mà thôi, mà cuộc đời Đức Mẹ, hầu như là THƯƠNG KHÓ . Nên chi Giáo Hội muốn tôn sùng Đức Mẹ bởi một tước hiệu gói gọn hơn, nhưng có ý trọn vẹn hơn, để chỉ về mọi nỗi đau khổ của Đức Mẹ trong cuộc đời trần thế xưa “ĐỨC MẸ SẦU BI”.

Sự thứ nhất : Tiên tri Simêon nói về nỗi đau của Đức Mẹ, ngày Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền Thánh.

Sự thứ hai : Được tin trốn sang Ai-Cập.

Sự thứ ba: Lạc mất Chúa Giêsu 03 ngày.

Sự thứ bốn : Gặp Chúa Giêsu vác Thập Giá.

Sự thứ năm: Chứng kiến Chúa Giêsu sinh thì trên Thánh Giá.

Sự thứ sáu : Chờ nhận xác Chúa Giêsu.

Sự thứ bảy : Táng xác Chúa Giêsu trong mồ.

Trên đây là bảy sự kiện quan trọng trong cuộc đời Cứu Thế của Chúa Giêsu, nhưng trong thiên chức làm Mẹ, Đức Mẹ đã đau đớn tột cùng. Vì Mẹ đã đồng hình đồng dạng với Đấng Cứu Thế.

 Những sự kiện trên đối với bất cứ người phụ nữ nào mà được làm mẹ, một người mẹ trần thế bình thường thôi, thì cũng đau đớn biết dường nào! Trừ phi, người mẹ ấy không chứng kiến. Còn đây là một người Mẹ của một Vị Thiên Sai, Đấng Cứu Tinh, mà bị đối xử quá bi thương! Thì Mẹ đau đớn biết là dường nào! Nhưng thật ra! Đây là một mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, nên chi Mẹ mặc nhiên có thánh ân nâng đỡ, nếu không Mẹ không thể chịu đựng nổi, vì Mẹ vẫn là một phàm nhân. Như vậy, rõ ràng Thiên Chúa không để điều gì xảy ra quá sức con người. Suy niệm như vậy ta thấy, nỗi đau của Đức Mẹ vô cùng lớn lao. Đức Mẹ chỉ chứng kiến những cảnh ấy, mà quá sức đau đớn, chứ Thiên Chúa gìn giữ Mẹ một cách trọn vẹn, thân xác Mẹ không hề mảy may, suy suyễn, nên chi không có thể lực nào làm tổn hại Mẹ được.

 Chúng ta thấy một điều đặc biệt như vậy. Khi Chúa Giêsu chịu tử nạn, thì Người không để cho ai phải liên lụy. Đây là điều đặc biệt siêu phàm, minh chứng cuộc tử nạn của Đức Kitô - Giêsu không nằm ngoài mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, vì điều gì Thiên Chúa không muốn thì không có thế lức nào cưỡng nổi. Đây là điều cần suy nghĩ.

 Suy ra nỗi đau của Mẹ là nỗi đau tự nhiên, nỗi đau của phàm nhân. Nhưng nỗi đau ấy được thánh hóa nhờ Con của Mẹ, đồng thời là Con Thiên Chúa, nhờ nỗi đau siêu nhiên mà nỗi đau tự nhiên có giá trị liên đới, hầu thông phần ơn cứu độ viên mãn của Thiên Chúa.

 Như vậy bảy sự thương khó của Đức Mẹ, được thông phần vào mầu nhiệm cứu độ loài người của Đức Kitô, để trở nên hy lễ cứu chuộc. Mẹ đã Đồng Hành trong nỗi đau thương khổ nạn của Thập Giá, mà nơi đó Con Thiên Chúa đã hiện hữu, như một của lễ thật hoàn hảo để dâng lên Thiên Chúa Cha, Đấng có quyền tha thứ cho nhân loại. Như vậy, Mẹ được gọi là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc loài người.

 Lạy Mẹ Sầu Bi, nỗi đau của Mẹ con không thể suy gẫm sơ sài qua những lời nông cạn nầy, nhưng con xin dâng lên Mẹ những sự khó con chịu, để cùng Mẹ chịu thông phần cùng Chúa Giêsu trên con đường Thập giá. Con xin tôn kính những nỗi đau của Mẹ, vì những nỗi đau ấy được diễm phúc thông phần với mầu nhiệm tử nạn của Con Thiên Chúa làm Người.

Xin Mẹ thương nhậm lời con ! Amen. 

 

Trang Độc Giả

Trang Nhà