Trang Độc Giả


ĐỨC MARIA – MẸ CỦA NGUỒN ỦI AN

Gia Tuấn Anh

Khi linh mục kết thúc buổi lễ bởi câu “Chúc anh chị em ra đi bình an”, các giáo dân tại một số nhà thờ ở nhiều nơi vẫn tiếp tục đôi lời kinh cầu một cách sốt mến dưới chân tượng Đức Mẹ bên hông giáo đường. Tôi tự hỏi, điều này có ý nghĩa gì?

Chén đắng của sự hiệp thông

Trong nhà thờ, nếu hình ảnh Chúa Giêsu được treo lên cây thập tự như chuyển tải ý nghĩa Ngài mời gọi chúng ta từ bỏ mình, vác lấy những khổ nhọc nơi trần thế để theo Thầy, thì bức tượng của Mẹ Maria lại biểu thị sự vỗ về, che chở, ủi an những người lữ hành trên đường về quê Trời. Hơn nữa, trong văn hóa Việt, cụm từ người Mẹ còn biểu đạt cho tình thương cao cả, bao dung và nhẫn nại.

Chúa Giêsu trong lúc bị đóng đinh trên thánh giá, Ngài cô đơn đến cùng cực vì thái độ, lời nói, hành vi của dân chúng, các tông đồ và cả sự im lặng của Chúa Cha. Cụ thể:

+ Dân chúng: Những người từng được chứng kiến Ngài cho ăn bởi phép lạ năm cái bánh và hai con cá, chữa lành bệnh tật, trừ quỉ lại la lên “đóng đinh nó đi” và nhục mạ bằng câu “cứ xuống thánh giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin”.

+ Tông đồ: kẻ bỏ chạy, người chối bỏ Thầy.

+ Thiên Chúa Cha: trong sự cô quạnh, Chúa Giêsu tìm đến nương tựa vào Chúa Cha nhưng cuối cùng phải kêu lên “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con” (Mc 15, 34).

Nhưng chúng ta thấy, khi Chúa Giêsu trải qua những thời điểm khắc nghiệt, với những thử thách dồn dập cùng ùa tới và được đẩy đến các giới hạn, thì dưới chân thánh giá vẫn còn Mẹ Ngài - Đức Maria. Nghĩa là Ngài không phải cô đơn tới mức tuyệt đối. Sự hiện diện của Mẹ tại thời điểm này - thời điểm quan trọng nhất trong cuộc đời xuống thế làm người của Đức Giêsu - biểu thị sự chia sẻ những khổ đau, các tủi hổ mà Chúa Giêsu đang đón lấy để gánh chịu các hậu quả do tội lỗi của mỗi chúng ta tạo ra. Và những nhục hình mà Chúa Giêsu đang gánh chịu trong cuộc thương khó đã được xoa dịu, làm mát đi những phần nhất định chính nhờ sự có mặt của chính Mẹ trên đồi Gôngôtha.

Và tại giây phút này, lời của tiên tri Simeon được ứng nghiệm “còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”(Lc 2, 35). Tình yêu tự nhiên của tình mẫu tử; niềm tin vào quyền năng vô biên của Người Con qua các phép lạ mà Mẹ đã tin và xem thấy; chứng kiến khung cảnh nảo nề về Người Con đang bị treo lên. Ba cảm xúc ấy cùng ào đến một lần, tạo thành con sóng cộng hưởng của nỗi đau khủng khiếp mà chính Mẹ phải hứng chịu. Như một định luật bảo toàn, khi an ủi, san sẻ với Người Con những đòn vọt, tra tấn, ngược đãi thì chính Mẹ lại nếm trải và chịu đựng chính những cảm giác ấy. Không chỉ kết hiệp trong đời sống 33 năm, Mẹ còn kết hiệp với cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu cho cả chúng ta. Khi đáp lời sứ thần “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38), nghĩa là Mẹ đã uống trọn chén đắng ở một ngữ nghĩa của sự hiệp thông, khi đứng bên thập giá.

Phục vụ và cầu thay

Trong Tân ước, chúng ta còn thấy ở hai đoạn khác, mà sự hiện diện của Mẹ Maria đem đến cho người xung quanh niềm vui, an ủi khác bằng sự phục vụ và cầu giúp cho người khác. Khi được báo tin chị họ Elizabet thụ thai, Mẹ nhanh chân lên đường để phụ giúp người chị họ trong ba tháng. Khi người nhà, đôi tân hôn, đám cưới ở Cana lo toan vì hết rượu, Mẹ nhanh miệng cầu xin để Chúa Giêsu giải nguy, rồi bảo với gia nhân hãy vững tin vào lời Chúa, “Người bảo gì, các ngươi cứ làm theo” (Ga 2, 5).

Đạo Công giáo có hai kinh thuộc loại phổ biến, đơn giản nhất: Lạy cha và Kính mừng. Trong khi vế thứ hai của kinh Lạy cha bao hàm sự cầu xin trực tiếp của người con với Người Cha, thì vế thứ hai của kinh Kính mừng lại bao hàm sự cầu bầu từ người Mẹ cho những người con. Lòng nhân ái bao la của Mẹ đến mức Thánh Bosco thốt lên: Hãy tin tưởng vào Mẹ Maria bạn sẽ thấy phép lạ là gì.

Hỡi những ai: dong ruổi cơn gió bụi; thổn thức trong băn khoăn; sống mãi kiếp đau thương; say đắm trong muôn tội; hãy mau chạy đến cùng Đức Maria.

Mẹ ơi, Mẹ chính là nguồn ủi an của chúng con trên đường về quê của Con Mẹ.