Trang Độc Giả


TRÔNG NGƯỜI MÀ NGẪM ĐẾN TA

(Tây Ninh một lần ghé thăm, tháng 11/2010)

Antôn Lương Văn Liêm

Hiệp Thông, một trong ba chủ đề mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề ra, mời gọi và hướng cộng đồng dân Chúa tìm hiểu và sống trong Năm Thánh, hậu Năm Thánh. Hiệp thông với Chúa, Giáo Hội, với nhau và với đồng bào. Đặc biệt là sự hiệp thông với những tôn giáo bạn qua hình thức liên tôn.

Hiệp thông và hòa hợp tôn giáo là điều rất cần thiết trong bối cảnh xã hội hôm nay, qua sự hiệp thông, ta tìm hiểu những nét tương đồng cũng như bất đồng, cùng cộng tác trong công việc bác ái, cùng nhau và giúp nhau, sao cho đời sống con người ngày càng nhân bản hơn, xích lại gần nhau hơn trong tình bác ái, yêu thương; mạng sống và quyền tự do của con người được coi trọng; đồng thời, ta cũng học hỏi ở nơi mỗi tôn giáo cách tổ chức, nghi thức, những nét hay và đẹp trong cách thể hiện những nghi lễ, văn hóa đời sống tâm linh… Đặc biệt, qua hiệp thông, hòa hợp tôn giáo, một cách nào đó, tạo môi trường thuận lợi giúp ta giới thiệu, hình ảnh Đức Kitô và loan báo Tin Mừng cứu độ.

Tin Lành, Hòa Hảo, Cao Đài, Phật Giáo, Hồi Giáo…là những tôn giáo đang song hành với đạo Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam, với những sinh hoạt, nghi thức thờ cúng phong phú, đa dạng, những cơ ngơi thờ cúng ẩn khuất trong những xóm nghèo, vùng thôn quê hẻo lánh, tọa lạc ngay trung tâm của sự đô hội, phồn hoa; hoặc lặng lẽ soi mình bên dòng kênh, dòng sông thơ mộng; như muốn nhảy chồm lên với sóng biển mênh mông; hòa tiếng cần kinh với những ồn ào náo nhiệt của phố chợ, nhà ga, bến xe… mỗi cơ ngơi có một sắc thái riêng, đường nét riêng, từ đơn sơ cho tới dáng vẻ uy nghi, sang trọng. Tạo nên cho quê hương đất nước một bức tranh tâm linh đầy màu sắc và phong phú.

Trong sự hiệp thông, hòa hợp tôn giáo, giờ ta thử dừng lại nơi niềm tin và cách hành lễ, nghi lễ cũng như cách gìn giữ nơi thờ tự của anh em đạo Cao Đài. Theo thống kê của ban tôn giáo chính phủ tháng 12 năm 2004, đạo Cao Đài có số tín đồ khoảng 2.471.351 người, trong đó chức sắc gồm 11.030 người, chức việc gồm 20.039 người, 1.025 nơi thờ tự, thường được gọi là thánh thất, có mặt tại 37 tỉnh thành trên tổng số 68 tỉnh, thành trong cả nước, đa số là các tỉnh khu vực nam bộ, riêng tỉnh Tây Ninh, một trong những cơ sở thờ tự, được gọi là Toà Thánh. Đây là nơi các tín đồ thường tụ về trong những ngày lễ lớn.

Toà Thánh tọa lạc tại huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, được khởi công xây đựng vào năm 1933 và hoàn tất vào năm 1955, do ông Phạm Công Tắc một trong những người khai sinh đạo Cao Đài chủ xướng, diện tích trên dưới 1,2km² có hàng rào bao bọc xung quanh, gồm nhiều công trình kiến trúc như: toà thánh, đền thờ Phật mẫu, bửu tháp. Toà thánh dài trên 100m với 12 cửa, cửa Chánh Môn là lớn nhất. Mặt ngoài có 2 tháp cao 36m. Phía trước toà thánh, trên cao có hình Thiên nhãn (một con mắt toả hào quang), đây là biểu tượng của đạo Cao Đài. Trên nóc có Nghinh Phong Đài, (có tượng kỳ lân đứng trên quả địa cầu). Trên nóc phía sau có Bát Quái Đài (có tượng các thiên tướng). Bên trong gồm:

· Hai hàng cột trụ rồng được trang trí, chạm khắc tinh xảo. Bao gồm 10 cặp cột trụ, cặp trụ chính giữa là giảng đài, nơi giáo chủ đứng để giảng đạo cho các tín đồ.

· Nền toà thánh có 9 cấp gọi là “Cửu phẩm thần tiên”, mỗi cấp tượng trưng cho một phẩm theo cách tính của đạo.

  • Phía trước gian Chánh Điện có 7 ghế chia làm tam cấp:

    • Cao nhất là ghế của Giáo Tông.

    • Tiếp theo là 3 ghế của 3 vị Chưởng Pháp.

    • Cuối cùng là 3 ghế của 3 vị Đầu sư.

· Chánh điện có 8 cột trụ rồng xếp thành vòng tròn. Giữa là quả địa cầu lớn tượng trưng cho vũ trụ với thiên nhãn nằm phía trước ( Thiên nhãn được coi là con mắt của Ngọc Hoàng Thượng Đế ), kế đến là thờ Đức Phật ( Phật đạo), Lý Thái Bạch ( Tiên đạo), Chúa Giêsu ( Thánh đạo), Khương Tử Nhan ( Thần đạo). Riêng Lý Thái Bạch, hiện nay là Giáo Tông thiêng liêng của Đạo Cao Đài.

Giờ lễ chính trong ngày là 12 giờ trưa. Điều đặc biệt ở công trình Toà Thánh Tây Ninh được xây dựng bằng bê-tông cốt tre.

Thật bất ngờ, khi ta bước vào khuôn viên của toà thánh Tây Ninh, điều đập vào mắt ta trước tiên là vẻ tĩnh lặng, trang nghiêm, sạch sẽ. Khi bước vào trong toà thánh, tất cả từ giới chức sắc, chức việc cho tới tín đồ đều phải bỏ giày, dép phía dưới tam cấp cửa ra vào, nam cũng như nữ đều quần trắng, áo dài trắng, khi tam dự nghi lễ đều quỳ bái dưới nền gạch được lau sạch bóng, rất cung kính và trang nghiêm. Ngoài chức sắc và chức việc, không một ai được phép đi ngang điện thờ, nếu là khách tham quan đều được hướng dẫn theo lộ trình của hai hành lang điện thờ. Tất cả các tín đồ và khách hành hương tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt những quy định và phép tắc khi bước vào trong toà thánh.

Ở đây, người viết không dám lạm bàn về sự đúng sai trong văn hóa thờ phụng các đấng bậc thần linh nơi tôn giáo bạn, có điều như ta biết theo thứ tự trước điện thờ, Chúa Giêsu được xếp vào vào hàng thứ ba, sau Đức Phật và nhà thơ Lý Thái Bạch người Trung Hoa thời nhà Đường, và được gọi là “ Thánh Đạo ”. Họ nhìn nhận Chúa Giêsu như một người được Ngọc Hoàng Thượng Đế sai xuống trần, sáng lập ra thánh đạo để dạy dỗ nhân loại sống bác ái yêu thương.

Theo lý giải, người theo đạo Cao đài cho là Chúa Giêsu, được sinh ra nơi đất nước Do Thái, khi Ngài được 30 tuổi thì Đức Phật nhập vào, từ đó Chúa Giêsu rao giảng và dạy dỗ bá tánh sống bác ái và yêu thương, năm Chúa Giêsu được 33 tuổi bị vua quan thời đó ganh ghét và kết án đem đi giết chết, thế là hết, họ nhớ và học theo gương bác ái và yêu thương của Chúa Giêsu, họ tưởng nhớ về Chúa Giêsu vào ngày 25/12 hằng năm và được gọi là ngày vía…Biểu tượng cao trọng nhất họ thờ, đó là hình tượng con mắt, được gọi là (Thiên Nhãn).

Tuy đạo Cao Đài mới được sáng lập vào năm 1926, do một số người có chức vị trong guồng máy chính quyền, thời pháp thuộc, yêu thơ văn, tin có cõi thần tiên, thần linh, nghiên cứu và say mê cầu cơ…Nhưng, điều đáng nói và đáng để ta học hỏi trong việc thờ phụng, gìn giữ nơi thờ tự của anh em đạo Cao Đài. Đó là, họ rất ý thức coi trọng nơi tôn nghiêm, luôn gìn giữ và cùng cộng tác bảo vệ, duy trì về cảnh quang cũng như mặt vệ sinh môi trường, phong cách và cách thức ăn mặc rất trang nghiêm và chỉnh tề.

Khi bước tới thánh thất cũng như toà thánh họ đều mặc đồng phục, luôn giữ thinh lặng và tỏ lòng sùng kính các đấng bậc thần linh họ thờ như: Con mắt được cho là Thiên Nhãn ( mắt trời), những con người trần gian được coi là những bậc thánh hiền, riêng Chúa Giêsu được xếp hàng thứ 3, họ luôn hăng say giới thiệu về đạo pháp mỗi khi được hỏi. Với những khách hành hương, những người chức việc và tín đồ luôn ân cần chỉ dẫn, giúp và nhắc nhở sự tôn nghiêm nơi thờ tự.

Trông người mà ngẫm đến ta! Là người Kitô hữu, ta được dạy dỗ từ tấm bé nơi mái ấm gia đình, kế đến là Giáo Hội, tôn thờ Chúa Giêsu là Chúa Cả trời đất, là Đấng dựng nên ta, mạng sống của ta là do Ngài ban tặng và nắm giữ. Hơn nữa, ngoài những giáo lý, lời mời gọi của Ngài trong Tin Mừng, học và thực hành yêu thương, tha thứ, hiến thân, phục vụ, những điều này được bao gồm trong hai giới luật quan trọng: “ Thờ phượng, yêu mến Đức Chúa trên hết mọi sự, và yêu anh em như chính mình…”.

Về nơi thờ tự, ta thường gọi là nhà thờ, người Do Thái xưa gọi là đền thờ, ít là một lần Chúa Giêsu đã tức giận, Ngài đã bện giây thừng làm roi xua đuổi những người Do Thái xưa, khi họ biến nhà thờ thành nơi tụ tập mua bán đổi chác tiền bạc, Ngài lật đổ tất cả những bàn đổi tiền và Ngài đã lớn tiếng với họ: “Đừng biến Nhà Cha Ta thành nơi mua bán trộm cướp”.

Có phải chăng đạo của ta được các nhà Thừa Sai phương tây truyền bá, mà phong cách, lối ăn mặc, cách thờ phụng của ta bị tây hóa…? Hoặc Thiên Chúa ta thờ rất nhân từ, qua con người và cuộc đời của Đức Kitô? Để rồi ta đến với Ngài, đến với ngôi thánh đường với cách ăn mặc phản cảm của giới nữ, cách ăn mặc như đi picnic của giới nam, tới thánh đường, ta bàng quang khi thấy rác chung quanh khuôn viên thánh đường và ngay cả trong thánh đường, nói chuyện ồn ào, náo nhiệt, điện thoại di động reo liên tục trong giờ cử hành thánh lễ…

Tất cả các ngôi thánh đường đều có nhà tạm lưu giữ bí tích Thánh Thể, ta vẫn tuyên xưng và xác tín Chúa Giêsu là Vua cả trời đất, ngự trong phép Thánh Thể để ở giữa ta, đồng hành cùng ta, hơn nữa Ngài trở thành lương thực nuôi sống và chữa lành hồn xác ta trên bước đường lữ hành. Thế nhưng, đôi khi ta rơi vào tình trạng “Gần chùa gọi Bụt bằng anh….!”

Trong nhịp sống hằng ngày, khi ta đến với một người là một thụ tạo như ta, có chăng là họ hơn ta về chức vị, quyền hành ở đời, khi ta có việc cần quan hệ, hoặc cần sự giúp đỡ, ta tỏ vẻ khúm núm, sợ sệt, cách ăn mặc của ta chỉnh tề, phong cách của ta cũng phải chăm chút khi ta gặp trực diện họ, ta sợ họ đánh giá, ta sợ họ buồn…Điều đem đến sự bất lợi cho ta.

Làm sao ta có thể nói cho mọi người, nhất là những anh em chưa biết gì hoặc có biết nhưng rất mù mờ về Chúa Giêsu là “Ông Trời, Ngọc Hoàng”, là Thiên Chúa, xuống thế làm người để cứu độ chúng sanh? Trong khi chính ta thờ ơ, coi thường, bàng quang ngay chính nơi thờ tự, từ cách ăn mặc cho tới cung cách, khi cùng nhau quy tụ tham dự thánh lễ và các nghi thức. Làm chứng cho Chúa, ngoài cách sống bác ái yêu thương, sống Lời Chúa, Ông bà ta vẫn thường nói: “ Có đầy trong lòng, mới trào ra ngoài ”, qua hình thức bên ngoài người khác có thể đánh giá, biết Đấng ta tôn thờ, ta đi theo là ai? Từ đó, ta mới có thể giới thiệu mời gọi quy hướng.

Ngạn ngữ có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Sống hiệp thông, là ta thấy cái hay nơi người khác, ta học hỏi, thấy cái dở, ta né tránh và tìm cách góp ý một cách chân thành. Hơn nữa trách nhiệm và bổn phận của một người Kitô hữu là sống tốt đời, đẹp đạo. Tốt đời bằng cách lấy Tin Mừng làm hành trang, lẽ sống trong cách hành xử với nhau, tốt đạo qua những hình thức bên ngoài, từ phong cách, cách ăn mặc, nói năng khi tới thánh đường, giảm thiểu tối đa nạn đi lễ cách thông công như: Tham dự thánh lễ ngoài bờ rào thánh đường, cách một con đường mới tới sân nhà thờ, đi lễ dưới gốc cây…; hiện tượng đi lễ ôm của giới trẻ (nam, nữ ôm nhau rất tình tứ trên xe, ghế đá nơi sân nhà thờ trong khi tham dự thánh lễ); tới thánh đường như đi lễ hội, đi dự tiệc, xem ca nhạc, đi du lịch ngoài đời qua cách ăn mặc quá ư là trần tục….;tham dự thánh lễ mất đầu, mất đuôi, chú trọng thời gian dài và ngắn, nhất là phần phụng vụ Lời Chúa…sử dụng điện thoại di động một cách vô tư…Đây là những tệ nạn, ai cũng thấy và thường xuyên sảy ra trong cách giữ đạo và sống đạo hôm nay.

Sống Năm Thánh, ngoài việc chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn bình an, ơn hoà giải với Thiên Chúa, ta cũng xin Thiên Chúa qua công nghiệp của Chúa Giêsu, lời chuyển cầu của Mẹ Maria, thánh cả Giuse, các thánh Tử Đạo Việt Nam, ban cho ta ơn biến đổi từ nội tâm tới hình thức bên ngoài. Để nhờ ơn biến đổi, ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần giúp ta sống hiệp thông một cách trọn vẹn, giúp ta hăng say, nhiệt tâm trong sứ vụ loan báo Tin Mừng giữa thời đại hôm nay.

Sài Gòn ngày 23/11/2010