Trang Độc Giả


GIÁO DỤC - CÁI HỌC XƯA VÀ NAY

Hàn Cư sĩ

 Ngày nay sự học được mọi người quan tâm hàng đầu trong việc giáo dục con người, đến nỗi nói đến giáo dục là người ta nghĩ ngay đến việc đi học, vô hình trung nó được đồng hóa hay đồng nghĩa với cặp từ “giáo dục”. Có lẽ đây là nguyên nhân và mấu chốt của vấn đề dẫn con người xa dần cái ý nghĩa cao quý đích thực của việc học nói riêng, giáo dục nói chung. Nó khác với lối học ngày xưa chính là ở điểm này.

CÁI HỌC CỦA NGƯỜI XƯA

Trước đây, xã hội công nghiệp chưa ngự trị, con người chủ yếu đi học các ngành thuộc về nhân văn và học thuật tư tưởng, đặc biệt là bên Đông phương, người đi học chuyên chăm về tư tưởng đạo lý, đến nỗi đi học là học Đạo chứ không phải học các ngành khoa học như ngày nay. Triết học Đông phương được gọi là Đạo học, mục đích là để hiểu về Đạo, để trở thành hiền giả, hiền triết, thánh nhân. Nó khác ngày nay là đi học để trở thành những người thợ, chuyên viên, chuyên gia hoặc nhà khoa học, triết gia…, có thể nói phần lớn nó chẳng liên quan gì đến đạo lý, tư tưởng, văn hóa gì cả, ngoại trừ một ít ngành nghiên cứu thuộc lãnh vực chuyên môn, nhưng chỉ là vấn đề thuộc tri thức mà thôi.

Cái học trước đây chủ yếu lấy Đạo, lấy Đức làm nền và làm mục đích, nên người ta thường nói: “học làm người”, và người xưa quan niệm rất nhân bản: “không thành công cũng thành nhân” và luôn luôn phải là “văn dĩ tải đạo” . Bởi thế nếu đi học mà không làm quan giúp đời thì kẻ sĩ vẫn ung dung tự tại vui thú với điền viên, với lối sống dân dã hết sức mộc mạc giản dị và thanh cao, không cần những tiện nghi vật chất, vì họ sợ bị ràng buộc và nô lệ vào sự nhiễu nhương của đời sống vật dục. Nhiều kẻ sĩ có khuynh hướng ẩn dật để tu tâm dưỡng tính, trở thành những ẩn sĩ thanh bạch đáng khâm phục. Hay ít ra họ cũng tìm được cái triết lý an vi cao quý, tìm được cái Đạo sống cao thượng, như trong sử sách đã ghi lại rất nhiều.

Tuy cái học ngày xưa không mang tính chuyên môn sâu rộng như ngày nay, nhưng nó luôn được gọi là cái học quán thông, vì học là tìm và nương tựa vào CÁI ĐẠO, mà Đạo là tất cả, là nguyên ủy và cứu cánh của vạn vật, nó là toàn thể của mọi quy luật phát sinh, tồn tại và hủy diệt, “hữu sinh tất hữu diệt; hữu thành tất hữu hủy”. Nó diễn tiến không ngừng theo mỗi thời gian, không gian và điều kiện trong quy luật của nó. Trong đó, sự vật và con người, vũ trụ và nhân sinh đều hòa quyện và tác động vào nhau, đun đẩy nhau để tồn tại, phát triển hoặc hủy diệt lẫn nhau. “Thiên địa vạn vật nhất thể” là như thế. Cái học tổng quan - nhất nguyên - này cho phép con người biết “một” cũng là biết tất cả, vì: “nhất bất biến ứng vạn biến”, nên mọi hiện tượng, hay mọi quy luật không thể chia chẻ hoặc đứng một mình, như sợi tóc chẻ làm tư thì không còn là sợi tóc nữa. Sự chia chẻ chỉ làm nó khô cứng và không còn lý do để tồn tại. Mọi diễn biến của vũ trụ, của tự nhiên, của xã hội, trong các ngành khoa học ngày nay, dù là thiên văn, địa lý, chính trị, kinh tế, sinh học, tâm lý học, y học, lý hóa v.v… vẫn chỉ là một, vì bộ ba THIÊN-ĐỊA-NHÂN không thể tách rời, như sách “Sáng Thế Ký Á Đông”: Đạo sinh Nhất, Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh muôn vật (Đạo Đức Kinh); hoặc: Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ Tượng sinh Bát quái , từ đó sinh hóa muôn vật (Kinh Dịch).

Nói chung, cái học ngày xưa là cái học để hiểu và tìm ĐẠO, nhất là để sống cho hợp với mọi lẽ trong quy luật của trời đất, thực tế là biết sống, biết xử sự giữa con người với nhau, cũng như giữa con người với môi trường xã hội và môi trường tự nhiên mà con người đang sống và hiện diện.

Chính vì thế, mọi sự liên quan tới đời sống đều là Đạo Sống. ĐẠO LÀM NGƯỜI với Ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín; ĐẠO XỬ THẾ với Ngũ luân: Quân minh thần trung, Phụ từ tử hiếu, Phu xướng phụ tùy, Huynh hữu đệ cung, Bằng hữu thủ tín; ĐẠO PHU PHỤ: Phu phụ tương kính như tân… ĐẠO LÀM CON: Chữ Hiếu; ĐẠO LÀM VUA… Tất cả đều trở thành ĐẠO. Và còn rất nhiều học thuyết khác, chung quy cũng tìm về Đạo để mưu cầu hạnh phúc cho con người, cho xã hội được tồn tại và ổn định .

CÁI HỌC NGÀY NAY

Ngày nay không ai mà không thấy sự cần thiết của việc học, nó là điều kiện buộc phải có để sống, để hội nhập với xã hội. Nó cũng là điều kiện cơ bản như một tiêu chí để đo lường mức thang giá trị của con người, giá trị của một cá nhân. Dù học môn gì, ngành gì, nó cũng định dạng để gắn liền với nghề nghiệp, với nguồn lợi của thu nhập. Vì vậy, nghề nghiệp và nguồn thu nhập trở thành mục tiêu cho sự học. Do đó quan niệm về sự học cũng thay đổi, một sự thay đổi gần như ngược với xã hội truyền thống trước đây. Điều này diễn ra từ sự biến dịch trong quy luật của lịch sử, khi mà xã hội công nghiệp phát triển thì tất nhiên xã hội truyền thống bị phá vỡ, kéo theo một nền văn hóa cổ truyền lung lay và có nguy cơ sụp đổ, ngay cả nền móng gia đình hạt nhân cũng bị đảo lộn.

Cái học ngày nay là cái học của khoa học nói chung, đặc biệt chú trọng vào khoa học ứng dụng, khoa học kỹ thuật và khoa học thực nghiệm. Bởi thế nó được hệ thống hóa và đi vào chuyên môn để chia chẻ ra rất nhiều môn, nhiều ngành. Nhờ thế nó giúp cho mỗi người đi chuyên sâu vào từng lãnh vực tới mức tinh vi, giúp cho xã hội có rất nhiều nhân tài mang tính chuyên môn để xây dựng và phát triển đất nước. Một guồng máy tốt với những nhân tài thì có thể đưa đất nước nhảy vọt từ lạc hậu lên hàng cường quốc chỉ trong ít chục năm, trở thành một nước văn minh tiên tiến. Nó không như văn hóa là phải mất nhiều thế hệ, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm thì mới có thể xây dựng một nền văn hóa mang tính dân tộc được.

Cuối thế kỷ 20, đầu TK 21, với sự bùng nổ thông tin của kỹ thuật máy tính và mạng, sau đó là toàn cầu hóa, những nước và những người được tiếp cận với thế giới hầu như bị choáng ngộp với những sự kiện và những sáng tạo mới, qua nhiều đổi thay khắp nơi trên thế giới. Mọi người, mọi nước như chạy đua với thời gian để bắt kịp thời đại. Hầu như không còn thời giờ để suy tư về những vấn đề thuộc lãnh vực tinh thần như đạo lý, tư tưởng, văn hóa, lễ giáo, truyền thống… nữa, nếu có chỉ là thứ yếu hoặc vụn vặt. Tất cả các ngành học hướng tới phục vụ con người bằng cách sản xuất ra của cải và tiện nghi hưởng thụ. Nó được kích cầu tối đa, tạo ra những nhu cầu mới, kích thích sự thèm khát tiêu thụ như trong quảng cáo, giúp cho nền kinh tế phát triển. Xã hội tiêu thụ - mua sắm những cái không cần thiết và dư thừa - là đỉnh cao của xã hội công nghiệp ngày nay mà nước nào cũng muốn nhắm tới.

Vì nhu cầu của sự thúc bách, nên cái học ngày nay mang tính đối phó, mang tính dục tốc, chộp thời cơ và tiêu cực của nó là chộp giật. Cho nên vấn đề phương pháp, chính xác, hoàn hảo, đắc lực, hiệu quả, vượt thời gian, kỷ lục, cạnh tranh, loại đối thủ… là yếu tố nòng cốt cho mọi kế hoạch thi hành, nên nó rất năng động và sát phạt trong quy trình diễn tiến. Khác với xã hội truyền thống, chủ trương ở dạng tĩnh, chậm, chắc, bền, chấp nhận cái tương đối và sự khiếm khuyết của mọi sự, mọi vật.

Cái học ngày nay mang tính độc lập, và tính cá nhân được đề cao để tự do phát triển, nên có nhiều cá nhân xuất sắc, được trọng dụng, mang lại rất nhiều nguồn lợi cho họ, đến nỗi cá nhân trở thành một chủ nghĩa như một lý thuyết (cá nhân chủ nghĩa) thật hấp dẫn. Nhiều người cho rằng, cái học ngày nay chỉ tạo ra những Robốt, ý muốn nói tạo ra những công cụ, những bánh xe vô hồn trong một bộ máy vô cảm. Con người làm việc và sống theo những công thức đã được lập trình, được quy định chặt chẽ, không ai còn thời giờ hoạch định cho mình một thế giới riêng tư, vì giờ nào việc đó thật chính xác và rõ ràng, như một cái chốt chạy trong một bộ máy khổng lồ.

Mục đích của con người đi học để đạt được cái danh và cái lợi, mà đỉnh cao của nó mang tính CHUYÊN: chuyên môn, chuyên gia, chuyên viên, chuyên nghiệp…, và mang tính NHÀ: nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà lý luận, nhà kinh tế, nhà kế hoạch, nhà chính trị… Cũng như thành công trong cuộc sống được đo lường và đánh giá bằng lương tháng, bằng lợi nhuận, bằng tiện nghi… Nó trở thành tiêu chí để đánh giá tài năng hay bất tài, giỏi hay dốt, khôn hay dại, giá trị hay không ở đời.

Tóm lại, sự cạnh tranh, sự thống trị, sự đột phá trong sáng tạo, sự thu nhập tiền của hoặc lợi nhuận là động cơ chính yếu thúc đẩy và kích thích việc học của con người ngày nay. Ngoài ra đều là những thứ yếu, nếu có yếu tố tinh thần nào thì cũng để tìm chút an ủi, tạo niềm vui và trang trí mà thôi.

Vì vậy, khi có sự khủng hoảng tinh thần nào đó xảy ra cho cá nhân hoặc cộng đồng xã hội ngày nay thì cũng chỉ là sự tất yếu, vì nó là hệ quả của quy luật giữa nhân với quả hoặc giữa quả với nhân.

SỰ NHẬN THỨC ĐÚNG ĐẮN VÀ HƯỚNG ĐI

Sau khi nhìn qua toàn diện của hai cái học xưa và nay - thực ra là có sự chuyển tiếp một cách tiệm tiến, chứ không hẳn rạch ròi như thế - thì người đi học cũng có thể tìm ra một quan điểm dung hoà tốt nhất cho cái học của mình. Từ sự nhận thức thông thường và cơ bản nhất, thì sự vật nào cũng có mặt phải và mặt trái của nó. Như bên Tây phương là nền văn hóa động, nên khoa học thực nghiệm và kỹ thuật phát triển, nó luôn thích ứng, cầu tiến, cộng với ý chí chinh phục rất lớn, nên nó phát triển rất mạnh và rất nhanh. Ngược lại, Đông phương với nền văn minh nông nghiệp, nhất là nền văn minh lúa nước (âm tính) như Việt Nam thì ưa tĩnh, sợ thay đổi, an phận thủ thường, tính bảo thủ, trọng tình cảm, ưa lễ nghĩa… nên rất chậm phát triển. Bởi vậy, dù muốn hay không, cái nền văn hóa dân tộc vẫn là cái cơ bản, quan trọng và cần thiết nhất để xây dựng toà nhà theo mô hình nào thích hợp nhất. Nếu không dựa trên cái nền này thì toà nhà khó có thể đứng vững được.

Thực tế cho thấy lớp trẻ ngày nay có khuynh hướng muốn phá bỏ cái nền văn hóa truyền thống của dân tộc, không những không giữ mà còn có thái độ miệt thị khinh thường nữa. Có lẽ đây là một thứ mặc cảm tự ti thâm căn của lớp trẻ, có thể của cả dân tộc, như Trịnh Công Sơn than thở: “Người nô lệ da vàng ngủ quên trong căn nhà nhỏ…”, từ đó nảy sinh ra vấn đề “chuộng ngoại”. Bất cứ cái gì của Tây cũng đều giá trị và chạy đua theo họ rất mù quáng, thường chỉ học và bắt chước được cái gì kích thích nhất, dễ học nhất, những thứ chỉ là cặn bã của họ, mà chính họ cũng khinh thường. Còn nền văn minh, văn hóa chính thống của họ lại chẳng học được. Thật tội nghiệp cho nhiều công nhân, sinh viên từ các tỉnh về những thành phố lớn để đi làm và học hành, họ bắt chước, rập khuôn lối sống vô văn hóa của một số dân thành thị, cộng với kiểu lai căng du nhập từ nước ngoài để gọi là hoà nhập “ta cũng như ai”. Họ tự chối bỏ bản thân để che lấp cái thân phận “dân quê làm vườn” của mình. Họ đâu hiểu rằng con người Việt Nam chẳng có ai là quý tộc thượng lưu cả, tất cả đều xuất thân từ chân lấm tay bùn mà ra. Khi cha mẹ tới thăm thì họ che dấu vì sợ người ta nhìn thấy gia đình mình quê mùa. Và lúc về quê thì họ giảng cho anh em, cha mẹ những bài học khôn về thời đại, bằng những mánh khoé và những phương tiện hưởng thụ, nhưng họ không hiểu thế nào là người có văn hóa, văn minh cả. Sau đó là bất chấp lễ nghĩa, nề nếp của gia đình mà họ đã hấp thụ. Sự vong thân, vong bản là như thế.

Muốn học thế nào cho đúng đắn nhất thì trước hết phải nhận thức cho đúng, bỏ được cái ý niệm sai lầm tai hại là học để có cơ hội thuận lợi kiếm tiền, kiếm danh. Tiếp đến là nhận thức được cái nền văn hóa truyền thống vô cùng quý giá của dân tộc, trong đó có đạo đức, lòng nhân, tình cảm (quê hương, đất nước), tính cộng đồng, nền nếp gia phong, lễ giáo, cần cù, nhẫn nại, hiếu học… lấy làm nền để xây dựng trên cái học của mình thì mới vững chắc. Mục đích của sự học phải là khát khao tri thức trong cái hay, cái đẹp, cái đúng, cái tốt (Chân-Thiện-Mỹ), chứ không phải học vì việc làm hoặc vì danh lợi, và phải học không ngừng, dù đã ra trường. Học xong ở nhà trường mới chỉ là bắt đầu (chưa hiểu hết khái niệm), chứ chưa phải là đã đủ, đã thông, nên luôn phải trau dồi bằng cách không bao giờ được rời sách vở. Lớp trẻ bây giờ yếu kém mọi mặt vì chỉ học theo lối đối phó để đủ điểm ra trường, nên học không hiểu và không tiêu hóa được, sau đó là giã từ sách vở, rồi đi làm để nghề dạy nghề, trong nhà không hề có tủ sách nào.

 Nên theo cái học của người xưa, là học quán thông, học không những ngành của mình mà còn phải tìm tòi trau dồi các ngành liên quan khác, như học về ngành y thì còn phải học về y đức, về tâm lý, về tâm linh, về đối nhân xử thế, về tư tưởng văn hóa v.v... Học khoa học theo như Tây phương chứ không phải học lối sống của họ. Khoa học, văn hóa, đạo đức là những lãnh vực có đối tượng nghiên cứu khác nhau, không lẫn lộn và đào thải nhau, nó lại cần thiết để bổ sung cho nhau. Nếu học văn hóa Á Đông, văn hóa Việt Nam với những nề nếp từ trong gia đình trước hết (gia đình là hạt nhân cơ bản nhất), xuyên qua các loại hình văn hóa trong tổ chức cộng đồng, cộng thêm các ngành khoa học Tây phương thì mình thâu tóm được tất cả. Khi học và trau dồi như vậy, con người sẽ được quân bình cả về nhận thức, về tâm lý và tình cảm.

Tóm lại, sự học thì thời nào cũng cần thiết và cao quý, nhưng nó thực sự có giá trị hay không là tùy vào sự nhận thức của con người. Nếu cái học chỉ là phương tiện kiếm tiền thì nó trở thành đê hạ, phản lại cái chức năng và mục đích cao quý của nó, dẫn con người tới sự mù tối, sản sinh ra những chuyên viên kiếm tiền làm hại cho xã hội, cho văn hóa, cho đạo lý (vi phú bất nhân). Học là bổn phận và trách nhiệm của tuổi trẻ, mục đích là để phục vụ, xây dựng, làm giàu, làm đẹp, làm tốt, trở nên hoàn thiện cho bản thân, cho gia đình và xã hội. Đó là cái học cao quý muôn thủa cho mọi thời đại.

 

Trang Độc Giả

Trang Nhà