Trang Độc Giả


GIẢI QUYẾT NHỮNG XUNG ĐỘT
TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN

Phanxicô Xaviê (Tổng hợp)

Chúng ta đã có dịp tìm hiểu những sự khác biệt căn bản giữa nam và nữ, những định luật giúp hòa hợp những dị biệt ấy. Những định luật này không áp dụng riêng rẽ, nhưng bổ túc, liên hệ với nhau và là những định luật rất quan trọng chi phối đời sống vợ chồng. Nó không phải là tất cả sự khác biệt, bởi mỗi con người là một huyền nhiệm. Nhưng ít ra nó rất hữu ích để giúp các bạn hiểu được phần nào người yêu của mình. Và khi nắm vững được những khác biệt tâm lý này, các bạn sẽ tránh được những phán đoán, những thái độ chủ quan dẫn đến bất hòa, mâu thuẫn.

Giới tính ảnh hưởng trên toàn bộ con người, là tất cả những đặc điểm để phân biệt người nam với người nữ. Nó liên quan đến đời sống tình cảm, khả năng yêu thương, truyền sinh và tổng quát hơn là khả năng thực hiện những quan hệ hiệp thông với người khác.

Trong cuộc sống thường ngày, đôi khi người ta quên mất rằng người bạn đời là một hồng ân vô cúng quí giá. Hãy tưởng tượng một sớm mai thức dậy, người ấy đã không còn ở bên cạnh bạn nữa! Hoặc giả như mọi ngày người vợ vẫn đón chồng đi làm về lúc 17g chiều, thế mà chiều nay đã hơn 17g30, rồi 18g… không thấy anh ấy về. Giữa bao nhiêu câu hỏi trong đầu, thoáng thấy một câu hỏi khiến cho chị phải rùng mình: “Nếu anh ấy có mệnh hệ nào, Chúa ơi, làm sao con sống được?”

Không sống được bởi vì bị lấy mất một phần của chính mình, xương thịt của chính mình, như Hàn Mặc Tử đã tùng viết:

Người đi một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ.

Trước viễn cảnh đánh mất nửa kia của mình người ta buồn lắm. Thế nhưng, khi nửa ấy vẫn ở bên mình, liệu người ta có nhận ra đó là một hồng ân vô giá Chúa dành cho họ.

Do đó trong đời sống hôn nhân gia đình, để tạo được sự hòa hợp trọn vẹn và bền vững, hai vợ chồng cần hiểu rõ những khác biệt của nhau, để có thể cảm thông, chia sẻ và nương tựa vào nhau trong sự kính trọng và yêu thương chân thành. Tình yêu chân thành là thấy rõ khuyết điểm của người khác nhưng vui vẻ đón nhận, đồng thời khám phá ra những ưu điểm của người yêu mà khéo léo phát huy.

Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng êm ả, bằng phẳng. Sẽ có những lúc trời quang mây tạnh, nhưng cũng có những lúc bão táp mưa sa. Cuộc sống gia đình cũng vậy. Có những lúc êm ấm hạnh phúc, nhưng cũng có những lúc bất hòa, cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Mặc dù hai người có yêu nhau thắm thiết, thì nhiều lúc vẫn xảy ra bất hòa. Những bất hòa có thể làm cho tình yêu bị sói mòn và có thể đưa đến những đổ vỡ tai hại. Nhưng nếu biết cách giải quyết, chúng sẽ là cơ hội giúp hai vợ chồng hiểu nhau hơn.

I.Những nguyên nhân gây xung đột:

1)
Nguyên nhân sâu xa:

Những trang đầu của Kinh Thánh đã cho chúng ta thấy mọi sự đều tốt đẹp. Con người được Thiên Chúa dựng nên để sống trong hạnh phúc. Hạnh phúc đó trước hết là tình thân nghĩa với Thiên Chúa. Hạnh phúc đó còn là mối giao hòa giữa con người với vạn vật. Đặc biệt Thiên Chúa cho con người được sống hạnh phúc trong hôn nhân. Đôi vợ chồng nguyên thủy thật tâm đầu ý hợp, coi nhau như một xương một thịt. Thế nhưng rồi một hôm, người này đã coi người kia như là nguyên nhân của sự tan vỡ. Điều gì đã xảy ra giữa họ?

1 Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Ðức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: "Có thật Thiên Chúa bảo: "Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không? 2 Người đàn bà nói với con rắn: "Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. 3 Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: "Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết." 4 Rắn nói với người đàn bà: "Chẳng chết chóc gì đâu! 5 Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác." 6 Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. 7 Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân.

8 Nghe thấy tiếng Ðức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Ðức Chúa là Thiên Chúa. 9 Ðức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: "Ngươi ở đâu? " 10 Con người thưa: "Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn." 11 Ðức Chúa là Thiên Chúa hỏi: "Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không? " 12 Con người thưa: "Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn." (St 3, 1-12)

Con người đã khước từ vâng phục Thiên Chúa, tự định lấy điều lành điều dữ, con người đã muốn ngang bằng với Thiên Chúa, kết quả là:

- Con người thấy xa lạ với chính mình, dục vọng trở nên thác loạn, không chịu nổi chính mình nên phải lấy lá che thân.
- Con người xa lạ với nhau, nàng không còn là xương thịt của tôi, nhưng nàng là thủ phạm, chính nàng đã gây ra tất cả.
- Con người xa lạ với Thiên Chúa, nên vừa nghe tiếng Chúa, con người đã chạy trốn và núp trong bụi cây.
- Con người xa lạ với các tạo vật khác: cây cỏ, đất đá trở nên những chướng ngại cho con người.

Mọi tương quan đều sụp đổ chỉ vì một lý do duy nhất: con người không tin vào tình thương của Thiên Chúa, họ muốn tự xoay sở lấy mọi sự, họ coi mình là nhất, muốn chiếm đoạt tất cả cho mình, muốn ngang hàng với Thiên Chúa… Đó chính là nguyên nhân sâu xa nhất của mọi bóng tối trong đời sống hôn nhân.

2)
Những nguyên nhân khác:

Sự khác biệt về tâm sinh lỳ giữa nam và nữ, về cách nhận thức, về quan điểm, về sở thích đối với các vấn đề trong cuộc sống.

Sự khác biệt do ảnh hưởng của nền giáo dục mà mỗi người đã nhận được.

Những trục trặc trong đời sống chăn gối.

Thiếu tổ chức trong gia đình.

Bất đồng trong việc quản lý chi tiêu.

Bất đồng trong việc giáo dục con cái.

Bất đồng trong cách cư xử với họ hàng hai bên.

Những xung đột trên có thể dẫn đến nhiều hậu quả tai hại:

Về tâm lý tình cảm: tình yêu sứt mẻ, vợ chồng lạnh nhạt với nhau.

Về đạo đức: dễ rơi vào những tệ nạn xã hội, ngoại tình, mất phẩm giá con người.

Về gia đình: lơ là trong việc chăm sóc giáo dục con cái, dẫn đến ly thân, ly dị…

II.Những nguyên tắc giúp giải quyết xung đột trong gia đình:

Kinh nghiệm cho thấy không phải tự nhiên mà đi đến xung đột đổ vỡ. Mọi sự đều bắt đầu từ một điều đáng tiếc đầu tiên nào đó, mở đầu cho những điều đáng tiếc tiếp theo rồi dần dần càng lúc càng trầm trọng hơn. Vết thương đầu tiên ấy có thể chỉ bình thường như: một sự lừa dối nhỏ, một sự tự ái vặt, một câu nói thiếu kiềm chế… Thế nhưng nó lại có tính quyết định và mở đường cho những vết thương khác.

1)
Biện pháp ngăn ngừa:

Trước khi kết hôn, đôi bạn cần tìm hiểu nhau kỹ lưỡng để tránh những ảo tưởng về nhau. Mặt khác hôn nhân cần có tình yêu thực sự, đừng biến hôn nhân thành một cuộc mua bán trao đổi.

Cần học hỏi, trang bị những kiến thức căn bản nhằm nuôi dưỡng tình yêu.

Bàn hỏi với những người khôn ngoan, có kinh nghiệm để biết cách sống hòa hợp và giải quyết những bất hòa trong gia đình.

Cần sửa đổi chính mình để mỗi ngày một nên hoàn thiện hơn.

Tập thói quen đối thoại: việc hiểu nhau chỉ thực sự tốt đẹp, đồng thời mang lại kết quả xây dựng nếu hai người đối thoại cởi mở với nhau.

Đối thoại nghĩa là nói, bày tỏ và lắng nghe, đón nhận ý kiến người khác. Không bao giờ chỉ nói hoặc nghe suông. Đây là phương thế để loại bỏ những nghi ngờ, những hiểu lầm, để đem lại hiểu biết, cảm thông. Nó làm cho những băn khoăn, lo lắng, vất vả nặng nề trong đời sống vợ chồng trở nên nhẹ nhàng vui tươi. Vợ chồng nên thẳng thắn bày tỏ đời sống của mình, đừng giả vờ che đậy, đừng thu vào vỏ ốc kín đáo. Nên nhớ rằng: mọi chi tiết của đời mình từ nay đều là của người yêu và ngược lại. Do đó anh hãy tập nói với chị và nghe cách chăm chú, kiên nhẫn. Chị cũng hãy tập nói với anh và chú ý nghe anh. Nếu không sẽ chẳng ai hiểu ai. Nhiều đôi vợ chồng rất lanh mồm lẹ miệng khi xét đoán, lên án nhau. Nhưng lại rất chậm chạp khi nhìn nhận những khuyết điểm của mình. Và như thế hiểm nguy đang tới gần.

2)
Khi xảy ra xung đột:

Thái độ của mỗi người:

Tự chủ: tránh phản ứng vội vàng, làm cho tình hình thêm căng thẳng, kìm hãm tính nóng nảy và tự ái.

Có thiện chí muốn giải quyết vấn đề: vợ chồng tranh cãi là nhằm tìm ra điều tốt hơn để đi đến chỗ hợp nhất, chứ không phải để ăn thua hoặc để hạ nhục nhau đi đến chia rẽ xa cách. Trong cuộc tranh cãi, đừng vì tự ái mà trở nên cố chấp, bảo vệ sai lầm của mình.

Phương pháp giải quyết:

Đối thoại: biết trình bày và lắng nghe nhau. Đừng bắt người khác phải tuyệt đối tuân theo ý riêng của mình, nhưng biết lắng nghe và tìm hiểu ý kiến cũng như quan điểm của người kia. Hướng vấn đề vào mục tiêu chính, giới hạn chuyện nào vào chuyện đó, không nhắc lại chuyện cũ, không bới lông tìm vết.

Chấp nhận khuyết điểm của mình, can đảm nhận ra những lỗi lầm, sai phạm để cố gắng sửa đổi.

Cố gắng hàn gắn và làm lành: sau khi tranh cãi, xung đột với nhau, vợ chồng cần tìm cách làm hòa ngay. Đừng để bầu khí lạnh lùng, giận hờn kéo dài chỉ gây thêm đau khổ cho mọi người và cho chính mình.

Nhờ trung gian hòa giải: cần chọn người có uy tín, biết phân xử hợp tình hợp lý, khách quan, hiểu cả hai bên để đưa ra lời khuyên chân tình giúp hai người chấm dứt mâu thuẫn.

Cầu nguyện: nếu vợ chồng biết cầu nguyện chung thường xuyên với nhau, chắc chắn sẽ có được sự bình tĩnh để ngồi thảo luận ôn hòa với nhau, đồng thời sẽ dễ nhận ra được ý muốn của Chúa đối với vấn đề đang tranh cãi.

Kết luận:

Giải quyết những xung đột trong gia đình là một công việc khó khăn, đòi hỏi sự cố gắng và thiện chí của cả hai. Nếu ngay khi bước vào đời sống hôn nhân gia đình, vợ chồng tập thói quen ngồi lại với nhau để giải quyết các vấn đề nho nhỏ, thì sau này sẽ có nhiều kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề to lớn hơn. Những dịp như thế sẽ giúp vợ chồng hiểu nhau hơn, đồng thời cũng giúp mỗi người gọt giũa cái “tôi” nhiều tự ái và vị kỷ, ngõ hầu cuộc sống gia đình được hài hòa và hạnh phúc hơn.