Trang Độc Giả


Trầm tư Thánh Mátthia

Trầm Thiên Thu

Thánh Mátthia (Matthias) Tông Đồ được Giáo hội Công giáo mừng kính vào ngày 14-5 hằng năm. Ông được mệnh danh là Tông Đồ nhưng ông không thuộc Nhóm Mười Hai. Chúng ta không biết rõ tông tích của Tông Đồ Mátthia. là người được chọn làm Tông Đồ thay cho ông Giuđa, nghĩa là ông chỉ là người được “điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa”. Rất có thể vì lý do đó mà không thấy ông được nhắc đến nhiều, và chắc hẳn ông “biết người, biết ta” nên ông không hề nói gì.

Trong Kinh thánh, chỉ thấy sách Công Vụ nhắc đến ông thoáng qua mà thôi, còn trong Phúc Âm không hề nhắc đến tên Mátthia.

Cv 1:15-26 cho biết: Trong những ngày ấy, ông Phêrô đứng lên giữa các anh em, có khoảng 120 người đang họp mặt. Ông nói: “Thưa anh em, lời Kinh Thánh phải ứng nghiệm, lời mà Thánh Thần đã dùng miệng vua Đavít để nói trước về Giuđa, kẻ dẫn đường cho những người bắt Đức Giêsu. Y đã là một người trong số chúng tôi và được tham dự vào công việc phục vụ của chúng tôi. Vậy, con người ấy đã dùng tiền công của tội ác mà tậu một thửa đất; y đã ngã lộn đầu xuống, vỡ bụng, lòi cả ruột gan ra. Điều đó, mọi người ở Giêrusalem đều biết, khiến họ đặt tên cho thửa đất ấy là Khakenđơma, theo tiếng của họ nghĩa là Đất Máu” (Cv 1:16-19). Thật thế, trong sách Thánh vịnh có chép rằng: “Ước gì lều trại nó phải tan hoang, không còn ai trú ngụ, và ước gì người khác nhận lấy chức vụ của nó” (Cv 1:20).

Ông Phêrô đề nghị: “Có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh” (Cv 1:21-22). Như vậy, chọn một tông đồ là chọn một giám mục, một người có khả năng phù hợp, có nhiệt huyết “vác tù và hàng tổng”, sẵn sàng xả thân làm việc “vô lương” (không nhận lương bổng).

Và họ đề cử hai người: Ông Giôxếp, biệt danh là Basaba, cũng gọi là Giúttô, và ông Mátthia. Họ cùng cầu nguyện để xin Ý Chúa: “Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai 25 để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ, chỗ Giuđa đã bỏ để đi về nơi dành cho y” (Cv 1:24-25). Sách Công Vụ cho biết kết quả: “Họ rút thăm, thăm trúng ông Mátthia, thế là ông được kể thêm vào số mười một Tông đồ” (Cv 1:26). Nghĩa là ông Mátthia được thêm cho đủ số 12 người. Ý Chúa đã được thể hiện qua con người.

Tên ông chỉ được nhắc đến hai lần trong đoạn sách Công Vụ vừa nêu, còn Phúc Âm không hề nhắc đến tên Mátthia. Có vẻ ông là một người rất trầm tư, hoàn cảnh lại như vậy nên ông chỉ biết im lặng chăng? Có thể lắm, vì chúng ta là hậu sinh nên không thể biết chính xác vì sử sách không ghi lại.

Hình Thánh Mátthia (phía trên) được họa sĩ nào đó vẽ thấy có nét “nhạy cảm” thật: Ngài quay đi chứ không nhìn thẳng như hình họa các Tông đồ khác, đôi mắt rất xa xăm, nét mặt “sáng” nhưng có vẻ trầm tư lắm!

Phúc Âm không nói gì về Tông đồ Mátthia nên trong lễ Thánh Mátthia dùng Tin Mừng theo Thánh Gioan, nói về đức yêu thương. Chúa Giêsu nói: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy” (Ga 15:12-14). Quan trọng là câu “láy” của Chúa: “Nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy”. Nghe chừng “nhẹ nhàng” mà lại rất “thâm thúy”, không đơn giản chút nào!

Nhớ tới Thánh Mátthia, tôi chợt nghĩ về mình. Tôi không dám so sánh mình với Thánh Mátthia, mà tôi chỉ thấy mình giống ngài ở một điểm: “Điền vào chỗ trống”, tức là “điền vào cho hợp nghĩa” hoặc “thêm vào cho đủ số”.

Tôi hoạt động trong hội này hay nhóm nọ trong tư thế “phía sau cánh gà”, hoạt động lặng lẽ thôi, vì tôi không là một thành viên chính thức. Có lẽ vì thế mà đã có vài người tỏ ra không thích tôi. Tôi cũng nói thẳng với họ: “Tôi chưa bao giờ muốn làm, vì quý vị ép thì tôi làm thôi”. Thật lòng tôi từ trước đó là vậy, chứ tôi không hề “đánh bóng” mình hoặc muốn “được” người ta “dòm ngó”. Có người cho là tôi kiêu ngạo hoặc “chảnh”. Chín người mà mười ý, biết sao được. Nhưng tôi vẫn là tôi, mãi mãi là tôi, và tôi đi trên chính đôi chân của mình, tôi không muốn “biến chất”. Hy vọng Thánh Mátthia hiểu tôi, vì tôi có chút gì đó giống ngài.

Cuối năm 2012

 

Trang Độc Giả

Trang Nhà