Trang Độc Giả


LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ

Antôn Lương Văn Liêm

Nhật báo tuổi trẻ và thanh niên trong mấy ngày qua đăng tin liên tục về hiện tượng nhiều người sử dụng bằng giả (chứng chỉ trình độ) trong việc thăng quan tiến chức, xin việc, tăng lương. Hiện trạng này không chỉ là ung nhọt cho xã hội, nhưng còn nói lên sự băng hoại về mặt đạo đức, nhân bản, xoá nhoà những nét đẹp ham học, hiếu học của các bậc tiền nhân.

Một trong những đòi hỏi rất gắt gao và quan trọng của những nhà tuyển dụng nhân sự, những người sử dụng chất xám và sức lao động. Đó là những tấm bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Khi sở hữu được nhưng tấm bằng trên, người cần việc và xin việc nắm chắc 80% thành công.

Lời Chúa trong thánh lễ mừng kính hai thánh Phêrô và Phaolô, giới thiệu cho ta cách tuyển dụng nhân sự và người cộng tác trong công việc của Đức Giêsu rất ư là “ngược đời” theo cách nhìn của người đời. Không “ngược đời” sao được, trước khi về với Chúa Cha, Đức Kitô chuẩn bị một tầng lớp kế thừa, hay nói đúng hơn Ngài chọn một người đại diện cho Ngài, một người để trở thành thủ lĩnh Giáo Hội tại thế là thánh Phêrô và Phaolô. Giờ ta hình dung cách chọn người của Đức Kitô dưới ánh sáng của Tin Mừng, để phần nào đó ta cảm nhận ra được tình yêu của Đức Kitô dành cho hai ngài và cho ta.

-          Với Thánh Phêrô. Một ngư phủ, trình độ hạn chế vì gia cảnh không mấy khá giả, một người mang trong tâm ước vọng cách mạng giải phóng dân tộc khỏi bàn tay áp bức của đế quốc Rôma như bao bạn cùng trang lứa; một người chân chất, chân chất trong cả lời nói lẫn hành động; một người khẳng khái nhưng cũng rất nhát gan. Nhớ 3 năm trước, vào một buổi chiều nơi biển hồ Galilê, khi cùng người anh trai kéo lưới, bỗng một tiếng gọi mời của Đức Kitô: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19). Tuy tiếng gọi mời được cất lên từ một Con Người, nhìn dáng vẻ bên ngoài không mấy gì cao sang, quyền quý, nhưng giọng nói và ánh mắt toát lên một năng lực và đầy quyền uy, nơi ánh mắt hàm chứa một tình yêu bao la. Thánh Nhân đã bỏ chài cất bước đi theo. 

Rong ruổi 3 năm theo Thầy Giêsu từ buổi chiều định mệnh ấy. Phêrô nhiều lần chứng tỏ tình cảm của mình đối với Thầy: “Thưa Thầy! Bỏ Thầy con biết theo ai” (Ga 6,68), nhưng cũng không ít câu hỏi cắc cớ đặt ra với Thầy: “Thầy coi, phần chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19,27); bảo vệ Thầy, qua việc rút gươm chém đứt tai một tên cảnh vệ của thầy Thượng Tế trong vườn cây dầu, lên tiếng phản đối Thầy khi Thầy tuyên bố, chấp nhận thua cuộc để lên Giêrusalem chịu án tử, để rồi Thánh nhân sụ mặt khi bị Đức Kitô quay lại quở trách: “Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: Xatan, lui ra đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải của Thiên Chúa, mà của loài người” (Mt 16,21-23); không chấp nhận Thầy hạ mình trở thành đầy tớ để rửa chân: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” (Ga 13,6); tức tối với anh em đồng môn trong việc tranh dành chỗ cao thấp: “Nghe vậy 10 môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gioan” (Mc 10,41). Cuối cùng, vì sợ chết, sợ liên lụy với Thầy mà dõng dạc chối Thầy tới 3 lần, lần cuối cùng trong 3 lần, Thánh Nhân buông lời thề: “Tôi thề là không có biết người các ông nói đó” (Mc 14,71)…

Đời sống của Thánh nhân trong 3 năm theo Thầy là thế đó. Thế nhưng, khi chọn và cắt đặt Thánh Nhân trong nhiệm vụ chăn đắt đoàn chiên Giáo Hội tại thế, Giáo Hội toàn cầu do chính Ngài thiết lập. Ngài không nhìn về quá khứ, cũng chẳng hỏi Phêrô học tới đâu, trình độ ra sao? Đã làm và thực hiện được những gì…? Qua 3 trắc nghiệm ngắn gọn: “Này Simon (Phêrô), con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” (Ga 21,1-19). Dẫu buồn vì Thầy hỏi tới 3 lần, nhưng Thánh Nhân khẳng khái trả lời: “Thầy biết hết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Sau khi đã trắc nghiệm và báo cho Thánh nhân biết hững gì sẽ xảy đến trong tương lai khi lãnh nhận trọng trách. Đức Kitô một lần nữa rất ngắn gọn: “Con hãy theo Thầy”. Kể từ giây phút ấy, thánh Phêrô chính thức trở thành cánh tay nối dài của Đức Kitô, trở thành người lãnh đạo Giáo Hội, trở thành vị Giáo Hoàng tiên khởi.

-          Với Thánh Phaolô. Một thanh niên đầy nhiệt huyết. Tên gọi trước đây của Thánh nhân là Saolô, xuất thân từ dòng dõi Pharisêu, một trong những người giữ luật lệ Môisê một cách nghiêm ngặt; người từng tham gia và chứng kiến việc hành hình thánh Têphanô, một người năng nổ trong việc bách hại, đem cầm tù những người tin Theo Đức Kitô và Tin Mừng Phục Sinh do các thánh Tông Đồ rao giảng (x. Cv 7,55-60;8,1-3). Có thể nói con người trước đây của Thánh nhân là sát thủ đối với các thánh Tông Đồ và nhưng ai dám tuyên xưng Đức Kitô là Chúa. Đấng đã chịu chết và Phục Sinh để cứu độ nhân loại.

Thế rồi, vào một ngày đẹp trời, khi cầm trong tay lệnh bài của các Thượng Tế trong việc truy bắt những Kitô hữu tiên khởi tại các hội đường ở Đamát. Saolô, một mình một ngựa tiến thẳng về Đamát, quyết chí quét sạch những người Kitô hữu ra khỏi các hội đường, cố lập nhiều chiến công. Thế nhưng, khi gần tới thành Đamát, một biến cố lớn đã sảy ra với Saolô như sách Công Vụ trình thuật: “Vậy đang khi Saolô đi đường và đến gần Đamát, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: Saolô, Saolô, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Ông nói: Thưa Ngài, Ngài là Ai? Người đáp: Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng ngươi hãy đứng dậy vào thành, người ta sẽ nói cho ngươi bết ngươi phải làm gì” (Cv 9,1-6).

Qua biến cố ngã ngựa. Thánh Nhân đã trở thành khí cụ của Đức Kitô như lời Chúa phán với ông Khanania “Người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Ítraen” (Cv 9,15). Từ một người bách hại đạo Chúa, nhưng nhờ ơn Chúa, Thánh nhân đã trở thành sứ giả và vị Tông Đồ nhiệt huyết nhất, hăng say nhất, lỗi lạc nhất, được xếp vào hàng thứ hai sau thánh Phêrô. Di sản của ngài để lại rất quý báu. Đó là những thư gửi cho các giáo đoàn, mà Giáo Hội thường công bố trong phụng vụ thánh lễ.

Quả thật, có một câu nói “Mỗi Thánh nhân có một dĩ vãng, mỗi tội nhân có một tương lai” Qua đời sống của Thánh Phêrô và Phaolô, khai mở cho ta những bài học rất quý giá trên con đường trở thành môn đệ và bước theo Đức Kitô.

Thứ 1: Đức Kitô đã tỏ lộ Lòng Thương Xót và tình yêu của Ngài cho ta qua hai thánh Phêrô và Phaolô. Ngài yêu ta bằng một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu hoàn hảo không câu nệ và chấp nhận ta, dẫu đời sống ta có ra sao, ngược lại Đức Kitô cũng mời gọi hay nói như một vị thánh Đức Kitô van xin tình yêu của ta như một người “ăn mày”. Vì thế, để ta thực sự trở thành môn đệ của Đức Kitô, chỉ có trong tình yêu và nhờ tình yêu ta mới chu toàn, mới có thể. Cổ nhân vẫn dạy ta “Chữ tâm bằng ba chữ tài”. Trong mối tương quan giữa ta với Chúa, Ngài cũng sẽ hỏi ta như đã từng hỏi thánh Phêrô: “Này con, con có yêu mến ta hơn những người này không?”. Giữa cuộc sống muôn vàn cái để ta yêu như: Yêu cha, mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, công việc, tiền bạc, chức quyền, đam mê lạc thú …. Ta có dành tình yêu cho Đức Kitô trên hết không? Ta có thể thưa với Ngài một cách thực lòng: “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Tình yêu đó được thể hiện qua người anh em chung quanh ta không? Đức Kitô hôm qua hôm nay vẫn là một, Ngài vẫn chờ, vẫn đợi ta, vẫn khát khao tình yêu của ta như lời thứ 5 của Ngài trên đỉnh cao thập giá “Ta Khát” (Ga 19,28).

Thứ 2: một người chối Chúa như thánh Phêrô, không chỉ một nhưng tới ba lần, một người đã từng hăng say bách hại đàn chiên của Chúa, tiếp tay giết hại chứng nhân của Chúa như thánh Phaolô. Thế mà Ngài vẫn mời gọi cộng tác và giúp các ngài hoàn thành sứ mệnh cao cả một cách tuyệt vời. Với ta, giữa những bất toàn, khiếm khuyết, giới hạn của kiếp người, không ít lần ta bách hại Ngài qua việc ta làm gương mù, gương xấu cho anh em, qua việc ta không chu toàn bổn phận hằng ngày…. Tin chắc Đức Kitô vẫn luôn nhắc nhở ta như đã từng nhắc nhở thánh Phaolô: “Này con, sao con bắt bớ ta?”, Ngài vẫn luôn động viên ta, mời gọi ta cộng tác với Ngài trong từng hoàn cảnh và từng bậc sống. Có điều là giữa những vấp ngã và những bóng đen của thế gian che phủ mắt ta, ta có mạnh dạn đứng lên như thánh Phaolô không? Đây là những điều Chúa biết ta và ta biết chính ta. Đức Kitô, Ngài vẫn chờ, vẫn đợi ta qua những lần ta ngã ngựa giữa dòng đời, qua ánh mắt và lời nhắc nhở của các bậc bề trên.

Thứ 3: Đức Kitô trao ban, mời gọi và đặt để những con người bất toàn như thánh Phêrô và Phaolô trước kia trở thành những cánh tay nối dài của Ngài, thành những người lãnh đạo Giáo Hội. Vì thế, trong mối tương quan giữa ta và các vị mục tử, ta có đồng cảm và nhận ra nơi các ngài trong đời sống và trong thân phận kiếp người, còn đó những khiếm khuyết, những bất toàn, để rồi ta thông cảm, ta cầu nguyện và cộng tác với các ngài trong công việc, trong nhiệm vụ loan báo tin mừng không? Đức Kitô đã yêu thương và mời gọi các vị mục tử cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài. Ta là ai? Lẽ nào ta lại ta lại có nhưng ngôn từ xúc phạm và trách cứ các ngài. Cổ nhân đã có câu: “Nhân vô thập toàn”.

Trong ngày ta cùng với toàn tể Giáo Hội mừng kính hai thánh Phêrô và Phaolô, ta cùng hiệp lòng cảm tạ Chúa đã tỏ lộ tình yêu của Ngài qua các Thánh nhân, ta cảm tạ Thiên Chúa đã mời gọi ta cộng tác vào chương trình của Ngài, dẫu đời sống ta con đó nhưng yếu đuối, những thờ ơ và biếng nhác, ta cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta những tấm gương vượt qua những bất toàn của kiếp người, biết đứng lên sau những lần vấp ngã để trở thành cây viết chì trong lòng bàn tay của Chúa. Ta cũng xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của hai thánh Phêrô và Phaolô ban cho ta có một lòng mến sắt son, một sức mạnh vượt qua những cám dỗ và thử thách trong đời, ban tràn đầy Thánh Thần của Ngài xuống trên ta, để Thánh Thần của Ngài soi sáng, hướng dẫn, ta nhận ra được tiếng gọi mời của Chúa và giúp ta chu toàn bổn phận của người Kitô hữu và nhất là giúp ta luôn hăng say trong nhiệm vụ loan báo Tin Mừng. Cuối cùng ta xin Chúa chúc phúc lành cho tất cả các vị mục tử là những người Chúa đã chọn trong gia đình nhân loại và Giáo Hội, để nhờ ơn Chúa giúp, các ngài sẽ là những ánh sao, những muối và men ướp, rọi sánh chân lý và ướp mặn cho đời.

Lạy Chúa! Nhờ lời chuyển cầu của hai thánh Phêrô và Phaolô, xin đón nhận con trong tình yêu của Chúa và xin giúp con thực sự trở thành môn đệ của Chúa. Amen.

Sài Gòn Ngày 28/6/2011