Trang Độc Giả


MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

24/11/2010

ĐÔI DÒNG SUY TƯ

Antôn Lương Văn Liêm

Đôi dòng lược sử:

Niềm tự hào của những người con nơi Giáo hội Việt Nam, khi những hạt lúa chôn vùi nơi mảnh đất quê hương, qua việc các bậc tiền Nhân đã anh dũng làm chứng cho tin Mừng, gieo trồng và vun xới cho hạt giống Tin Mừng được nảy nở, lớn lên bằng chính những giọt máu của các Ngài. Những hạt giống giờ đã trổ sinh hoa trái, không chỉ nơi Giáo hội nhà, Giáo Hội toàn cầu, nhưng còn toả hương thơm trên gia đình Thiên Quốc, như lời Thánh Vịnh: “ Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển ”(Tv.19,4-5)

Ngày 27.05.1900 Đức Lêô XII tôn phong : 64 vị; ngày 20/5/1906 Đức Piô X đã tôn phong 28 vị; ngày 29/4/1951 Đức Piô XII tôn phong 25 vị. Tổng cộng 117 vị được tôn phong Chân Phước, trong tổng số trên dưới 100.000 tín hữu đất việt đổ máu vì Đức Tin qua 3 thế kỷ bách hại niềm tin Kitô Giáo.

Ngày 19/6/1988 trên dưới 10.000 người công giáo Việt Nam từ khắp các châu lục đã tuôn đổ về toà thánh Vatican, tham dự thánh lễ trọng thể tôn phong cho 117 vị là những người con ưu tú của Giáo Hội Việt Nam lên hàng hiển thánh. Trong đó có 8 Giám mục, 50 linh mục, 15 thầy giảng, 1 chủng sinh, 42 giáo dân. Dưới sự chủ tọa của đức giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Sau nghi thức tôn phong, Đức Thánh Cha đã dùng chính ngôn ngữ của những người con đất Việt, với một giọng nói thân thương trìu mến, Ngài cất tiếng: “ Cha chào anh chị em Việt Nam thân mến! Cha gởi lời chào chúng con, từ bốn phương trời tuôn về La Mã, vui vẻ, hiên ngang mừng các thánh Tử Đạo của giáo hội chúng con hôm nay, xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng con, và Cha cầu chúc cho chúng con sống xứng đáng là con cháu của các vị anh hùng ”.

Cùng với tất cả con dân Đất Việt trong nước cũng như hải ngoại, đặc biệt là đàn chiên trong Giáo Hội Việt Nam, trong ngày mừng kính các thánh Tử Đạo tiên tổ của ta. Ngoài việc ta cất lên lời cảm tạ tri ân Thiên Chúa đã ban tặng cho Giáo Hội việt Nam những tấm gương, những chứng nhân anh dũng, những người thợ lành nghề trong công việc Loan Báo Tin Mừng Cứu Độ, kế đến ta tri ân các Ngài đã quảng đại, dày công vun xới cho hạt giống Tin Mừng sinh hoa kết trái trên mảnh đất quê hương, mà ta là những thành phần được thừa hưởng từ những công quả đó.

Ngoài những ý nghĩa đó, ta cũng nên dừng lại, để trong cõi lặng, ta tự hỏi và tự nhủ với lòng mình. Là hậu duệ, là tầng lớp thừa hưởng, kế thừa, ta đã sống xứng đáng với những hy sinh, công khó của các Ngài chưa? Đã lấy Tin Mừng làm chuẩn mực cho đời sống, và làm chứng cho Tin Mừng như các ngài chưa? Ta đã tự nhủ với lòng sẽ cố gắng hy sinh tất cả, từ bỏ tất cả những danh vọng, quyền chức, bổng lộc, lạc thú trần gian, ngay cả phải hy sinh mạng sống vì Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng chưa….? Hay ta chỉ dừng lại với niềm tự hào, Giáo Hội ta đứng đầu danh sách số lượng các thánh Tử Đạo so với các Giáo Hội trên toàn cầu, với 117 vị thánh Tử Đạo, đã được Hội Thánh tôn phong và mừng kính.

Vào ngày lễ phong hiển thánh cho 117 vị Tử Đạo Việt Nam, trong bài giảng lễ, đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã lên tiếng kêu gọi: “ Một lần nữa, hỡi giáo đoàn Việt Nam, chúng tôi nói lại cho anh em rằng: Máu các vị Tử Đạo là nguồn ân sủng cho anh em trước tiên, để anh em thăng tiến trong Đức Tin. Trong anh em Đức Tin của Tổ Tiên vẫn tiếp tục và còn truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai. Đức Tin này tồn tại để làm nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những người là Việt Nam thuần tuý sẽ trung thành với quê hương đất nước, nhưng đồng thời vẫn là người tín hữu của Chúa Kitô ”

Vâng! Là hậu duệ, là tầng lớp kế thức của các bậc tiền nhân, ta luôn phải có trách nhiệm và bổn phận đáp trả công ơn to lớn đó bằng cách ngày càng làm cho hạt giống Tin Mừng phát triển cả về hình thức lẩn nội dung nơi chính bản thân, và lưu truyền cho các thế hệ tương lai. Trong từng giây phút của cuộc sống Chúa Kitô vẫn luôn mong ước ta noi gương các bậc tiền nhân loan báo và làm chứng cho Tin Mừng, chấp nhận Tử Đạo để cho hạt giống Tin Mừng cho hết thảy mọi người.

Thời nay, không còn việc cấm cách, bắt bớ, bị giam cầm, xử tử bằng những hình thức man rợ như: Xử trảm, lăng trì, voi dày, ngựa xé, phanh thây, bá đao…dành cho những ai tin và đi theo lời mời gọi của Đức Kitô trong công việc loan báo Tin Mừng như thời của các bậc tiền nhân. Nhưng, thời nay, việc bách hại niềm tin Kitô rất tinh vi và rất ngọt ngào như:

1. BÁCH HẠI ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN, ĐẠO ĐỨC CỦA THẾ GIAN.

- Xã hội phát triển, đời sống con người được nâng cao, chủ nghĩa hưởng thụ bành trướng. Từ đó đẩy đưa con người vào đời sống cạnh tranh, dành rất nhiều thời gian cho việc đi tìm tri thức, chức quyền, bổng lộc, kinh doanh…hơn đi tìm Thiên Chúa, ngay cả những người vẫn tuyên xưng mình là Kitô hữu cũng thoát khỏi vòng xoáy đó.

- Công nghệ giải trí qua truyền hình được phát liên tục 24/24h mỗi ngày, chương trình đa dạng, phong phú, điều này đã lấy đi quỹ thời gian dành cho việc đạo đức rất lớn. Đặc biệt thế hệ trẻ.

- Vào những dịp đại lễ như giáng sinh, phục sinh, tất cả các khu vui chơi hoạt động hết công suất, những show ca, nhạc, kịch, thời trang…hoành tráng, để lôi kéo tất cả mọi giới vào những giờ, các ngôi thánh đường tổ chức thánh lễ.

- Tràn lan các tụ điểm Game onlie, thu hút rất nhiều bạn trẻ, thiếu nhi và cả giới lớn tuổi bước vào sân chơi thời thượng.

- Nhà hàng, quán xá mọc lên như nấm, công nghệ quảng bá các thứ bia rượu đủ mọi thương hiệu, đủ mọi giá, từ bình dân cho tới cao cấp, hình thức khuyến mãi hậu hĩnh, đã làm mê say các đấng bậc mày râu và ngay cả giới nữ.( vào những buổi chiều, sau giờ tan tầm, ta thử nhìn vào các ngôi thánh đường trong giờ lễ và hướng về các quán ăn, nhậu, café, ta sẽ thấy thực trạng chênh lệch giữa thế gian và Thiên Đàng).

- Nhiều lễ hội được du nhập từ phương tây như Valentine, Hellowen…thu hút nhiều sự chú ý và tham gia của tầng lớp trẻ.

- Trào lưu yêu cuồng, sống vội của giới trẻ hiện nay, đưa đến một tệ nạn trẻ bỏ nhà đi hoang, nạn phá thai ở lứa tuổi vị thành niên đáng báo động.

- Hiện tượng mua bán cái chết trắng, chất gây nghiện tổng hợp, những quán bar, vũ trường, café trá hình….tràn lan, đang là điều nhức nhối cho Giáo Hội và xã hội.

2) BÁCH HẠI NHAU TỪ GIA ĐÌNH, CỘNG ĐOÀN, BẢN THÂN.

- Cha, mẹ bách hại con cái qua việc thiếu yêu thương và tha thứ, coi trọng việc trau dồi tri thức xã hội như việc học thêm, ngoài giờ, hơn việc học hỏi giáo lý, đức tin và nhân bản.

- Anh em bách hại lẫn nhau vì tài sản, vì thiếu tha thứ, yêu thương, dẫn đến việc vì tức giận nhau mà bỏ đi nhà thờ, bỏ các việc đạo đức.

- Cách sống chạy theo trào lưu thực dụng của người Kitô hữu, đưa đến gương mù, gương xấu cho người thân và nhiều người chung quanh.

- Vì danh dự, lợi ích của bản thân, gia đình, đưa đến việc áp đặt, đồng thuận, tước đoạt mạng sống của các thai nhi vô tội. Đây chính là việc xúc phạm tới chương trình sáng tạo và tình yêu của Thiên Chúa.

- Vì quyền, danh, lợi, cái tôi, ích kỷ…trong nhiệm vụ, bổn phận nơi môi trường nhà đạo. Dẫn đến việc nhiều người bất mãn, giảm niềm tin và cuối cùng rời xa thánh đường….

Một vài điển hình, minh họa cho việc bách hại của thế gian, của gia đình, cộng đoàn và ngay cả của chính bản thân hiện nay, đối với tất cả những ai đang trên đường đi theo lời mời gọi của Đức Kitô. Đây cũng là một hình thức “ Quá Khóa ” một cách tinh vi và ngọt ngào của thế gian.

Những vua quan ngày xưa, đã không áp đặt lên bản án của các bậc tiền nhân những tội danh như: Chính trị, xã hội… Nhưng thuần túy là tôn giáo, niềm tin vào Đức kitô. Một trong những hình thức quan trọng nhất để các tội nhân được giảm án, tha bổng, đó là khước từ thập giá, qua việc “ Quá Khóa ” (bước qua thập giá ). Lời dụ dỗ, chọn lựa, giữa thập giá và sự sống thế gian, giữa thập giá và bổng lộc, chức quyền. Thật anh dũng, các bậc tiền nhân của ta đã chấp nhận ôm lấy thập giá, chấp nhận chết để được ôm lấy Thiên Chúa, khước từ bước qua thập để bảo toàn sự sống cho mình, cho gia đình, được hưởng vinh hoa phú quý mà thế gian ban tặng. Điều này đã đưa đến sự ngạc nhiên cho những con người trực tiếp cũng như gián tiếp hành hình các ngài.

"Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được ”(Lc.14,26-27). Lời Chúa trên, đã thấu nhập vào tư tưởng lời nói của các bậc tiền nhân, dẫu ai cũng biết, thời đó làm gì có những quyển Kinh Thánh bằng quốc ngữ, Kinh Thánh bỏ túi, ngoài những lời giảng của các vị thừa sai và những kinh bổn thuộc nằm lòng. Nhưng , với lòng tin đơn sơ, đời sống đơn sơ, đã giúp các ngài lập được những chiến công hiển hách, tấm bia ghi danh và ghi công của các ngài không chỉ nơi trần thế, nhưng được sơn son thiếp vàng trên Thiên Quốc và được lưu truyền tới thiên thu vạn đại.

"Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được ”(Lc.14,26-27). Đây cũng là lời mời gọi ta trong từng ngày sống, trên con đường tiến bước theo tiếng gọi của Đức Kitô.

Nhưng, làm sao ta có thể từ bỏ tất cả những gì tôi yêu, tôi quý, tôi đã bỏ biết bao công sức, ngay lành có, giả dối có, thủ đoạn có, để tạo ra cho tôi tất những gì mà tôi đang sở hữu đạo cũng như đời? Làm sao tôi có thể từ bỏ những thú vui, đam mê ngày ngày luôn mời gọi tôi một cách mãnh liệt qua nhiều hình thức và nhiều cách khác nhau? Làm sao tôi có thể bỏ chiếc ghế quyền lực đạo cũng như đời, chiếc ghế này đã đem lại cho tôi danh dự, sự nể nang, phục vụ, khúm núm, sợ sệt của những con người thấp cổ bé miệng dưới tôi và quanh tôi? Làm sao tôi có thể nhận ra nơi tôi còn đó những kiêu ngạo, tự mãn, ích kỷ, hận thù, loại trừ, bè phái….?

Để rồi, ta cất bước lên đường đi theo tiếng gọi của một Đấng, hay nói đúng hơn là của một Con Người khi nói với ta những lời xem ra khó chấp nhận, khó đi theo: “ Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu ” (Mt.8,20), hơn thế nữa, còn báo trước những gian khó trên con đường đi theo lời mời gọi để sống, để làm chứng: “ Vì danh Thầy, Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét ” (Lc.21,16-17).

Quả là một thách đố lớn đối với ta, trong hành trình lắng nghe, bước theo lời mời gọi của Đức Kitô, sống Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng giữa thời đại hôm nay.

“ Không có Thầy, anh em không thể làm được việc gì ” (Ga.15,5).Vâng! Nếu không từ trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, thì cho dù ta có là ông nọ bà kia, ta có những kiến thức siêu việt trên mọi người, ta có đưa ra những triết lý mà cả thế gian đón nhận và ghi dấu ấn, ta có am hiểu Kinh Thánh gì gì đi chăng nữa… Tất cả những điều đó không giúp ích gì cho ta, trong hành trình bước theo Đức Kitô, nếu ta không ở trong Đức Kitô với tấm lòng đơn sơ, khiêm hạ, với tấm lòng rộng mở, bao dung dành cho người anh em quanh ta, họ chính là hiện thân của Đức Kitô.

Vì thế, trong ngày mừng kính các thánh Tử Đạo Việt Nam, trước tiên là ta chạy đến với Mẹ Maria, Mẹ là Nữ Vương các thánh Tử Đạo, Mẹ đã chịu tử đạo bằng chính cuộc đời của Mẹ trên con đường bước theo Đức Kitô, từng bước chân Chúa đan lồng bước chân Mẹ, khởi đi từ lời xin vâng cho đến khi Mẹ kiên cường đứng dưới chân thập giá, ta xin Mẹ giúp ta tiếp cận Đức Kitô, ở trong Đức Kitô. Nhờ lời cầu thay nguyện giúp của các thánh Tử Đạo, xin Mẹ giúp ta biết xin vâng, từ bỏ và sống xứng đáng là hậu duệ của các bậc tiền nhân song cho Tin Mừng và chết cho Tin Mừng.

Lạy Chúa Giêsu! Con cảm tạ Chúa đã ban cho Giáo Hội Việt Nam chúng con nhưng tấm gương anh dũng trong việc sống Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng, đó là các thánh Tử Đạo tổ tiên của con.

Giờ đây, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria. Nữ Vương các thánh Tử Đạo và của các thánh Tử Đạo chuyển cầu, con bắt chước lời cầu nguyện của Chúa để thân thưa cùng Chúa:

- Lạy Chúa! Con cảm tạ Chúa vì Chúa đã mạc khải nước trời cho người bé nhỏ, vâng đó là điều đẹp ý Chúa.

- Lạy Chúa! Xin cho Giáo Hội chúng con, gia đình chúng con, cộng đoàn chúng con nên một, như Chúa nên một với Chúa Cha.

- Lạy Chúa! Con không xin Chúa cất con khỏi thế gian, nhưng xin Chúa gìn giữ con thoát khỏi quyền lực của thế gian.

- Lạy Chúa! Xin tha thứ cho con, vì con vô tâm, vô tình, cố ý xúc phạm đến tình yêu của Chúa, trong từng ngày sống của con.

- Lạy Chúa! Con phó thác cuộc đời con trong tay Chúa. Amen

Sài Gòn Ngày 11/11/2010