Thầy không đến để ban hòa bình,
nhưng mà đem sự chia rẽ

Tâm Hồn Nhỏ

Thầy đến để ném ngọn lửa vào thế gian, và mong cho ngọn lửa ấy cháy lên.

Thầy không đến để ban hòa bình, nhưng mà đem sự chia rẽ... (Lc 12,49-53).

Suy niệm lời Chúa hôm nay dẫn con vào đường tình yêu của Chúa, đường tình mà Chúa đã đi qua. Đường tình Chúa đã tự hiến cho nhân loại.

Thầy đến để ném ngọn lửa vào thế gian. Ngọn lửa ở đây chính là sự hiện thân của Chúa đến giữa thế gian đang mù tối.

Thế gian này đầy sự tối, bòng tối của thù hận, ghen tuông, bất hòa, chia rẽ, bóng tối của những bạo lực, sự chết và sự tự hủy hoại. Đường bóng tối thì đầy những lời hoa mỹ mang những lừa dối bởi sự phù hoa, tráng lệ, hưởng thụ, và những đam mê nhằm thỏa mãn những mục đích phục vụ cho thân xác, là loài phải chết.

Thế gian nay đã và đang chìm trong sự tối tăm mà không cách nào thoát ra được. Chúng ta có thể thấy ngày hôm nay tên những phương tiện truyền thông: báo chí, truyền hình, truyền thanh, hay mạng lưới điện toán. Đâu đâu cũng chỉ thấy và nghe về sự chết, sự xa đọa, sự đau khổ, và những con đường đưa đến sự vong thân tha hóa.

Chính vì sự đau khổ và thất vọng này của nhân loại khỏi đi từ nguyên tổ. Thiên Chúa chúng ta chính là nguồn hy vọng, đã thương con người và muốn cứu vớt con người. Nên Ngài đã đến ném ngọn lửa sự sáng vào thế gian là ban chính Người Con duy nhất của Người là Chúa Giêsu Kitô, xuống thế gian gánh chịu khổ hình thay cho nhân loại.

Hãy nhìn vào hành động khi ta bắt đầu làm cháy lên một ngọn lửa. Một cây nến, một bếp than, hay một bó củi chụm lại.... Điều ta phải thấy rằng trước khi có ngọn lửa cháy sáng, phải có một sự tự hủy của vật thể là nến sáp, là củi hay là than. Vật thể đó phải được đốt cháy để cho ánh sáng được bùng lên, xóa tan đêm tối và những bóng đen của sự sợ hãi.

Một khi ngọn lửa đã được ném xuống thế gian thì đường dẫn vào hủy diệt sẽ phải nhường chỗ cho đường dẫn vào sự sáng và sự thật, cho chân lý và sự sống.

Chúa Giêsu Kitô chính là sự sáng ấy. Ngài đã bằng lòng tự nguyện mặc lấy thân xác con người, xuống thế gian, mặc kiếp phàm trần, sống đời khó nghèo, để cho người ta kết án, bắt bớ, vu cáo, nhục mạ, chịu khổ hình và cuối cùng chịu đóng đanh và chịu chết. Người đã bằng lòng chịu hành quyết và chịu chết một cách đau đớn và nhục nhã.

Người đã hiến thân hoàn toàn cho nhân loại.

Vì tội lỗi của nguyên tổ, loài người phải gánh chịu những đau khổ ở thế gian, nên Chúa đã đến gánh lấy đau khổ thay cho nhân loại.

Vì con người đang chạy theo quyền thế bất công, lấy quyền lực, áp bức, đè nặng án phạt lên kẻ khác, thì Người đã bằng lòng nín lặng chịu sự kết án bất công trước quan tòa Philatô.

Vì con người kiếm tìm sự hưởng thụ xa hoa nơi trần thế, với những lụa là gấm vóc, con ngươi đang đi tìm sự giàu sang, thì Người bằng lòng trần trụi đến nỗi không một mảnh vải che thân trên cây thập tự.

Vì con người đang tìm kiếm những sự vuốt ve, mơn trớn thỏa mãn những dục vọng xác thịt, gây ra những loạn tình, lăng loàn, ly dị, phản bội, thì Người bằng lòng để cho quân lính cầm roi sắt mà đập đánh Người đến tan da thịt nát.

Chúa Giêsu đã tự hủy mình ra không, nên gương cho chúng ta. Người đã tận hiến hoàn toàn cho nhân loại, cả Nhân Tính và Thiên Tính của Người. Người đi vào thế gian như ngọn lửa tình được ném vào chốn vực sâu đầy tội lỗi.

Tuy vậy gió bão giông tố của sự ác và sự dữ luôn muốn làm lụi tàn ngọn lửa mà Chúa đã ném xuống thế gian.

Người đã nên gương cho chúng ta, nhưng không phải ai cũng dễ dàng đón nhận. Chính sự tốt lành, thánh thiện của Người tỏa rạng làm cho những tội lỗi của con người phải bị phơi bày ra ánh sáng.

Những mưu chước của ma quỉ làm phát sinh ra tội lỗi, làm hình thành lên trong lòng mọi con người: từ trong gia đình,trong xã hội, trong những quan hệ giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái, giữa loài người với loài người.

Lý do gây ra sự bất hòa chia rẽ trong gia đình chính vì, mọi thành viên trong gia đình đã không nhìn lên gương Chúa Giêsu làm gương mẫu cho ta. Chính họ đã không tự nguyện làm chất đốt, để đốt đi những ích kỷ, lòng tự ái, sự ghen tuông, ý riêng, tham lam, sân si….

Ánh sáng của Chúa đã được ném vào trong đời sống của những con người, mà không được cháy sáng lên, ánh sáng của lòng tin ngay trong lòng và trong cuộc sống của gia đình. Đó là lý do xảy ra mọi bất hòa va những đố kỵ.

Nếu tất cả những sự tối ấy trong quan hệ của mọi người bị thiêu hủy đi, bị đốt đi, thì ngọn lửa đức tin mới được cháy sáng.

Ai chiến đấu đến cùng, kẻ ấy sẽ nên sáng. Ai ngã gục trước mọi ước muốn, dục vọng nơi thế gian này, kẻ ấy sẽ không tài nào thoát ra khỏi sự tối ấy, và vì vậy tâm hồn họ càng trở nên lạnh giá và chai đá.

Khi ấy những đố kỵ, bất hòa, chia rẽ giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái,và anh chị em với nhau sẽ trở nên như cái ách, như gông cùm xích xiềng con người trong sự chán chường và thất vọng.

Hãy học Đấng đã nên gương cho chúng ta. Đấng đã bằng lòng quên đi Thiên Tính của mình để trở thành Nhân tính xuống thế gian cho nhân loại được sống

Hãy nhìn lên cây Thánh Giá, hãy học và bắt chước Chúa Giêsu:

Chấp nhận sự đau khổ mỗi ngày, là học biết chấp nhận mọi khác biệt và đố kỵ. Hãy nhẫn nại và thinh lặng giống như Chúa Giêsu khi đứng trước quan tổng trấn.Hãy bằng lòng chấp nhận những khuyết điểm của người khác như Chúa đã bằng lòng để quân lính đặt Thánh Giá trên vai Chúa. Hãy để cho người khác khinh chê, chỉ trích mình như Chúa đã để cho quân lính và dân Do Thái phỉ báng Chúa. Hãy chấp nhận những thiệt thòi, hoặc bị người khác lấy đi những quyền lợi của mình, như Chúa đã để cho quân lính lột áo Chúa. Khi bị ai dùng lời nói như mũi dao đâm thấu lòng ta, hay nhớ đến Chúa đã bị quân lính cầm roi quất Chúa đến tan nát thịt xương, và bị lưỡi đòng đâm thấu qua trái tim.

Những lúc xảy ra những yếu đuối trong đời ta. Hãy nghĩ đến Chúa phải tới ba lần ngã xuống đất, nhưng rồi Người lại tiếp tục gượng đứng dậy mà đi hết đoạn đường thương khó. Và nếu như có sự vu khống, bất công, bị hãm hại, chịu sự đau khổ từ người khác gây ra cho ta, thì hãy nhớ rằng, ta đang chịu đóng đanh chung vào Thánh Giá với Chúa. Và nếu như sự đau khổ, hay thử thách dẫn đến tang thương, phải chia cách những người thân, thì hãy biết rằng, sự chết là bắt đầu sự sống mới. Thân xác sẽ phải chết đi cho linh hồn được sống lại cùng với Chúa vinh quang.

Đó là ngọn lửa mà Chúa đã ném vào thế gian, và mong cho ngọn lửa ấy cháy lên. Ai để cho ngọn lửa này đốt cháy những ham muốn ở thế gian này khỏi những đam mê hưởng thụ và sở hữu mọi lợi lộc trần thế - giống như vàng ở trong lửa – Nghĩa là: chịu mọi bất công, tha thứ mọi thù oán, chống lại sự dữ, khử trừ sự ác – như người lính xông pha ra chiến trận với vũ khí và khiên thuẫn là Tình Yêu, Đức Bác ái, Lòng Khiêm Nhường – Sống nhân hậu và hiền lành theo gương Chúa Giêsu, chính là Đấng đã nên gương cho chúng ta.

Ai biết dâng hiến sự đau khổ của ta giống như Chúa Giêsu đã dâng chính thân mình làm hiến tế trên bàn thờ. Như vậy ta Băng Qua Đau Khổ mà Bước Đi trong Bình An. Ta sẽ trở thành một quà tặng quí giá, mà chính chúng ta đã để cho ngọn lửa Tình của Chúa hun đúc, mài dũa, để trở nên đẹp đẽ và hoàn hảo trước mặt Chúa.

Là những bậc sống đời gia đình, hãy ăn ở cho xứng bậc của mình: là người chồng người cha,người vợ người mẹ, người con cái hay là anh em với nhau – Hãy sống khó nghèo như Chúa là Đấng khó nghèo, từ lúc Người sinh ra cho đến lúc chết đi – Hãy yêu thương như Chúa đã yêu thương, bằng cách Người đã từ bỏ Ngai Trời mà xuống thế gian, đội vương miện vòng gai, và ngồi trên Ngai Thánh Giá – Hãy tha thứ như Chúa đã tha thứ, Người đã tha thứ cho những kẻ hành quyết và giết chết mình – Hãy sống chân thật, khiêm hạ và bé nhỏ vì chính Chúa là Đấng khiêm nhường và hiền lành vô cùng – Và cuối cùng hãy sống xứng đáng với quà tặng Chúa ban cho ta, là chính sự sống mà chúng ta đang sống, để biết quý trọng và bảo vệ sự sống của mọi con người từ lúc hình thành trong dạ mẹ, cho đến lúc chết đi.

Hãy nhìn lại thế giới ngày nay đang cướp mất cuộc sống của mỗi thai nhi trong từng giây từng phút, ĐÓ một biểu tượng của một nền văn minh Sự Chết.

Cảm tạ ơn Chúa đã đến và ném ngọn lửa vào thế gian. Ước gì mọi thành viên trong từng gia đình chúng con biết tự nguyện làm chất đốt – làm thiêu hủy đi những cá biệt trong lời nói cũng như trong hành động, xin làm cháy lên ngọn lửa Đức Tin, ngọn lửa Yêu Thương, ngọn lửa Hy Vọng, ngọn lửa Xây Dựng Hòa Bình. Để cho những bóng tối và sự tối phải nhường chỗ cho ánh sáng. Ánh Sáng sẽ phủ xuống trên toàn thể nhân loại, ánh sáng ấy mang lại cho thế giới một Nền Văn Minh Mới. Biểu tượng mới - Biểu tượng của một Nền Văn Minh của Sự Sống và Tình Thương.

Nguyện xin Chúa thương chúng con, ở cùng chúng con, và giúp chúng con dám thí thân mình làm chất đốt – để ngọn lửa mà Chúa ném xuống – sẽ được bùng cháy lên và cháy sáng

Chúng con xin phó thác mọi sự cho Trái Tim Cực Thánh Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria, Amen. 

Trang Độc Giả

Trang Nhà