LỜI CHÚC THẦN THIÊNG
(Lễ Giáng Sinh – Năm C)

JM. Lam Thy ĐVD.

              *Thượng vinh Thiên Chúa*

               *Hạ hoà thiện nhân*

(Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho người thiện tâm)

Không chỉ những Ki-tô hữu, mà còn rất nhiều những anh em các tôn giáo khác, thậm chí cả những anh em vô thần, cứ đến mùa Giáng Sinh là lại đi kiếm những đĩa nhạc Giáng Sinh về nghe, hoặc ít ra cũng đi uống cà phê hay lai vãng những điểm bán đồ trang trí hoặc quà tặng Giáng Sinh, để được nghe lại những lời ca chan hoà âm điệu, chứa đựng lời chúc thần thiêng: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm". Ấy cũng bởi vì lễ Giáng Sinh đã trở thành một lễ hội chung cho toàn thế giới, và tâm lý chung của con người ai cũng muốn được chúc mừng những sự lành, thứ nhất đây lại là lời chúc mừng của các Thiên thần từ trời cao, kèm theo một món quà vô giá là Con Ông Trời xuống thế làm bạn với loài người trong thân thể mọn hèn.

Thiên Chúa đã là Đấng vô hình vô ảnh, còn các Thiên thần thì sao? Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo đã xác tín về các Thiên thần: “Sự hiện hữu của các hữu thể thiêng liêng không có thể xác là một chân lý đức tin” (GLHTCG, số 328). Đó là những nhân vật “Xét về bản tính là ‘thuần linh’, xét về chức năng là ‘Thiên thần’. Theo hữu thể, là một thuần linh; theo hành động là một Thiên thần. Từ bản thể, các Thiên thần là những tôi tớ và sứ giả của Thiên Chúa. Vì các ngài hằng chiêm ngưỡng ‘Thánh nhan Cha Ta ở trên trời’ (Mt 18, 10)” (GLHTCG, số 329). “Với tư cách là thụ tạo thuần linh, các ngài có trí năng và ý chí, các ngài là những thụ tạo có ngôi vị (x. Pi-ô XII: DS 3891) và bất tử. Các ngài hoàn hảo hơn mọi thụ tao hữu hình. Vinh quang rực rỡ của các ngài minh chứng điều ấy.” (GLHTCG, số 330). Điều đó chứng tỏ sự kiện "Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương" (Lc 2, 13-14) là một hiện thực không cần bàn cãi. Nhưng vì sao các Thiên thần lại xuất hiện cùng lúc với biến cố trọng đại "Con Thiên Chúa giáng trần"?

Ấy cũng bởi vì "Đức Ki-tô là trung tâm của thế giới Thiên thần. Các Thiên thần đều thuộc về Người: ‘Khi Con Người đến trong vinh quang với toàn thể các Thiên thần của Người’ (Mt 25, 31). Các Thiên thần thuộc về Đức Ki-tô vì đã được dựng nên nhờ Người và cho Người. ’Vì trong Người, muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người’ (Cl 1, 16). Hơn nữa các Thiên thần còn thuộc về Chúa Ki-tô, vì Người đặt các ngài làm sứ giả thực hiện ý định cứu độ của Người: ‘Nào tất cả các vị đó không phải là những bậc thiêng liêng chuyên lo phụng thờ Chúa, được sai đi phục vụ để mưu ích cho những kẻ sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ sao?’ (Dt 1, 14)" (GLHTCG, số 331). Như vậy là đã rõ: các Thiên thần là thụ tạo thuần linh, được dựng nên nhờ Đức Ki-tô và cho Đức Ki-tô, nên không lạ khi thấy các ngài luôn hiện diện cùng với Đức Ki-tô từ khi Người nhập thể và nhập thế cho đến khi Người quang lâm lần thứ hai trong ngày cánh chung.

Vậy thì lời chúc thần thiêng "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm" cũng chính là lời chúc của Đức Giê-su Thiên Chúa dành cho loài người. Thói thường con người sống ở trên đời, ai chẳng muốn được bình an. Tưởng cũng cần đi sâu vào ngữ nghĩa của 2 tiếng bình an ( ). Theo từ nguyên thì tĩnh từ "bình an" (hay bình yên) chỉ có nghĩa là: "ở tình trạng không gặp điều gì không hay xảy ra, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống" (cuộc sống bình an, gia đình được bình an). Còn nếu chiết tự theo Hán Việt thì có 2 từ riêng biệt: "Bình" là bằng nhau, hoà nhau, không phân hơn kém, ví dụ "hoà bình" ( ): mọi người sống chung với nhau trong bầu khí cân bằng, hoà giải; "An" là yên ổn, sống yên lành, không thù hận, ganh ghét nhau, rộng ra là không chiến tranh, loạn lạc. Điều đó cho thấy lời chúc bình an của các Thiên thần bao hàm một nghĩa rộng, chung cho toàn thể nhân loại, nên phải hiểu là mỗi cá nhân cần có một cái tâm an bình trong cuộc sống cho chính bản thân và từ đó mở rộng ra với mọi người bằng sự giao hảo chân chính. Nói cách khác, lời chúc đêm Giáng Sinh đã hiện thực hoá giới răn quan trọng hàng đầu của Ki-tô Giáo: Mến Chúa yêu người. Phải chăng đó chính là lời chúc “loài người hãy giao hoà với nhau và giao hoà với Thiên Chúa”, để “đất với trời se chữ đồng”?

Thiên Chúa đã đi trước lời chúc lành thánh đó, bằng việc sai Con Một đến trong trần gian để thực hiện chương trình giao hoà giữa trời và đất, ban ơn cứu độ, giải thoát loài người khỏi sự chết đời đời (“Thiên Chúa Cha đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một mình, để ai tin vào Con của Người thì không phải chết nhưng được sống muôn đời” – Ga 3,16). Và chính vị Cứu Tinh ấy đã chọn cho mình một chỗ giáng sinh thật đơn sơ thấp hèn: Một máng cỏ chiên lừa trong một hang đá hèn mọn. Chỗ đơn sơ thấp hèn ấy, hơn nơi nào hết, biểu lộ Tình Yêu Thiên Chúa, vì Tin Mừng của Thiên Chúa đã đến, trước tiên, cho những nơi thấp hèn, cho những người bé mọn. Và sau biến cố trọng đại ấy, thì Con Người cũng luôn luôn đến với những người bé mọn, thấp hèn, tội lỗi, tù rạc, bệnh hoạn…        

Chính cái sự thấp hèn của một hang đá nuôi bò lừa, cùng với những mục đồng ở giai cấp bần cùng của xã hội, kể cả ông Giu-se và bà Maria không nhà cửa, không quán trọ, quây quần quanh một hài nhi nhỏ bé nhưng cao trọng khôn ví (vì hài nhi ấy chính là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật); tất cả đã nói lên sự giao hoà tuyệt đỉnh giữa trời và đất. Và phải chăng, thông qua sự giao hoà ấy, Thiên Chúa muốn cho loài người hiểu rằng Thiên Chúa là Tình Yêu, là sự Hiệp thông, là Hoà giải và Cứu độ. Người đã sai Con Một xuống thế để hoà giải loài người với Thiên Chúa và giữa loài người với nhau ("Thật vậy, trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa" – 2Cr 5, 19). Sự hoà giải ấy chính là món quà bình an vô giá cuả Thiên Chúa ban tặng loài người: Đức Vua Tình Yêu Giê-su Ki-tô. “Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta…. Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” (Ep 2, 14-18) ; “Vì Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).

Trong khi đó, loài người đã đón tiếp vị Sứ Giả Hoà Bình – Đấng Cứu Tinh không lẽ chỉ có mấy con người nhỏ bé nơi hang bò lừa ấy thôi sao? Không, còn nữa, còn nhiều, nhưng nổi bật nhất là 4 nhân vật không thuộc giai cấp thấp hèn mà ở địa vị cao sang vương giả. Đó chính là 3 vị đạo sĩ phương Đông (quen gọi là ba vua) và vua Hê-rô-đê trị vì tiểu vương quốc mà trong đó có Bê-lem, nơi có sự kiện lạ lùng xảy ra. Ba vị đạo sĩ nhờ được mạc khải, biết được thời Cứu Độ, vị Cứu Tinh đã tới, và họ tìm đến để triều bái Người. Riêng nhân vật thứ tư là Hê-rô-đê cũng biết được nhờ ba vị đạo sĩ mách bảo và đón tiếp vị Cứu Tinh nhân loại bằng cách lùng giết hàng loạt hài nhi (“Ông đã sai quân tru diệt hết các trẻ con tại Bê-em và toàn vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian ông đã hỏi kỹ nơi các đạo sĩ” – Mt 2, 16)! Với quyền năng của Thiên Chúa thì sá gì một Hê-rô-đê, mà dù cho có đến cả triệu triệu Hê-rô-đê đi chăng nữa cũng chỉ là số không. Nhưng với thân phận con người mà Ngôi Hai Thiên Chúa đã mặc lấy, thì chỉ cần một Hê-rô-đê thôi cũng đã khiến hàng loạt hài nhi bị giết, và Hài Nhi Giê-su phải trốn sang Ai Cập. Thế đấy!

Loài người cách đây 20 thế kỷ đã đón tiếp vị Sứ giả Hoà Bình, đã đón nhận sự hoà giải như vậy đó. Chắc có lẽ ai cũng nghĩ rằng ở thời đại thượng cổ mới xảy ra như vậy, còn ngày nay trong một xã hội văn minh tiến bộ, thì làm gì có những chuyện đó. Bằng chứng là Lễ Giáng Sinh đã trở nên lễ chung của thế giới không phân biệt tôn giáo, và năm nào cũng vậy, dân chúng nô nức đón mừng Chúa Giáng Sinh bằng những Hang Đá hoành tráng, đèn sao rực rỡ, lễ hội tưng bừng, tiệc tùng linh đình…. Quả nhiên là thế, nhưng bên cạnh, đằng sau cái hào nhoáng ấy là gì? Cũng hàng loạt sinh mạng chết từ trong trứng nước (nạo phá thai, huỷ diệt trứng, tinh trùng), rồi cũng hàng loạt sinh mạng trưởng thành thuộc đủ mọi giai cấp, nhưng đa số vẫn là thường dân thuộc giai cấp thấp cổ bé miệng, chết vì chiến tranh, vì khủng bố. Loài người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Người, vậy những sinh mạng mang hình ảnh Thiên Chúa ấy bị giết hại, thì loài người hôm nay cũng chẳng kém gì Hê-rô-đê thủa xưa lùng giết Đức Giê-su Thiên Chúa vậy.

Hoá cho nên, hơn lúc nào hết, thế giới ngày nay vẫn rất cần lời chúc bình an đêm Giáng Sinh. Lời chúc bình an kèm theo món quà vô giá của Thiên Chúa vẫn luôn luôn và mãi mãi đến với nhân loại, Người "sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ." (Ga 3, 17). Duy chỉ có điều loài người có thực tâm đón nhận hay không mà thôi. Chúa đã đến, đang đến và sẽ đến, loài người đã đón chào món quà vô giá ấy bằng một hung thần Hê-rô-đê cách đây hơn 2000 năm, và liên tiếp trong 20 thế kỷ, còn biết bao nhiêu Hê-rô-đê khác nữa. Đến chừng nào, nhân loại mới tỉnh thức và sống với nhau bằng một ĐÊM AN BÌNH vĩnh cửu?

Riêng với Ki-tô hữu, để đón mừng lễ Giáng Sinh, hầu trông đợi ngày Con Người quang lâm lần thứ hai, không chỉ là bằng những món quà Noel kếch sù hay những hang đá Bê-lem hoành tráng, đèn sao rực rỡ; mà phải là "Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc" (Lc 21, 28). Muốn đứng thẳng và ngẩng đầu lên đón Chúa, cần phải biết mạnh dạn nhìn thẳng vào lòng mình, lấp cho đầy những thung lũng tị hiềm, bạt cho thấp mọi núi đồi kiêu căng, uốn cho ngay khúc quanh co hiểm ác, san cho phẳng những lồi lõm bất minh; tắt một lời, hãy sửa lối đi tâm hồn cho ngay thẳng, công chính. "Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang." (Tt 2, 11-13).

Ôi! Lạy Chúa! Năm xưa, Chúa đã chúc lành bình an cho nhân loại bằng cách chọn cái máng cỏ thấp hèn mà đến với loài người tội lỗi, để giải thoát, để cứu độ chúng con. Cái máng cỏ tâm hồn của chúng con đón Chúa hôm nay sao thấy vẫn còn quá nhiều cỏ lùng (chứa đầy những tị hiềm, đố kỵ, gian ác, khủng bố, chiến tranh...); như vậy thì làm sao con có thể ngẩng đầu lên cho được? Tuy nhiên, con vẫn vững tin rằng Chúa vẫn sẵn sàng đến với con, ngoại trừ trường hợp con cứ nhất định khép chặt cửa lòng, không chịu mở ra với Chúa. Ôi! Lạy Chúa! Cúi xin Chúa ban Thần Khí cho con có đủ sáng suốt và dũng khí dọn dẹp, sửa sang con đường tâm linh của con cho nên ngay thẳng, công chính, để con được xứng đáng với vai trò là cái máng cỏ mọn hèn đón Chúa. Ôi! Lạy Chúa Hài Đồng! Xin hãy đến cứu vớt chúng con, “Xin giải thoát chúng con xa điều bất hoà chia rẽ, xin kết liên muôn người trong tình mến Chúa Cha muôn đời” (“Bài ca hiệp nhất” – TCCĐ).

Trang Độc Giả

Trang Nhà