Trang Độc Giả


 

CHA FA.M.TRƯƠNG NGỌC ĐIỆP (CMC)

LINH MỤC TRUNG GIAN ,
MỤC TỬ  -  SỐNG TIN YÊU
  (Mc 7, 24-30)

Thứ Năm Tuần V Thường Niên 08-02-2018

Cầu nguyện cho công tác Mục vụ của Giáo phận trong năm 2018.

 

  Tin yêu, gặp gian nan thử thách vẫn kiên trì, "lì lợm" tin yêu.

- Hiệu quả tốt đẹp như lòng đã tin yêu.

 

Kính thưa cộng đoàn!

 

Bài Tin Mừng thuật lại, có người đàn bà Hy Lạp, quê ở Phê­nixi, bà thuộc về dân ngoại, loại người bị người Do thái khinh khi. Bà tin Chúa Giêsu. Bà đến phục lạy Chúa Giêsu và xin Người trừ quỷ ra khỏi con bà. Bà thật là “lì lợm”: ngay cả những lời thử thách đầy vẻ miệt thị nhất “Không nên lấy bánh mà vất cho chó” cũng không làm bà nản lòng. Bà vẫn tin và tha thiết cầu xin: “Nhưng con chó ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con”. Tình yêu của bà đối với người con đã giúp bà có sức mạnh: sẵn sàng chịu đựng mọi đau khổ, thử thách, miễn sao đem lại điều tốt đẹp cho người con mà bà yêu quí.

Chúa đã chấp nhận lời cầu xin, vì cảm kích tấm lòng tin yêu của bà, nên Chúa nói: "Vì lời bà nói đó, bà hãy về; quỷ đã ra khỏi con gái bà rồi"Với lòng tin mãnh liệt và tình yêu nồng nàn, bà đã trung chuyển điều tốt đẹp của Chúa cho người con thân yêu của bà; Và chắc chắn người con của bà  cũng sẽ tin yêu Chúa như bà.

 Hình ảnh người mẹ tin yêu trong Tin mừng  đã nhắc cho chúng ta Ơn gọi của linh mục : linh mục là trung gian giữa Thiên Chúa và con người, là Mục tử chăm sóc Dân Chúa. Để chu toàn sứ mạng trung gian , mục tử,  linh mục phải sống tin yêu : Tin yêu , gặp gian nan thử thách vẫn kiên trì, "lì lợm" tin yêu. Hiệu quả tốt đẹp như lòng đã tin yêu.

 

Thưa cộng đoàn,

 

1. Linh mục trung gian : Tin Thiên Chúa vững vàng và yêu con người nồng nàn.

Thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã chọn Mô-sê làm người trung gian . Mô-sê đối diện với Thiên Chúa : đã gặp gỡ, đã chuyện trò thân mật, đã lãnh nhận thánh ý, đã chuyển cầu cho dân trong hoang mạc. Nhưng Mô-sê luôn là người của dân, đồng hành với dân, luôn đứng về phía dân, can thiệp cho dân. Hai chiều kích cuộc đời của Mô-sê Cựu ước đó đã hiện thực sống động nơi một con người trong số đoàn dân, hậu duệ của ông : Giê-su Na-da-rét, Người mà lịch sử dân Chúa xưng tụng là Đấng Trung Gian duy nhất, như trong thư Thánh Phaolô gởi cho Timôthêô: "chỉ có Thiên Chúa, chỉ có đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là Con Một Người, Đức Kitô Giêsu, đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người" (1Tm 2, 5-6). Rồi chính Chúa Giêsu đã tuyển chọn những người được thông phần chức Trung gian duy nhất này. Nên từ ngày thụ phong, linh mục được thông phần chức trung gian duy nhất của Đức Giêsu Kitô, được thông phần cả chức cả quyền.

 

Linh mục như cái cầu nối liên hai bờ bến xa cách, như người lái đò đưa khách sang sông, bởi là trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Vì vậy, một bên linh mục phải có niềm tin mãnh liệt : gặp gỡ, liên kết bằng mối thâm tình bất diệt sâu xa với Chúa. Còn một bên linh mục phải yêu thương mọi người : liên đới , đồng hành , gắn bó với con người. Có thể nói, tội lớn nhất của linh mục là rời bỏ một trong hai bến bờ ấy. Hoặc đã ỷ lại sức mình, thiếu tin tưởng nơi Thiên Chúa; hoặc đã thờ ơ lãnh nhạt, bỏ rơi, chống lại anh em. Có thể linh mục đã trót sa ngã, đã trót vấp phạm, những đó không phải là tội lớn nhất, bởi vì Thiên Chúa không chọn các Thiên Thần nhưng đã chọn những con người tầm thường và yếu đuối làm linh mục của Ngài: "Chúa chọn con như sét chọn cây tầm thường".

2. Linh mục trung gian gặp những thử thách và đau khổ vẫn kiên trì "lì lợm" tin yêu.

Lãnh nhận chức linh mục cao quý để trở thành trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Qua thừa tác vụ Bí Tích, linh mục thay mặt Chúa trao ban ân sủng, sự hòa giải, chữa lành và giảng dạy. Trong khi thân xác con người linh mục lại mỏng manh như chiếc bình sành và mang nặng sự yếu đuối của thân tâm (2Cor 4,7) . Đó là đau khổ thập giá.

* Đau khổ vì thân phận yếu hèn, mỏng manh của mình.

Gần đây, có lần con gặp bác sĩ quê ở Vĩnh Long, xưa kia Bác sĩ đã tự bào chế thuốc chữa bệnh cho Đức Cha. Bác sĩ ấy kể rằng : "Có cha vừa gặp con, xin con bào chế thuốc gì đó để có thể chữa cho cha ấy bệnh "nóng tính". Chắc chắc sau những lần bộc trực nóng nảy với giáo dân, linh mục ấy cũng đau khổ về sự thiếu sót của mình, vẫn cố gắng hoàn thiện và xin Chúa thương xót cứu chữa .

Nhận thức được sự mong manh của bản thân,  Linh mục Michel Quost đã cầu nguyện:

Lạy Chúa, người đi lễ đã về hết. Con lặng lẽ có một mình.

Sức im lặng và cô quạnh đè nặng trên con.

Năm nay con được 34 tuổi, con có thân xác,con có đôi bàn tay gân guốc, con có trái tim, con có tình yêu. Con dâng cho Chúa tất cả. Dâng như vậy thì thật đau khổ. . . . .

Thật đau khổ, khi con phải yêu tất cả mọi người, mà không được giữ riêng một người nào.

Thật đau khổ, khi con bắt lấy một bàn tay, mà con không được giữ luôn.

Thật đau khổ, khi con không được sống cho mình một chút nào, mà phải hoàn toàn sống cho kẻ khác.

Thật đau khổ, khi con phải sống như kẻ khác, giữa kẻ khác, mà con không phải là người như họ.

Thật đau khổ, khi con ra tay nâng đỡ những người yếu đuối, mà con thì không bao giờ nương tựa được vào một kẻ mạnh nào . . . . .

Lạy Chúa, lúc này trái tim con đang đau khổ và cô quạnh . . . .

Con xin nói lại với Chúa là con xin hy sinh luôn cho Chúa. 

* Đau khổ vì sự hiểu lầm của bề trên và anh em. Đau khổ vì tình đời bạc bẽo như vôi.

Linh mục như người lái đò đưa khách sang sông, nhưng khách thì  lạnh lùng, bạc bẻo.

"Khách qua đò, ngày xưa hờ hững quá. Trả công ông, để lại một vài xu.

Họ với ông, hai cảnh đời xa lạ. Sang sông rồi, không một tiếng phân ưu." (Ông lái đò)

Tuy nhiên, có mưa dầm nắng gắt,có mồ hôi nhễ nhãi và cũng có cô đơn buốt giá. Điều quan trọng, ông lái đò vẫn đợi chờ khách, vẫn nhịp nhàng đôi mái chèo đưa đón khách sang sông, và người lái đò mỉm cười nhìn ngắm anh em bước lên bến bờ bình an.

Trong sách Đường Hy Vọng gợi lên tấm gương :"Mỗi khi có ai tỏ ý lo sợ Ngài đau khổ, nhọc mệt, Đức Phaolô VI luôn luôn trả lời: "Vì Hội Thánh! Vì Hội Thánh!" Con hãy sống và trả lời như vậy." 

Tin yêu đón nhận thử thách và đau khổ là đang vác thập giá theo Thầy Giêsu, trở  nên  đồng hình đồng dạng với Thầy Giêsu Nhờ ơn Chúa giúp, như Thánh Phaolô đã xác tín : "Ơn Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối" (2Cor 12,7-10), mọi điều tốt đẹp sẽ tuồn trào từ Thiên Chúa.

Thưa cộng đoàn,

Trong dịp thường huấn với các Linh mục, tu sĩ tại Bangladesh ngày 2/12/2017  Đức Thánh Cha Phanxicô nói : "Cha thích nhìn vào mắt các Lm, tu sĩ lớn tuổi, những người đã suốt đời phục vụ trong niềm vui, để khám phá ra những cốt lõi của ơn gọi thánh hiến.”

Ơn gọi thánh hiến của Linh mục được đan dệt bằng 2 chất liệu quí giá : niềm tin vững vàng vào Thiên Chúa và tấm lòng dạt dào yêu thương con người. Điều tốt đẹp sẽ thành tựu cho con người là bình an, niềm vui , hạnh phúc trong  nguồn yêu thương của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho niềm tin chính Chúa gieo vào tâm trí con được ngày thêm vững vàng, hầu ngọn lửa yêu mến do ân sủng Chúa đốt lên không hề bị đau khổ, thử thách nào dập tắt.

Nguyện xin Chúa chúc phúc cho linh mục trung gian, mục tử  của Chúa được mạnh khỏe, an vui và luôn toả sáng tin yêu như bông hoa tỏa hương thơm ngát.

Hoa thơm, thơm lạ thơm lùng

Thơm cây, thơm rễ, người trồng cũng thơm.    Amen.